Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: “Tạo cơ hội, điều kiện tốt nhất cho học sinh”
Chiều 8/4, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo tỉnh, cán bộ chủ chốt ngành Giáo dục Thanh Hóa.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ làm việc với lãnh đạo tỉnh và ngành Giáo dục Thanh Hóa.
Tham dự buổi làm việc, có ông Đầu Thanh Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch Đầu tư, các trưởng phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố, một số hiệu trưởng trường học.
Đầu tư 145 tỷ đồng cho thiết bị dạy học
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, công tác chuẩn bị đội ngũ GV thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, SGK đối với lớp 2, lớp 6 đã được lập danh sách dự kiến GV dạy lớp 2, lớp 6 gửi về Sở GD&ĐT.
Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã tổng hợp danh sách gửi Bộ GD&ĐT. 100% GV lớp 2 và lớp 6 đại trà được tập huấn trực tuyến về nội dung CT GDPT 2018.
Năm 2021, Sở đã xây dựng dự toán và được UBND tỉnh phê duyệt 145 tỷ đồng mua thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6. Sở GD&ĐT Thanh Hóa đang tiến hành cho các cơ sở giáo dục lựa chọn gói thiết bị trị giá 60 triệu đồng đối với lớp 1 và 150 triệu đồng đối với lớp 6.
Sắp tới, sẽ tổng hợp, thực hiện các thủ tục đấu thầu, mua sắm để bàn giao các gói thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2 và lớp 6 cho các cơ sở giáo dục. Cụ thể: Trường có từ 1- 4 lớp 2, lớp 6 được cấp 1 gói thiết bị dạy học tối thiểu. Trường có từ 5 lớp 2, lớp 6 trở lên được cấp 2 gói thiết bị dạy học tối thiểu.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trao tặng phòng học bộ môn ngoại ngữ cho Trường Tiểu học Hưng Lộc 1 (Hậu Lộc, Thanh Hóa).
Nỗi lo thiếu giáo viên
Về định mức giáo viên đối với cấp tiểu học, hiện nay Thanh Hóa đang có tỉ lệ GV trên lớp đạt 1,23, nên chưa đủ để dạy học 2 buổi/ngày. Số học sinh tiểu học tiếp tục tăng mạnh theo từng năm học, số lớp tăng. Số lượng GV tuyển dụng hằng năm rất ít dẫn đến tỉ lệ GV/lớp giảm.
Cũng theo Sở GD&ĐT Thanh Hóa, hiện địa phương còn thiếu khoảng 3.000 GV tiểu học, đặc biệt là GV đặc thù (Tin học, GDTC, Tiếng Anh…).
Hàng năm, cấp Tiểu học của tỉnh tăng khoảng 20 nghìn học sinh (tương đương khoảng 600 lớp). Vì thế, trong những năm tới, GV tiểu học sẽ còn thiếu rất nhiều.
Hầu hết, các phòng giáo dục tin học tại các trường tiểu học không hoạt động được do không có GV biên chế, không có cơ chế hợp đồng GV cho các cơ sở giáo dục tiểu học. Giáo viên trung học cơ sở thừa, thiếu cục bộ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.
Bên cạnh đó, năng lực GV môn Tiếng Anh còn hạn chế chiếm tỉ lệ khá cao, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.
Khá nhiều GV tiểu học, trung học cơ sở là người dân tộc thiểu số, GV cử tuyển đang công tác tại các huyện miền núi còn hạn chế về năng lực chuyên môn. Điều đó, cũng ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện chương trình GDPT 2018.
Video đang HOT
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT thăm một lớp học của Trường Tiểu học Hưng Lộc 1 (Hậu Lộc, Thanh Hóa).
Hạn chế về cơ sở vật chất
Ngoài ra, cơ sở vật chất trường, lớp và thiết bị dạy học vẫn chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học 02 buổi/ngày, cũng như thực hiện đổi mới CTGDPT 2018.
Phòng học, phòng chức năng còn thiếu. Các thiết bị hiện đại được trang bị chưa nhiều. Một số trường tiểu học chưa đủ tỉ lệ 1 phòng học/lớp, chưa có phòng phục vụ học tập.
