Thủ tướng: Thuế nhà Bộ Tài chính đưa ra chưa phải là quyết định cuối cùng
Làm việc với UB Trung ương MTTQ Việt Nam sáng 17/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập chuyện thời sự về đề xuất thuế tài sản mà Bộ Tài chính đưa ra ít ngày qua. Thủ tướng cho biết, đây chưa phải là kết luận cuối cùng. Bộ Tài chính đang lấy ý kiến người dân và sẽ tiếp tục lắng nghe.
Thủ tướng: “Chúng ta cần đi sát dân hơn, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân nhiều hơn trong giải quyết các công việc của đất nước”.
Cụ thể, sáng hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) Trần Thanh Mẫn đã đồng chủ trì cuộc làm việc thường niên để đánh giá kết quả phối hợp công tác năm 2017 và định hướng phối hợp thời gian tới.
Cùng dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện một số bộ, ngành và các Ủy viên Đoàn Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam.
Nêu lại một số thành tựu phát triển kinh tế- xã hội thời gian qua, Thủ tướng cho rằng, nhân dân, các đoàn thể chính trị xã hội, các tổ chức Mặt trận, cộng đồng doanh nghiệp đã đồng hành cùng Chính phủ và sự đồng hành này rất quan trọng. Đây là một nguyên nhân dẫn tới các kết quả tích cực về kinh tế-xã hội năm 2017 và quý I/2018, trong đó có tăng trưởng kinh tế, thu nhập người dân tăng. Đây cũng chính là mục tiêu hành động của Chính phủ khi kết quả cuối cùng của phát triển là thu nhập, nâng cao đời sống người dân.
“Cả Chính phủ, MTTQ luôn quan tâm đến người nghèo, người yếu thế trong xã hội, gia đình chính sách, vùng thiên tai, lũ bão. Năm 2017, chưa bao giờ chúng ta giải quyết một khối lượng lương thực lớn như vậy cho đồng bào vùng thiên tai với tinh thần không để người dân “màn trời chiếu đất, đói cơm lạt muối”. Chúng ta cần đi sát dân hơn, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân nhiều hơn trong giải quyết các công việc của đất nước” – Thủ tướng đánh giá.
Video đang HOT
Thủ tướng lấy dẫn chứng về đề xuất thuế tài sản mà Bộ Tài chính đang đưa ra công khai để lấy ý kiến nhân dân, đây chưa phải kết luận cuối cùng và Bộ Tài chính sẽ tiếp tục lắng nghe thêm.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa Chính phủ và MTTQ có trách nhiệm, có hiệu quả. Đặc biệt, đối với 14 việc mà hai bên đã thống nhất tại cuộc làm việc trước thì đến nay đã thực hiện 100% khối lượng. Bày tỏ vui mừng về kết quả này, Thủ tướng cho rằng: “Việc gì cũng phải kiểm điểm xem làm đến đâu, trách nhiệm thế nào, phối hợp ra làm sao. Qua kiểm điểm hôm nay, chúng ta thấy những việc chúng ta đã nói và đã làm đến nơi đến chốn, đạt kết quả tốt”.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, công tác phối hợp cũng còn có bất cập, tồn tại cần khắc phục như phối hợp tuyên truyền, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết bức xúc của nhân dân ở một số nơi còn bị động. Năm 2017, tại một số địa bàn, khi xảy ra điểm nóng, chưa có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời và phát huy tốt vai trò của Mặt trận
Trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, Chính phủ và MTTQ cần phối hợp để củng cố, mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đồng thuận xã hội. Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các mục tiêu phát triển năm 2018 và các năm tiếp theo rất quan trọng.
Theo Dantri
Đánh thuế với căn nhà thứ 2: Thí điểm tại TPHCM
Thí điểm đánh thuế tài sản là nội dung được cho là "vượt khung" hơn cả trong số các đề xuất về cơ chế, chính sách đặc thù dành cho TPHCM vì việc này chưa có luật quy định. UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tán thành việc nghiên cứu áp dụng trước hết với lĩnh vực nhà đất.
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ về cơ chế, chính sách phát triển TPHCM, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải tập trung vào vấn đề quản lý tài chính, ngân sách (Điều 5 dự thảo Nghị quyết).
