Thư viện lạc hậu, sinh viên như ‘ếch ngồi đáy giếng’
Giảng viên từ chối thư viện vì ở đó không đáp ứng yêu cầu công việc nghiên cứu. Còn sinh viên thì không tiếp cận được kiến thức chuyên ngành cập nhật trên thế giới trong khi nhiều kiến thức trong giáo trình quá cũ.
Giảng viên không đến thư viện
“Thư viện ở Việt Nam tôi không bao giờ vào vì ở đó tôi không thể tìm thấy tài liệu mà mình cần” – chị Thanh Hải, Tiến sĩ 322 ở Pháp về ngành công nghệ hóa thực phẩm cho biết.
“Trong thư viện Việt Nam chủ yếu là một số giáo trình cơ bản cho các môn học. Các giáo trình này chỉ đáp ứng được yêu cầu học tập rất hạn chế của sinh viên…Các giảng viên như chúng tôi thường chẳng lên thư viện để làm gì cả” – Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, chuyên ngành Sinh học bảo vệ ở ĐH Lund, Thụy Điển nói vềthư viện ĐH nơi anh đang công tác.
Phần nhiều sinh viên tới thư viện để tìm tài liệu học tập, nghiên cứu. Sách dạy kỹ năng sống hay phương pháp học tập vừa ít, vừa không thu hút được sự quan tâm của sinh viên. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, HN mượn sách tham khảo tại thư viện của trường.
Nhiều giảng viên là tiến sĩ ở nước ngoài về đang công tác tại các trường ĐH lớn ở Hà Nội chia sẻ những điều tương tự. Họ cho biết, khi còn học ở các trường ĐH nước ngoài, thư viện là địa chỉ tốt nhất để tìm kiếm bất cứ tài liệu cần thiết nào trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam hoàn toàn ngược lại.
TS Nguyễn Đức Minh cho biết rõ hơn: “Chúng tôi cần chủ yếu là các bài báo khoa học – đây là các tài liệu cập nhật nhất trên thế giới. Hoặc thậm chí là các quyển sách vừa mới xuất bản. Đối với chúng tôi việc tìm kiếm các tài liệu này là rất quan trọng bởi vì chúng cho chúng tôi biết các thông tin về sự phát triển của khoa học trên thế giới, qua nó chúng tôi biết mình đang ở đâu và mình nên làm gì, mình nên dạy những điều gì, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu và học tập như thế nào. Tuy nhiên những thông tin này không có trong thư viện của Việt Nam. Thậm chí các bài báo bằng tiếng Việt của các tạp chí trong nước cũng rất khó kiếm ở trong thư việnĐH Việt”.
Trở về nước, nhờ có vốn ngoại ngữ tốt nên việc tìm đọc tài liệu mới nhất từ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên thế giới của các tiến sĩ không khó khăn. Hoặc các anh có thể nhờ đến các kênh khác chuyển tạp chí, sách báo từ nước ngoài về.
Trải qua môi trường học tập thế giới, anh Minh và nhiều tiến sĩ so sánh: “Các trường ĐH nước ngoài đóng vai trò là các trung tâm nghiên cứu và giảng dạy lớn. Trong khi đó các trường ĐH ở Việt Nam hiện nay chỉ đóng vai trò là giảng dạy. Chính bởi vậy sự đầu tư cho trang thiết bị và thư viện là khác hẳn nhau”.
Tìm kiếm các nguồn tài liệu mới nhất và đề tài nghiên cứu khoa học là công việc sống còn đối với các giảng viên ở ĐH nước ngoài và nếu không có đề tài, không tìm được nguồn kinh phí cho nghiên cứu khoa học, họ có thể bị mất việc.
Còn ở Việt Nam, có những giảng viên có thể không có đề tài nghiên cứu trong một vài năm vẫn không ảnh hưởng gì, họ vẫn đi làm và kiếm sống bình thường.
Chưa kể đến, không phải giảng viên nào cũng thành thạo ngoại ngữ, thậm chí là cử nhân mới tốt nghiệp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng định hướng chosinh viên tiếp cận kiến thức hiện đại.
Một vị Phó khoa thuộc Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội cho biết: “Nhu cầu sách chuyên ngành, nâng cao đa phần chúng tôi tự xoay xở, bỏ tiền mua những tài liệu có khi chỉ nước ngoài có, giá thành không hề rẻ. Thư viện nhà trường chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ đối với các giảng viên”.
