Thủ tướng Đức điện đàm với lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp ở phía Đông Địa Trung Hải, Thủ tướng Đức Angela Merkel tối 21/7 đã điện đàm với lãnh đạo hai nước, tìm cách hạ nhiệt căng thẳng có nguy cơ dẫn tới xung đột giữa hai quốc gia này.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: THX/TTXVN
Phó phát ngôn viên Chính phủ Đức Ulrike Demmer cho biết bà Merkel đã thảo luận với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và trao đổi với Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis. Theo Văn phòng Thủ tướng Hy Lạp ngày 22/7, Thủ tướng Mitsotakis đã thông báo cho người đồng cấp Đức về các diễn biến liên quan cũng như động thái từ phía Athens.
Tranh chấp kéo dài từ lâu giữa hai nước liên quan tới khu vực gần đảo Kastellorizo ở Đông Địa Trung Hải và thuộc phía Nam đảo Thodos và Kreta của Hy Lạp. Căng thẳng lên cao khi ngày 21/7, Thổ Nhĩ Kỳ triển khai 18 tàu và 2 máy bay chiến đấu tới khu vực, trong khi Hy Lạp cũng đưa nhiều tàu hải quân và máy bay chiến đấu tới đây.
Video đang HOT
Trước đó, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ thông báo từ ngày 21/7, tàu nghiên cứu Oruc Reis của nước này sẽ tiến hành nghiên cứu địa chấn ở khu vực Đông Địa Trung Hải, phía Nam đảo Kastellorizo. Đảo này chỉ cách bờ biển phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 3 km, nơi được cho là giàu nguồn tài nguyên. Do vậy, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đều tuyên bố khu vực lãnh hải bao quanh là đặc khu kinh tế của mình.
Trước đó phát biểu tại Athens khi tới thăm Hy Lạp, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng nêu rõ chỉ có thể đạt được tiến bộ trong quan hệ Liên minh châu Âu (EU) với Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara kiềm chế các hành động ở Đông Địa Trung Hải.
EU cung cấp 700 triệu euro cho Hy Lạp nhằm chặn khủng hoảng tị nạn
Các lãnh đạo cao nhất của Liên minh châu Âu ngày 3/3 đến Hy Lạp nhằm thị sát tình hình căng thẳng liên quan đến vấn đề tị nạn.
Các lãnh đạo cao nhất của Liên minh châu Âu ngày 3/3 đến Hy Lạp nhằm thị sát tình hình căng thẳng liên quan đến vấn đề tị nạn, tuyên bố trợ giúp khẩn cấp cho Hy Lạp 700 triệu euro, đồng thời tăng cường nhân lực và phương tiện để kiểm soát biên giới nhằm chặn dòng người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ đang tràn về Hy Lạp.
Ba lãnh đạo cao nhất của Liên minh châu Âu là Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli trong ngày 3/3 đã cùng thực hiện chuyến thăm đến Hy Lạp, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tị nạn đang bùng lên tại đây trong những ngày qua.
Phát biểu trong buổi họp báo được tổ chức ngay tại biên giới Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ sau khi thị sát, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen tuyên bố châu Âu sẽ không để Hy Lạp phải một mình ứng phó với tình huống hiện nay.
"Tình hình tại biên giới hiện nay không phải là vấn đề của riêng Hy Lạp mà là trách nhiệm của toàn bộ châu Âu và chúng tôi sẽ xử lý một cách có trật tự trên tinh thần đoàn kết, quyết tâm. Những ai muốn tử thách sự thống nhất của châu Âu sẽ phải thất vọng, chúng tôi sẽ giữ vững mục tiêu và sẽ chiến thắng. Nhưng giờ là lúc cần hành động một cách bình tĩnh và hợp lý. Thổ Nhĩ Kỳ không phải là kẻ thù và người dân không phải chỉ là phương tiện để đạt được mục đích.", bà Ursula von der Leyen nói.
Tuy nhiên, trái ngược với thông điệp không quá cứng rắn của bà Ursula von der Leyen, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã lên án mạnh mẽ việc Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa biên giới để dòng người tị nạn tràn về châu Âu, cho rằng hành động của Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ vi phạm Thoả thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016 mà còn xem người tị nạn như một món hàng và một thứ vũ khí để gây sức ép với châu Âu trong vấn đề Syria.
Trước mắt, nhằm hỗ trợ cho Hy Lạp, Uỷ ban châu Âu tuyên bố sẽ cung cấp cho nước này 700 triệu euro, đồng thời tăng cường nhân lực của lực lượng bảo vệ biên giới EU là Frontex cũng như tăng số lượng tàu thuyền tuần tra trên vùng biển giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện nay, chính quyền Hy Lạp kiên quyết từ chối không cho bất cứ người tị nạn nào được nộp đơn xin tị nạn tại nước này, đồng thời cho phép cảnh sát và quân đội sử dụng vũ lực để đẩy lùi làn người tị nạn trở về đất Thổ Nhĩ Kỳ./.
Theo Quang Dũng/VOV-Paris
Ngoại trưởng Đức: Việc Mỹ rút 9.500 binh sĩ không "quá bất ngờ" Ngoại trưởng Đức khẳng định mối quan hệ giữa Mỹ - Đức "vô cùng phức tạp" và quyết định rút quân của chính phủ Mỹ không phải là điều "quá bất ngờ". Đưa ra nhận xét về việc chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ rút 9.500 binh sĩ đồn trú ra khỏi Đức, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas hôm nay (15/6) khẳng định,...