Thứ trưởng Bùi Văn Ga: ‘Thí sinh điểm cao chắc chắn đỗ ngành phù hợp’
Quy định không giới hạn nguyện vọng xét tuyển năm nay giúp thí sinh có điểm thi cao, đăng ký xét tuyển ngành phù hợp sẽ đỗ đại học.
Trước nhiều tranh luận về điểm cộng, về việc 30 điểm vẫn có thể trượt đại học, ngày 3/8, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga đã có cuộc trao đổi với báo chí.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga.
Không trúng tuyển nguyện vọng 1 không có nghĩa là trượt đại học
- Là Trưởng ban chỉ đạo thi quốc gia, ông nhìn nhận như thế nào về hiện tượng điểm chuẩn cao, thậm chí vượt cả mức điểm tuyệt đối ở một số trường tốp trên?
- Thực chất nếu nhìn trên tổng số hơn 4.000 ngành tuyển sinh thì chỉ vài chục ngành có điểm chuẩn cao (chiếm tỷ lệ rất thấp, chưa đến 1% tổng số ngành), thuộc các trường quân đội, công an, y dược. Các ngành này lâu nay vẫn tuyển sinh với mức điểm chuẩn cao.
Những năm trước do thí sinh bị giới hạn số nguyện vọng nên nhiều em điểm cao không tự tin nộp vào những ngành này. Năm nay thí sinh không giới hạn số nguyện vọng nên hầu như những em có kết quả cao đều đăng ký trong khi chỉ tiêu các ngành quân đội, công an lại giảm dẫn đến tăng điểm chuẩn. Lý do đó khiến một số ít thí sinh có điểm thi cao đã không trúng tuyển nguyện vọng 1.
Tuy nhiên, không trúng tuyển nguyện vọng 1 không có nghĩa các em trượt đại học. Nếu đăng ký xét tuyển phù hợp thì chắc chắn thí sinh trúng tuyển các nguyện vọng khác. Ngoài một số rất ít ngành điểm chuẩn cao, hầu hết ngành còn lại (đến gần 99% tổng số ngành tuyển sinh) việc tăng, giảm điểm chuẩn rất bình thường như mọi năm.
- Theo ông, đề thi trắc nghiệm khách quan ảnh hưởng thế nào đến mặt bằng điểm chuẩn năm nay?
- Trước đây thi tự luận mỗi môn chỉ có một đề thi duy nhất nên đề thi chỉ có một vài câu hỏi khó rơi vào một vài chương của chương trình và chỉ số ít thí sinh chuyên sâu các chương này mới làm được. Nay thi trắc nghiệm với 24 mã đề thi, những câu hỏi khó rải rác khắp chương trình nên có nhiều hơn thí sinh làm được. Điều này kéo theo số thí sinh đạt điểm cao tăng lên so với thi tự luận.
Tuy nhiên, số lượng thí sinh được điểm 9-10 chiếm không quá 3% tổng số thí sinh dự thi. Điểm trung bình hầu hết môn thi nằm trong khoảng 5-6 điểm nên đề thi không phải là dễ. Vấn đề là số lượng thí sinh có điểm cao này lại ưu tiên đăng ký vào những trường/ngành mà lâu nay điểm chuẩn vốn rất cao, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh rất ít.
- Phương thức xét tuyển mới – không giới hạn nguyện vọng đăng ký của thí sinh đã phát huy hiệu quả như thế nào trong mùa tuyển sinh năm nay?
- Những năm trước với số nguyện vọng giới hạn, thí sinh phải cân nhắc thận trọng, phán đoán trước khi đăng ký xét tuyển và chấp nhận nhiều rủi ro. Còn năm nay, với số nguyện vọng không giới hạn, các em có thể đăng ký vào bất kỳ ngành/trường nào yêu thích.