Sinh viên chỉ biết một “khoảng trời con con”
Video đang HOT
Cùng với việc “câm và điếc”, thậm chí là “mù” về ngoại ngữ, việc “chung thân” với giáo trình tiếng Việt là điều tất yếu đối với một số lượng rất lớn sinh viên Việt Nam.
Chẳng hạn, gần đây, nhu cầu tư vấn tâm lý trong xã hôi tăng cao, đòi hỏi chuyên ngành tâm lý lâm sàng đáp ứng nhưng hầu hết những kiến thức sinh viên tâm lý được học vẫn là sản phẩm kế thừa từ những tài liệu dịch cũ của Nga cách đây hàng nửa thế kỷ. Trong khi đó, những kiến thức cần thiết cho một tư vấn viên có thể áp dụng trong thực tế hiện nay lại chủ yếu dựa trên tâm lý học hành vi của Mỹ hay phân tâm học, trường phái hiện sinh của Châu Âu.
Gần như những trung tâm thư viện của các ĐH không có bóng dáng của những giảng viên, cán bộ trong trường tới nghiên cứu tài liệu.
Và những tài liệu tiếng Việt mà sinh viên học bị chính giảng viên chê vì không tốt hoặc quá lạc hậu.
Theo Phương Nga, thạc sĩ ở Pháp về tâm lý học lâm sàng thì khi về nước, nguồn tài liệu chị dùng trong công việc và hợp tác nghiên cứu đều là tài liệu nước ngoài, trong đó chủ yếu từ Mỹ.
Anh Minh Hà, một tiến sĩ ở Bỉ về ngành Toán ứng dụng cho hay: “Sách tiếng Việt thì không dùng được cho những nghiên cứu vì chỉ đáp ứng được ở mức khái niệm hoặc kiến thức cơ bản, còn để đi làm thực sự trong những doanh nghiệp hoặc công ty nước ngoài thì phải học thêm từ sách tiếng Anh.”
Anh Hà còn cho biết thêm: “Sách tiếng Việt thì không thể đọc được, vì luôn tìm thấy một cuốn tiếng Anh nội dung tương tự nhưng đầy đủ và tốt hơn rất nhiều.”
Thử lướt qua các bài báo quốc tế của tác giả Việt Nam được chọn đăng, hầu như không có một sách tham khảo nào của tác giả Việt Nam.”
Vì vậy, theo nhiều giảng viên, không tiếp cận được với nguồn tài liệu nước ngoài là một thiệt thòi lớn của sinh viên Việt, khiến họ không định vị được những gì mình được học đang đứng ở đâu trong sự phát triển của chuyên ngành. Thậm chí, hầu hết sinh viên chưa bao giờ đặt ra câu hỏi đó vì thói quen giáo trình tức là kiến thức chuẩn, là bất biến, là đáp ứng các kỳ thi. Những tài liệu nước ngoài ít ỏi trong thư viện vì thế cũng đành chờ thời gian phủ bụi.
Đây cũng chính là lý do mà chị Thanh Hải, tiến sĩ 322 ở Pháp ngành hóa thực phẩm đã rời bỏ trường ĐH khi những nỗ lực của chị để hiện đại hóa thư viện, đổi mới cách học cho sinh viên không thực hiện được.
Chị Hải chia sẻ: “Sinh viên rất thiệt thòi vì không có ai hướng dẫn các em tiếp cận kho tàng kiến thức khổng lồ và cập nhật hàng ngày trên thế giới. Trong khi đó, không ít những điều các em học có từ 20-30 năm trước đã trở thành lạc hậu. Nếu giảng viên có tâm, họ sẽ giúp sinh viên mở ra kiến thức hiện đại nhưng nếu chỉ là những người dạy hết giáo trình thì sinh viên mãi chỉ là ếch ngồi đáy giếng.”
Một sinh viên năm 4, khoa Báo chí, HV Báo chí tuyên truyền chia sẻ: “Thực tế em chủ yếu lên thư viện để đọc báo. Nhưng số lượng báo cập nhật không được bao nhiêu nên thi thoảng mới lên. Sách giáo trình ai nhanh thì mượn được vì số lượng cũng có hạn. Sách tham khảo thì đâu có mấy và toàn sách kiểu “mọc râu” thôi”.
