Thứ trưởng Giáo dục giải thích chuyện “lớp trưởng là chủ tịch”
Bên lề buổi đón đoàn học sinh Việt |Nam trở về từ cuộc thi Olympic Toán quốc tế, chiều ngày 16/7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã trả lời một số thắc mắc về dự thảo sửa đổi Điều lệ trường tiểu học – đang gây “bão” trên mạng cũng trong ngày hôm qua.
Liên quan đến dự thảo điều lệ trường tiểu học, xin Thứ trưởng có thể phân tích sự giống và khác nhau giữa chức danh lớp trưởng và chủ tịch hội đồng tự quản?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển. (Ảnh: Văn Chung).
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Lớp trưởng trước đây nhiều khi đứng ra thay giáo viên theo dõi, đôn đốc việc học hành của các thành viên trong lớp, theo dõi các bạn đi học muộn, không học bài. Giờ lớp trưởng không làm thay việc này nữa, mà chính các thành viên trong lớp bảo ban, bình bầu, theo dõi, giám sát lẫn nhau.
Trước đây khi có công việc tập thể giáo viên đứng ra tổ chức phân công, lớp trưởng đôn đốc các bạn thực hiện và chỉ hạn chế ở một số nội dung. Nay với hội đồng tự quản chính các em đứng ra tổ chức, bàn bạc với nhau, thậm chí đề xuất nguyện vọng để thông qua hội đồng tự quản báo cáo với giáo viên, đoàn đội, báo cáo phụ huynh học sinh.
Một số nơi các em còn báo cáo với lãnh đạo địa phương và được địa phương, nhà trường, tổ chức đoàn thể tiếp thu, lắng nghe và hướng dẫn các em thực hiện cho hiệu quả.
Video đang HOT
Điều này nhằm mục đích chính không phải là để nhẹ việc cho giáo viên, cho nhà trường mà tăng khả năng tự chủ tự quản, sinh hoạt cùng nhau, trao đổi góp ý lẫn nhau của học sinh, tăng kĩ năng sống cho các em.
Mô hình trường tiểu học mới (VNEN) đã thay đổi việc dạy và học như thế nào ở bậc học này, thưa Thứ trưởng?
Muốn thay đổi nhà trường không chỉ thay đổi việc dạy và học mà thay đổi đồng bộ, tất cả hoạt động sư phạm của nhà trường.
Quan hệ giáo viên với giáo viên phải dựa trên sự thân thiện, tinh thần đồng đội, học hỏi và giúp đỡ lẫn nhau. Quan hệ học sinh với học sinh dựa trên sự công tác, phối hợp, trên cơ sở hoạt động cá nhân các em được hỗ trợ cho nhau. Em khá hơn giúp đỡ em yếu hơn, em yếu hơn tìm được chỗ dựa để cùng nhau tiến bộ. Quan hệ giáo viên và học sinh cũng bình đẳng trên cơ sở giáo viên là người chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn.
Trong mô hình trưởng tiểu học mới việc dạy không phải giáo viên đứng lên giảng mà chính là tổ chức cho các em tự học. Cô giáo biết em nào tốt mặt nào để động viên, em nào có kết quả tiến bộ để khích lệ, từ thành công nhỏ dẫn đến thay đổi, thành công lớn. Cô giáo không còn việc áp đặt từ trong giờ dạy đến hướng dẫn các em trong lớp, về gia đình như thế nào nữa.
Hội đồng tự quản ở lớp 5B, Trường Tiểu học Thạch Bằng, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Năm học 2015 2016 sẽ có 3.700 trường thử nghiệm mô hình trường học mới
Mô hình hội đồng tự quản có phải là một phép thử của ngành giáo dục trong đổi mới dạy-học không, thưa Thứ trưởng?
Mô hình VNEN ra đời từ những năm 70 của thế kỉ trước do các tổ chức tiên tiến nhất như UNESCO, UNICEF, Ngân hàng thế giới mời những chuyên gia nổi tiếng để xây dựng ở các nước đang phát triển. Họ đánh giá đây là mô hình phù hợp nhất với các nước đang phát triển như Việt Nam.
Việt Nam đã thử nghiệm thành công rồi. Lúc đầu có 48 lớp, 24 trường. Năm sau dự án hỗ trợ thành 1.447 trường. Đến năm mới sắp tới sẽ có 3.700 trường (trong số hơn 15.000 trường tiểu học) đăng ký tham gia toàn diện VNEN.
Các trường về sau không được tài trợ của dự án nhưng bởi tính tiên phong, tích cực của VNEN mà các trường đồng tình tham gia.
Chúng ta có thể hình dung đây (VNEN) là thử nghiệm trong đổi mới chương trình SGK mới nói riêng và thử nghiệm đổi mới trong các trường tiểu học nói chung.
Đa phần các địa phương khi học sinh học hết lớp 5 đều đề nghị, đề xuất lên THCS cần để các em học theo VNEN chứ không theo mô hình truyền thống hiện tại.
Bộ đã đáp ứng nguyện vọng này. Năm qua ta thử nghiệm trên 24 trường với 48 lớp và thấy đã thành công ở lớp 6. Sang năm học mới 2015-2016 Bộ tiếp tục hoàn thiện tại liệu, triển khai tập huấn và đã có 1600 trường đăng ký triển khai mô hình VNEN cấp THCS ở lớp 6.
Có thể xem VNEN như mô tổ chức xã hội thu nhỏ không, thưa ông?
Có thể hình dung lớp học cũng như một tổ chức có các nhóm học khác nhau, ban khác nhau văn nghệ, thể thao, đối ngoại, học tập trong nhà trường, lớp học.
Cả nhà trường là một xã hội và đó là một phần của xã hội hiện tại. Chúng ta quan niệm học sinh được học trong nhà trường chính là học sinh đã sống, học tập và làm việc trong xã hội nhưng là một phần của xã hội, không phải như trước đây mình nói là chuẩn bị cho học sinh bước vào sống xã hội.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Theo vietnamnet