Video đang HOT
Quy chế quy định nguyện vọng của thí sinh được xét bình đẳng như nhau. Vì thế nếu không trúng tuyển nguyện vọng cao, các em sẽ được xét nguyện vọng tiếp theo bình đẳng với các nguyện vọng khác. Vì thế năm nay những thí sinh điểm cao mà quyết tâm đi học thì chắc chắn trúng tuyển vào một ngành/trường phù hợp với kết quả thi và không có sự rủi ro như những năm trước đây.
Ví dụ ngành Y đa khoa, nếu Đại học Y Hà Nội, Y Dược TP HCM lấy 29,25 điểm chuẩn thì những trường có đào tạo ngành này lấy điểm chuẩn thấp hơn như Đại học Y Dược Huế là 28,25, Y Dược Thái Bình là 27,5, Y Dược Hải Phòng và Y khoa Phạm Ngọc Thạch là 27, Khoa Y Dược Đại học Đà Nẵng là 26,25… Vì thế nếu thí sinh thi được 27 điểm muốn học ngành Y đa khoa và đã đăng ký vào các trường có đào tạo ngành này thì không thể trượt được.
Chính sách ưu tiên được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội
- Nhiều thí sinh băn khoăn việc làm tròn 0,25 điểm tổng 3 môn thi có thể dẫn đến bất hợp lý đối với thí sinh bằng điểm nhau ở cuối danh sách xét tuyển. Thứ trưởng chia sẻ gì về quy định này?
- Quy chế quy định làm tròn 0,25 tổng điểm 3 môn thi để tính điểm xét tuyển. Trường hợp cuối danh sách còn nhiều thí sinh bằng điểm nhau thì trường sử dụng các tiêu chí phụ để xét tuyển. Việc làm tròn 0,25 điểm hay không làm tròn mà lấy điểm 2 số thập phân cũng đã được thảo luận nhiều khi soạn thảo quy chế tuyển sinh. Nếu không làm tròn thì chênh lệch mức điểm 0,01 đối với tổng 3 môn thi. Mức quá bé như vậy rất khó phân biệt chính xác trình độ thí sinh.
Vì thế Bộ giao cho các trường đưa ra các tiêu chí phụ, ví dụ trường có thể chọn thí sinh tổng 3 môn thấp hơn 0,01 điểm nhưng có điểm Toán cao hơn nếu thấy rằng kiến thức môn này cần thiết cho ngành học…
Tuy nhiên, trong thiết kế phần mềm, Bộ vẫn đưa ra tiêu chí phụ đối với trường hợp thí sinh bằng điểm nhau sau khi đã làm tròn 0,25 ở cuối danh sách thì trường có thể quay về điểm gốc trước khi làm tròn để xét tuyển (tức lấy 2 số thập phân). Các trường tự quyết định có chọn tiêu chí phụ này hay không.
- Qua đợt xét tuyển vừa rồi, có thể thấy việc cộng điểm ưu tiên đang nảy sinh những bất hợp lý, gây thiệt thòi cho thí sinh khu vực ba. Tại sao Bộ vẫn chưa thay đổi cách tính điểm ưu tiên để tạo sự công bằng cho thí sinh?
- Quy định cộng điểm ưu tiên đối tượng và khu vực trong tuyển sinh đã được thực hiện từ rất nhiều năm nay. Quy định này cụ thể hóa chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước đối với người có công, con em dân tộc, thí sinh sống ở vùng sâu, vùng biên giới, hải đảo, vùng kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, có điều kiện sống, học tập khó khăn hơn rất nhiều so với thí sinh sống ở thành phố.
Khi chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước thay đổi thì quy chế tuyển sinh cũng được điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ những địa phương trước đây thuộc khu vực khó khăn, nay điều kiện kinh tế xã hội đã được cải thiện, không còn nằm trong danh sách khó khăn thì việc cộng điểm ưu tiên đối với thí sinh cũng sẽ được điều chỉnh giảm.
