Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT hướng dẫn học sinh ‘vùng xanh’ đến trường
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ GD-ĐT hướng dẫn việc đi học linh hoạt; những nơi an toàn, đã chuyển sang “vùng xanh” có thể đi học bình thường và có giải pháp phù hợp
Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT hướng dẫn cho học sinh ở ‘vùng xanh’ đến trường học tập bình thường – T.B
Kết luận cuộc họp sáng 23.9 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19.
Một trong những nội dung mà Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ ngành là yêu cầu Bộ GD-ĐT hướng dẫn việc đi học linh hoạt, những nơi an toàn, đã chuyển sang vùng xanh có thể đi học bình thường và có giải pháp phù hợp.
Ghi nhận của phóng viên Thanh Niên cho thấy mỗi địa phương đang có những chỉ đạo khác nhau về việc cho học sinh học đi học. Cả nước có 25 tỉnh, thành cho 100% học sinh đến trường; 14 địa phương kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình; nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội và TP.HCM, chỉ dạy học trực tuyến là chủ yếu và kết hợp dạy học qua truyền hình.
Đáng nói, một số địa phương chỉ có một vài ca bệnh trong cộng đồng nhưng cho học sinh toàn tỉnh, thành nghỉ học thay vì khoanh vùng để cho học sinh được đến trường. Tỉnh Hưng Yên dù đã khống chế được dịch bệnh và không có ca mắc mới trong cộng đồng cả tháng qua nhưng vẫn cho học sinh học trực tuyến. Trong khi đó, tâm dịch Bình Dương đã xây dựng tới 4 phương án dạy học tương ứng với 4 cấp độ kiểm soát dịch, để các nhà trường linh hoạt thực hiện…
Bản tin Covid-19 ngày 23.9: Cả nước 9.472 ca nhiễm mới | Xử nghiêm tình trạng tụ tập đông người
Hà Nội đang xây dựng phương án
Tại Hà Nội, các trường ở các địa bàn hàng tháng qua không có ca bệnh đang mong thành phố cho học sinh được trở lại trường. Ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng GD-ĐT H.Ba Vì, Hà Nội, cho biết nhiều ngày nay, Ba Vì chưa ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng, trong khi các trường học cũng đã sẵn sàng mọi phương án phòng dịch và có thể cho học sinh quay lại trường sớm hơn dự kiến, trên nguyên tắc đảm bảo chống dịch, bằng cách chia lớp theo ca, cho học sinh đầu cấp đến trường trước…
Lãnh đạo phòng GD-ĐT các huyện như Mê Linh, Sóc Sơn…, cũng đều cho biết địa bàn nhiều ngày nay không có ca mắc mới. Do đó, huyện đề xuất lãnh đạo thành phố thí điểm cho học sinh ở các “vùng xanh” đi học trở lại.
Trả lời báo chí xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho hay đơn vị này đã lên nhiều kịch bản về việc cho học sinh trở lại trường để trình UBND TP, trong đó có việc cho học sinh một số khối lớp đầu cấp và cuối cấp ở “vùng xanh” quay trở lại trường học.
Ông Cương cho biết, Hà Nội đã có hơn 96% giáo viên được tiêm vắc xin nhưng học sinh dưới 18 tuổi chưa được tiêm nên các phương án cho học sinh đi học trước hết là đảm bảo an toàn và bảo vệ được thành quả chống dịch của TP.Hà Nội trong thời gian qua.
Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin, ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cho biết UBND TP cũng đang rất cân nhắc việc cho học sinh ở vùng an toàn đến trường, sắp tới Hà Nội sẽ yêu cầu các cơ sở giáo dục đánh giá theo tiêu chí an toàn, từ đó sẽ có thí điểm triển khai.
“Chúng tôi cũng mong muốn sớm cho học sinh trở lại trường học. Việc học sinh phải học trực tuyến tại nhà kéo dài cũng gây tác động đến tâm lý và tiếp nhận kiến thức của học sinh”, ông Dũng nói.
Covid-19 sáng 24/9: Cả nước 728.435 ca nhiễm, 493.488 ca khỏi | Điểm nóng đang “hạ nhiệt”
Theo Bộ GD-ĐT, đến ngày 20.9, cấp tiểu học có 25 tỉnh, thành chưa tổ chức dạy học trực tiếp. Cả nước có 7.478 cơ sở giáo dục cấp tiểu học đã tổ chức dạy trực tiếp; 5.047 trường dạy trực tuyến; 8.967 trường cho học sinh học qua truyền hình;
Cấp trung học có 23 tỉnh, thành chưa tổ chức dạy học trực tiếp; 40 tỉnh, thành đã dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến; một số địa phương kết hợp cả 2 hình thức này. Trong đó, cấp THCS có 5.873/9.763 trường đã tổ chức dạy học trực tiếp (chiếm 60,16%); 4.509 trường dạy học trực tuyến (46,18%); 571 trường dạy học qua truyền hình (10,37%); 466 trường chưa dạy học.