Một năm sinh viên này cho biết chỉ lên thư viện từ 2-3 lần để đọc báo. Một sinh viên khác cho biết: “Thấy một bạn lên thì lên theo phong trào, lên để thăm thư việnthôi chứ biết có thể làm gì. Mùa thi muốn lên thư viện để học nhưng trên này đông,sinh viên bàn bạc nhau, người nằm ngủ, người làm việc riêng mình cũng chủ động học ở nhà”.
Điều này còn đáng ngại hơn rất nhiều đối với ĐH ở các vùng xa trung tâm, điều kiện về giảng viên và thư viện còn muôn vàn hạn chế.
Theo Vietnamnet
Báo động Đại học Việt thiếu "linh hồn"
Kết quả khảo sát của Bộ GD-ĐT công bố cho thấy, thực tế nhiều trường ĐH, CĐ rất thiếu hoặc không có thư viện. Trong 196 trường ĐH, CĐ thuộc diện khảo sát, còn trên 20 trường "trắng" thư viện.
Nhiều đại học trắng thư viện
Một quan chức của Bộ GD-ĐT so sánh, nếu như các trường ĐH trên thế giới luôn coi thư viện là linh hồn, là trái tim của một trường ĐH thì ở Việt Nam lại ngược lại.
Từ khảo sát của Bộ cho thấy, trong số 87,8% trường ĐH, CĐ có thư viện truyền thống thì khối các trường trực thuộc Bộ có tỷ lệ đạt thấp nhất với 80,4%. Các trường trực thuộc các Bộ ngành khác là 92,9%. Các trường trực thuộc UBND tỉnh/ thành phố là 88,6%.
Theo đó, tỷ lệ trường thuộc Bộ GD-ĐT quản hiện chưa có thư viện chiếm gần 20%. Tỷ lệ trắng thư viện ở các trường trực thuộc các bộ ngành khác là 7% và trường thuộc tỉnh/thành phố chưa có thư viện là gần 12%...
"Nguồn tài liệu ít được cập nhật nên thư viện lạc hậu..." - Trưởng phòng Đỗ Thúy Hằng, HV Báo chí-TT cho hay (Ảnh: Văn Chung)
Với số liệu Bộ đưa ra chứng minh một điều: nhiều ĐH Việt mọc ra nhưng không có "linh hồn"? Mặc dù con số 196 trường Bộ sờ đến mới chiếm chưa được 50% số trường ĐH, CĐ hiện có - chưa kể chất lượng bên trong các thư viện truyền thống có đáp ứng nhu cầu ngành học?
Trong khi đó, Điều lệ trường ĐH quy định, điều kiện để mở ngành đào tạo trình độ ĐH là phải có thư viện đáp ứng yêu cầu của ngành đào tạo. Đồng thời, có đủ phòng học với các phương tiện, trang thiết bị cần thiết đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập....
Nhưng thực tế, trong tổng số 172 thư viện của 196 trường ĐH, CĐ được khảo sát chỉ có 38,9% thư viện đạt chuẩn thư viện hiện có của Việt Nam hoặc nước ngoài.
Bên cạnh thư viện truyền thống, số trường có thư viện điện tử chỉ có 39,7%. Có 77 thư viện điện tử trong tổng số 196 trường ĐH, CĐ được khảo sát. Con số này được Bộ GD-ĐT bình luận, quá ít. Điều đó thể hiện sự chậm trễ của các trường ĐH, CĐ trong việc khai thác các lợi thế của công nghệ thông tin.
Chất lượng đi xuống
Đại diện Trường ĐH Mỏ - địa chất thừa nhận, hiện số lượng các loại sách báo tiếng Việt, tiếng nước ngoài chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Mặt khác, do hạn hẹp về kinh phí nên nhiều loại sách tham khảo, tài liệu nghiên cứu còn thiếu không cập nhật.
Cùng với đó là cơ sở vật chất thư viện và hệ thống thông tin còn nghèo nàn, lạc hậu - đây chính là nguyên nhân cơ bản làm chất lượng phục vụ cho cán bộ, giáo viên, sinh viên nghiên cứu thấp không đáp ứng yêu cầu. Một số thư viện tại các khoa hầu như không hoạt động, thiếu sự liên kết với thư viện trường....
Còn lãnh đạo Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội cho biết, hiện thư viện của trường có khoảng 30.000 đầu sách khoa học kỹ thuật với 130.000 bản sách, trong đó có 20%-30% sách khoa học kỹ thuật bằng tiếng nước ngoài.