Theo VnExpress
Thí sinh từ đỗ thành trượt ĐH Sư phạm TP.HCM
Việc thay đổi cách tính điểm chuẩn ở những tổ hợp xét tuyển có môn chính của ĐH Sư phạm TP.HCM khiến thí sinh từ đỗ thành trượt.
Sau khi ĐH Sư phạm TP.HCM công bố điểm chuẩn chính thức hệ đại học chính quy năm 2017 và danh sách trúng tuyển, nhiều người cho rằng cách tính điểm trúng tuyển mới của trường khiến thí sinh thiệt thòi.
Từ đỗ thành trượt
Phản ánh với Zing.vn, thí sinh P.V.T. cho biết trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, em đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Sư phạm Tiếng Anh của ĐH Sư phạm TP.HCM, điểm thi như sau: Toán 8,2; Ngữ văn 6,75; Tiếng Anh 10. Theo đề án của trường công bố rộng rãi trước kỳ thi, Sư phạm Tiếng Anh là ngành có môn chính là Tiếng Anh.
Thí sinh này cho biết mọi năm, điểm chuẩn ngành Sư phạm Tiếng Anh vẫn nhân hệ số môn ngoại ngữ, do đó áp dụng công thức tính điểm chuẩn ở những tổ hợp có môn chính như sau: Điểm xét tuyển = (điểm môn chính * 2 điểm 2 môn còn lại) * 3/4 ( điểm ưu tiên nếu có * 3/4).
Như vậy, điểm xét tuyển của T. là (10*2 8,2 6,75) * 3/4 = 26,2. Theo điểm chuẩn ngành Sư phạm Tiếng Anh được nhà trường công bố là 26, T. cho biết em đã trúng tuyển.
Theo T., công thức này đã được phổ biến rộng rãi trên Facebook của Phòng đào tạo ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng như trang web chính thức của trường.
Tuy nhiên, danh sách trúng tuyển hiện tại của ĐH Sư phạm TP.HCM lại sử dụng cách tính mới: Điểm trúng tuyển = điểm môn 1 môn 2 môn 3 điểm ưu tiên (nếu có).
Thí sinh T. từ 26,2 điểm theo cách tính cũ chỉ còn 24,95 điểm nên rớt nguyện vọng 1.
P.V.T. bức xúc: "Điều kỳ lạ ở đây là đến ngày 31/7, cách tính điểm xét tuyển cũ (có nhân 3/4) vẫn được xem là chính thức. Ngày 1/8, bài đăng về cách tính đó đã bị xóa trên tất cả trang web và Facebook của ĐH Sư phạm TP.HCM. Trang web chính thức của phòng đào tạo cập nhật cách tính mới phù hợp danh sách trúng tuyển được đưa lên tối 30/7".
Trước đó, tối 30/7, ĐH Sư phạm TP.HCM công bố điểm chuẩn 2017 trên website trường vẫn còn để cột môn chính nhân hệ số 2.
Cụ thể, điểm chuẩn do trường công bố tối 30/7 xem tại đây.
Điều này khiến P.V.T. và nhiều thí sinh khác đặt nghi vấn: Phải chăng vì trường nhập sai công thức, dẫn tới việc sàng lọc thí sinh chung với cụm đại học miền Nam và cả nước bị sai?
Nhà trường nhận trách nhiệm
Chiều 3/8, trao đổi với Zing.vn, TS Dương Thị Hồng Hiếu, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết nhà trường xin lỗi và nhận trách nhiệm vì đã thông tin không đầy đủ đến thí sinh và phụ huynh trong mùa tuyển sinh 2017.
Bà Dương Thị Hồng Hiếu, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Sư phạm TP.HCM. Ảnh: Minh Nhật.
