Thủ tướng: Mong TPHCM “đồng cam cộng khổ” cùng cả nước
Trước những bày tỏ của lãnh đạo TPHCM cho rằng việc cắt giảm tỷ lệ giữ lại từ 23% xuống còn 18% sẽ khiến địa phương này gặp khó, Thủ tướng cho biết, vấn đề này đã được tính toán rất kỹ; đồng thời mong muốn, TPHCM thông cảm, cùng đồng cam cộng khổ với cả nước.
Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho hay, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 29/10, Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận về tình hình đầu tư công cũng như kế hoạch phân bổ vốn đầu tư giai đoạn 2016 – 2020 và kế hoạch năm 2017.
Theo phản ánh của lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), việc tỷ lệ ngân sách mà thành phố được giữ lại giảm từ 23% xuống còn 18% trong thời gian tới sẽ khiến địa phương này gặp khó. Do đó, vị này đề nghị, trước mắt nên chỉ cắt giảm xuống còn 21%.
Tuy nhiên, theo khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tỷ lệ phân bổ ngân sách đã được tính toán rất kỹ. 1% thu ngân sách của TPHCM ảnh hưởng rất lớn đến cả nước.
Hơn nữa, tinh thần các địa phương, các cấp, các ngành phải đồng tâm, hiệp lực, chung sức, chung lòng vượt qua giai đoạn ngân sách khó khăn hiện nay, nhất là trong năm 2017, 2018. Cùng với đó, không chỉ trông chờ vào ngân sách, phải huy động các nguồn lực khác như xã hội hóa, ODA. Quan tâm đầu tư cho những nơi khó khăn và các địa bàn trọng điểm.
Thủ tướng khẳng định Trung ương luôn quan tâm đến TPHCM (Ảnh: VGP)
“TPHCM còn nhiều vấn đề như kẹt xe, bụi bặm, ngập nước… nhưng mong các đồng chí cố gắng tìm thêm nguồn khác. Cả nước còn nhiều vùng rất khó khăn như ở Cà Mau, Lạng Sơn, Cao Bằng… bà con rất khó khăn, đường đi không có, hàng hóa không tự sản xuất được. Chúng tôi sẽ lắng nghe, cố gắng tìm nguồn vốn cho các đồng chí. Mong các đồng chí báo cáo lại với thành phố, với nhân dân thành phố thông cảm, cùng đồng cam cộng khổ với cả nước”, Thủ tướng chia sẻ.
Mặc dù vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra rằng, tuy tỷ lệ có giảm đi, nhưng con số tuyệt đối lại tăng lên. Chưa kể như TPHCM còn được Trung ương đầu tư 5 dự án ODA với số vốn gần 100.000 tỷ đồng, các dự án chống ngập, xây dựng 2 bệnh viện lớn trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng. Đà Nẵng cũng tương tự như vậy.
Thêm vào đó là nhiều nguồn thu như từ đất đai được để lại toàn bộ cho các địa phương. Do đó, Thủ tướng yêu cầu phải công khai, minh bạch, giải thích rõ cho dư luận hiểu, tránh tình trạng “thấy cây mà không thấy rừng”.
Video đang HOT
Trước đó, trả lời phỏng vấn báo chí, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) Võ Thành Hưng cũng khẳng định, trên thực tế thì tổng nguồn lực của TPHCM không giảm, chỉ là không tăng như nhu cầu.
Vị này nhấn mạnh: “Trong bối cảnh thu ngân sách gặp khó khăn, việc điều hòa ngân sách giữa địa phương và Trung ương đã được Bộ Tài chính tính toán kỹ, sao cho vừa bảo đảm chia sẻ khó khăn với các tỉnh nghèo, vừa thúc đẩy phát triển ở các thành phố lớn”.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, không riêng TP.HCM, Hà Nội cũng bị điều chỉnh tỷ lệ giữ lại tại địa phương từ 42% xuống 28%; Đà Nẵng giảm từ 85% xuống 68%. Trên thực tế, trong khi 13 tỉnh, thành trực thuộc trung ương chiếm 80% số thu cả nước và có đóng góp lại cho ngân sách trung ương thì vẫn còn 50 địa phương đều đặn nhận tiền hỗ trợ, bổ sung từ ngân sách. Nếu cả 63 địa phương đều kêu thì miếng bánh ngân sách không bao giờ đủ.
