Thủ tướng: “Người tự trọng không đi xin bằng khen!”
“Việc lãnh đạo được khen thưởng nhiều quá không nên, làm nảy sinh suy nghĩ có huân huy chương thì việc thăng tiến, bổ nhiệm dễ hơn. Còn người tốt thường có lòng tự trọng nên sẽ không đi xin bằng khen, chúng ta phải tìm đến họ để khen thưởng kịp thời” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phân tích…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu như vậy tại hội nghị tổng kết công tác năm 2016, phương hướng nhiệm vụ năm 2017 diễn ra sáng nay, 23/2. Thủ tướng chính là Chủ tịch Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương.
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Thi đua, khen thưởng Trần Thị Hà, người vừa ký văn bản đốc thúc Bộ Công Thương làm thủ tục thu hồi những bằng khen, huân chương đã trình xin tặng thưởng cho Trịnh Xuân Thanh nói thêm về vấn đề “sửa sai” khi khen nhầm người.
Trước hết, nữ Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, việc thẩm định với các hồ sơ xin xét tặng các giải thưởng, danh hiệu cá nhân không đơn giản. Trung bình mỗi năm Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương phải thẩm định khoảng 100.000 hồ sơ, trường hợp, những năm có các lễ kỷ niệm lớn, chẵn tròn thì số lượng phải tới 150.000-200.000 hồ sơ.
Các hình thức khen thưởng của Thủ tướng mỗi năm trung bình có 11.000 quyết định, của Chủ tịch nước cũng khoảng 10.000.
Thủ tướng: Việc lãnh đạo được khen thưởng quá nhiều là không nên vì dễ dùng huân huy chương để việc thăng tiến, bổ nhiệm dễ hơn (ảnh: VGP).
“Vậy nên, bên cạnh việc khen thưởng theo niên hạn hàng năm, làm sao để phát hiện đúng các gương điển hình, khen đúng người đúng thành tích là đòi hỏi không dễ thực hiện và trong thực tế không tránh khỏi những trường hợp khai man, khai không đúng thành tích khi làm hồ sơ trình xin khen thưởng. Theo đó, Thủ trưởng đơn vị trình phải chịu trách nhiệm trước hết về những hồ sơ trình lên” – Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương giải thích.
Trường hợp phát hiện những sai phạm, gian dối trong quá trình lập hồ sơ để xin xét tặng thưởng thì cơ quan chức năng sẽ thu hồi các danh hiệu đã được khen thưởng, bà Hà nhấn mạnh, thu hồi cả hiện vật và tiền thưởng. “Tất nhiên, Ban Thi đua, khen thưởng phải cố gắng sao tỷ lệ này rất thấp, càng ít càng tốt” – bà Hà nhấn mạnh.
Một chỗ khó khác được Trưởng Ban Thi đua, khen thưởng chỉ ra là việc khen thưởng ở Việt Nam hiện xét theo giai đoạn chứ không phải theo tiến trình phát triển, đảm bảo độ ổn định, bền vững, lâu dài nên có hiện tượng ở một số đơn vị, trước khi được xét tặng các danh hiệu thì hoạt động rất tốt nhưng sau khi đạt được mốc đó rồi thì không tiếp tục duy trì được thành tích, lan tỏa hiệu quả, gây tiếng xấu.
Trao đổi thêm về lĩnh vực tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp mà như Trưởng Ban Thi đua, khen thưởng khuyến cáo là cần thận trọng, mức độ “rủi ro” cao, bà Hà dẫn thực tế, ngoài các loại khen thưởng của nhà nước còn có những hình thức vinh danh khác như các giải thưởng. Lĩnh vực này càng khó xác minh, thẩm tra, quản lý.
Thời gian trước, cả nước mỗi năm có hơn 100 giải thưởng được tổ chức, nay thu lại còn trên 20 giải nhưng nhiều giải vẫn là “tổ chức chui” mà sự công nhận lại được hiểu là rộng rãi trong xã hội.
