Thừa cục bộ giáo viên dạy chương trình lớp 10 mới
Sau khi học sinh chọn xong tổ hợp môn lớp 10, xuất hiện tình trạng thừa giáo viên tại một số bộ môn.
Hiện các trường đang tìm cách bố trí, sắp xếp đội ngũ này sao cho phù hợp.
Năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông 2018 lần đầu tiên được triển khai tại bậc THPT với lớp 10.
Theo đó, chương trình cấp THPT (giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp) có tám môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Số môn lựa chọn là chín môn gồm địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật. Học sinh (HS) sẽ được chọn bốn môn lựa chọn bất kỳ trong chín môn để học…
Phụ huynh Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1 được nhà trường tư vấn chọn lựa tổ hợp môn lớp 10. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Đa số thiên về tự nhiên
Đến thời điểm này, theo ghi nhận của PV, hầu hết các trường tại TP.HCM đã hoàn tất việc chọn lựa tổ hợp môn lớp 10 và hoàn chỉnh xếp lớp.
Video đang HOT
Ông Võ Nu, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn, cho biết năm học 2022-2023, toàn trường có 14 lớp 10 với 617 HS. Số lượng đăng ký nguyện vọng 1 lớp tự nhiên là 541 HS (87,7%). Trong đó, số chọn đủ ba môn lý, hóa, sinh là 395 HS (73%). Trong bốn môn giáo dục thể chất, các em chọn nhiều nhất là môn cầu lông với 339 HS (54,9%).
Tại Trường THPT Ten Lơ Man, quận 1, bà Trần Thị Thơm, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho hay để tránh tình trạng HS thay đổi môn học sau khi đã chọn, trường tổ chức tư vấn rất kỹ. Ngoài việc tư vấn giữa sân trường, theo nhóm riêng, trường còn giải đáp thắc mắc của phụ huynh qua điện thoại. Không chỉ chọn tổ hợp môn, HS còn được chọn chuyên đề học tập. Ví dụ, trong cụm tự nhiên HS có thể chọn chuyên đề học toán, lý, hóa hay toán, hóa, sinh; đối với cụm xã hội, có hai chuyên đề học tập để chọn là văn, sử, địa hay sử, địa, giáo dục công dân. “Điều này khiến trường vất vả hơn nhưng bù lại phân hóa khá rõ và định hướng nghề nghiệp rất tốt” – bà Thơm nói thêm.
Sau khi HS chọn xong tổ hợp môn lớp 10, Trường THPT Ten Lơ Man có 12 lớp, trong đó có tám lớp tự nhiên và bốn lớp xã hội. Trong cụm tự nhiên, trường chia ra tự nhiên 1 (học chuyên đề nâng cao toán, lý, hóa), tự nhiên 2 (toán, hóa, sinh). Tuy nhiên, đa phần HS chọn toán, lý, hóa. Đối với bốn lớp xã hội, trường cũng phân nhóm địa, giáo dục công dân, lý, tin và địa, giáo dục công dân, công nghệ trồng trọt, sinh học.
Còn theo bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, năm học 2022-2023, trường có 17 lớp 10. Đa phần HS đều chọn lựa tổ hợp môn thiên về tự nhiên.
Tương tự, theo thống kê từ Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4, sau khi sắp xếp theo các nguyện vọng 1, 2, 3 của HS, chủ yếu các em chọn nhiều nhất là khối tự nhiên với các môn toán, lý, hóa. Một số môn ít em chọn là sinh học và công nghệ.
Qua thống kê tại trường, các môn địa, giáo dục kinh tế pháp luật và
công nghệ rất ít HS chọn lựa.
Linh động sắp xếp giáo viên
Khi thực hiện chương trình lớp 10 mới, một vấn đề đã được các trường dự báo trước là tình trạng thừa giáo viên (GV) tại một số môn không được nhiều HS chọn lựa. Để giải quyết tình trạng này, các trường đang tìm cách bố trí, sắp xếp công việc cho đội ngũ trên.