Cơ cấu thu ngân sách tại địa phương có ba nhóm chính:
1) Các khoản thu phát sinh tại địa phương nhưng phải nộp 100% về Trung ương (gồm thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt từ hàng hóa nhập khẩu…);
2) Các khoản thu địa phương được giữ lại 100% (gồm các khoản thuế và phí liên quan đến nhà đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, thuế tài nguyên trừ hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí…);
3) Các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương (gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…).
Bích Diệp
Theo Dantri
Hàng chục nghìn tỷ đầu tư công "đắp chiếu", nợ công không tăng mới lạ
"Vấn đề ở đây là chúng ta không có khả năng trả nợ, tức là khoản vay về đầu tư xong không tạo ra lợi nhuận để mà trả nợ, do vậy buộc phải đi vay để trả nợ", TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội phân tích.
Xung quanh câu chuyện dư nợ Chính phủ đến năm 2014 đã tăng khoảng 105%, tương đương 85,9 tỷ USD, khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Kiên.
Theo ông Kiên, nguyên nhân nghĩa vụ trả nợ trên thu ngân sách tăng một cách kinh khủng, gấp đôi năm 2011 là vì câu chuyện thu chi chưa giải quyết được và khoảng cách ngày càng nới rộng ra.
Có phải ông đang muốn nói đến câu chuyện đầu tư công thua lỗ tràn lan của các doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian qua khiến ngân sách bị thất thu không?
Như tôi đã nói có nhiều khoản đầu tư nhưng không có khả năng trả nợ. Ví dụ Nhà máy phân đạm Ninh Bình, tổng mức đầu tư 11.000 tỷ đồng, nhưng sau 4 năm hoạt động lỗ 2000 tỷ đồng. Với tốc độ như thế này thì sau 6 -7 năm cũng hết vốn luôn.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội
Hay như Nhà máy giấy Phương Nam ở Long An đầu tư khoảng gần 3.000 tỷ đồng xong giờ phải bỏ đi vì công nghệ bóc đay không phù hợp, không bóc được, chọn công nghệ sai nên không ra được sản phẩm. Nếu tiếp tục vận hành, thì mỗi tấn sản phẩm do dây chuyền này sản xuất sẽ chịu mức lỗ 4,6 triệu đồng. Và điều tất yếu sẽ xảy ra là, Nhà máy rơi vào tình trạng càng sản xuất càng lỗ và không có khả năng thu hồi vốn.
Hoặc Nhà máy gang thép Thái nguyên với vốn đầu tư ban đầu 4.200 tỷ đồng sau đó đội vốn lên 8.000 tỷ đồng nhưng vẫn "đắp chiếu" và còn xin thêm 1.000 tỷ đồng cùng nhiều hỗ trợ khác. Cùng thời điểm đầu tư đó thì Hoà Phát cũng đầu tư 3.200-3.600 tỷ đồng nhà máy thép của họ, đã vận hành và thu hồi vốn xong.
Hoặc mới đây nhất là cầu Việt Trì, không chỉ lỗi đầu tư công mà cả huy động BOT xây cầu mới để thu phí. Cầu Việt Trì được thi công từ 1986 và đến 1991 thì hoàn thành. Đây là cầu có cấu thép liên hợp dầm bê tông của Liên Xô thiết kế, tuổi thọ ít nhất 70 năm, mà giờ chưa được 30 năm đã hỏng và đầu tư một cầu mới BOT khác gần đó (cầu Hạc Trì - pv).
