Thư viện thân thiện đón năm học mới
Đầu năm học mới 2019-2020, toàn tỉnh có 13 trường tiểu học đưa vào sử dụng mô hình thư viện thân thiện do Tổ chức Room to Read (Hoa Kỳ) hỗ trợ triển khai.
Mô hình thư viện này được kỳ vọng sẽ thổi một luồng cảm hứng mới, giúp học sinh đam mê đọc sách hơn.
Giáo viên Trường tiểu học Long Khánh, Phường Xuân Hòa (TP.Long Khánh) mã hóa sách vào phần mềm thư viện
Những ngày đầu tháng 8, cô Nguyễn Thị Thanh Xuân, nhân viên thư viện Trường tiểu học Long Khánh (phường Xuân Hòa, TP.Long Khánh) cùng một số giáo viên của trường tất bật với những công việc cuối cùng để kịp vận hành mô hình thư viện thân thiện. Cô Xuân vui vẻ cho hay: “Học sinh đến ngày tựu trường hẳn sẽ rất bất ngờ vì không gian thư viện cũ nay đã được khoác một tấm áo mới đẹp và thân thiện hơn”.
* Thay áo mới cho thư viện
Thư viện thân thiện của Trường tiểu học Long Khánh được trang bị trên 1 ngàn đầu sách, bàn ghế và thảm nhựa phục vụ học sinh ngồi đọc sách, các tiết đọc và thảo luận về sách ngay tại thư viện. Các đầu sách trước khi được đặt lên kệ được mã hóa bằng phần mềm, màu sắc khác nhau. Mỗi kệ sách được sắp xếp trong thư viện lại phù hợp với một độ tuổi, trình độ học vấn của học sinh và khả năng cảm thụ. Thậm chí bàn ghế dành cho học sinh ngồi đọc sách cũng được chú ý để các em có được cảm giác thoải mái khi ngồi đọc sách.
Video đang HOT
Đồng Nai là một trong số 10 tỉnh, thành trên cả nước được Tổ chức Room to Read và Bộ GD-ĐT hỗ trợ triển khai mô hình thư viện thân thiện. Mô hình này hiện được áp dụng ở nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến, do đó đã phát huy được kỹ năng đọc và thói quen đọc sách của học sinh.
Còn thư viện cũ của Trường tiểu học Lam Sơn (xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc) rộng 50m2 với những bức tường cũ, tủ sách cũ, bàn ghế nay đã “biến” thành một thư viện hoàn toàn mới chỉ sau hơn 1 tháng triển khai sửa chữa, thiết kế. Những bức tường cũ nay đã được sơn mới, vẽ lên những bức họa cỡ lớn. Những bộ bàn ghế mới được thiết kế với màu sắc bắt mắt, có những chiếc ghế còn được thầy cô sáng tạo làm ra từ những chiếc lốp xe ô tô cũ. Thư viện của trường còn được trang bị một màn hình tivi LCD 32 inch dùng phát phim tư liệu hay phim khoa học trong những buổi thảo luận tại thư viện.
Mô hình thư viện thân thiện của Trường tiểu học Phú Điền (xã Phú Điền, huyện Tân Phú) sau khi hoàn thành đã được cán bộ Sở GD-ĐT và Tổ chức Room to Read đánh giá khá tốt về quy mô và hình thức. Ngoài số đầu sách mới tăng lên gấp nhiều lần so với trước, đa dạng về nội dung thì thư viện còn được bày trí bắt mắt với những tấm bảng ghi thời khóa biểu mở cửa phục vụ, giới thiệu nội dung sách mới, theo dõi thời gian mượn và trả sách của từng khối lớp. Thư viện còn có một bảng dành cho học sinh chia sẻ cảm nghĩ của mình về những cuốn sách hay đã đọc.
* Ươm mầm văn hóa đọc
Theo chuyên gia của Tổ chức Room to Read, việc đọc sách giúp học sinh mở ra khả năng tự khám phá thế giới vô tận ẩn chứa trong những cuốn sách. Khi học sinh thường xuyên tìm đến thư viện sẽ giúp các em phát triển, tạo lập thói quen đọc, có nhiều cơ hội tham gia vào các hoạt động nhóm để cùng đọc và cùng chia sẻ, từ đó tự tin hơn.
Ông Nguyễn Khánh Hậu, chuyên viên phòng nghiệp vụ 1 Sở GD-ĐT cho biết, điểm khác biệt giữa mô hình thư viện các trường áp dụng từ trước đến nay với mô hình thư viện thân thiện đang được triển khai ở 13 trường trên địa bàn tỉnh không chỉ là không gian đọc sách mới lạ, số lượng đầu sách đa dạng mà còn ở tinh thần, thái độ của giáo viên và nhân viên thư viện trong việc hỗ trợ và đồng hành với học sinh trong quá trình xây dựng văn hóa đọc ngay từ lớp 1. Theo đó, giáo viên và nhân viên thư viện sẽ giúp học sinh tìm sách theo chủ đề phù hợp với trình độ đọc, đồng thời rèn luyện cho các em kỹ năng đọc tốt, đọc hay, đọc có cảm xúc và đúc kết được những nội dung mình đã đọc.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Đông (xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch) Nguyễn Thị Đỏ thì bày tỏ tâm đắc về mô hình thư viện thân thiện mà trường mới được hỗ trợ hoàn thành. Cô Nguyễn Thị Đỏ cho biết: “Mô hình thư viện thân thiện được xem là một sân chơi bổ ích trên nhiều phương diện, giúp cung cấp cả về kiến thức và nuôi dưỡng các em khôn lớn về tâm hồn”.
Đặng Công
Theo baodongnai
Thúc đẩy văn hóa đọc từ Luật
Không chỉ ở góc độ quản lý, Luật Thư viện ra đời phải góp phần tạo hành lang pháp lý để thư viện phát triển, thúc đẩy văn hóa đọc, giúp người dân nâng cao hưởng thụ về văn hóa.
Đó là ý kiến được nhiều người đưa ra trong các cuộc tham vấn về Dự án Luật Thư viện vừa liên tục được Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội tổ chức.
Thư viện Hà Nội. Ảnh minh họa
Thư viện - một thiết chế quan trọng
Dự án Luật Thư viện đã được Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp vừa qua, sau đó nhiều cuộc tham vấn ý kiến chuyên gia, bộ, ngành quanh các quy định cụ thể cũng được tổ chức. Trong đó, nhiều ý kiến đồng tình khẳng định, thư viện là một thiết chế cần thiết gắn liền với sự tiến bộ của xã hội. Việc ra đời của Pháp lệnh Thư viện vào năm 2000 đã tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống thư viện công lập ở nước ta phát triển vượt bậc, đến nay đã có hơn 17.000 thư viện lớn nhỏ, chưa kể các phòng đọc, tủ sách khác. Tuy nhiên, trước nhu cầu phát triển hiện nay, việc xây dựng Luật Thư viện để thay cho Pháp lệnh là việc hết sức cần thiết.
"5 năm trước, ngày 21/4 được Chính phủ quy định là ngày Sách Việt Nam. Việc đưa vào Dự Luật quy định "ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam" để chắc chắn thời gian dài tới, ngày này phải được duy trì, nhằm tạo một xã hội có thói quen, văn hóa đọc sách."
Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Hoàng Thị Hoa
Như Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình nhận định, một trong những phương thức thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người dân là qua hệ thống thư viện. Thư viện đóng vai trò phát triển văn hóa đọc, liên quan tới tư duy và văn hóa của cả dân tộc. Đặc biệt trong giai đoạn khoa học công nghệ đang phát triển, nếu không chú ý văn hóa đọc, sẽ ảnh hưởng tới cả thế hệ tương lai.
Thực tiễn cho thấy, dù hệ thống thư viện lớn nhưng số lượng thư viện nghèo về đầu sách vẫn khá nhiều. Cùng với đó, rất nhiều địa phương xây dựng thư viện rất đẹp, ở vị trí rất trang trọng nhưng đích đến của thư viện là người đọc lại chưa được quan tâm, khiến tư liệu, tài liệu chưa phát huy tác dụng. Do đó, Dự Luật không nên chỉ hướng tập trung vào quản lý, lấy thư viện làm trung tâm mà cần lấy người đọc là đối tượng phục vụ, là trung tâm cho hoạt động thư viện là ý kiến được nhiều người đưa ra.
Trong quá trình góp ý hoàn thiện Dự Luật, nhiều ý kiến cũng lưu ý thuật ngữ về thư viện số, thư viện trọng điểm, thư viện trung tâm... cũng cần được làm rõ và thống nhất. Theo Giám đốc Thư viện Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh Hoàng Tuyết Anh, xu hướng thư viện số, thậm chí thư viện ảo, thư viện thông minh có thể xuất hiện ngay sau khi ban hành luật. Do đó, kỳ vọng Dự Luật sẽ giải phóng cho công tác thư viện, để thư viện thực sự đóng góp vào sự phát triển của văn hóa, của xã hội.
Xếp hạng thư viện
Xếp hạng thư viện cũng là một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm trong Dự Luật này, đây là cơ sở để đầu tư phát triển thư viện. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, số thư viện có tư cách pháp nhân gồm: Thư viện Quốc gia, Thư viện tỉnh, TP, Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Nhưng đối với các loại hình thư viện công lập không có tư cách pháp nhân, lấy cơ sở nào để Nhà nước đầu tư? Nhiều ý kiến đồng tình, nếu xếp hạng mà không được đầu tư về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, các thư viện không có tư cách pháp nhân cũng không mặn mà tham gia. Mặt khác, nguồn nhân lực để tiến hành khảo sát đề nghị cấp có thẩm quyền xếp hạng không nhiều nên việc xếp hạng cho hàng nghìn thư viện trong cả nước sẽ rất khó khăn, dễ nảy sinh cơ chế xin - cho.
Trước việc rất nhiều nước đã ban hành Luật Thư viện với tinh thần chung là khẳng định vai trò của thư viện trong phát triển văn hóa, giáo dục, phát triển con người, một số ý kiến cũng đề nghị ban soạn thảo tiếp tục phân tích đánh giá để chỉ ra nguyên nhân vì sao thiết chế thư viện vẫn kém còn phát triển trong thời gian qua, từ đó đưa ra chính sách phát triển trong thời gian tới cho phù hợp. Đồng thời dự báo khả năng thu hút các nguồn đầu tư để phát triển thư viện tư nhân, phục vụ nhu cầu phát triển văn hóa, thông tin của xã hội của các vùng, địa bàn dân cư. Bên cạnh đó, cần xác định rõ cơ chế tài chính, mức độ tài chính, tự chủ tài chính, đào tạo nhân lực của các thư viện công lập khi mới ra đời để tránh tình trạng thiếu kinh phí hoạt động, lạc hậu về nguồn tài liệu.
Theo kinhtedothi
Thúc đẩy văn hóa đọc: Tuyên truyền đa dạng, nâng cao hành động Xác định công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng, thời gian qua, Thư viện tỉnh đã triển khai nhiều mô hình, đa dạng hóa các hoạt động nhằm đẩy mạnh truyền thông, khơi dậy đam mê đọc sách của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, xây...