Thủ tướng Merkel lần thứ 6 là phụ nữ quyền lực nhất thế giới
Lần thứ 6 liên tiếp Thủ tướng Đức Angela Merkel được tạp chí Forbes bầu chọn là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: AFP
“Nếu có một nữ lãnh đạo có khả năng đối mặt với những thách thức kinh tế và chính trị hiện nay của Liên minh châu Âu, từ các vấn đề bên lề đến cốt lõi, thì đó là Thủ tướng Đức Angela Merkel”, Forbes giải thích cho lựa chọn của mình và đánh giá động thái mở cửa biên giới Đức cho hơn một triệu người nhập cư từ Syria và các nước Hồi giáo khác của bà là đậm nét nhất.
Năm ngoái, nhờ vai trò nổi bật trong việc giải quyết nhiều vấn đề của khu vực và thế giới, trong đó có cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu, bà cũng được tờ Time chọn là Nhân vật của năm.
Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, ứng viên tổng thống Mỹ tiềm năng, đứng vị trí thứ hai trong danh sách những phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Tạp chí Mỹ cho rằng nếu bà đắc cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11 tới, bà có thể sẽ vươn lên vị trí đầu bảng.
Trong cuộc bầu chọn năm 2011, bà Clinton cũng về nhì.
Hillary Clinton, ứng viên tổng thống Mỹ tiềm năng. Ảnh: Reuters
Bà Janet Yellen, nữ chủ tịch đầu tiên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, đứng thứ ba. Nữ doanh nhân và nhà từ thiện Melinda Gates, phu nhân của người giàu nhất thế giới Bill Gates, xếp thứ 4, trong khi Mary Barra, CEO của tập đoàn General Motors ở vị trí thứ 5.
Góp mặt trong danh sách những phụ nữ quyền lực nhất thế giới còn có những tên tuổi quen thuộc như giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Legarde, giám đốc hoạt động của Facebook Sheryl Sandberg hay đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama.
Anh Ngọc
Video đang HOT
Theo VNE
'Đêm giao thừa nhục nhã' thử thách lòng kiên nhẫn của nước Đức
Những vụ tấn công tình dục vào phụ nữ Đức ở Cologne trong đêm giao thừa đang khiến dư luận nước này đặt ra nhiều câu hỏi về chính sách nhập cư của chính phủ.
Khung cảnh hỗn loạn trước nhà ga Cologne trong đêm giao thừa. Ảnh: DW
Công chúng Đức không khỏi bàng hoàng trước thông tin về một loạt những vụ cướp bóc, tấn công tình dục, hiếp dâm diễn ra ngay trong đêm giao thừa chào đón năm mới ở Cologne, làm dấy lên làn sóng tranh cãi về mối đe dọa đến từ làn sóng người nhập cư vào nước này.
Theo Financial Times, nhiều người dân Đức từng chào đón một cách nồng hậu hàng nghìn người nhập cư từ Trung Đông và châu Phi ở nhà ga Munich hồi mùa hè năm ngoái giờ đây có lẽ đã cảm thấy hối tiếc về hành động của mình, khi hàng loạt vụ tấn công nhắm vào phụ nữ Đức được cho là do người nhập cư gây ra.
Cuộc điều tra của cảnh sát Đức đối với những vụ tấn công tình dục, cướp bóc quy mô lớn chưa từng có tiền lệ này vẫn đang diễn ra, trong đó hơn 100 nạn nhân đã nộp đơn tố cáo bị sàm sỡ, quấy rối, cưỡng hiếp và cướp tài sản. Theo các báo cáo của cảnh sát và lời kể nhân chứng, những kẻ tấn công đến từ một đám đông khoảng 1.000 thanh niên trẻ, đa phần là người nhập cư gốc Arab hoặc Bắc Phi.
Ngày 7/1, tờ Der Spiegel công bố bản báo cáo rò rỉ của một quan chức cảnh sát cấp cao Đức, trong đó nhấn mạnh những gì xảy ra trong "đêm giao thừa nhục nhã và đáng hổ thẹn" này là điều tồi tệ nhất trong cuộc đời 29 năm làm cảnh sát của ông, khi phải chứng kiến những cô gái trẻ chạy thục mạng để "thoát khỏi bàn tay những kẻ tấn công".
