Thủ tướng giao 5 nhiệm vụ cho ĐH Quốc gia Hà Nội
Tại lễ khai giảng năm học mới của ĐH Quốc gia Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn dũng đã chỉ ra 5 nhiệm vụ mà trường phải thực hiện.
Sáng 15/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự buổi lễ khai giảng năm học mới tại ĐH Quốc gia Hà Nội.
Sau hơn một năm trở lại trường, Thủ tướng nhận định: “Tôi rất vui mừng thấy rằng, thời gian qua ĐH Quốc gia Hà Nội đã tiếp tục đổi mới và phát triển tốt theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu của đất nước”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi lễ khai giảng năm học 2014-2015 của ĐH Quốc gia Hà Nội.
“Vừa qua, trường đã tích cực đổi mới phương thức tuyển sinh đại học và sau đại học, chủ động xây dựng phương án tuyển sinh tiên tiến bằng một bài thi tổng hợp để đánh giá toàn diện năng lực người học.
Tôi rất hoan nghênh và đề nghị ĐH Quốc gia Hà Nội chủ động làm việc với Bộ GD-ĐT để xem xét, thí điểm thực hiện phương án tuyển sinh này”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Năm 2014, vị thế của ĐH Quốc gia Hà Nội đã không ngừng được khẳng định trong khu vực và trên thế giới khi. Cụ thể, trường đã được tổ chức xếp hạng ĐH uy tín trên thế giới (QS) đưa vào nhóm 161 các đại học hàng đầu châu Á. Trong đó ba lĩnh vực khoa học tự nhiên; khoa học xã hội và quản lý; công nghệ và kỹ thuật của trường được xếp vào nhóm 100 trường hàng đầu châu Á.
Cũng trong năm học vừa qua, ĐH Quốc gia Hà Nội đã có một số chính sách đặc biệt để phát triển hai trường THPT chuyên thuộc trường nhằm tạo nguồn học sinh giỏi và sinh viên đại học tài năng.
Cụ thể, trường cho phép tuyển thẳng các học sinh THPT chuyên có thành tích học tập xuất sắc lên đại học. Những học sinh xuất sắc được tích luỹ sớm một số tín chỉ phù hợp với chương trình đào tạo bậc đại học, tạo điều kiện rút ngắn thời gian nhưng vẫn đảm bảo khối lượng và chất lượng đầu ra theo quy định.
Tại buổi lễ khai giảng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn chỉ ra một số mặt hạn chế của giáo dục đại học Việt Nam như chất lượng, nội dung đào tạo, tỷ lệ sinh viên thất nghiệp cao…
Qua đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ ra 5 nhiệm vụ yêu cầu ĐH Quốc gia Hà nội cũng các trường đại học, cao đẳng cần phải làm tốt.
Một là, đổi mới quản trị đại học, chủ động thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao.
Hai là, tiếp tục đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá theo chuẩn đầu ra, phát huy đến mức cao nhất tính chủ động, sáng tạo của người học, bảo đảm chất lượng thực chất đáp ứng nhu cầu xã hội và đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Tập trung triển khai thành công và hiệu quả đề án đổi mới tuyển sinh đại học và sau đại học theo phương thức đánh giá toàn diện năng lực người học.
Ba là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, tạo ra những sản phẩm nghiên cứu khoa học có chất lượng, đủ khả năng ứng dụng, giải quyết các vấn đề quan trọng các địa phương, các ngành, của quốc gia. Hoạt động khoa học và công nghệ phải đóng vai trò chủ đạo để phát triển đại học nghiên cứu, phát triển nguồn lực, nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh của đại học Việt Nam.
Video đang HOT
Bốn là, triển khai mạnh mẽ các giải pháp xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển nền giáo dục ĐH Việt Nam tiên tiến, nhân văn, đạt chuẩn quốc tế.
Năm là, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, hệ thống học liệu đáp ứng yêu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học, bảo đảm điều kiện cần thiết cho hoạt động sáng tạo của các thầy giáo, cô giáo, học sinh, sinh viên. Ban Quản lý dự án xây dựng ĐH Quốc gia tại Hòa Lạc cần đẩy nhanh tiên độ triển khai dự án, phấn đấu trong 5 năm tới có thể chuyển được 2-3 trường đại học thành viên lên địa điểm mới và sớm đưa ĐH Việt Nhật vào hoạt động.
Thủ tướng cũng chia sẻ: “Tôi tha thiết mong rằng trong năm học này ĐH Quốc gia Hà Nội cũng như tất cả các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân cần đặc biệt quan tâm chăm lo giáo dục, bồi dưỡng học sinh, sinh viên toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, nhất là chăm lo xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống đẹp”.
Theo Zing
Bộ GD -ĐT không nên làm riêng một bộ sách giáo khoa
Tinh thần đổi mới là tách quản lý nhà nước khỏi quản lý chuyên môn, sự nghiệp. Không nên lẫn lộn hai lĩnh vực này.
Thủ tướng - chủ tịch Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục - đã có chỉ đạo liên quan đến đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo đó, việc biên soạn sách giáo khoa mới có hai phương án.
Trong đó phương án 1, Bộ GD-ĐT chủ động tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa. Phương án 2: các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa, Bộ GD-ĐT tổ chức thẩm định, cho phép sử dụng.
"Tinh thần đổi mới là tách quản lý nhà nước khỏi quản lý chuyên môn, sự nghiệp. Không nên lẫn lộn hai lĩnh vực này", ông Vũ Ngọc Hoàng.
Ông Vũ Ngọc Hoàng - phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương cho biết: "Tôi nghĩ đây là việc rất cần thiết và rất quan trọng, là nội dung quan trọng nhất trong đổi mới giáo dục phổ thông".
Ông Vũ Ngọc Hoàng.
- Về chương trình giáo dục phổ thông, theo ông, điều gì là quan trọng nhất cần đổi mới?
- Lâu nay, chương trình giáo dục phổ thông thực hiện theo phương pháp tiếp cận chủ yếu là truyền thụ kiến thức cho học sinh. Nay đổi mới chương trình theo cách tiếp cận mới là xây dựng nhân cách, phát triển năng lực.
Trong chương trình mới, tuy vẫn phải cung cấp cho học sinh những giá trị cốt lõi của các bộ môn, các học phần, nhưng cần đặc biệt chú trọng giúp học sinh phương pháp tiếp cận (kể cả tiếp cận vấn đề và tiếp cận nguồn kiến thức), phương pháp giải quyết vấn đề; kể cả phương pháp học tập, tự học, tự cập nhật kiến thức thường xuyên, suốt đời; kích thích, hình thành tinh thần tự chủ, ý thức tự học; tổ chức các hoạt động học tập, tương tác qua lại giữa thầy trò, giảng ít học nhiều...
Tóm lại, cần chú ý ba điểm: cung cấp giá trị cốt lõi, tập trung xây dựng nhân cách, phát triển năng lực, tổ chức tốt các hoạt động học.
- Có ý kiến cho rằng nên có nhiều chương trình - nhiều bộ sách giáo khoa để giáo viên, người học được lựa chọn. Ý kiến của ông như thế nào?
- Tôi nghĩ không nên để một cơ quan, đơn vị nào độc quyền làm sách giáo khoa vì như vậy sẽ hạn chế, kìm hãm sự phát triển.
Tôi hết sức ủng hộ một chương trình với một số bộ sách giáo khoa. Nói nhiều bộ sách giáo khoa là nhiều trong giới hạn. Thực tế thị trường sẽ loại bỏ dần, chỉ còn lại một số ít bộ sách giáo khoa có chất lượng tốt nhất được lựa chọn.
Việc làm này cho phép cạnh tranh về chất lượng sách, nâng cao chất lượng sách giáo khoa, do đó nâng cao chất lượng dạy và học, đồng thời cũng thúc đẩy sự phát triển của những người viết sách, tức là phát triển những ông thầy.