Cấp THPT có 1.207/2.876 trường dạy học trực tiếp (41,97%); 1.639 trường dạy học trực tuyến (56,99%); 102 trường dạy học qua truyền hình (9,27%); 48 trường chưa dạy học.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: 3 yếu tố không thể thiếu khi dạy học online
Để dạy học online, qua truyền hình đạt hiệu quả, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh 3 yếu tố quan trọng là biết làm, có điều kiện để làm và có động lực để làm.
Tại khoá tập huấn nâng cao năng lực dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình cho hơn 400 cán bộ, giáo viên cấp tiểu học của 22 Sở GD&ĐT các tỉnh phía Bắc ngày 23/9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, dạy học trực tuyến và qua truyền hình trong điều kiện dịch bệnh hiện nay là bất khả kháng.
Trong số các địa phương tham gia khoá tập huấn hôm nay, phần đông đã cho học sinh đến trường học trực tiếp. Đây là niềm vui lớn. Tuy nhiên, quá trình dạy học trực tiếp, một số tỉnh phát sinh ca nhiễm mới nên lại chuyển từ "vùng xanh" thành "vùng đỏ". Tình trạng này có thể còn xuất hiện trong thời gian tới.
Do đó, Bộ GD&ĐT xác định phải chuyển trạng thái dạy học trực tuyến/dạy học qua truyền hình từ giải pháp tình thế sang chủ động, có kế hoạch dạy học theo hình thức này. Đây cũng là cách để ngành giáo dục có thể đạt được 3 mục tiêu: an toàn vì dịch, hoàn thành chương trình năm học và kiên trì mục tiêu chất lượng.
Học sinh học online. (Ảnh minh hoạ)
Theo Thứ trưởng Độ: "Hiệu quả và chất lượng của việc dạy học trực tuyến được tính bằng tích của 3 chữ: "Biết làm" - tức có năng lực sư phạm để dạy học trực tuyến; "Có điều kiện để làm" - tức có đủ trang thiết bị, đường truyền cần thiết để giáo viên, học sinh học tập và "Có động lực để làm". Quan trọng là nếu một trong 3 thừa số trên bằng 0 thì tích cũng bằng 0. Chúng ta cần đồng thời đảm bảo 3 yếu tố, để đạt được chất lượng dạy học trực tuyến tốt nhất".
Thứ trưởng nhấn mạnh, thời điểm khó khăn này là lúc mỗi nhà giáo cần thể hiện cao nhất tinh thần, trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục, với học sinh. Nếu lực lượng y tế đang "căng mình" ở tuyến đầu chống dịch thì ngành giáo dục cũng nỗ lực hết sức tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp học trò không bị ngừng việc học và được học tử tế, chất lượng.
Để chuẩn bị dạy học trực tuyến đạt hiệu quả, trước đó Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 09 về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến, trong đó nêu rõ các yêu cầu, điều kiện để dạy học theo hình thức này; hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục giáo dục phổ thông cấp tiểu học năm học 2021 - 2022 ứng phó với dịch COVID-19 với các nội dung được tinh gọn.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng phát động chương trình quyên góp, ủng hộ "Máy tính cho em" giúp học sinh khó khăn có đủ phương tiện học trực tuyến.
Cùng với đó, Bộ phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam xây dựng, phát sóng video bài giảng điện tử, bài giảng trên truyền hình theo môn học/cấp học tạo nên nguồn học liệu phong phú, chất lượng, để nhà trường tham khảo, sử dụng.
Thứ trưởng mong muốn các cán bộ, giáo viên khi tham gia tập huấn sẽ phát huy năng lực, trách nhiệm, cố gắng học tập tốt nhất để đạt mục tiêu cuối cùng là biết cách dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình hiệu quả, chất lượng.
Khoá tập huấn dạy học trực tuyến, dạy qua truyền hình cho các giáo viên ngày 23/9.
Trong 2 ngày tập huấn, Bộ GD&ĐT cung cấp tổng quan kiến thức về dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình, giúp giáo viên nắm được điểm giống và khác, ưu điểm, hạn chế của các hình thức dạy học. Từ đó, rút ra các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục.
Các chuyên gia hướng dẫn giáo viên là những người am hiểu và có kinh nghiệm về dạy học trực tuyến, qua truyền hình đến từ Vụ Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Sư phạm Thái Nguyên...
Giáo viên tham gia tập huấn sẽ được trang bị các phương pháp, kỹ thuật để tổ chức dạy học trực tuyến/qua truyền hình với từng môn học, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học theo hình thức này và tư vấn "gỡ khó" cách xử lý tình huống phát sinh khi dạy học trực tuyến/qua truyền hình.
Trong tháng 9/2021, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tổ chức 2 khoá tập huấn về dạy học trực tuyến/qua truyền hình cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên cấp Tiểu học của các tỉnh còn lại. Đan xen với đó là các khoá tập huấn cho đội ngũ nhà giáo cấp THCS, THPT của 63 tỉnh, thành phố.
Đề xuất cho học sinh ở Cần Giờ có thể trở lại lớp sau 30-9 Thông tin này được ông Nguyễn Văn Hồng - phó bí thư Huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Cần Giờ - cho biết tại Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Đảng bộ huyện Cần Giờ ngày 23-9. Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Đảng bộ huyện Cần Giờ ngày 23-9 - Ảnh: ĐỨC THẮNG Theo ông Nguyễn Văn Hồng,...