Thủ tướng: Đổi mới mô hình ‘trường chuyên, lớp chọn’ phù hợp, hiệu quả
Thủ tướng nhấn mạnh việc đổi mới trường chuyên, lớp chọn phù hợp, hiệu quả nhằm đào tạo được nhiều thế hệ học sinh giỏi quốc tế và bồi dưỡng nhân tài đất nước.
Tới tham dự và phát biểu tại buổi Lễ tuyên dương học sinh trung học phổ thông đạt giải Olympic quốc tế năm 2020 vào tối 8/1, Thủ tướng cho rằng các cấp, các ngành cần tạo điều kiện tốt hơn nữa, đầy đủ hơn nữa cho việc học tập, rèn luyện và phấn đấu của con cháu chúng ta.
“Quan tâm đổi mới mô hình trường chuyên, lớp chọn cho phù hợp, hiệu quả để ngày càng đào tạo được nhiều học sinh giỏi quốc gia, quốc tế cũng như phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho tương lai của đất nước” , Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ.
Thành công nhờ sự nỗ lực hết mình
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá, sau 35 năm đổi mới, đất nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn, quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Từ một nước nghèo kém phát triển, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, có vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao. Đạt được thành tựu đó, không thể không nhắc tới những kết quả của sự đóng góp rất quan trọng của ngành giáo dục nước nhà.
Ông nhấn mạnh, chúng ta vừa trải qua năm 2020 – năm đặc biệt khó khăn với cả thế giới và Việt Nam. Điều đó cũng tạo ra nhiều sự thay đổi trong giáo dục, ảnh hưởng nghiêm trọng, làm gián đoạn việc học hành của học sinh, sinh viên ở tất cả cấp học.
“Với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là ngành giáo dục, các thầy giáo, cô giáo và các học sinh, sinh viên, chúng ta vẫn đạt được thành tựu nổi bật, rất đáng ghi nhận trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, trong đó, kết quả thi Olympic quốc tế của các cháu học sinh được tuyên dương ngày hôm nay”, ông nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng khi kết quả thi Olympic của đội tuyển Việt Nam trong nhiều năm vừa qua liên tục có tiến bộ vượt bậc, thành tích xuất sắc. Trong giai đoạn 2016-2020, chúng ta đã đạt 54 huy chương Vàng, gấp đôi số huy chương Vàng trong giai đoạn 2011-2015.
Video đang HOT
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba cho 12 học sinh giành huy chương trong kỳ thi Olympic quốc tế 2020.
Đặc biệt, năm 2020 mặc dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu nhưng các học sinh Việt Nam vẫn tham dự kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế theo hình thức trực tuyến và đều đạt thành tích đặc biệt xuất sắc.
“Kết quả xuất sắc này trước hết là sự nỗ lực của chính các cháu học sinh dưới sự chỉ dẫn của các thầy giáo, cô giáo; sự quan tâm, chăm lo và động viên, khích lệ kịp thời của các bậc phụ huynh và các tổ chức, đoàn thể đối với các cháu trong suốt quá trình học tập.
Đây cũng là kết quả từ sự đổi mới của ngành Giáo dục trong công tác tuyển chọn, bồi dưỡng các đội tuyển quốc gia tham gia các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế theo yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” , Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, ông xúc động khi được biết trong số học sinh đạt giải lần này, nhiều em có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng đã nỗ lực vượt khó vươn lên để giành thành tích xuất sắc trong các kỳ thi Olympic. “Các em học sinh thật sự xứng đáng là những bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa thi đua dạy tốt, học tốt của ngành Giáo dục, mang về niềm vinh dự, tự hào cho gia đình, nhà trường và đất nước”, Thủ tướng chia sẻ.
Đổi mới giáo dục hướng 4.0
Đứng trước những cơ hội và thách thức trong thời đại công nghiệp 4.0, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam có thể cạnh tranh, tranh đua được các nước trên thế giới được hay không chính là bản lĩnh, khí chất của các em học sinh. Để hiện thực hóa được sứ mệnh lớn lao đó, ngành GD&ĐT phải có sự phát triển đột phá, chuyển biến mạnh hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động.
Thủ tướng đề nghị, ngành Giáo dục tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua. Đồng thời, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có kiến thức và kỹ năng vững vàng, khả năng sáng tạo, làm chủ bản thân để lập nghiệp; phát triển tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân; đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Theo người đứng đầu Chính phủ, trước mắt chúng ta là những nhiệm vụ nặng nề và yêu cầu to lớn của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những thách thức và cơ hội to lớn đó đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đồng tâm hiệp lực, phát huy hơn nữa truyền thống hiếu học của dân tộc, động viên và tạo mọi thuận lợi cho mỗi học sinh, sinh viên… tham gia học tập nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Tham dự buổi lễ có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành trung ương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với các bạn học sinh, những thành tích mà các em đạt được vừa qua là rất đáng quý và đáng tự hào. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những bước đầu đầy ý nghĩa trên hành trình tiếp cận khoa học và cuộc sống của mỗi người.
Dù học đại học trong nước hay nước ngoài, các em vẫn cần tiếp tục nỗ lực vươn lên mạnh mẽ với những đam mê, khát khao cháy bỏng trong học tập và nghiên cứu khoa học để hoàn thiện bản thân, theo đuổi sự nghiệp mà mình yêu thích, phấn đấu sau này trở thành những người có ích cho đất nước, cho xã hội.