Sở GD&ĐT Thanh Hóa đề nghị Bộ GD&ĐT kiến nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo, để xây dựng CSVC, thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
Đối với khu vực miền núi, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng 100% các trường Tiểu học, THCS theo mô hình bán trú. Giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục, nhất là khi số lượng học sinh tăng, số lớp tăng.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng chủ trì buổi làm việc với ngành Giáo dục Thanh Hóa.
Tại hội nghị này, bà Phạm Thị Như – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, TP Thanh Hóa đề nghị tỉnh cấp đủ 10% kinh phí trên tổng quỹ lương của nhà trường theo quy định. Bà Như cũng đề nghị về vấn đề đầu tư cơ sở vật chất cho trường học. Bởi hiện nay, theo chương trình GDPT mới, cần phải có trang thiết bị để phục vụ công tác giảng dạy.
Trên thực tế, hiện nay các trường học hầu hết đều chưa đủ trang thiết bị, dụng cụ dạy học. Do đó, các nhà trường rất cần được cấp đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ dạy học, đặc biệt là đối với các trường học ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn.
Còn bà Vũ Thị Thanh Vân – Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn, cho rằng: Ngành GD thị xã Nghi Sơn không có điều kiện như một số trường ở thành phố, nên phải nhận hỗ trợ từ hội cha mẹ học sinh để trang bị tối thiểu phục vụ cho việc học tập của học sinh.
Bà Vân cũng đề nghị Bộ GD&ĐT và các ngành liên quan tính toán lại định biên cho GV dạy học 2 buổi/ngày. Bộ GD&ĐT cần phối hợp với Bộ Nội vụ có giải pháp chung cho toàn quốc.
Bởi lẽ, số lượng biên chế Bộ giao các tỉnh không hề thay đổi, trong khi số lớp, số học sinh tăng lên hàng năm. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng cần có chiến lược đào tạo nguồn GV đáp ứng đủ cung – cầu cho việc dạy học.
Ông Ngô Phi Hùng- Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Hóa phát biểu tại buổi làm việc.
Ông Ngô Phi Hùng – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Hóa, đề nghị: Hiện nay, các huyện miền núi rất khó khăn, tỷ lệ lớp ghép còn nhiều. Tỷ lệ số giáo viên vẫn phân bổ giáo viên như miền xuôi là không hợp lý. Tỉnh cần thay đổi cách phân bổ GV sao cho phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Việc xã hội hóa giáo dục sẽ dễ dẫn đến làm sai, vì vậy mong Bộ GD&ĐT điều chỉnh thông tư cho hợp lý với tình hình thực tế của địa phương. UBND tỉnh cần có văn bản cụ thể hướng dẫn cho các huyện thực hiện.
Đại diện Sở Tài chính Thanh Hóa lý giải về vấn đề chi nghiệp vụ còn thấp, là do UBND tỉnh phân bổ định mức biên chế 90-10 (90% chi chế độ và 10% chi nghiệp vụ). Hiện nay, Sở Tài chính đang xây dựng định mức cho giai đoạn 2022-2025, do đó, đề nghị các nhà trường có ý kiến trực tiếp về UBND huyện, thị xã, thành phố để có căn cứ xây dựng phương án phân bổ nguồn ngân sách.
Còn đại diện Sở nội vụ, cho rằng: Trung ương giao bổ sung biên chế cho ngành GD đúng định mức theo quy định. Sắp xếp, điều chỉnh GV từ trường thừa sang trường thiếu chỉ là giải pháp tạm thời. Đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ nội vụ để điều chỉnh cho hợp lý.
Chú trọng đến chất lượng bồi dưỡng giáo viên
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, cho biết: So với một số địa phương, Thanh Hóa có phần khó khăn hơn.
Để triển khai chương trình mới, phải bồi dưỡng thường xuyên, liên tục ngay tại trường. Với những tài liệu đi sớm hơn, đặc biệt là SGK không nhất thiết phải dùng chung một bộ.