Thực tế, cầu Việt Trì vẫn còn đi được mà chúng ta lại huy động nguồn lực xã hội để đầu tư cầu mới rồi bắt cả xã hội è lưng ra trả phí. Về danh nghĩa, ta nói huy động vốn ngoài xã hội để thi công cho thu phí nhưng bản chất vẫn là đầu tư công, người dân phải trả phí chứ có phải tiền từ trên trời rơi xuống đâu...
Một đất nước mà những dự án đầu tư công như thế thì hỏi tiền đi đến đâu, làm sao làm được.
Đúng là đầu tư công hiện nay có nhiều bất cập, nhiều dự án thua lỗ gây thất thoát cho ngân sách. Tại sao người ta lại đầu tư những dự án mà biết rõ nó không mang lại hiệu quả như vậy? Có phải vì là tiền ngân sách nên họ không có trách nhiệm về việc phải đảm bảo hiệu quả của đồng vốn?
Vì chúng ta không gắn trách nhiệm đầu tư công với trách nhiệm của một cá nhân. Mới đây nhất, ngày 11.7, Uỷ ban kiểm tra Trung ương nói về dàn nhạc nước 200 tỷ đồng ở Hải Phòng và yêu cầu kiểm điểm lãnh đạo Hải Phòng về sai phạm này. Đây là lần đầu tiên chúng ta làm việc đó thôi.
Như tôi đã nói, chúng ta có hàng loạt dự án đầu tư công không hiệu quả nhưng không tính đến việc quy trách nhiệm cá nhân. Vấn đề là luật đã có từ lâu nhưng chúng ta không làm. Tại sao lại không làm thì tôi chịu.
Vì sao lại có tình trạng đầu tư công thua lỗ nhiều đến như vậy. Phải chắc quy trình đấu thầu của mình đang có vấn đề hay năng lực của doanh nghiệp không ổn?
Mạng đấu thầu của chúng ta được đưa công khai trên Internet, các doanh nghiệp lên mang chào thầu công khai, khi trúng thầu, doanh nghiệp cũng chỉ mang cán bộ kỹ thuật đến nơi triển khai dự án thôi, còn công nhân lao động thuê ngay tại chỗ.
Còn về năng lực, các doanh nghiệp xuất thân từ doanh nghiệp nhà nước sau đó cổ phần hoá thì năng lực chuyên môn của công ty đó là nhất, không có công ty tư nhân nào địch lại được. Vấn đề nằm ở lợi ích nhóm.
Xin cám ơn ông!
Bộ Tài chính vừa công khai bản tin số liệu nợ công của Chính phủ với dư nợ Chính phủ trong 5 năm qua, từ năm 2010 đến 2014, đã tăng thêm hơn 936,6 nghìn tỷ đồng. Cuối năm 2010, tổng dư nợ Chính phủ là gần 47 tỷ USD, tương đương hơn 889 nghìn tỷ đồng. Đến cuối năm 2014, dư nợ Chính phủ đã tăng khoảng 105%, tương đương 85,9 tỷ USD, khoảng 1,8 triệu tỷ đồng. So với GDP, dư nợ của Chính phủ năm 2014 tương đương 46,4% GDP. Tuy nhiên, con số mới nhất được Bộ Tài chính vừa cập nhật tính tới ngày 31.12.2015, ước tính dư nợ Chính phủ lên tới 50,3% GDP. Trong khi đó, giới hạn trần nợ cho phép giai đoạn năm 2011-2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua thì nợ Chính phủ không quá 50% GDP. Như vậy, so với mức trần, nợ Chính phủ trong năm 2015 đã vượt trần 0,3%.
Theo Danviet
Nhiều bộ ngành, địa phương báo cáo giải ngân qua... điện thoại Báo cáo tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 18 bộ, ngành và 19 địa phương thực hiện báo cáo qua email, điện thoại. Trong 5 tháng đầu năm, ước khối lượng vốn đầu tư công đã giải ngân gần 82.000 tỷ đồng trên tổng số hơn 251.000 tỷ đồng kế hoạch...