- Nhiều bộ sách giáo khoa vậy nên để ai lựa chọn bộ sách nào để dạy? Cấp quản lý hay người trực tiếp giảng dạy? Nhiều bộ sách giáo khoa có làm khó cho quản lý, thậm chí cá biệt có bộ sách không tốt về chất lượng nội dung thì làm thế nào?
- Theo tôi nghĩ, tốt nhất là tập thể giáo viên của tổ bộ môn.
Quản lý nhiều bộ sách thì khó hơn quản lý một bộ sách. Làm cho chất lượng cao hơn thì đương nhiên phải vất vả hơn.
Đổi mới thì vất vả hơn không đổi mới. Nhưng không ngại khi chủ trương có nhiều bộ sách thì có bộ sách nào đó sẽ viết lung tung... Bởi vì nhiều bộ sách giáo khoa nhưng chỉ có một chương trình. Sách giáo khoa phải tuân thủ chương trình, chịu sự quy định của chương trình do Nhà nước ban hành.
Trên cơ sở của chương trình, cơ quan quản lý nhà nước lập ra hội đồng khoa học để thẩm định sách giáo khoa, những bộ sách nào đạt yêu cầu, theo đúng chương trình thì mới cho sử dụng trong hệ thống giáo dục phổ thông.
- Có ý kiến cho rằng nên có nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng vẫn cần có một bộ sách do Bộ GD-ĐT trực tiếp chủ trì biên soạn?
- Theo tôi, không nên làm như thế, cách ấy là nửa vời, chưa đổi mới. Về bản chất cũng gần giống như một chương trình một sách giáo khoa, cơ chế cũ, độc quyền. Bộ GD-ĐT làm chức năng quản lý nhà nước, công việc viết sách giáo khoa là việc chuyên môn, sự nghiệp.
Tinh thần đổi mới là tách quản lý nhà nước khỏi quản lý chuyên môn, sự nghiệp. Không nên lẫn lộn hai lĩnh vực này.
Bộ sách nào được sử dụng trong nhà trường là công việc của quản lý nhà nước, còn viết sách là công việc của các nhà chuyên môn. Không nên sử dụng một sân chơi không bình đẳng, trong đó có một "đội bóng" có trọng tài chơi cùng phe.
Phải bình đẳng mới thực hiện xã hội hóa một cách lành mạnh được. Bộ có trách nhiệm và đồng thời công bằng với tất cả các bộ sách, chứ không phải chỉ có trách nhiệm với bộ sách của mình.
Việc viết sách giáo khoa là việc của các nhà chuyên môn, của các trường sư phạm, các nhà xuất bản, viện nghiên cứu... Nên xã hội hóa công việc này.
- Theo như ông nói sẽ có một hội đồng thẩm định, nhưng nếu hội đồng này gồm các thành viên là các đơn vị thuộc Bộ GD-ĐT thì liệu sẽ xuất hiện "trọng tài cùng phe" hay không? Một hội đồng như thế nào mới đảm bảo khách quan, trung thực, đảm bảo chất lượng?
- Hội đồng thẩm định sách giáo khoa do bộ lập ra, nhưng thành phần thì không chỉ một số nhân sự của bộ, mà có thể còn có các cơ quan khác, nhất là các nhà khoa học, các thầy giáo độc lập. Thành phần hội đồng nên là những người không tham gia viết sách giáo khoa.
Mặt khác, khi bộ không làm riêng một bộ sách tức là bộ chỉ làm trọng tài, không phải vừa làm trọng tài vừa tham gia đá bóng. Như vậy, chắc chắn tính khách quan sẽ cao hơn.
- Theo ông, giao cho nhà chuyên môn của các trường sư phạm, các nhà xuất bản, viện nghiên cứu... biên soạn, vậy cách thức để đưa sách giáo khoa vào nhà trường phổ thông như thế nào? Làm sao ngăn ngừa được tình trạng "chạy" để sách vào nhà trường, vì đây là một thị trường rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư?