“Đề nghị với những giải thưởng không được Thủ tướng cho phép thì đơn vị tổ chức không được thực hiện truyền hình trực tiếp, tránh tình trạng “thưởng chui”. Làm sao để việc quản lý các giải thưởng dù không phải là hình thức khen thưởng nhà nước để hoạt động tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân chặt chẽ hơn” – Thứ trưởng Nội vụ nêu quan điểm.
Video đang HOT
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các thành viên trong Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương phải chú tâm từ những việc rất nhỏ nhưng lại thành chuyện rất lớn trong thời gian qua mà người dân phản ứng là các loại bằng khen, huân chương khen thưởng cần chống lãng phí, gian lận.
Bên cạnh đó, các cơ quan cần tuyên truyền chưa đúng mức, kịp thời, sinh động và thường xuyên về tấm gương tốt, việc tốt làm cho những hình ảnh xấu lấn át. Vì thế, cần có tính thời sự, phát hiện kịp thời nhân tố mới, khen thưởng kịp thời chứ “xuân thu nhị kỳ” sẽ khó thành công, hình thức danh hiệu phải phù hợp.
“Nếu không đổi mới tốt, không lo làm ăn, không có người tốt, việc tốt thì đất nước sẽ không thành công, không có nhân dân ủng hộ thì đất nước sẽ không thành công. Khen thưởng phải nhắm vào những nhân tố như vậy thì mới trúng, mới công bằng và tính lan toả rộng”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Dẫn chứng ngay sự việc diễn ra ở trường THCS Trần Quốc Toản (TP.Hạ Long, Quảng Ninh), hàng trăm thầy cô giáo xếp hàng chờ hiến máu để cứu một học sinh lớp 6 có nhóm máu hiếm chẳng may gặp nạn, Thủ tướng nhấn mạnh, đó là một hành động rất đáng tuyên dương, động viên, khích lệ kịp thời để lan tỏa những hành động đẹp, giàu tính nhân văn như vậy. Thủ tướng đã kịp thời gửi thư khen, biểu dương các thầy cô này.
Theo người đứng đầu Chính phủ, thực tế, thời gian qua, bộ máy điều hành hoạt động thi đua, khen thưởng chưa làm được nhiều việc cụ thể như vậy trong khi nhiều ý kiến đánh giá khái quát còn cho rằng, “phát động phong trào thi đua là phát nhưng chưa lay động, khen thưởng thì thưởng còn hình thức, khen lại khen lãnh đạo quá nhiều”.
“Lãnh đạo được khen thưởng nhiều quá cũng không nên. Việc đó có thể dẫn đến hiện tượng xuất phát từ việc có huân huy chương thì thăng tiến, bổ nhiệm dễ hơn. Thi đua khen thưởng phải dành cái gì đó thật ý nghĩa đối với người dân vùng sâu xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Người tốt thường có lòng tự trọng nên không đi xin bằng khen. Chúng ta phải tìm đến họ để khen thưởng kịp thời, các cơ quan chuyên môn phải làm việc này”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng trao đổi thêm cùng các thành viên Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương bên hành lang hội nghị.
Cập nhật rất nhiều thông tin thời sự liên quan đến lĩnh vực thi đua, khen thưởng, Thủ tướng đề cập cả việc các Giải thưởng Nhà nước vừa qua gây nhiều xôn xao.
Thủ tướng băn khoăn, việc thiếu tên nhà thơ Xuân Quỳnh, Thu Bồn… trong đợt vinh danh lần này là do thủ tục, hay do chủ quan? Đây là câu hỏi lớn về cách làm của cán bộ thi đua khen thưởng.
Về phương hướng nhiệm vụ năm 2017, Thủ tướng cho rằng năm nay tình hình phát triển kinh tế – xã hội, đối ngoại sẽ có nhiều khó khăn thì càng phải thi đua, phải tạo phong trào thi đua yêu nước mạnh để vượt quá khó khăn và phát triển đất nước.
