Thủ tướng Anh chia sẻ mẹo làm được lãnh đạo cho học sinh tiểu học
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lên lớp cùng các em ở trường tiểu học, giơ tay tham gia trả lời các câu hỏi của giáo viên và chia sẻ những kinh nghiệm học tập, theo báo chí nước này.
Thủ tướng Anh Boris Johnson giơ tay trong lớp – Reuters
Những tấm ảnh chụp tại Trường tiểu học Pimlico ở tây nam London cho thấy nhà lãnh đạo ngồi cùng các em học sinh lớp 4 và hai lần giơ tay trả lời câu hỏi trong tiết lịch sử.
Ông Johnson khuyên các em tránh xa chất cồn khi lên đại học và thú nhận mình từng bỏ phí thời gian trong lúc theo học tại Đại học Oxford.
Thủ tướng Anh nhấn mạnh: “Đừng phí phạm khoảng thời gian tại giảng đường”, theo báo Daily Mail hôm 11.9.
Thủ tướng Anh vui vẻ trong giờ lên lớp – Reuters
Tuy nhiên, cựu chủ tịch Hội sinh viên Oxford bổ sung: “Ta chẳng học gì ngoài tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp suốt 20 năm và giờ đây ta đang lãnh đạo đất nước này. Đây là nền giáo dục tuyệt vời”.
Ông Johnson đang tham gia chiến dịch vận động mở các trường tự do, tức trường không thuộc quyền kiểm soát của hội đồng địa phương, theo chính sáchgiáo dục của đảng Bảo thủ. Đây là dạng trường nhận ngân sách trực tiếp từ chính phủ và toàn quyền quyết định nội dung giảng dạy, tự ấn định lương cho giáo viên.
Theo Thanh niên
Ngôi trường đặc biệt từng đào tạo 20 thủ tướng Anh
Boris Johnson và 19 thủ tướng Anh trước đó có một điểm chung là đều theo học Eton College. Điều này trở thành vấn đề khi nhiều người cảm thấy quyền lực thuộc về một nhóm thiểu số.
Ở ngay giữa phòng truyền thống của Eton College có bức tường màu xanh nơi đặt ảnh của những cựu học sinh nổi tiếng của trường. Hai hoàng tử Anh, Harry và William đều có mặt, cũng như tác giả loạt truyện về James Bond, Ian Fleming, rồi Bear Grylls và còn có cả những diễn viên nổi tiếng như Tom Hiddleston hay Eddie Redmayne.
Video đang HOT
Bên cạnh một loạt những nhà báo, vận động viên, nhà thám hiểm và các nhân vật nổi tiếng khác, trên bức tường có ảnh của Boris Johnson, đương kim thủ tướng Anh và đồng minh thân cận của ông trong chính phủ hiện tại là Jacob-Rees Mogg.
Các học sinh của Eton với bộ đồng phục không hề thay đổi trong hàng trăm năm qua: áo vest đuôi tôm, quần âu và áo trong màu trắng. Ảnh: Rex.
Một trường, 20 thủ tướng
Cũng ở ngay bên cạnh bức hình của ông Boris Johnson còn có một nhân vật khác, đó là cựu thủ tướng Anh David Cameron. Mặc dù Boris Johnson học trên 2 khóa và là học sinh nổi bật hơn ở Eton, ông Cameron mới là người trở thành thủ tướng trước.
Nhưng trước sau không quan trọng, tính cả Boris Johnson và David Cameron, trường Eton đã đào tạo tổng cộng 20 thủ tướng Anh. Mặc dù đây là điều khiến ngôi trường cực kỳ tự hào, nhưng có nhiều người cho rằng chính điều này nói lên một vấn đề của nước Anh, khi quyền lực nằm trong tay một nhóm tinh hoa thiểu số.
Và Eton trở thành nhân vật chính trong câu chuyện này. Ngôi trường với những tòa nhà gạch đỏ được xây dựng như một lâu đài, gần như nằm biệt lập với công chúng.
Nó nằm trên khu vực rộng khoảng 2 km2 giữa sông Thames và sông Jubilee. Eton College, học viện huyền thoại của đế chế Anh, là một trong những ngôi trường nội trú lâu đời và nổi tiếng nhất thế giới.
Ngôi trường đại diện cho một thế giới thu nhỏ, nơi vẫn được vận hành bằng những quy tắc quý tộc và sự giàu có. Một thế giới chỉ tồn tại ở Anh, nơi thành công là thứ duy nhất được coi trọng và việc đạt được điều đó bằng cách nào là không quan trọng.
Hệ thống này tạo ra số lượng lớn các chính khách, anh hùng quân đội, người đạt giải Nobel, những vận động viên giành huy chương vàng và các diễn viên đoạn giải Oscar. Nhưng nó cũng góp phần khoét sâu sự bất bình đẳng trong xã hội. Bà Rachel Johnson, chị gái ông Boris Johnson, từng nhận xét đây là hệ thống "củng cố gần như tất cả những gì sai trái trong xã hội Anh".
"Luôn có suy nghĩ rằng chúng tôi là những người ưu tú về mọi mặt: xã hội, trí tuệ, giáo dục và tài chính", Adam Nicolson, cựu học sinh Eton, cho biết. Người đàn ông này nhập học trong thập niên 1970 và viết một cuốn sách về những trải nghiệm tại ngôi trường nội trú nổi tiếng nhất Anh.
Ông Boris Johnson (tóc vàng ở giữa hàng đầu) trong lớp của mình ở Eton vào năm 1982. Cùng lớp với ông Johnson còn có ông Abhisit Vejjajiva (số 10), người sau này trở thành thủ tướng Thái Lan. Ảnh: The Times.
Ông Nicolson nói Eton giống như thành phố thu nhỏ, với các học sinh đến từ những nhóm nội trú khác nhau, cạnh tranh với nhau dựa trên một thứ bậc chặt chẽ. Mọi người ở đây đều coi Eton là "ngôi trường cho chính phủ".
"Bạn phải biết cách làm thế nào để thu hút sự ủng hộ ở khu vực của mình, làm thế nào để mở rộng mạng lưới các mối quan hệ, làm thế nào để xây dựng thế giới riêng và trở thành nhân vật chính trong thế giới đó", ông Nicolson chia sẻ.
Trở nên cuốn hút là cách hiệu quả nhất để thực hiện những điều đó, vì nó có thể giúp giải thoát bản thân bạn khỏi mọi tình huống nguy hiểm.
Những mối quan hệ lâu dài
Không khó để tìm thấy những biểu hiện của sự cuốn hút đó từ Boris Johnson. Tháng 9/2011, khi còn là thị trưởng London, ông Johnson đang đi nghỉ hè cùng gia đình thì vụ bạo loạn xảy ra. Phải mất rất lâu ông Johnson mới quay trở lại từ kỳ nghỉ và đến thăm hiện trường ở khu Clapham Junction.
Khi phải nhận những tiếng la ó của người dân, ông Johnson khiến mọi người bất ngờ khi ôm lấy một cây chổi và bắt đầu dọn dẹp. Những tiếng la ó tắt ngấm và thay vào đó là những tiếng reo hò, tất cả đều đi tìm cây chổi để dọn dẹp cùng thị trưởng của họ. Nhiều người cho rằng đó là khoảnh khắc thiên tài của Johnson.
Với niềm tin rằng nơi đây là lò đào tạo những nhà lãnh đạo tương lai, các học sinh tại Eton sẽ phải thể hiện khả năng hùng biện và trả lời các câu hỏi như: "Nếu bạn làm thủ tướng, bạn sẽ biện minh như thế nào nếu chính phủ của bạn nổ súng hại chết 25 người biểu tình?".
Ông Nicolson nói rằng quãng thời gian ở Eton giúp ông "học cách học" nhưng cũng khiến người đàn ông này trở nên sợ hãi trước thất bại. Mặc dù vậy ông cho biết nếu được chọn lại, ông vẫn sẽ theo học ở Eton và thực chất thì ông đã gửi con mình tới đó. Lý do có thể là vì những mối quan hệ ở Eton sẽ giúp ích cho bạn trong cả cuộc đời.
Các học sinh Eton xem một trận bóng bầu dục diễn ra tại sân bóng của trường. Ảnh: Getty.
Hệ thống trường nội trú ở Anh bắt đầu hình thành vào năm 1382, khi William vùng Wykeham, con trai của một nông dân nghèo, thành lập Winchester College với mục đích tạo điều kiện cho các học sinh nghèo có cơ hội học tập và sau đó thoát khỏi cuộc sống khó khăn.
Vua Henry VI cũng có quan điểm tương tự khi ông lập ra Eton College vào năm 1440, mở cửa cho tất cả những học sinh trong đế chế của mình. Vì lẽ đó, những trường này ban đầu được gọi là trường công.
