Thủ tướng mong mỗi gia đình Thủ đô trồng một cây, tạo nét đẹp mới của Hà thành
Sáng nay (18/2), dự lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Kỷ Hợi năm 2019 tại Hà Nội, Thủ tướng đề nghị, phấn đấu mỗi gia đình ở thành phố Hà Nội trồng một cây xanh, cây cảnh, cây hoa để Hà Nội trở thành thành phố văn hoá với 4 mùa hoa nở, luôn sáng, xanh, sạch, tạo dựng một nét đẹp mới của Hà thành.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ phát động – Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Buổi lễ diễn ra tại thôn Thượng Phúc, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, huyện được biết đến với “cây đa Bác Hồ”, cây đa thứ hai mà Bác Hồ trồng sau khi phát động Tết trồng cây (cây đa Bác trồng trong Tết trồng cây đầu tiên tại Công viên Bảy Mẫu, sau này là Công viên Thống Nhất). Cùng dự có Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung và lãnh đạo một số bộ, ngành, đông đảo người dân địa phương.
Phát động Tết trồng cây tại huyện Đông Anh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại lời dạy của Bác, “Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, cho biết, năm nay, chúng ta tổ chức kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Hồ Chủ tịch, cho nên, việc phát động trồng cây ở mọi vùng miền cả nước thành phong trào cách mạng của tất cả địa phương.
“Tất cả chúng ta đều mong muốn đem lại một môi trường sống xanh-sạch-đẹp cho người dân trên mọi miền của Tổ quốc và thực hiện nghiêm chủ trương không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, chúng ta lại càng thấm thía lời dạy của Bác, ra sức thực hiện di nguyện của Người”, Thủ tướng nói. Chính phủ đang cùng các địa phương trên cả nước tích cực trồng rừng, phát triển và bảo vệ rừng, phấn đấu đạt mục tiêu độ che phủ rừng năm 2020 ít nhất 42%, đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu về xuất khẩu gỗ rừng trồng có thương hiệu, có uy tín của thế giới.
Theo Thủ tướng, tại Thủ đô Hà Nội, nét đẹp truyền thống đó được duy trì thường xuyên với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nhờ vậy, những năm qua, phong trào trồng cây, gây rừng của Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Video đang HOT
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Nhân dịp này, Thủ tướng ghi nhận và biểu dương kết quả 3 năm phát động Chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh của thành phố Hà Nội.
Đến nay, nhiều trục đường giao thông đã được trồng cây xanh đồng bộ với quy hoạch cảnh quan kiến trúc, góp phần cải thiện môi trường. Đã khởi công xây dựng mới 7 công viên hiện đại; nâng cấp 144 sân chơi, vườn hoa nhỏ trong các khu dân cư xã, phường làm nơi vui chơi, sinh hoạt, thể dục thể thao cho nhân dân.
Để góp phần thiết thực hưởng ứng Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ do Đảng, Nhà nước phát động trên toàn quốc nhằm góp phần hoàn thành các mục tiêu trồng rừng, phát triển và bảo vệ rừng, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ trọng tâm. Đó là phát động phong trào thi đua thực hiện “Tết trồng cây” ngay từ những ngày đầu năm 2019. Xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực về trồng rừng, bảo vệ rừng và trồng cây phân tán để xanh đường, xanh nhà, phủ xanh đất trống, đồi trọc tạo một cảnh quan, môi trường xanh.
Đẩy mạnh thu hút các loại nguồn lực đầu tư vào trồng rừng, đổi mới mạnh mẽ khoa học công nghệ trong trồng rừng, quản lý rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Quyết tâm trong 10 năm tới đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng.
Tổ chức tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống chữa cháy rừng; kiểm soát chặt chẽ chuyển mục đích sử dụng rừng, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TW năm 2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện tốt Luật Lâm nghiệp năm 2017. Kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên và không sử dụng gỗ bất hợp pháp. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền của thành phố Hà Nội: Tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức đến đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thủ đô về mục đích, ý nghĩa của Tết trồng cây, về vai trò, tác dụng to lớn, lợi ích toàn diện, lâu dài, giá trị nhân văn của việc trồng cây, chăm sóc và bảo vệ cây xanh; có chương trình hành động thiết thực, cụ thể, triển khai có hiệu quả Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước vừa phát động, phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, đơn vị, từng cá nhân, tránh phô trương hình thức, lãng phí; thực hành tiết kiệm, hiệu quả. Phấn đấu một gia đình ở Thủ đô trồng một cây xanh, cây cảnh, cây hoa để Hà Nội trở thành thành phố văn hoá với 4 mùa hoa nở, luôn sáng, xanh, sạch, tạo dựng một nét đẹp mới của Hà thành.