- Theo tôi, sách giáo khoa cứ bán công khai ở các hiệu sách, giáo viên bộ môn sẽ hướng dẫn học sinh mua bộ sách nào để học (tập thể giáo viên trong tổ bộ môn nên thảo luận thống nhất đánh giá bộ sách nào tốt nhất để hướng dẫn học sinh).
Còn nếu ai đó vì đồng tiền mà từ bỏ nhân cách người thầy để hướng dẫn không đúng cho học sinh thì mọi người hãy cùng nghĩ cách ngăn cản thế nào cho hữu hiệu, nhưng có lẽ cứ minh bạch hóa để khắc phục dần.
- Gần đây, có thành phố muốn soạn thảo riêng cho mình một bộ sách giáo khoa do sở GD-ĐT chủ biên? Ý kiến ông về vấn đề này như thế nào?
- Sách giáo khoa phải tuân thủ chương trình, căn cứ vào chương trình. Chương trình giáo dục phổ thông thì nội dung cơ bản phải thống nhất trong toàn quốc, do Bộ GD-ĐT ban hành. Trong chương trình và sách giáo khoa có thể có một tỉ lệ nhất định là phần để mở cho các địa phương bổ sung vào cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương (có thể bằng tài liệu học tập).
Theo tôi, các sở GD-ĐT nên tập trung lo công việc quản lý nhà nước cho tốt đó là chức năng chính, còn việc viết sách giáo khoa là công việc chuyên môn (như đã nói ở trên đối với bộ).
- Đổi mới chương trình - sách giáo khoa hiện nay có xu hướng sử dụng máy tính bảng - sách giáo khoa điện tử để giảng dạy. Tuy nhiên chương trình biên soạn riêng cho sách giáo khoa điện tử chưa có, mà chỉ là số hóa sách giáo khoa giấy, ông có quan tâm đến vấn đề này không?
- Tôi nghĩ về nội dung sách giáo khoa giấy và sách giáo khoa điện tử không thể khác nhau, mà có giá trị như nhau. Sách giáo khoa điện tử ở phổ thông là số hóa sách giáo khoa giấy, hoặc là một bộ sách khác đạt yêu cầu được phép sử dụng như các bộ sách giáo khoa giấy.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong vấn đề này cũng có những mặt tiện lợi, nhưng không nên đồng loạt, vì mỗi địa phương, mỗi gia đình có hoàn cảnh khác nhau, đừng gây khó thêm cho những gia đình và những vùng khó khăn.
- Ông có ý kiến gì về phương án tổ chức kỳ thi quốc gia kết thúc phổ thông như Bộ GD-ĐT công bố?
- Tôi nhất trí cao việc tổ chức một (chứ không phải hai) kỳ thi để xét tốt nghiệp phổ thông, đồng thời sơ tuyển cho ĐH, CĐ. Quan trọng nhất là cách ra đề, coi thi và chấm thi để có kết quả đánh giá đúng, khách quan; còn việc thi tập trung hay phân tán thì nên tổ chức hợp lý để việc di chuyển ít nhất.
Thế giới hiện nay đã có những cuộc thi mà thí sinh tham gia thi tại các địa điểm của nhiều thành phố ở nhiều nước khác nhau. Việc này có thể suy nghĩ tiếp để hoàn thiện cách thi trong các năm sau.
Theo Nguyễn Phan/Báo Tuổi Trẻ
Bộ GD-ĐT công bố đáp án thi cao đẳng 2014 Trưa 16/7, sau khi kết thúc môn thi cao đẳng cuối cùng, Bộ GD-ĐT đã công bố đáp án chính thức. Thí sinh tải file đáp án các môn: Toán học Hóa học Vật lý Sinh học Ngữ văn Địa lý Lịch sử Ngoại ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Trung, Tiếng Pháp, Tiếng Nga, Tiếng Đức. Theo zing