Theo đó, trong đề án tuyển sinh của trường do Bộ GD&ĐT thông qua, được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, hình thức xét tuyển của trường như sau:
Dựa vào kết quả điểm thi THPT quốc gia năm 2017 (không bảo lưu kết quả trước năm 2017). Điểm xét tuyển là tổng điểm thi THPT quốc gia năm 2017 của các môn (các bài) thi theo tổ hợp môn đăng ký xét tuyển (có/không nhân hệ số) cộng điểm ưu tiên (có/không nhân hệ số, theo quy định của Bộ GD&ĐT). Xét tuyển từ cao đến thấp.
Điều kiện phụ sử dụng trong xét tuyển: Môn chính, điểm trung bình chung lớp 12 theo tổ hợp môn xét tuyển, nếu vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn.
Bà Hiếu giải thích trong đề án đề cập rõ điểm xét tuyển là tổng điểm của các môn (các bài) thi theo tổ hợp môn đăng ký xét tuyển có hoặc không nhân hệ số. Nhà trường khi đó vẫn chưa quyết định có nhân hệ số các môn chính như các năm trước hay không vì nhận thấy rằng nhân điểm hệ số môn chính không đảm bảo chất lượng thí sinh đầu vào.
Hơn nữa, năm nay có quá nhiều tổ hợp xét tuyển mới, việc chọn môn nào là chính để nhân hệ số cũng gây tranh cãi. Hội đồng tuyển sinh của trường đã họp và đi đến quyết định điểm xét tuyển là tổng điểm các môn (bài) thi theo tổ hợp xét tuyển và không nhân hệ số các môn chính.
"Nhà trường rất lấy làm tiếc vì bộ phận tư vấn tuyển sinh đã không thông tin kịp thời đến thí sinh và phụ huynh, dẫn đến những hiểu lầm về cách tính điểm chuẩn và nhiều thí sinh thiệt thòi vì cách tính điểm mới. Cá nhân tôi cũng có phần trách nhiệm khi chưa sâu sát trong công tác quản lý các đơn vị phục vụ công tác tuyển sinh của trường", bà Hiếu nói.
ĐH Sư phạm TP.HCM đã báo cáo vấn đề này với Bộ GD&ĐT và hội đồng tuyển sinh trường cũng đang xem xét để tìm giải pháp thấu đáo cho sự việc.
Bà Hiếu cũng cho biết ngay sau khi nhà trường công bố điểm chuẩn chính thức và danh sách trúng tuyển (ngày 1/8), nhiều thí sinh, phụ huynh bày tỏ bức xúc vì không được thông tin cách tính điểm trúng tuyển mới trong năm nay. Nhà trường đã rà soát tất cả kênh thông tin của nhà trường và nhận thấy trường chưa cập nhật thông tin chính xác.
Bà Hiếu cũng cho biết nhiều thông tin trên Facebook không phải kênh chính thống của nhà trường nhưng vẫn đăng những thông tin không chính xác, gây hiểu nhầm cho thí sinh.
Bà Hiếu cũng phủ nhận những ý kiến cho rằng nhà trường có điều khuất tất trong công tác tuyển sinh: "Mọi khâu tuyển sinh năm nay, các trường đều phải thông qua Bộ GD&ĐT. Nhà trường chỉ nhận kết quả từ bộ trả về và không thể can thiệp ở bất cứ công đoạn nào".
Về việc bảng điểm chuẩn theo cách tính cũ và danh sách được công bố tối 30/7 là do sự nhầm lẫn của một nhân viên trong nhóm phục vụ tuyển sinh. Nhà trường đã gỡ bảng điểm chuẩn này và thay bằng bảng điểm chính xác hơn.
Theo Zing
310 thí sinh đầu tiên trúng tuyển ĐH Kinh tế Quốc dân Chiều 21/7, ĐH Kinh tế Quốc dân thông báo kết quả 310 thí sinh trúng tuyển vào trường năm 2017. Cụ thể, trường tuyển thẳng 116 thí sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia. Trong đó, 86 thí sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi...