Thư viện tư nhân:Số lượng chưa song hành với chất lượng
Trong quá trình phát triển văn hóa đọc, ngoài các sự kiện về hội sách, ngày sách hoặc các sự kiện liên quan đến sách… thì hệ thống thư viện, tủ sách cá nhân đóng góp một phần không nhỏ. Tuy nhiên bên cạnh sự gia tăng về số lượng thì chất lượng và hướng phát triển của nhiều thư viện tư nhân vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Đọc sách tại thư viện tư nhân tại xã Dương Liễu (Hà Nội).
Tín hiệu khởi sắc
Mới đây, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị tổng kết “Hoạt động thư viện tư nhân có phục cộng đồng” nhằm tìm hướng nâng cao văn hóa học.
Theo số liệu báo cáo của các địa phương, hiện nay trên cả nước có 102 thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng. Trong đó, có 71 thư viện tư nhân hoạt động như thư viện công cộng, 13 thư viện tư nhân chuyên ngành, 18 thư viện thư nhân với hình thức của các thư viện do gia đình, dòng họ. Tính đến thời điểm hiện tại, số người sử dụng thường xuyên tại thư viên tư nhân lên tới hơn 500 nghìn người. Hàng năm, thư viện tư nhân nhận luân chuyển sách báo từ thư viện công cộng là hơn 26 nghìn bản.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà- Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết, thư viện cơ sở đã trở thành quen thuộc với người dân tại nhiều địa phương, góp phần không nhỏ vào việc triển khai thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo. Tại một số thư viện tư nhân và thư viện cơ sở, các thư viện không chỉ đơn thuần phục vụ đọc sách báo mà còn trang bị cho người đọc, đặc biệt là các em học sinh kỹ năng sống, ý thức bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh, thân ái, biết yêu thương chia sẻ. Nhiều thư viện cơ sở đã trở thành “cánh tay nối dài” của chính quyền xã, phổ biến kịp thời đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân… Phương thức hoạt động của thư viện tư nhân và thư viện cơ sở không ngừng được đổi mới. Số lượng thư viện có áp dụng công nghệ thông tin đã lên tới 0.026%, người dân đã có điều kiện tiếp cận với máy tính và internet tại thư viện; gần 20% số thư viện xã được trang bị máy tính. Tỷ lệ này tuy chưa cao nhưng cũng là bước phát triển vượt bậc so với trước năm 2009.
Tháo gỡ để phát triển
Video đang HOT
Thế nhưng, đồng hành với sự gia tăng về số lượng có một nghịch lý là phần lớn các thư viện tư nhân và không gian đọc đều hoạt động không đăng ký, xin phép vì nhiều lý do. Cùng với đó, do thiếu kinh phí, nguồn vốn bổ sung sách nên nhiều thư viện hoạt động thiếu hiệu quả, manh mún. Đơn cử như thư viện dòng họ Nguyễn Bá ở Cổ Đô (Ba Vì, Hà Nội) có gần 1000 đầu sách. Nguồn sách của thư viện chủ yếu là do con cháu trong dòng họ đóng góp và do Thư viện Ba Vì hỗ trợ luân chuyển định kỳ.
Thế nhưng, chính ông Nguyễn Đình Chiến- người trông coi thư viện, cũng thừa nhận: “Thư viện hoạt động ngay tại địa điểm nhà thờ họ nên khá rộng rãi, phù hợp cho việc giáo dục truyền thống hiếu học của dòng họ. Thế nhưng, do dòng họ còn nghèo nên kinh phí đóng góp cho việc bổ sung sách báo hạn hẹp. Chúng tôi mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ thường xuyên cho các thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng như dành một khoản kinh phí cố định hàng năm để bổ sung sách”.
Ngoài ra, có một nghịch lý khác là nhiều thư viện tư nhân có vốn tài liệu rất quý, đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ của các đơn vị trong và ngoài địa phương, hoạt động hiệu quả và có hiệu ứng mạnh, lan tỏa trong cộng đồng nhưng lại không duy trì được lâu vì không có người kế cận. Vì thế, khi chủ nhân thư viện ốm, tuổi cao thì thư viện phải đóng cửa.
Có thể nói, nguyên nhân chính dẫn đến những hạn chế này là do sự đầu tư, hỗ trợ thư viện tư nhân và thư viện cơ sở hiện nay còn thấp so với yếu cầu thực tế. Nhận thức của các cấp chính quyền tại các địa phương về thư viện còn chưa đúng mức. Thêm vào đó, năng lực, tính chuyên nghiệp và tâm huyết của nhân viên thư viện tư nhân còn hạn chế. Nguyên nhân là chế độ đãi ngộ dành cho người làm công tác thư viện ở cơ sở còn nhiều bất cập. Một số địa phương còn chưa tạo điều kiện cho thư viện tư nhân làm thủ tục đăng ký và triển khai các hoạt động phục vụ.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thạch- người sáng lập chương trình Sách hóa Nông thôn Việt Nam cho rằng, thực trạng ít đọc sách của phần lớn người Việt là hậu quả tất yếu của một tiến trình dài thiếu sách và khuyến đọc không được quan tâm đúng mức. Sự lãng phí ấy trong hàng chục năm qua là con số vô cùng lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình khai mở dân trí. Để giải quyết vấn đề này thì Tủ sách trong cộng đồng dân cư là một giải pháp”.
Cũng theo ông Thạch, Nhà nước cần nghiên cứu về cấu trúc cộng đồng tại các vùng miền để đưa ra khung chính sách hợp lý, vừa kích thích được các thành viên xã hội làm tủ sách, vừa dễ dàng hỗ trợ các hoạt động của các tủ sách trong các địa bàn dân cư. Cần áp dụng phương thức đơn giản nhưng hiệu quả. Qua thực tế quan sát hoạt động các Tủ sách dòng họ trong hơn 10 năm qua, số lượng bạn đọc chủ yếu là trẻ em. Nhưng mức độ quan tâm bổ sung sách của các thành viên dòng họ chưa nhiều. Số lượng người kiên trì quản lý tủ sách, phục vụ bạn đọc là rất hiếm. Những nơi có Tủ sách phụ huynh, Tủ sách lớp em thì Tủ sách dòng họ rất ít bạn đọc trong năm học, ngoại trừ trong mùa hè. Ngành giáo dục có hàng trăm nghìn thầy cô giáo ở nông thôn, Nhà nước cần khuyến khích thầy cô giáo làm tủ sách phục vụ học sinh…
Minh Quân
Theo daidoanket
Tạo thói quen đọc sách cho trẻ từ trường học
Theo cô Hoàng Thị Diễm Trang, giáo viên Trường THCS - THPT Đinh Thị Lý, quận 7, TPHCM muốn phát triển văn hóa đọc và hình thành lại thói quen đọc sách, cần chú ý đầu tư cho hệ thống thư viện, một hình ảnh không thể thiếu với một xã hội gắn liền với sự hiện đại và phát triển.
Việc đọc sách với trẻ nhỏ phải bắt đầu từ sự hứng thú . Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
"Chúng ta phải làm ngay thôi, không thể chậm trễ được nữa. Nếu chúng ta không hình thành thói quen đọc sách cho trẻ từ bây giờ thì sau này, khi các bé lớn lên khó mà tạo lập được thói quen này". Đó là chia sẻ của ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Trưởng văn phòng đại diện phía Nam, trong buổi tọa đàm "Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?" tổ chức nhân dịp Ngày Sách Việt Nam lần thứ 6.
Cần có tiết đọc sách
Ông Lê Hoàng nhận định: "Nhiều người Việt Nam không có thói quen đọc sách". Nhận định này không phải không có cơ sở. Bởi theo số liệu của Cục Xuất bản Việt Nam, trong 3 năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam xuất bản chưa tới 400 triệu bản sách, nhưng trong số đó đã có trên 300 triệu bản là sách giáo khoa, giáo trình phục vụ cho học tập. Như vậy, chỉ còn chừng 100 triệu bản sách chia trên 90 triệu dân. Việt Nam hoàn toàn không có tên trong danh sách 61 nước có số lượng người đọc sách cao trên thế giới, trong khi khối Đông Nam Á có 3 nước: Singapore đứng thứ 36, Malaysia đứng thứ 53 (12 đầu sách/người/năm) và Indonesia đứng thứ 60.
Ông Lê Hoàng lý giải: "Sở dĩ cộng đồng người Việt Nam không có thói quen đọc sách, bởi vì từ tấm bé rất nhiều trẻ em Việt Nam chưa được tạo điều kiện để có thói quen bổ ích này. Muốn phát triển văn hóa đọc phải đi vào cốt lõi của vấn đề, đó là làm sao tạo dựng được thói quen đọc sách cho trẻ từ tấm bé". Và giải pháp mà nhiều người đưa ra tại tọa đàm lần này chính là môi trường giáo dục, được xem là một trong hai môi trường quan trọng có tác động đến việc hình thành thói quen đọc sách của trẻ bên cạnh gia đình.
Không như các nước phát triển trên thế giới hay trong khu vực như Singapore, Malaysia..., các nước đều có tiết đọc sách, sách được bố trí trong khung giờ chính thức ở tất cả các trường. Tại Việt Nam, ngoài các trường có sự chủ động tự thân tổ chức tiết đọc sách như trên, đa số các trường tại TPHCM và cả nước không có tiết đọc sách.
Việc không có tiết đọc sách trong chương trình học phổ thông cũng có thể xem là nguyên nhân cản trở việc hình thành thói quen đọc sách của trẻ. Hầu hết các ý kiến đều thống nhất kiến nghị lên Chính phủ và Bộ GD-ĐT cần xây dựng chương trình học có tiết/giờ đọc sách chính thức áp dụng cho tất cả trường tiểu học phổ thông trên cả nước. Đặc biệt, không chờ đến lúc các em biết "đọc thông viết thạo" mà tiết đọc sách cần phải áp dụng ngay trong cấp học mầm non. Bởi theo thạc sĩ Lê Thị Liên (Công ty CP Giáo dục Thành Thành Công), nuôi dưỡng tình yêu sách của học sinh bậc mầm non là một hành trình ươm mầm hạnh phúc và giá trị cho cuộc sống. Thói quen đọc sách được hình thành từ khi còn bé sẽ là nền tảng vững chắc cho kỹ năng tìm kiếm thông tin của thời đại công nghệ số trong tương lai.
Tuy nhiên, Thạc sĩ Lê Thị Liên cũng lưu ý: "Việc đọc sách với trẻ nhỏ phải được bắt đầu từ sự hứng thú và tâm thế sẵn sàng, tự nguyện. Thể loại sách đa dạng, gần gũi với các dự án học tập, hình thức tổ chức đa dạng trong không gian mở hấp dẫn và thoải mái. Điều đó đòi hỏi giáo viên phải là một tấm gương về tinh thần ham đọc sách, là người truyền cảm hứng đến với trẻ và biến những cuốn sách thực sự trở thành người bạn của trẻ ở trường mầm non".
Nâng tầm thư viện
Một vấn đề nhận được sự quan tâm của đông đảo những người tham dự tọa đàm, chính là hoạt động thư viện. Bên cạnh số ít trường học sử dụng và phát huy thành công thư viện, trở thành "trái tim của trường học" thì cũng có không ít thư viện làm ra để cho có. Sau một thời gian mang sách về các trường học, cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền, Trưởng ban Dự án Sách hay dành cho học sinh tiểu học, chỉ ra một thực tế: Rất nhiều trường không có thư viện đúng nghĩa, mà chỉ là công trình phụ hay nhà kho để những thứ linh tinh. Những kệ sách thô sơ xiêu vẹo, những căn phòng ẩm mốc, cũ kỹ. Ở một số tỉnh, hầu như trường tiểu học không có sách, tạp chí, báo đúng chuẩn để học sinh đọc. Những kệ sách trống vắng chỉ có một số sách giáo khoa, sách tài liệu giảng dạy cho thầy cô. Có những trường cơ sở khang trang, phòng thư viện khá rộng nhưng nhìn vào "tài sản thư viện" mà đau lòng: một tập tạp chí cũ mèm rách nát, một tập những tờ báo các loại.
Cô Hoàng Thị Thu Hiền bày tỏ: "Có sách trong thư viện đã khó, làm sao cho học sinh say mê đọc sách lại càng khó hơn. Cần phải có những buổi giới thiệu sách công phu, nhưng nhân viên phụ trách thư viện không có nghiệp vụ. Xót xa không khi cả một huyện tới mấy chục trường tiểu học mà chỉ có một người được đào tạo bài bản, còn nữa là do giáo viên hoặc nhân viên kiêm nhiệm. Cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết (nhân viên thư viện), Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, quận 11, cho rằng, cần có một chế độ đãi ngộ tốt hơn cho người làm thư viện, vì lương quá thấp. Theo cô Hoàng Thị Thu Hiền, đại đa số người phụ trách thư viện hiện nay là nhân viên hợp đồng, lương đã thấp lại dễ bị hủy, có rất nhiều trường hợp làm cả chục năm vẫn chưa được vào biên chế (7 năm hợp đồng lương 2,8 triệu đồng/tháng có nghiệp vụ, không có nghiệp vụ 10 năm hợp đồng lương 1,5 triệu đồng/tháng).
Theo cô Hoàng Thị Diễm Trang, giáo viên Trường THCS - THPT Đinh Thị Lý, quận 7, TPHCM muốn phát triển văn hóa đọc và hình thành lại thói quen đọc sách, cần chú ý đầu tư cho hệ thống thư viện, một hình ảnh không thể thiếu với một xã hội gắn liền với sự hiện đại và phát triển. Cô Diễm Trang cho biết: "Hiện nay, việc đọc sách gần như tùy thuộc vào quan điểm và ngân quỹ của mỗi gia đình, chứ không phải từ việc cung cấp sách rất dễ dàng và thuận tiện, phong phú từ hệ thống thư viện trong nhà trường và đặc biệt tại các địa phương. Nếu chúng ta có thể khôi phục hình ảnh của các thư viện trước đây và nâng tầm với bộ mặt mới, phong phú hơn để việc sách xuất hiện và đến với mọi người không tùy thuộc vào khả năng tài chính của mỗi người, mỗi gia đình thì việc đọc sách cũng sẽ dễ dàng hình thành hơn cho con trẻ tại mỗi gia đình và mỗi trường học".
Chưa biết liệu tiết đọc sách có được đưa vào chương trình học hay không, cũng chưa biết có thể "cải tổ" được thư viện hay không; nhưng ít nhất những người tham dự tọa đàm hoàn toàn có thể hy vọng khi ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT-TT, cam kết sẽ kiến nghị lên UBND TPHCM và Sở GD-ĐT về vấn đề này.
HỒ SƠN
Theo SGGP
Thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng góp phần phát triển văn hóa đọc Hơn 10 năm qua, hoạt động thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng đã phát triển về nhiều mặt, đóng góp không nhỏ vào việc phát triển văn hóa đọc, tạo không gian giúp cho người dân học tập suốt đời. Đông đảo bạn đọc đến thư viện cộng đồng thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN) Ngày 30/5,...