Các phong trào thi đua phải gắn với các vấn đề cụ thể của địa phương, ngành, đặc biệt phải đối mới cách lựa chọn, sáng tạo hơn trong trong tìm kiếm, tuyên dương các tấm gương, con người có đóng góp lớn cho xã hội, đất nước. Phải minh bạch, công khai trong xét chọn, tuyên dương. Khuyến khích khởi nghiệp ở lớp trẻ, thanh niên nông thôn, chú trọng tôn vinh những tiến bộ, văn minh, chăm lo người nghèo, phòng chống thiên tai…
P.Thảo
Theo Dantri
Thủ tướng dự lễ ký thỏa thuận hợp tác PPP đầu tiên với WEF
Chiều ngày 18.1 (theo giờ địa phương), Đoàn công tác cấp cao của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu bắt đầu tham dự các hoạt động tại Hội nghị lần thứ 47 Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại thành phố Davos, Thụy Sĩ.
Thủ tướng Chính phủ đã hội kiến với Thủ tướng Áo Christian Kern, gặp làm việc với Chủ tịch WEF Klaus Schwab, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Tahehiko Nakao, Chủ tịch tập đoàn Microsoft Bradford Smith, dự buổi đối thoại với một số tập đoàn lớn.
Trong cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Áo Christian Kern, hai bên đánh giá quan hệ Việt Nam - Áo phát triển tốt đẹp; nhất trí triển khai các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2017, sớm họp Uỷ ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế và thương mại.
Thủ tướng đề nghị Áo công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam; thúc đẩy EU sớm ký chính thức và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); ủng hộ Việt Nam ứng cử ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Tại cuộc gặp Chủ tịch WEF Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ đề nghị WEF duy trì tổ chức Hội nghị WEF Mekong; hỗ trợ Việt Nam kết nối với các tập đoàn và chuyên gia hàng đầu của WEF, tư vấn chính sách trong lĩnh vực năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển nông nghiệp công nghệ cao...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch WEF Klaus Schwab. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch WEF đánh giá cao vai trò và tiềm năng phát triển của Việt Nam; mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam, nhất là theo mô hình đối tác công-tư (PPP).
Sau buổi gặp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng với Chủ tịch WEF Klaus Schwab đã dự lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và WEF về phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai. Việt Nam là nước đầu tiên WEF ký thỏa thuận hợp tác theo mô hình PPP và mong muốn đây là một "mẫu hình" để triển khai với các nước khác sau này.
Theo thỏa thuận, WEF sẽ hỗ trợ Việt Nam kết nối với mạng lưới các doanh nghiệp và chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của WEF; phối hợp với Việt Nam nghiên cứu và tư vấn chính sách trong những lĩnh vực Việt Nam quan tâm như tái cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, năng suất, năng lực cạnh tranh quốc gia, biến đổi khí hậu...; nâng cao năng lực thông qua nhận cán bộ Việt Nam thực tập tại các cơ quan, tổ chức của WEF.
Tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Tahehiko Nakao, hai bên nhất trí thúc đẩy triển khai các dự án cơ sở hạ tầng, chống biến đổi khí hậu, hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, giảm nghèo trong giai đoạn 2016-2020, phối hợp với các nước chuẩn bị tốt cho Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần 6 tại Việt Nam. Thủ tướng đề nghị ADB tiếp tục hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi thương mại, đầu tư trong hợp tác tiểu vùng Mekong.
Thủ tướng đã mời Chủ tịch Tahehiko Nakao và lãnh đạo ADB tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng và các hội nghị liên quan của APEC trong năm 2017 ở Việt Nam. Lãnh đạo ADB bày tỏ mong muốn hợp tác chiến lược lâu dài với Việt Nam; cam kết Việt Nam không phải trả nợ nhanh và kéo dài cấp tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp cho Việt Nam đến năm 2019; hỗ trợ Việt Nam triển khai các dự án trong khuôn khổ hợp tác GMS.
