Thủ tướng yêu cầu rà soát lại việc phong chức danh GS, PGS năm 2017
Công văn hỏa tốc của Văn phòng Chính phủ xuất phát từ băn khoăn của dư luận về con số giáo sư, phó giáo sư được công nhận năm qua tăng đột biến, trước thời điểm những thay đổi về quy chế phong giáo sư, phó giáo sư với những tiêu chuẩn mới khắt khe hơn được ban hành.
Công văn hỏa tốc của Thủ tướng.
Hôm qua (8/2), Văn phòng Chính phủ đã gửi công văn hỏa tốc số 1418/VPCP-KGVX cho Bộ trường Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, yêu cầu rà soát, xem xét lại để đảm bảo chất lượng giáo sư, phó giáo sư được phong trong năm 2017.
Công văn được gửi đi sau khi Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố danh sách GS, PGS được phong năm 2017 gồm 1.226 người, tăng gần 60% so với năm 2016.
Theo công văn, nhiều thông tin, kể cả trên các phương tiện thông tin đại chúng, bày tỏ băn khoăn về con số GS, PGS được công nhận tăng đột biến cùng những lo ngại về chất lượng như người được công nhận không có đủ sách hoặc bài báo khoa học, không có đủ thời gian giảng dạy, nghiên cứu khoa học… Một số thành viên hội đồng có rất ít (thậm chí không có) công bố nghiên cứu khoa học quốc tế so với các ứng viên.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước nghiêm túc xem xét, rà soát kỹ lưỡng bảo đảm chất lượng theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/2/2018.
Công văn có đoạn: “Không ít thông tin cho rằng đã có những dấu hiệu không bình thường khi thời gian nộp hồ sơ được kéo dài như một “đợt vét” trước khi có quy định mới về tiêu chuẩn GS, PGS”, hàm ý chỉ Dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo và đưa ra lấy ý kiến công khai hồi đầu năm 2017 nhưng hiện chưa rõ sẽ được thông qua vào thời điểm nào.
Video đang HOT
So với bản quy định tiêu chuẩn GS, PGS do Chính phủ ban hành năm 2008, bản dự thảo mới đã có một số thay đổi quan trọng, bao gồm tiêu chuẩn cứng về công bố quốc tế (các ứng viên PGS/GS phải công bố ít nhất một/hai bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hai danh mục ISI/Scopus).
Trước đây, nhờ phép quy đổi công trình khoa học mà số lượng nghiên cứu có thể thay thế hoàn toàn cho chất lượng nghiên cứu. Tuy nhiên, theo ý kiến một số nhà khoa học, ngay cả tiêu chuẩn mà dự thảo mới đề ra vẫn còn quá thấp, chỉ tương đương tiêu chuẩn để một nghiên cứu sinh được bảo vệ luận án tiến sĩ, trong khi nghiên cứu sinh mới là người “vỡ lòng trên con đường làm khoa học”, còn người có chức danh GS, PGS là người làm thầy.
Quan điểm về việc con số GS, PGS được công nhận tăng đột biến với Khoa học và Phát triển, TS Phạm Hiệp – nhà nghiên cứu về giáo dục, cho rằng, ý nghĩa thực chất của chức danh GS, PGS là để chỉ người có trình độ cao trong nghề nghiên cứu và giảng dạy. “Chúng ta có thể chấp nhận có hàng trăm nghìn công nhân, kỹ sư giỏi tại các doanh nghiệp và nhà máy, vậy tại sao không chấp nhận hàng chục nghìn GS, PGS ở các trường đại học và viện nghiên cứu” – TS Phạm Hiệp nói.
Theo TS Hiệp, “về lâu dài, lý tưởng nhất là để các trường tự chịu trách nhiệm việc bổ nhiệm GS, PGS của mình. Nếu áp dụng cơ chế này, số lượng GS, PGS sẽ còn tăng nữa.”
Bình luận về thực tế có những GS, PGS được công nhận năm vừa qua không có công bố quốc tế trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus, TS Hiệp cho rằng, cá nhân ông ủng hộ quan điểm sử dụng các chỉ số này làm tiêu chuẩn và đây là xu hướng chung của quốc tế. “Nếu tổ chức nào sử dụng chỉ số khác để đánh giá thì cần minh bạch thông tin đảm bảo tính thuyết phục. Trong 5-10 năm tới, khi Việt Nam chưa tìm được chỉ số nào khác thay thế thì việc sử dụng chỉ số của ISI/Scopus là hoàn toàn hợp lý” – TS Hiệp nói.
Theo Khoahocphattrien.vn
Cần thay đổi tiêu chuẩn GS, PGS
GS Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh GS nhà nước, khẳng định năm 2017, số ứng viên được công nhận GS, PGS tăng vọt và cần thay đổi các quy định về tiêu chuẩn chức danh GS, PGS
GS Trần Văn Nhung
* Phóng viên: Vì sao số giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) được công nhận năm 2017 lại tăng đột biến (tăng 1,7 lần) so với năm trước, thưa GS?