Nhưng mục đích cao cả này nhanh chóng bị biến chất khi những ngôi trường này, được đầu tư để cung cấp chất lượng giáo dục tốt nhất và bắt đầu sản sinh ra những học sinh ưu tú, trở nên hấp dẫn với các gia đình giàu có và họ bắt đầu gửi con em mình tới đây. Đổi lại, họ sẽ gửi đến nhà trường một khoản tiền đóng góp.
Những lãnh đạo không đại diện cho nước Anh
Không mất nhiều thời gian để những trường "công" như Eton chủ yếu nhận vào học sinh nhà giàu. Lý lẽ của họ rất đơn giản, chỉ có bố mẹ là giàu có, còn các học sinh thì không. Thêm một lý do khác khiến tình trạng này diễn ra là nhiều trường như Eton được miễn thuế hoàn toàn.
Để đối phó với áp lực ngày càng tăng từ công chúng, rất nhiều trong số 2.500 trường "công" ở Anh trong những năm gần đây đã tăng số lượng học sinh theo học nhờ học bổng. Tuy nhiên ở Eton trong năm 2017-2018, chỉ có 73 học sinh được nhận theo cách này, so với 1.200 học sinh đến từ các gia đình giàu có.
Và với việc những học sinh của Eton đều có một tương lai đầy triển vọng phía trước, những vị trí đầy quyền lực trong chính phủ sẽ lại thuộc về những người đến từ các gia đình giàu có.
Theo thống kê của Quỹ từ thiện Sutton, chỉ có 15% dân số Anh theo học hệ thống trường nội trú, nhưng có tới 65% các thẩm phán, 59% các vị trí trong chính phủ và 29% nghị sĩ đến từ hệ thống này.
Tác dụng phụ của tình trạng này là một số nhà lãnh đạo xuất phát từ một điều kiện khác và không thể cảm thông với đại bộ phận dân chúng. Ông Boris Johnson từng lúng túng khi được một người dẫn chương trình hỏi rằng ông có biết giá một ổ bánh mì là bao nhiều hay không. Thủ tướng Anh cũng nhận nhiều chỉ trích khi trả lời sai về mức lương tối thiểu và đề xuất việc giảm thuế cho những người có thu nhập nhiều hơn 3 triệu USD.
Bức tường tại phòng truyền thống của Eton, nơi ảnh của những cựu học sinh nổi tiếng được treo. Ông David Cameron ở trung tâm, Boris Johnson ở trên và ở dưới là các diễn viên Tom Hiddleston và Dominic West. Ảnh: Spiegel.
Đó không phải là lần đầu tiên một thành viên đảng Bảo thủ như ông Johnson bị chỉ trích vì đã xa rời dân chúng. Hồi năm 2012, ông David Cameron đã bị nữ nghị sĩ Nadine Dorries của đảng Bảo thủ mô tả là "chàng trai sang chảnh và kiêu ngạo, không biết giá một hộp sữa là bao nhiêu và không hề muốn hiểu cuộc sống của những người khác".
Với việc ông Johnson và 2/3 thành viên nội các của ông đều là những người được đào tạo bởi hệ thống trường nội trú của Anh, thật khó để cho rằng đây là chính phủ đại diện cho một "nước Anh hiện đại" mà ông Johnson nói.
Nhóm những người đàn ông tinh hoa, giàu có với quan hệ thân thiết từ lâu này sẽ lãnh đạo nước Anh trong cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất đất nước kể từ Thế chiến II.
Họ quyết tâm đưa nước Anh rời khỏi EU, nhưng cách thức họ hoàn thành nhiệm vụ này sẽ đáng chú ý, bởi vì xét cho cùng thì Brexit sẽ ảnh hưởng đến họ theo một cách rất khác so với những người dân bình thường.
Theo der Spiegel/Zing
Thủ khoa khối D1 Nguyễn Thị Trà My: Coi áp lực là thềm đá nâng bước thành công Tại Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam huyện Đan Phượng khóa IV, nhiệm kỳ 2019 - 2024, nữ Thủ khoa khối D1 toàn quốc năm 2019 - Nguyễn Thị Trà My (cựu học sinh lớp 12A1, khóa 20, trường THPT Hồng Thái, huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã chia sẻ kinh nghiệm để đạt kết quả cao trong học tập. Nguyễn...