Thủ tướng Israel Netanyahu có phá nổi “vòng vây pháp lý và chính trị”?
Hàng ngàn người đã biểu tình để ủng hộ Thủ tướng Israel Netanyahu. Nhưng liệu ông có phá nổi “vòng vây pháp lý và chính trị” quanh mình?
Hàng nghìn người Israel hôm 26/11 đã xuống đường biểu tình nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, trong bối cảnh nhà lãnh đạo này đang phải đối mặt với thách thức chính trị và pháp lý chưa từng có kể từ khi lên nắm quyền năm 2009. Ông Netanyhua hồi tuần trước đã bị cáo buộc các tội danh nham nhũng và lạm quyền và sẽ bị truy tố.
Những người ủng hộ ông Netanyahu. Ảnh: Times of Israel.
Theo truyền thông Israel, cuộc tuần hành do một số thành viên đảng Likud tổ chức và thu hút khoảng 2.000-3.000 người tham gia. Trong khi đó, đảng Likud cho biết, 15.000 người đã hưởng ứng lời kêu gọi. Những người biểu tình mang cờ Israel và biểu ngữ với khẩu hiệu “Hãy chấm dứt đảo chính” để thể hiện sự trung thành với đảng cầm quyền và Thủ tướng Netanyhua.
Nhà lãnh đạo Israel sẽ bị truy tố vì các tội danh tham nhũng, gian lận và lạm dụng tín nhiệm trong 3 vụ bê bối riêng rẽ. Đây cũng là vị Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên trong lịch sử Israel bị buộc tội.
Video đang HOT
Ông Netanyhua đã bác bỏ mọi cáo buộc và tuyên bố sẽ không từ chức: “Chúng ta vừa phải chứng kiện một cuộc tấn công nhằm vào Thủ tướng, dựa trên những điều bịa đặt và một quá trình điều tra sai lệch. Tôi sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước phù hợp với luật pháp và với trách nhiệm, sự tận tâm vì an ninh và tương lai của đất nước và toàn thể người dân.”
Trên thực tế, tại Israel không có bất kỳ một quy định luật pháp nào buộc ông Netanyhua phải từ chức trừ khi bị kết tội và tất cả các kháng cáo đều vô hiệu. Ngay cả trong trường hợp từ chức, thì ông Netanyhua vẫn có thể tiếp tục đảm nhiệm cương vị cho đến khi chính phủ mới được thành lập. Tổng trưởng lý Israel Avichai Mandelblitt hôm 26/11 đã xác nhận điều này, để ngỏ khả năng Thủ tướng Netanyhua, nhà lãnh đạo lâu năm nhất của Israel, có thể được chỉ định thành lập chính phủ mới trong thời gian tới.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Thủ tướng Netanyhua đã có thể hoàn toàn yên tâm, bởi chính trường Israel vẫn chưa thể ngã ngũ sau khi phải tổ chức bầu cử Quốc hội 2 lần chỉ trong vòng 5 tháng và đến nay vẫn chưa thể thành lập được chính phủ mới. Trong khi các quan chức pháp lý cao cấp đang thảo luận tác động của việc truy tố Thủ tướng Netanyhua, thì các đối thủ chính trị và các nhóm hoạt động cũng rậm rịch các bước đi nhằm buộc ông Netanyhua phải từ chức, cho rằng nhà lãnh đạo không thể điều hành đất nước một cách hiệu quả khi phải đối diện các cáo buộc hình sự.
Lãnh đạo đảng Xanh- Trắng Benni Gantz tuyên bố: “Với những gì đã làm, ông Netanyhua đang đẩy đất nước tới nguy cơ nội chiến. Đã đến lúc chữa lành xã hội Israel khỏi bệnh dịch của sự thù hận.”
Đảng “Israel- Ngôi nhà của chúng ta”, giành được 8 ghế trong cuộc bầu cử ngày 17/9 vừa qua cũng chia sẻ quan điểm này, cho rằng việc trao quy chế miễn trừ cho Thủ tướng Netanyhua “sẽ gây tổn hại lòng tin của công chúng”. Công đảng thì cho biết sẽ trình Tòa án tối cao đơn yêu cầu ông Netanyhua từ chức.
Sau thất bại của ông Netanyhua và sau đó là lãnh đạo đảng Xanh- Trắng Benni Gantz trong nhiệm vụ thành lập chính phủ liên minh, Tổng thống Israel Reuven Livlin đã trao cho Quốc hội trọng trách tìm kiếm một vị thủ tướng cho thể giúp Israel thoát khỏi tình trạng bế tắc chính trị “có một không hai” trong lịch sử đất nước. Nếu không, cử tri Israel sẽ phải lần thứ 3 trong chưa đầy 1 năm phải tới hòm bỏ phiếu./.