Một số môn trong chương trình lớp 6, nhiều trường không đủ GV để phân bổ dạy theo chương trình mới. Môn tích hợp phải bố trí làm sao để GV trong trường dạy được chính học sinh của trường mình.
ông Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học phát biểu tại buổi làm việc.
Còn ông Thái Văn Tài – Vụ trưởng vụ Giáo dục tiểu học, chia sẻ: Việc dạy lớp 1 vừa rồi hết sức khó khăn, để có được thành quả như ngày hôm nay, không thể phủ nhận vai trò quan trọng cũng như mọi nỗ lực của đội ngũ GV dạy lớp 1.
“Tốc độ chương trình của mỗi loại sách khác nhau, vì vậy phải nghiên cứu như thế nào đó để giúp học sinh tiếp nhận một cách tốt nhất.
Khi học sinh chuyển trường nên chuyển vào cuối năm học. Hoặc trước khi chuyển trường, chúng ta nên tập huấn, hướng dẫn học sinh có phương pháp tiếp nhận với bộ sách mới”, ông Tài nói.
Đề xuất kiến nghị, về cơ sở vật chất ở Thanh Hóa cơ bản tốt, nhưng như môn Tiếng Anh có GV, thì có thể triển khai được, nhưng môn Tin học dù có GV nhưng không có phòng học thì cũng không thể thực hiện.
Nhiệm vụ của GV là phải xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể. SGK dù chọn 1 bộ sách nhưng trong thư viện trường vẫn phải đầy đủ 5 bộ SGK. Sử dụng đội ngũ GV hiện có một cách linh hoạt trong năm học.
Ông Thái Văn Tài- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, nhấn mạnh: “Để đổi mới được bản thân phải thấy đó là cần thiết, là quan trọng. Chúng ta phải tạo cơ hội, điều kiện cho học sinh có cơ hội học tập một cách tốt nhất, trung thực và có chất lượng thực sự”.
Cũng theo Thứ trưởng, Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị từ xa việc thực hiện chương trình mới từ nhiều năm trước, điều này giúp các nhà trường chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để thực hiện việc đổi mới.
Dạy học phải quan tâm 100% học sinh trên lớp. Tiếp tục chủ động, sẵn sàng triển khai chương trình mới một cách tốt nhất. Phải quan tâm đến chất lượng bồi dưỡng GV, nhất là chất lượng tập huấn. Phải biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng, biến quá trình học thành tự học và phải liên tục, thường xuyên.
Thứ trưởng cũng đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Phải hoàn thành khâu chọn SGK trong thời gian sớm, trước khai giảng năm học mới 5 tháng.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Đầu Thanh Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cảm ơn Thứ trưởng và đoàn công tác của Bộ đã quan tâm, kiểm tra chỉ đạo về chương trình GDPT mới và thay SGK.
Đồng thời, đề nghị các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thứ trưởng. Khẩn trương rà soát lại cơ sở vật chất, để thực hiện đổi mới sách lớp 2 và lớp 6.
Phó Chủ UBND tỉnh Thanh Hóa cam kết sẽ nghiêm túc triển khai đầy đủ theo ý kiến chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về chương trình GDPT mới và thay SGK…
Tiên phong triển khai sách giáo khoa mới
Theo kế hoạch, ngày 10-4, các sở giáo dục và đào tạo phải hoàn thành việc báo cáo danh mục lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để giảng dạy từ năm học 2021-2022.
Tại Hà Nội, hiện các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã, các nhà trường đã, đang tích cực chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện dạy, học tốt nhất để đội ngũ giáo viên tiên phong đổi mới khi triển khai sách giáo khoa mới, bảo đảm chất lượng giáo dục.
Ngành Giáo dục Hà Nội chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện để việc giảng dạy của giáo viên đạt hiệu quả cao khi đổi mới sách giáo khoa. Trong ảnh : Một tiết học của học sinh lớp 6 Trường Trung học cơ sở Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Đỗ Tâm
Thực hiện đúng quy trình lựa chọn sách
Như Hànộimới đã thông tin, năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước học sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị để bảo đảm các điều kiện dạy và học chất lượng cho hai khối lớp.
Ngày 10-3-2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, gồm: Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Căn cứ vào hai tiêu chí này, các trường học đã tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận về từng cuốn sách, từ đó đề xuất lựa chọn danh mục sách phù hợp.
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh, 20 trường tiểu học và 28 trường trung học cơ sở trên địa bàn quận đã thực hiện đúng quy trình về việc lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26-8-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trên cơ sở danh mục sách giáo khoa mới lớp 2, lớp 6 do giáo viên các nhà trường đề xuất lựa chọn, Phòng đã tổng hợp, sắp xếp theo thứ tự sách giáo khoa có số trường đề xuất lựa chọn từ cao xuống thấp, báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để hội đồng lựa chọn sách của thành phố phê duyệt.
Công tác đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học theo sách giáo khoa mới cũng được các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã quan tâm. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu cho biết, qua rà soát, Phòng dự báo quy mô giáo dục năm học 2021-2022 có khoảng 5.000 học sinh lớp 2 và 4.200 học sinh lớp 6, nên đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho gần 600 giáo viên; tham mưu UBND huyện đầu tư kinh phí mua sắm theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, với tổng kinh phí khoảng 57 tỷ đồng.
Chung một nhận thức về đổi mới
Xác định sứ mệnh, cũng là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện thành công việc đổi mới sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 trong năm học 2021-2022, đội ngũ giáo viên của các nhà trường trên địa bàn Hà Nội quyết tâm tiên phong đổi mới, bảo đảm chất lượng giáo dục.
Cô giáo Đặng Hoàng Hà, giáo viên lớp 2A1, Trường Tiểu học Giáp Bát (quận Hoàng Mai) chia sẻ: "Trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu sách giáo khoa mới, tôi nhận rõ nhu cầu cấp thiết phải đổi mới về phương pháp dạy học, nhằm giúp học sinh tự học và dần hình thành các kỹ năng. Tôi đang cùng đồng nghiệp xây dựng kho học liệu dùng chung, thảo luận về việc đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường lồng ghép các hoạt động trải nghiệm, thực hành để khắc phục lối học máy móc, thụ động của học sinh".
Trong khi đó, cô giáo Lê Thị Thu Lý, giáo viên dạy ngữ văn và chủ nhiệm lớp 6A8, Trường Trung học cơ sở Mỗ Lao (quận Hà Đông) bày tỏ: "Tôi cùng các đồng nghiệp quyết tâm đổi mới cách thức tổ chức giờ dạy để hạn chế việc học thuộc lòng; chú trọng hơn việc khai thác, liên hệ nội dung bài học với các câu chuyện có thật về lòng nhân ái và những vấn đề gần gũi với cuộc sống hằng ngày để học sinh dễ thuộc, dễ nhớ và biết sống có trách nhiệm, giàu tình thương, nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức".
Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm Hoàng Việt Cường, các nhà trường luôn hỗ trợ, tạo điều kiện về mọi mặt để giáo viên phát huy tối đa năng lực, nhiệt huyết. Sau khi có quyết định phê duyệt danh mục sách của thành phố, Phòng sẽ mời các chủ biên, tác giả sách giáo khoa tập huấn cho 100% giáo viên dự kiến dạy lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, Sở đã yêu cầu cán bộ quản lý các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã, các nhà trường cùng vào cuộc, chung sức với giáo viên về cả nhận thức và hành động trong việc đổi mới phương pháp giáo dục, đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá, quyết tâm khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, sĩ số học sinh/lớp ở một số nơi cao...
"Mỗi đơn vị cần có kế hoạch xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên bảo đảm ba yêu cầu: Số lượng, cơ cấu, chất lượng; tổ chức tập huấn cho 100% giáo viên dạy theo sách giáo khoa mới; thực hiện việc mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định", ông Phạm Xuân Tiến lưu ý.
TP.HCM hướng dẫn chọn sách giáo khoa năm học 2021-2022 Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có hướng dẫn phòng GD-ĐT 24 quận, huyện, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục phổ thông về chuẩn bị việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa (SGK) cho năm học 2021-2022. Sở yêu cầu các đơn vị tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh nghiên cứu...