Tuy nhiên, là một trường ĐH trọng điểm nhưng đến nay nhà trường vẫn chưa có được thư viện điện tử phục vụ đào tạo và nghiên cứu. Định hướng đến năm 2015 trường đề nghị Bộ GD-ĐT đầu tư kinh phí để xây dựng một thư viện điện tử với quy mô 7 tầng, diện tích sàn khoảng 10.000 m2 .
ĐH Nông nghiệp Hà Nội đặt mục tiêu cải tạo thư viện có kết nối mạng với vốn vay từ World Bank thuộc dự án GD ĐH I là 500.000 USD đang là kế hoạch thì tương lai.
Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Kiều Thế Hưng nhìn nhận, những thành quả mà giáo dục ĐH Việt Nam đạt được trong thời gian qua rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, so với khu vực và thế giới giáo dục ĐH Việt Nam đang còn ở khoảng cách quá xa.
"Chuyện một trường ĐH lớn ở Việt Nam không đủ phòng học, phải đi thuê, sinh viên phải học nhiều ca, không đủ phòng học bộ môn, thiết bị vừa thiếu vừa quá lạc hậu, môi trường cảnh quan quá chật hẹp...là chuyện quá bình thường và phổ biến ở Việt Nam" - ông Kiều dẫn dụ.
Bất cập quy hoạch?
Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao TP.HCM tiền thân là Trường Sư phạm thể dục TW2 được thành lập tháng 3/1976. Quy mô đào tạo của trường hệ chính quy hiện có 1.500 sinh viên.
Mặc dù trong những năm gần đây trường rất muốn tăng quy mô đào tạo để đáp ứng nhu cầu của hệ thống các trường từ tiểu học đến ĐH nhưng "lực bất tòng tâm". Vì trường quá chật hẹp so với chuẩn Việt Nam năm 1985: dưới 2.000 sinh viên phải cần 20 ha. Trong khi diện tích hiện có của trường dưới 1 ha.
Những ngày bình thường, Trung tâm thông tin-thư viện của HV Báo chí Tuyên truyền có rất ít sinh viên tới đọc sách báo hay nghiên cứu tài liệu. (Ảnh: Văn Chung)
Còn vệ hệ thống thiết bị phục vụ cho quá trình đào tạo (giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học...) tính từ khi được nâng cấp thành trường ĐH - Bộ GD-ĐT đã rất qua tâm nhưng vì sống trong "một gia đình đông con, cơm ăn chưa đủ làm sao tính chuyện mặc đẹp". Do đó, hệ thống thiết bị vẫn còn quá thiếu thốn, đó là chưa dám nói đến huấn luyện nâng cao, phục hồi sau tập luyện...
Tại hội thảo đánh giá thực trạng cơ sở vật chất và thiết bị các trường ĐH, CĐ khối công lập, đại diện lãnh đạo nhà trường đã nêu bất cập trên.
Tiến sĩ Trần Thanh Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế trường học nêu thực trạng, số trường mới được thành lập, chủ yếu là các trường ngoài công lập đều bó buộc trong những diện tích vốn không được thiết kế dành cho đào tạo.
Không ít trường được bố trí ở những khuôn viên vốn không thích hợp do chuyển đổi (Trường ĐH Mỏ địa chất với gần 1 vạn sinh viên được bố trí trong một khu khách sạn được cải tạo lại)...
Chính nguyên nhân thiếu đất dẫn đến các khu chức năng cần có của một trường ĐH, CĐ bị phá vỡ - ông Bình nói.
Bởi vậy, trong những lời giải cho bài toán giáo dục ĐH Việt thì đầu tư tập trung và chiến lược cho giáo dục ĐH là điểm nút quan trọng nhất. Nếu không có một "cú hích" về chiến lược thì khát vọng về một nền giáo dục ĐH Việt phát triển ngang hàng với Châu lục và thế giới sẽ vẫn còn ở rất xa - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Kiều Thế Hưng đề xuất.
Theo VNN
Thiếu thư viện, đại học chỉ là "phổ thông cấp 4" Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Ba - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, khó có thể hình dung một trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) mà không có thư viện, và những trường đó cũng chỉ như trường "phổ thông cấp 4". Có trường ĐH, CĐ hiện nay "trắng" thư viện, không đủ sách...