Trong bản báo cáo, viên cảnh sát thừa nhận sự hiện diện ít ỏi của họ ở khu vực nhà ga Cologne vào đêm giao thừa đã khiến tình hình sớm rơi vào hỗn loạn. Đám đông thanh niên say xỉn hò nhau tấn công các cô gái bằng các hành động sàm sỡ và những lời lẽ dung tục.
Các nạn nhân trong đêm kinh hoàng đó cũng miêu tả sự bất lực của luật pháp, khi những kẻ tấn công phớt lờ sự hiện diện của cảnh sát và chống lại mệnh lệnh của họ. "Chúng tóm lấy tay tôi, lột quần áo và tìm cách đưa tay vào giữa hai chân tôi", một cô gái kể lại với BBC.
Khi viên cảnh sát này đến nơi, ông bàng hoàng chứng kiến hàng trăm thanh niên đang tụ tập, đốt pháo và ném chai lọ vào đám đông, trong khi những cô gái vây quanh ông khóc lóc và tố cáo vừa bị sàm sỡ.
Một người đàn ông tuyên bố với cảnh sát: "Tôi đến từ Syria, các ông phải đối xử tử tế với tôi. Bà Merkel mời tôi đến đây". Trong khi đó, một người khác xé nát cuốn hộ chiếu của mình ngay trước mặt cảnh sát và tuyên bố: "Các ông không làm gì được tôi, mau mang cho tôi giấy tờ khác vào ngày mai".
Vụ việc này đã làm chấn động cả nước Đức, một đất nước vốn tự hào về trật tự xã hội, và khiến dư luận đặt ra vô số câu hỏi, từ cách ứng phó của cảnh sát cho tới chính sách nhập cư của chính phủ và khả năng hòa nhập của cộng đồng người Hồi giáo nhập cư.
Một cô gái Đức lên truyền hình tố cáo bị đám đông sàm sỡ tại Cologne. Ảnh: NDTV
Thủ tướng Angela Merkel đã kêu gọi cảnh sát nước này có "hành động cứng rắn" đối với những kẻ tấn công ở Cologne, dù họ có nguồn gốc từ đâu. Thế nhưng lời kêu gọi của bà Merkel không thể xoa dịu được những lời chỉ trích của phe đối luôn chỉ trích chính sách nhập cư của bà. Hồi năm ngoái, bà Merkel đã quyết định mở cửa biên giới nước Đức, tiếp nhận con số kỷ lục khoảng 1,1 triệu người nhập cư.
Đảng Alternative fr Deutschland cánh hữu đã nhanh chóng lên tiếng đổ lỗi cho bà Merkel khi cho rằng các vụ tấn công ở Cologne là "sự pha trộn nguy hiểm giữa dòng người nhập cư không được kiểm soát, sự thất bại không thể bào chữa được của chính phủ và sự can thiệp chính trị".
Các chính trị gia cánh hữu trong liên minh cầm quyền CDU/CSU của bà Merkel cũng đã dùng vụ Cologne để gia tăng áp lực lên thủ tướng, khi cựu bộ trưởng nội vụ Hans-Peter Friedrich nói đến "làn sóng nhập cư mất kiểm soát".
Những người ủng hộ bà Merkel cũng đã có một số động thái phản công, khi cảnh báo các lời cáo buộc vội vàng là không khách quan. Nghị sĩ Claudia Roth thuộc đảng Xanh lên tiếng: "Thật không đúng khi nói rằng đây là hành vi điển hình của người tị nạn hay người Bắc Phi".
Theo giới phân tích, vụ việc đáng hổ thẹn ở Cologne sẽ càng khiến cuộc tranh luận về khả năng hòa nhập của người tị nạn trong lòng xã hội nước Đức trở nên căng thẳng hơn. Ngày càng nhiều người tin rằng chính phủ Đức đã thất bại trong việc giúp người nhập cư hòa nhập thuận lợi vào cộng đồng, khiến những người này, đặc biệt là người Hồi giáo, bị cô lập trong các nhóm thiểu số.