Từ đó, người đứng đầu Chính phủ mong các em học sinh thực hiện thật tốt những lời Bác Hồ dạy. Tiếp tục phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng học hỏi, hoàn thiện bản thân, tự khẳng định mình, để lập thân, lập nghiệp và cống hiến thật nhiều cho đất nước, cho quê hương.
“Đảng, Nhà nước ta luôn có những chính sách phù hợp để khuyến khích, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cháu phát huy hết trình độ chuyên môn, khả năng sáng tạo nhằm cống hiến phụng sự Tổ quốc Việt Nam” , Thủ tướng khẳng định.
Đề cao trường chuyên, lớp chọn là đi ngược với thế giới
Trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định việc đề cao trường chuyên, lớp chọn là đi ngược với xu thế của thế giới.
6 năm đổi mới và những điều đã làm được
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, năm nay là năm cuối cùng của lộ trình 6 năm đổi mới và đã đạt được những kết quả tốt. Đặc biệt về phương thức dạy và học trực tuyến, mặc dù là thụ động do dịch COVID-19.
"6 năm qua cơ sở vật chất giáo dục từ mầm non tới đại học đều đã có bước tiến rất lớn. Đi từ thành phố tới nông thôn vùng núi, đâu cũng đã có trường học. Đặc biệt, có những trường học ngoài quốc doanh, tư thục phi lợi nhuận được đầu tư tầm vóc quốc tế. Trước đây, từ không được xếp hạng, giờ chúng ta đã có trường đại học xếp dưới 70, 5 năm trước là dưới 100. Một trong những kết quả chúng ta có thể lạc quan là về việc giáo dục đại học đã thực hiện tự chủ, bước đầu đã rất tốt" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Nhắc tới việc đổi mới kỳ thi, Phó Thủ tướng cho rằng việc đổi mới theo lộ trình là đúng nhưng thi chỉ là một mục nhằm kiểm định, đánh giá học sinh.
Bình tĩnh với những bất cập
Bên cạnh những điều đã làm được, vẫn còn những hạn chế mà ngành giáo dục cần xem xét như việc chưa thể đưa thi cử về địa phương do vẫn có gian lận, nơi thiếu giáo viên, nơi giáo viên dạy 10 - 15 năm vẫn chưa được vào biên chế,...
Khi nhắc tới những bất cập còn tồn tại trong ngành giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng giáo dục luôn luôn có nhiều bất cập nhưng chúng ta phải nhìn nhận một cách rất bình tĩnh.
"Một nước đang phát triển như Việt Nam, làm sao có thể đòi hỏi những lớp học hiện đại, lương giáo viên như các nước hiện đại được? Hay những việc gian lận thi cử hàng năm, không năm nào không có sự cố, mà mỗi khi có sự cố lại có người kiến nghị bỏ thi. Nhưng chúng ta đã kiên trì và hoàn thành 6 năm. Sau đó chúng ta sẽ tiếp tục đổi mới, và liên tục đổi mới. Bởi vậy, chúng ta nên bình tĩnh nhìn nhận", Phó Thủ tướng nói.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng khẳng định, ngành Giáo dục đã vượt lên khó khăn và có những bước tiến vững chắc. Không nên vì một số điều không hài lòng mà mất đi lòng tin. Cho dù đôi khi dư luận có gay gắt nhưng đằng sau đó đều là những ý nghĩ đau đáu vì một Việt Nam hùng mạnh.
Không đổ lỗi do đặc thù mà đi ngược với thế giới
Trong bối cảnh hiện nay, việc hội nhập với thế giới rất quan trọng, đặc biệt đối với ngành giáo dục. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Giáo dục phải đi trước một bước, cái gì phù hợp với thế giới nhất định không được đổ do đặc thù của mình mà đi ngược lại. Ví dụ, trên thế giới học không nhồi nhét và học sinh cần phải trao đổi với giáo viên. Với nền văn hoá phương Đông trẻ con rất ngoan ngoãn, lễ phép, tuy nhiên không vì thế mà nói rằng trẻ không được bày tỏ ý kiến của mình.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định việc đề cao trường chuyên, lớp chọn là đi ngược với thế giới. Ảnh: Thiều Trang.
"Mình phải theo xếp hạng của quốc tế, mặc dù vẫn có những điều chưa phù hợp nhưng trên mặt bằng thế giới chúng ta có thể nhìn vào đó để biết được điều gì chưa làm được. Đã là giáo dục phổ thông, nhà nước phải lo để học sinh phổ thông được học ngày 2 buổi thuận lợi. Chúng ta không được quên nguyên lý đã là giáo dục phổ thông thì phải bình đẳng về cơ hội. Chúng ta vẫn còn tình trạng thi vào đầu cấp rất kịch liệt. Đề cao trường chuyên, lớp chọn là đi ngược với thế giới", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Sau cùng, Phó Thủ tướng khẳng định đổi mới rất khó, nhưng chúng ta cần kiên định từ trong ra, từ trên xuống, phải đổi mới tư tưởng giáo dục từ đầu ngành cho tới giáo viên, sau đó mới ra xã hội. Đặc biệt trong thời đại công nghệ số, giáo dục phải đi đầu. Vì giáo dục có phát triển thì đất nước mới không tụt lại.
Bí quyết học giỏi, đạt điểm cao của thí sinh trường làng Không học trường chuyên, lớp chọn, nhưng nhiều học sinh trường làng, thậm chí ở trường vùng cao của tỉnh Nghệ An, đạt thành tích học tập xuất sắc và đạt điểm cao tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Nam sinh miền núi - thủ khoa "kép" xứ Nghệ Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, em Phan Văn Đạt,...