- GS Trần Văn Nhung: Năm 2017, chúng tôi chờ đợi văn bản mới thay thế văn bản cũ (Quyết định 174 và Quyết định 20 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS - PV). Tuy nhiên, văn bản mới cần tham khảo ý kiến rộng rãi của nhiều đối tượng khác nhau nên đến nay vẫn chưa được ban hành.
Vì vậy, thời điểm thông báo kế hoạch triển khai xét đạt tiêu chuẩn GS, PGS bắt đầu vào tháng 7, trong khi những năm trước vào tháng 1. Thời gian nhận hồ sơ muộn hơn nên kết thúc nhận hồ sơ cũng trễ hơn mọi năm khoảng 6 tháng (đầu tháng 11 so với cuối tháng 5 các năm trước).
Thời gian nhận hồ sơ kéo dài hơn nửa năm nên so với năm 2016, số ứng viên nộp hồ sơ để xét công nhận chức danh GS, PGS năm 2017 tăng mạnh. Tổng số ứng viên nộp hồ sơ là 1.537 (151 ứng viên GS và 1.386 ứng viên PGS).
Sau khi xem xét ở 3 cấp Hội đồng Chức danh GS cơ sở, hội đồng ngành, liên ngành và hội đồng nhà nước, đã có 1.226/1.537 (79,76%) ứng viên đạt tiêu chuẩn. Trong đó, ứng viên GS là 85/151 (56,29%), ứng viên PGS là 1.141/1.386 (82,32%). So với năm 2016, tổng số GS, PGS được công nhận năm 2017 tăng 1,7 lần.
* Còn rất nhiều ứng viên chức danh GS lẫn PGS đều không có bài báo công bố quốc tế. Ông nghĩ sao về ý kiến nghi ngờ chất lượng của nhiều ứng viên GS, PGS?
- Khi đánh giá thành tích của các ứng viên GS, PGS, chúng tôi xem trọng cả 3 khía cạnh: nghiên cứu khoa học, đào tạo và đóng góp xã hội. Các GS/PGS ngoài việc nghiên cứu khoa học (để có các công bố quốc tế ISI/Scopus) còn phải đóng góp tích cực trong đào tạo nguồn nhân lực. Điều này thể hiện qua viết sách, giáo trình, xây dựng chương trình, hướng dẫn nghiên cứu sinh, cao học, thâm niên giảng dạy... và những đóng góp của họ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học.
Quy định hiện hành chưa yêu cầu bắt buộc đối với ứng viên GS, PGS phải có bài báo quốc tế ISI, Scopus. Tuy nhiên, Hội đồng Chức danh GS nhà nước luôn khuyến khích các công bố quốc tế. Thực tế, các ứng viên các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ đã có nhiều công bố quốc tế giá trị.
Trong quá trình xem xét hồ sơ ứng viên, các hội đồng đã làm việc rất nghiêm túc, từ xét hồ sơ, đánh giá trình độ chuyên môn và khả năng sử dụng ngoại ngữ của ứng viên. Nhiều hội đồng ngành/liên ngành có số lượng ứng viên đạt chỉ chiếm khoảng 50%-60% số ứng viên do hội đồng cơ sở chuyển lên. Tỉ lệ ứng viên đạt kết quả qua 3 cấp cho thấy hội đồng các cấp phối hợp rất tốt để nâng cao và bảo đảm mặt bằng chất lượng chung trong cả nước.
Năm nay cũng là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo cử thanh tra bộ đến các hội đồng cơ sở, hội đồng ngành để kiểm tra hồ sơ, quy trình xét của các hội đồng.
* Tiêu chí xét công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS đang còn nhiều bất cập, cụ thể như tiêu chuẩn của ứng viên PGS thấp hơn chuẩn của tiến sĩ. Đã đến lúc thay đổi các quy định về về tiêu chuẩn chức danh GS, PGS?
- Tôi đồng tình, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng những tiêu chí ngày càng cao hơn trong những năm tới. Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang chỉ đạo Ban Soạn thảo để sớm nhất trong năm 2018 có quy định mới thay thế quy định hiện hành nhằm nâng cao chất lượng khoa học của các tân GS, PGS Việt Nam theo hướng hội nhập quốc tế. Nhưng tất nhiên là không gây sốc.
Năm 2017 có 5.316 bài báo được công bố trên ISI và Scopus, tăng 2,1 lần so với năm 2016. Cao nhất là ngành vật lý có 1.177 bài, hóa học - công nghệ thực phẩm 1.027 bài, y học 674 bài, sinh học 597 bài, toán học 265 bài... Với một số ngành khoa học xã hội và nhân văn, các ứng viên đã có bài báo đăng trên các tạp chí ISI và Scopus, cụ thể kinh tế 102 bài, triết học - xã hội học - chính trị học 14 bài...
Theo NLĐ
Thêm hơn 1.200 GS và PGS, những gương mặt HSG quốc gia xuất sắc Công bố danh sách các ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017 và các thí sinh đoạt giải trong kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2018 là hai thông tin giáo dục được quan tâm nhất trong tuần qua. ảnh minh họa GS, PGS tuổi đời trẻ hơn và năng lực tiếng Anh tăng Công...