Necla Kelek, chuyên gia xã hội học của Đức, cho rằng đây là sự "độ lượng giả tạo" của nước Đức. Bà chỉ ra rằng đây chính là nguyên nhân khiến nhiều thanh niên Hồi giáo nhập cư đến nước Đức mà không có người thân, vợ con, gia đình trở nên cực đoan hơn với tư tưởng về xã hội "trọng nam khinh nữ" của Hồi giáo.
Thảm họa sẽ còn tiếp diễn
Theo tiến sĩ Valerie Hudson, giảng viên Đại học Texas A&M, việc hàng triệu thanh niên chưa vợ con nhập cư ồ ạt vào châu Âu sẽ dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, và những vụ tấn công tình dục tương tự như ở Cologne chắc chắn sẽ tiếp diễn ở châu lục này.
Những tội phạm như tấn công tình dục và cưỡng hiếp sẽ trở nên phổ biến hơn ở những xã hội "nam hóa", và nguy cơ đối với phụ nữ sẽ ngày càng tăng lên, bà Hudson chỉ ra.
Các báo cáo gần đây cho thấy những vụ tấn công tình dục tương tự đã diễn ra ở nước láng giềng Áo, nơi cũng tiếp nhận hàng nghìn người tị nạn trong năm qua. Tại Thụy Sĩ, 6 phụ nữ cũng nộp đơn tố cáo bị quấy rối trong đêm giao thừa ở Zurich, trong khi cảnh sát Pháp đang điều tra thông tin về những vụ tấn công tương tự đang được lên kế hoạch, theoPolitico.
"Khi vấn đề nhân đạo đối với dòng người tị nạn vào châu Âu là ưu tiên hàng đầu của chúng ta, các nhà hoạch định chính sách ở châu lục này cần phải tính đến những hậu quả lâu dài của việc thay đổi sự cân bằng giới tính chưa từng có trong xã hội của họ", chuyên gia này nhận định.
Trước sức ép của dư luận, Thủ tướng Merkel vừa tuyên bố nước Đức phải xem xét lại liệu họ đã làm hết sức để trục xuất những người nước ngoài phạm tội hay chưa. Bà cho rằng các vụ tấn công đêm giao thừa ở Cologne là "hành động tội phạm phản cảm mà nước Đức sẽ không chấp nhận".
Thủ tướng Merkel đang chịu sức ép rất lớn từ vấn đề người tị nạn. Ảnh: Express
Trong khi kêu gọi người dân không nên áp đặt định kiến với người nhập cư nói chung, các quan chức Đức khẳng định sẽ xem xét những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất, trong đó không loại trừ khả năng trục xuất đối với cả những người đang xin tị nạn.
"Luật pháp nước Đức cho phép chúng tôi trục xuất những người đang nộp đơn xin tị nạn nếu họ bị kết án tù từ một năm trở lên. Tòa án sẽ quyết định mức án tù, nhưng đây là mức án nhẹ nhất đối với các tội danh tình dục", Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas tuyên bố.
Theo giới phân tích, những phản ứng này là dấu hiệu cho thấy người dân Đức đang ngày càng ít kiên nhẫn với dòng người tị nạn quá đông, và đây có thể là tín hiệu rất xấu cho đảng cầm quyền của bà Merkel trong cuộc bầu cử sắp diễn ra vào tháng ba.
"Các vụ tấn công tình dục ở Cologne đã cho cả nước Đức thấy rằng đây không còn là vấn đề xa vời nữa, mà đã trở thành mối bận tâm của mỗi người dân nước Đức. Khẩu hiệu chào đón người tị nạn vốn rất được hoan nghênh của nước này sẽ phụ thuộc rất lớn vào điều đó", chuyên gia Kelek nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - EU: Việc riêng và việc chung Bất chấp sự phản đối và dọa dẫm của Thổ Nhĩ Kỳ, Quốc hội Đức đã thông qua nghị quyết chính thức coi việc quân đội của Đế chế Ottoman tàn sát người Armenia cách đây một thế kỷ là hành động diệt chủng. Người gốc Thổ biểu tình phản đối việc Quốc hội Đức thông qua nghị quyết coi việc Đế chế...