Được biết, trong năm 2019, thành phố Hà Nội tiếp tục đặt mục tiêu trồng 400.000 cây xanh. Còn từ năm 2019-2020, thành phố Hà Nội có kế hoạch trồng mới thêm 600.000 cây xanh các loại trên địa bàn.
Với huyện Đông Anh, từ năm 2015 đến nay, đã trồng mới gần 30.000 cây xanh. Phấn đấu trong năm 2019, huyện sẽ trồng 25.000 cây xanh.
Đức Tuân
Theo Chinhphu.vn
Chú trọng giải quyết khiếu nại, tố cáo
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được TP Hà Nội quan tâm, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần ổn định an ninh trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2019, công tác này tiếp tục được lãnh đạo UBND thành phố quán triệt đến các đơn vị, địa phương với yêu cầu, đòi hỏi cao hơn.
Một buổi tiếp công dân của đại biểu HĐND TP Hà Nội tại UBND quận Thanh Xuân. Ảnh: Thái San
Trong quá trình phát triển của Thủ đô không thể tránh khỏi những vấn đề phát sinh khiến người dân bức xúc. Cùng đó, việc thực thi công vụ, vận hành các chính sách cũng còn những sai sót, thậm chí vi phạm từ phía cán bộ, công chức.
Trong năm 2018, TP Hà Nội đã tiếp 65.931 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo. Thủ trưởng các đơn vị thuộc thành phố đã tiếp 23.190 lượt công dân. Trực tiếp Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND thành phố đã nhiều lần tiếp, đối thoại với công dân, nghe các đơn vị báo cáo để kịp thời chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo. Riêng Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung trong năm qua đã tiếp nhận và xử lý hơn 23.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Cùng với việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo, UBND thành phố cũng đã chỉ đạo tiến hành 376 cuộc thanh tra, trong đó có 120 cuộc đột xuất, để rà soát, xử lý các sai phạm có thể dẫn đến bức xúc, khiếu nại, tố cáo. Nội dung thanh tra tập trung vào các lĩnh vực như: Quản lý, sử dụng đất đai, giao đất; việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng...
Qua thanh tra, cơ quan chức năng đã phát hiện sai phạm 178,896 tỷ đồng và 3,3ha đất, kiểm điểm trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm, thậm chí có trường hợp đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự...
Những con số trên cho thấy sự nỗ lực của các cấp, ngành, đặc biệt là người đứng đầu UBND thành phố, song cũng phản ánh thực tế tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn biến phức tạp. Để giải quyết tình trạng này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, năm 2019 các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện "Năm dân vận chính quyền" với tinh thần quyết liệt, trong đó nhiệm vụ giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo được đặt lên hàng đầu.
UBND thành phố đã thành lập tổ công tác giúp việc Chủ tịch UBND thành phố do một Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Tổ trưởng tổ công tác để đôn đốc cũng như giúp các đơn vị, địa phương khắc phục những hạn chế, khó khăn trong giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.
Nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, UBND thành phố cũng ban hành Công văn số 93/UBND-BTCD, yêu cầu Ban Tiếp công dân thành phố, Thanh tra thành phố, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 07/CT-UBND (ngày 24-4-2018) của Chủ tịch UBND thành phố về nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân.
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu, các cấp, ngành đôn đốc tăng cường rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng thuộc thẩm quyền, chủ động, thường xuyên cập nhật tình hình, kết quả giải quyết của các cơ quan cấp trên đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn để tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhằm hạn chế tình trạng công dân tập trung khiếu kiện đông người tại các cơ quan thành phố, trung ương...
Trên hết, để giải quyết hiệu quả khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh yêu cầu giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp nhận kiến nghị, công việc. Nếu thực hiện nghiêm túc tinh thần chung là "lấy người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ" thì công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo chắc chắn sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Theo HNM
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: "Không riêng tôi, các bộ trưởng đều áp lực" Theo ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, để thực hiện tinh thần Chính phủ phục vụ, chủ động trong tất cả công việc, không riêng ông mà tất cả Bộ trưởng đều áp lực. Bởi với chỉ đạo quyết liệt, tâm huyết, sự đi sâu đi sát, lăn lộn của Thủ tướng như vậy thì không thể...