Tại cuộc gặp Chủ tịch Tập đoàn Microsoft Bradford Smith, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Tập đoàn Microsoft tiếp tục đầu tư vào Việt Nam gắn với chuyển giao công nghệ cao; mời ông Chủ tịch tập đoàn tham dự Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng.
Tập đoàn Microsoft mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực an ninh mạng, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp phần mềm.
Thủ tướng gặp gỡ các tập đoàn tài chính thành viên WEF
Cùng ngày, gặp gỡ, đối thoại với các tập đoàn thành viên WEF trong lĩnh vực tài chính với sự tham dự của Giám đốc điều hành WEF Philip Roesler, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu bật các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trong năm vừa qua.
Bày tỏ sự quan tâm đến 12 trụ cột về năng lực cạnh tranh toàn cầu mà WEF sử dụng để đánh giá năng lực cạnh tranh các quốc gia, trong đó có Việt Nam, Thủ tướng mong muốn chào đón nhóm chuyên gia soạn thảo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của WEF đến Việt Nam để tăng cường trao đổi thông tin và hiểu biết lẫn nhau giữa WEF và Việt Nam kỹ hơn.
"Trong 12 trụ cột về năng lực cạnh tranh này thì chúng tôi cho rằng thể chế rất quan trọng. Chính vì vậy mà Chính phủ Việt Nam tập trung mọi nguồn lực, khả năng để xử lý vấn đề thể chế theo thông lệ quốc tế và theo kinh tế thị trường, trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là tài chính ngân hàng, sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, xử lý tranh chấp...", Thủ tướng nói. Nền tảng thể chế đó phải bảo đảm tính toàn diện, bao trùm, trao cho mọi người dân cơ hội đóng góp vào thành công tăng trưởng kinh tế và hưởng lợi xứng đáng với thành quả đó.
Khẳng định coi trọng đầu tư nước ngoài, Thủ tướng cho biết, đóng góp của FDI rất lớn đối với Việt Nam, chiếm trên 20% GDP. Thủ tướng cũng cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh Nghiệp nhà nước, trong đó có các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực lợi nhuận cao như bia, sữa... Đặc biệt là nới room nắm giữ cổ phần cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư.
Nhấn mạnh Việt Nam không chỉ cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, được WEF cũng như Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá là có sự cải thiện mạnh trong thời gian vừa qua, Thủ tướng khẳng định điều quan trọng nhất là ổn định môi trường vĩ mô của Việt Nam, thể hiện qua việc Việt Nam đã duy trì kiểm soát lạm phát dưới 5%. Tỉ giá giữ ổn định, dự trữ ngoại tệ ở mức cao.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, đặc biệt là triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã ký; hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế hưởng ứng và tích cực tham dự các hoạt động của Năm APEC 2017 tại Việt Nam...
Phát biểu tại cuộc đối thoại, Giám đốc điều hành WEF Philip Roesler bày tỏ vui mừng về việc WEF đã ký thỏa thuận hợp tác theo mô hình PPP với quốc gia đầu tiên là Việt Nam.
"Qua thỏa thuận đối tác này thì WEF sẽ hỗ trợ Việt Nam trong tất cả các ngành cần thiết để đưa Việt Nam vào kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp lần thứ 4", ông Philip Roesler nói. Đối với các doanh nghiệp thuộc WEF quan tâm đầu tư vào Việt Nam, theo ông Philip Roesler, đây không phải là thỏa thuận, hợp đồng đơn thuần mà "thực sự là một lời hứa". "Tôi xin được khẳng định Việt Nam có một đối tác mạnh mẽ, đó là WEF. Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ Việt Nam".
Theo Danviet
Việt Nam khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu với các phóng viên các hãng, cơ quan thống tấn báo chí quốc tế về những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư ở Việt Nam thời gian qua, cũng như quyết tâm của Chính phủ Việt Nam xây dựng một chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển...