Thứ trưởng Bộ Y tế: ‘Bệnh nhân thứ 34 rất phức tạp’
Lãnh đạo Bộ Y tế và tỉnh Bình Thuận nói, ‘ bệnh nhân thứ 34 rất phức tạp’. Bệnh nhân thứ 38 (con dâu bệnh nhân thứ 34), phải nhờ ’sếp’ bệnh nhân này tác động mới chịu đi cách ly.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc sáng nay 15.3 ảnh: Quế Hà
Sáng 15.3, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế dẫn đầu đoàn công tác Bộ Y tế về làm việc tại Bình Thuận để kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại tỉnh này.
Mở đầu buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt quan tâm đến diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, nói chung và của Bình Thuận nói riêng.
Thủ tướng chỉ đạo phải đặc biệt quan tâm, với quyết tâm cao nhất, không được chủ quan với dịch Covid-19 vì đã bước sang giai đoạn hai, vô cùng phức tạp.
Thủ tướng cho rằng chỉ cần lơ là, chủ quan thì độ lây lan của dịch Covid-19 không chỉ là cấp số nhân, mà là cấp lũy thừa. Do vậy, không được chủ quan, bằng lòng trên những thành công bước đầu, mà phải quyết liệt hơn nữa để chống dịch.
Hai tuyến đường ở TP.Phan Thiết đã bị cô lập để cách ly y tế, phòng chống dịch (thuộc P.Đức Thắng) Ảnh: Quế Hà
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu Bình Thuận phải tập trung sàng lọc F1 (tiếp xúc gần), F2 (tiếp xúc xa) để cách ly hiệu quả, không được để lây lan cho cộng đồng và lây lan cho nhân viên ngành y tế.
Về điều tra dịch tễ các nguồn lây bệnh từ các bệnh nhân, Thứ trưởng cho rằng Bình Thuận có bệnh nhân số 34 rất phức tạp. Là một doanh nhân, nên bệnh nhân này có quan hệ làm ăn, giao dịch nhiều người, nhiều nơi; khả năng lây lan bệnh cho nhiều người là rất cao. Đây là điều Bộ Y tế rất quan ngại, nên đề nghị Bình Thuận phải hết sức chú ý. Ngành y tế phải tìm hết người đã tiếp xúc với bệnh nhân thứ 34 để khoanh vùng và cách ly triệt để, ngăn chặn lây lan.
81 mẫu bệnh Bình Thuận có kết quả âm tính
Tại cuộc làm việc này, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, thông báo tin vui, cả 81 trường hợp mẫu bệnh mà Bình Thuận vừa gửi cho Viện Pateur Nha Trang đều đã cho kết quả âm tính. Chỉ còn hai trường hợp dương tính xét nghiệm lại là chưa có kết quả. Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong đoàn công tác của Bộ, cùng đi còn có hai cán bộ là Tổ trưởng và Tổ phó phụ trách Tổ công tác đặc biệt Sơn Lôi, Vĩnh Phúc. Bộ Y tế đang biên soạn quy trình cách ly. Bình Thuận có thể áp dụng để cách ly theo kịch bản Sơn Lôi với sự giúp đỡ của Bộ Y tế.
Video đang HOT
Phun dịch tiêu độc khử trùng toàn TP.Phan Thiết trong hai ngày 14 và 15.3 ảnh: Quế Hà
Kích hoạt cơ sở cách ly mới, bệnh nhân không hợp tác
Bác sĩ (BS) Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận, cho biết cho đến chiều tối qua (14.3), Bình Thuận ghi nhận được 203 người thuộc diện F1; 761 người thuộc diện F2. Tất cả đã được cách ly tập trung và cách ly tại nhà. BS Việt cho biết thêm, Bình Thuận ban đầu chỉ có 4 cấp độ, nhưng nay đã lên cấp độ 5. Bình Thuận hiện đang thiếu điều kiện cơ bản về nhân lực, cơ sở vật chất nếu dịch còn tăng cao và đề nghị Bộ Y tế trang bị cho Bình Thuận một phòng xét nghiệm độc lập để có thể tự xét nghiệm và công bố kết quả các mẫu. Sáng nay 15.3, ngành y tế Bình Thuận đã kích hoạt cơ sở cách ly tập trung thứ 3 là Trường Quân sự địa phương ở xã Tiến Thành, TP.Phan Thiết. Đại tá Nguyễn Ngọc Hùng, Chỉ huy phó Bộ chỉ huy Quân sự Bình Thuận cho rằng đây là cơ sở có phòng ốc, hạ tầng rất tốt do mới được đầu tư.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết Nguyễn Văn Luân cho biết, việc vận động các bệnh nhân gặp nhiều khó khăn. Ví dụ bệnh nhân thứ 38 (con dâu bệnh nhân 34, nhân viên ngân hàng) không hợp tác với chính quyền khi được vận động đi cơ sở cách ly tập trung. UBND TP phải làm việc với thủ trưởng đơn vị nơi bệnh nhân làm việc để vận động, sau đó bệnh nhân này mới chịu đi cách ly.
Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết Nguyễn Văn Luân cho biết việc đưa bệnh nhân đi cách ly còn khó khăn do bệnh nhân thiếu hợp tác với chính quyền Ảnh: Quế Hà
Theo Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết, hiện nay Phan Thiết có 8 bệnh nhân (còn 1 bệnh nhân của H.Hàm Thuận Bắc); trong số này, các bệnh nhân số 34, 36, 41, 42, 43 là có nguy cơ lây bệnh rất cao vì tiếp xúc với nhiều người. TP.Phan Thiết đã xuống từng nhà dân vận động bà con khai báo y tế, không để sót F1, F2. Theo ông Luân, hiện Phan Thiết phát hiện thêm 6 người tại địa phương đã có tiếp xúc gần với bệnh nhân thứ 45 (trú Q.Tân Bình, TP.HCM).
Bệnh nhân không khai báo đầy đủ
Tại cuộc làm việc với Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Đức Hòa (Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19), cho biết, “vì nhiều lý do khác nhau, nên bệnh nhân khai báo không đầy đủ, gây khó khăn cho điều tra dịch tễ”.
Theo ông Nguyễn Đức Hòa, bệnh nhân thứ 34 ban đầu chỉ khai có 17 người tiếp xúc F1 (hiện nay là 46 người F1 của bệnh nhân này – PV). Bình Thuận đã chuẩn bị kịch bản để đối phó trong trường hợp số bệnh nhân lên đến 20 người.
Ông Hòa cho rằng Bình Thuận đang chuẩn bị tốt về phương án y tế dịch tễ, không để “vỡ trận”, trong đó, chú trọng đặc biệt khâu cách ly. Phó chủ tịch Bình Thuận thừa nhận “ban đầu ngành y tế tỉnh hơi lúng túng vì chưa gặp dịch như vậy bao giờ”. Ông nguyễn Đức Hòa kiến nghị Bộ Y tế tham mưu cho Chính phủ “phải kiểm soát chặt đầu vào đầu ra tại cửa khẩu sân bay”.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng tình hình dịch bệnh tại Bình Thuận còn diễn biến phức tạp, khó lường. Cả hệ thống chính trị của tỉnh phải bình tĩnh, quyết tâm cao nhất để dập dịch Ảnh: Quế Hà
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu phải làm tốt hơn nữa việc kiểm soát những trường hợp thuộc diện F1, F2 để cách ly. Ông Hùng cho rằng, hiện nay vẫn còn dấu hiệu các trường hợp dương tính Covid-19 chưa khai báo hết đã tiếp xúc với những ai. Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận yêu cầu không được chủ quan khi có kết quả cả 81 trường hợp xét nghiệm đều âm tính.
“Đây mới chỉ là giai đoạn đầu thôi. Phải xác định dịch bệnh còn có thể kéo dài và diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy cả hệ thống chính trị phải vào cuộc một cách quyết liệt. Nếu cần, có thể huấn luyện nhanh cho sinh viên Cao đẳng y tế năm hai, năm ba để đưa vào giúp ngành y tế chống dịch”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nói.
Theo thanhnien.vn
Kết quả xét nghiệm người tiếp xúc với nữ du học sinh nhiễm Covid-19
6/8 người tiếp xúc với ca nhiễm Covid-19 thứ 52 đã có kết quả xét nghiệm.
Liên quan tới trường hợp bệnh nhân thứ 52 nhiễm Covid-19 tại Việt Nam là N.T.T.T (địa chỉ tổ 2, khu 4B, phường Hồng Hải, TP.Hạ Long, Quảng Ninh) được Bộ Y tế công bố hôm qua 14/3, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện bệnh nhân số 52 đang được điều trị tại Bệnh viện dã chiến cơ sở số 2 tại TP.Hạ Long.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Ninh, bệnh nhân số 52 là hành khách trên chuyến bay VN0054 ngày 9/3 từ London về Việt Nam, cùng chung chuyến bay với bệnh nhân số 46.
Sở Y tế họp trực tuyến khẩn cấp triển khai các giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19.
Ngay khi từ London trở về Việt Nam vào ngày 9/3, gia đình bệnh nhân số 52 đã thực hiện khai báo với y tế và bệnh nhân tự cách ly tại nhà theo quy trình.
Ngày 13/3, khi nắm được thông tin trên chuyến bay của mình phát hiện bệnh nhân nhiễm Covid-19, là ca bệnh số 46, chị N.T.T.T đã vào cách ly tập trung tại Bệnh viện dã chiến cơ sở số 2.
Bệnh nhân được lấy mẫu và làm xét nghiệm tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh, cho kết quả dương tính.
Sáng 14/3, mẫu bệnh phẩm được gửi lên Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện dã chiến cơ sở số 2 cho biết, hiện tại, bệnh nhân N.T.T.T có tình trạng sức khoẻ ổn định, không sốt. Cùng với đó, 6/8 trường hợp có tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân số 52 đã có kết quả xét nghiệm âm tính, gồm bố, mẹ, bà nội, em trai, bạn gái của em trai và người lái taxi đưa N.T.T.T từ sân bay Nội Bài về Hạ Long trong sáng 9/3.
Chiều 14/3, ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 của bệnh nhân số 52, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức họp trực tuyến khẩn cấp với các đơn vị y tế để triển khai các biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19.
Tại cuộc họp, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh đã thông tin chi tiết về công tác giám sát, điều trị đối với bệnh nhân N.T.T.T, ca bệnh dương tính đầu tiên đang điều trị trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Sở Y tế tỉnh Quang Ninh đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức điều tra, giám sát toàn bộ các trường hợp có tiếp xúc gần với bệnh nhân số 52; đánh giá tình trạng các nhân viên y tế tại Bệnh viện Lao và Phổi Quảng Ninh; phun hóa chất tiêu độc khử khuẩn vệ sinh nhà bệnh nhân và toàn bộ môi trường xung quanh bán kính 200m; phong tỏa toàn bộ khu nhà ở bệnh nhân và 14 nhà xung quanh; khử khuẩn tại gia đình của tài xế taxi và bạn của em trai bệnh nhân số 52.
Tại Bệnh viện Lao và Phổi Quảng Ninh, nơi bố và mẹ của bệnh nhân làm việc, từ 23h, ngày 13/3, toàn bộ đội ngũ nhân viên y tế và 113 bệnh nhân nội trú cũng đã cách ly theo đúng quy trình và dừng tiếp nhận bệnh nhân chuyển tuyến, bệnh nhân mới đến khám.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:
- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.
- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.
- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.
- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095.
Xuân Lực (Dân Việt)
Nếu đông bệnh nhân mắc Covid-19, việc điều trị sẽ thế nào? Số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam đang tăng lên từng ngày. Các chuyên gia y tế nhận định, tình hình dịch còn phức tạp, số ca mắc còn gia tăng, có thể dẫn đến quá tải ở bệnh viện tuyến trên. Do đó, Việt Nam đã lên kịch bản cho việc điều trị bệnh nhân Covid-19 ngay tại trạm y tế xã....