Thu Hoài/VOV1 (tổng hợp)
Israel rối ren trong bão tố chính trị
Trong bối cảnh nội bộ đất nước chia rẽ sâu sắc và đầy rối ren, dù đã tiến hành tới 2 cuộc bầu cử chỉ trong năm nay, nhưng Israel vẫn chưa thể thành lập được Chính phủ mới và các nỗ lực tìm "lối thoát" vẫn đi vào bế tắc.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu (bên trái) và Chủ tịch đảng liên minh Xanh - Trắng Benny Gantz (bên phải). Ảnh:Reuters
Israel - quốc gia Trung Đông với phần lớn là người Do Thái đang lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ khi Chính phủ đứng trước bờ vực sụp đổ. Trong cuộc bầu cử vào tháng 4-2019, đảng Likud của Thủ tướng Chính phủ lâm thời Benjamin Netanyahu và đảng liên minh Xanh - Trắng đều không thể thành lập được Chính phủ mới do mỗi bên đều không thể đạt được ít nhất 61/120 ghế cần thiết để tự thành lập Chính phủ. Điều này đã dẫn tới cuộc bầu cử thứ 2 vào tháng 9, nhưng kết quả vẫn vậy.
Việc tiến hành đến 2 cuộc bầu cử vẫn không tìm ra lãnh đạo đất nước là minh chứng cho thấy bức tranh toàn cảnh chính trị Israel đã và đang vô cùng rối ren khi không ai có thể trở thành Thủ tướng.
Trong bối cảnh đó, việc thành lập ra Chính phủ thống nhất giữa đảng Likud và đảng liên minh Xanh - Trắng được xem là giải pháp tốt nhất nhằm ổn định chính trường Israel, thay vì kịch bản xấu nhất là cuộc bầu cử lần thứ 3 vốn không có tín hiệu tích cực.
Ngày 23-11 vừa qua, Chủ tịch đảng liên minh Xanh-Trắng Benny Gantz đã đưa ra đề xuất cụ thể về việc thành lập Chính phủ thống nhất là theo phương án nắm quyền luân phiên. Theo đề xuất này, ông Gantz cùng đảng của mình sẽ nắm quyền trong 2 năm đầu và trong 2 năm tiếp theo sẽ đến lượt Thủ tướng của Chính phủ lâm thời Benjamin Netanyahu.
Thứ tự được đưa ra sau khi ông Netanyahu bị cáo buộc 3 tội danh lớn và đang trong quá trình điều tra với bản án có thể lên tới trên 10 năm tù, nên việc nắm quyền vào thời điểm hiện tại là không phù hợp. Sau 2 năm nữa, nếu ông Netanyahu trong sạch thì sẽ đủ tư cách tiếp quản Chính phủ. Đây được xem là một sự đả kích lớn đối với Thủ tướng đương nhiệm và nắm quyền lực lâu nhất của Israel. Không chỉ bác bỏ mọi cáo buộc, ông Netanyahu còn gọi đây là "cuộc săn phù thủy chính trị" và là "âm mưu đảo chính".
Theo quy định hiện hành, dù bị truy tố, nhưng Thủ tướng Netanyahu vẫn nắm quyền cho đến khi có kết quả điều tra chính thức. Tuy nhiên, việc bị truy tố sẽ khiến ông mất 2 chức vụ kiêm nhiệm là Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Nông nghiệp. Ông Netanyahu là Thủ tướng đầu tiên và duy nhất sinh ra sau khi thành lập Nhà nước Israel năm 1948, đồng thời là Thủ tướng có uy tín và nắm quyền lực lâu nhất. Ông từng làm Thủ tướng từ năm 1996 đến 1999. Sau đó, năm 2009, ông quay trở lại vị trí đứng đầu Chính phủ và tại vị đến nay.
Trong lịch sử 70 năm của Nhà nước Israel, đây là lần đầu tiên Thủ tướng đương nhiệm đứng trước vòng lao lý. Theo các nhà phân tích, điều này có thể là một hệ lụy tất yếu trong bối cảnh khủng hoảng chính trị và nội bộ "đấu đá" dữ dội. Bản thân trong nội bộ đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu cũng đang dấy lên làn sóng yêu cầu bầu chọn lại lãnh đạo của đảng này khiến ông Netanyahu đối mặt với việc kết thúc thời đại cầm quyền của mình.
Giới quan sát quốc tế cũng cho rằng, nếu Thủ tướng Netanyahu bị kết án tham nhũng và lạm quyền như cáo trạng vào đầu tháng tới, đảng cầm quyền lâm thời Likud sẽ không còn người đứng đầu, vì vậy, đảng liên minh Xanh - Trắng sẽ dễ dàng chiếm được lợi thế để nắm quyền Chính phủ thống nhất. Ngược lại, nếu những bế tắc không sớm được giải quyết, Israel sẽ phải tiến hành kịch bản xấu nhất là cuộc bầu cử lần thứ 3.
Thanh Trúc
Theo bienphong.com.vn
Thủ tướng Israel đề nghị gia hạn thời gian thành lập chính phủ mới Thủ tướng Israel vừa yêu cầu gia hạn thêm 2 tuần để thành lập chính phủ liên minh mới do quá trình đàm phán giữa các đảng vẫn chưa hoàn tất. Giới chức Israel hôm qua (11/5) cho biết, Thủ tướng Benjamin Netanyahu sẽ yêu cầu Tổng thống Reuven Rivlin gia hạn thêm 2 tuần, để thành lập chính phủ liên minh mới...