Bà Dung cho biết qua thống kê tại trường các môn địa, giáo dục kinh tế pháp luật và công nghệ rất ít HS chọn lựa. Vì thế, GV phụ trách các bộ môn này sẽ được trường phân công làm những công việc khác phù hợp với năng lực. “Trường có môn kỹ năng sống, do đó các GV trên sẽ được bố trí dạy. Ban đầu họ có thể ngại nhưng với sự hướng dẫn của trường, tôi tin họ sẽ làm được, bởi chỉ cần công việc hứng thú và được trao cơ hội thì chắc chắn GV sẽ làm tốt công việc” – bà Dung nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Thơm cho biết những bộ môn HS chọn ít, GV giảng dạy bộ môn đó sẽ được phân công vào dạy môn trải nghiệm hướng nghiệp và giáo dục địa phương.
Còn ông Nu cho rằng vấn đề này không đáng lo ngại. Bởi hiện nay chương trình mới chỉ áp dụng ở lớp 10, trong khi lớp 11, 12 vẫn thực hiện theo chương trình cũ do đó cũng chưa có thay đổi, thầy cô các bộ môn đó vẫn dạy lớp 11, 12. Vì thế, GV cũng không có xáo trộn nhiều.
Mặt khác, trường sẽ phân công GV đó dạy trải nghiệm hướng nghiệp và hoạt động giáo dục địa phương.
Hiệu trưởng một trường tư chia sẻ khảo sát tại trường có một số môn thiên về xã hội rất ít HS chọn lựa, trong khi đó trước nay những môn này hầu như đều được giảng dạy ở tất cả lớp trong chương trình cũ. Trường sẽ tính toán cho các GV kiêm nhiệm thêm một số nhiệm vụ khác để tránh ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống.
Học sinh các cấp, trừ mầm non tựu trường ngày 22-8
UBND TP.HCM vừa có quyết định ban hành kế hoạch thời gian năm học 2022-2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, tất cả bậc học đồng loạt khai giảng vào ngày 5-9.
Đối với bậc mầm non, HS tựu trường từ ngày 31-8. Học kỳ 1 sẽ diễn ra từ ngày 5-9 đến 14-1-2023. Học kỳ 2 từ ngày 16-1-2023 đến 20-5-2023. Ngày bế giảng năm học diễn ra từ ngày 22 đến 26-5-2023.
Bậc tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên (bổ túc THCS và THPT) sẽ tựu trường vào ngày 22-8. Học kỳ 1 diễn ra từ ngày 5-9 đến 14-1-2023. Học kỳ 2 từ ngày 16-1-2023 đến 20-5-2023. Ngày bế giảng năm học diễn ra từ ngày 22 đến 26-5-2023.
Địa phương đầu tiên quản lý trường học qua trung tâm điều hành giáo dục thông minh
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội vừa thành lập Trung tâm điều hành thông minh phục vụ công tác quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn thành phố với quy mô gần 3.000 trường học.
Đây cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai mô hình trung tâm điều hành giáo dục thông minh này. Việc thành lập và đưa vào vận hành trung tâm điều hành thông minh sẽ giúp ngành giáo dục đào tạo Hà Nội tích hợp hệ thống hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành; quản lý, tổ chức các cuộc họp trực tuyến; cập nhật thông tin mới nhất về lĩnh vực giáo dục, đào tạo trên Cổng thông tin điện tử...
Trung tâm cũng sẽ quản lý được 100% các cơ sở giáo dục, đẩy mạnh sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, tăng cường trao đổi thông tin giữa phụ huynh và nhà trường.
Năm học vừa qua ngành GD đạt nhiều kết quả, điều trăn trở nhất vẫn là đội ngũ GV Mạng lưới trường lớp, điều kiện CSVC, thiết bị dạy học đã được tăng cường đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục. Sáng nay 12/8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023....