Cụ thể, với đề xuất cho thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản, ông Hải cho rằng, đây là sắc thuế mới, thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp. Việc ban hành thuế tài sản hiện đã được định hướng trong kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Vì thế, cơ quan thẩm tra đề nghị Quốc hội quyết định áp dụng thuế tài sản thí điểm trước tiên thực hiện tại TPHCM, trước mắt nghiên cứu tập trung thuế tài sản đối với nhà, đất.
Nếu được thông qua, thuế đánh vào căn nhà thứ 2 sẽ được áp dụng đầu tiên tại TPHCM
Đối với thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất cao hơn so với quy định của các sắc thuế hiện hành, UB Tài chính - ngân sách cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ, nhưng đề nghị cân nhắc việc cho phép điều chỉnh tăng thuế suất của tất cả sắc thuế (trừ thuế XNK) mà chỉ nên tăng thuế suất ở một số sắc thuế hoặc mở rộng cơ sở thuế đối với một số sản phẩm hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người dân và có tính đến mức thu nhập của người dân đô thị (thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên nước...).
Chủ nhiệm cơ quan thẩm tra khuyến cáo, cần nghiên cứu thận trọng việc điều chỉnh tăng mức thuế ở một số sắc thuế có tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh và môi trường đầu tư của TPHCM (như thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN...).
Ngoài ra, UB Tài chính - ngân sách cũng ghi nhận một số ý kiến đề nghị cần quy định mức trần tăng thuế suất của một số sắc thuế để bảo đảm tính khả thi và sự kiểm soát của Nhà nước.
Về các phí, lệ phí mới chưa có trong danh mục của Luật phí và lệ phí và tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí so với mức thu hiện hành, cơ quan thẩm tra cho rằng, để bảo đảm cơ chế chính sách vượt trội cho thành phố, đề nghị quy định việc phân cấp theo hướng giao thẩm quyền cho HĐND thành phố quyết định thí điểm đối với các khoản phí, lệ phí chưa có trong danh mục kèm theo Luật phí và lệ phí và quyết định điều chỉnh tăng mức hoặc tỷ lệ thu so với mức thu theo quy định hiện hành thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính...
Chỉ tăng thêm lương trên hiệu quả công việc của công chức
Riêng về số tiền 18.800 tỷ đồng đầu tư cho dự án chống ngập và 2 dự án bệnh tuyến cuối thuộc nguồn vốn do ngân sách Trung ương đảm bảo, đa số ý kiến đề nghị bố trí đủ số tiền này cho thành phố. Tuy nhiên, một số ý kiến không nhất trí bổ sung vốn từ ngân sách trung ương khoản này do áp lực cân đối ngân sách khó khăn, dự báo có thể tiếp tục giảm.
Về đề xuất cho phép HĐND thành phố quyết định mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý và mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong khả năng, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng tán thành.
Tuy nhiên, để thống nhất và tránh tạo sự bất bình đẳng trong chính sách trả lương, ông Hải đề nghị, đối với công chức, viên chức trong cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chỉ bổ sung mức thu nhập tăng thêm (khoản tăng thêm so với mức lương cơ bản) theo vị trí việc làm và hiệu quả công việc. Thành phố cũng phải quy định nguyên tắc, tiêu chí về mức thu nhập tăng thêm, còn mức lương cơ bản giữ nguyên như chính sách chung của cả nước để vẫn đảm bảo được thu nhập của cán bộ có năng lực và vẫn đảm bảo được sự công bằng trong chính sách lương áp dụng trên cả nước.
Ông Hải cũng đề nghị TPHCM chủ động tổ chức bộ máy, sắp xếp biên chế phù hợp với đặc điểm của Thành phố và tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
P.Thảo
Theo Dantri
Muốn sở hữu một ngôi nhà phải đóng những loại thuế gì? Người muốn làm sổ đỏ; mua bán, chuyển nhượng nhà, đất đai sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân, tiền sử dụng đất và 5 loại lệ phí. Thuế thu nhập cá nhân Đây là nghĩa vụ của bên chuyển nhượng (trừ khi các bên có thỏa thuận về việc bên nhận chuyển nhượng đóng thuế này). Căn cứ Điều 14 Luật...