Thứ trưởng Bộ Giáo dục thị sát kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại Cao Bằng
Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2019 do Thứ trưởng Lê Hải An, Phó trưởng Ban chỉ đạo dẫn đầu đã đến kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại tỉnh Cao Bằng.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An động viên học sinh lớp 12 Cao Bằng cố gắng ôn tập trong kỳ thi tới
Hỗ trợ ăn ở cho học sinh khó khăn trong suốt kỳ thi
Tại Cao Bằng, Thứ trưởng Lê Hải An đã tới kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại 5 điểm thi và khu vực in sao, bảo quản đề thi của tỉnh.
Báo cáo với đoàn kiểm tra, thầy Lý Minh Trường, Hiệu trưởng Trường THPT dân tộc nội trú Pò Tấu, huyện Trùng Khánh – một trong những điểm thi nằm xa nhất của tỉnh Cao Bằng cho biết, đến thời điểm này công tác chuẩn bị cơ sở vật chất tại điểm thi Trường THPT dân tộc nội trú Pò Tấu đã cơ bản hoàn thành. Huyện Trùng Kháng cũng đã tiến hành rà soát danh sách những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ kinh phí, bữa ăn, nơi ở trong suốt kỳ thi.
Chia sẻ về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất tại điểm thi có số lượng thí sinh đông nhất trong tỉnh, cô giáo Bế Thị Thu, Hiệu trưởng Trường THPT Thành phố Cao Bằng cho hay, nhà trường đã dự phòng các phương án đảm bảo nếu có các “sự cố” như mất điện hay thời tiết không thuận lợi xảy ra.
Trường cũng đã bố trí phòng thi tại 3 khối có phòng chờ dành cho thí sinh tự do, đồng thời làm việc với các nhà hàng gần khu vực điểm thi để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho thí sinh, phụ huynh trong những ngày diễn ra kỳ thi.
Là điểm thi nằm cách xa trung tâm, điểm thi Trường THPT Thông Huề có 141 thí sinh, trong đó có 20 thí sinh tự do. Cô giáo Nông Thị Vượt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường đã bố trí nơi ăn ở cho giảng viên đại học về coi thi trong khu nhà nội trú giáo viên của trường, đảm bảo đáp ứng các điều kiện sinh hoạt tối thiểu để thầy cô yên tâm coi thi, giám sát trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi.
Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia chia sẻ với học sinh về những điểm mới trong kỳ thi tới
Đánh giá cao công tác chuẩn bị của các nhà trường, Thứ trưởng Lê Hải An nhấn mạnh, dù chuẩn bị chu đáo tới đâu, trong thực tế vẫn có thể phát sinh các tình huống ngoài dự đoán, vì vậy, không thể chủ quan bất kỳ khâu nào, cần có phương án cho từng nội dung công việc cụ thể.
Thứ trưởng cũng đề nghị tỉnh Cao Bằng cần bổ sung lực lượng bảo vệ cho những trường nằm sát khu vực nhà dân, bổ sung khu vực cách ly đối với phòng bảo quản đề, bài thi; bố trí đủ phòng chờ để thí sinh tự do đợi khi tới môn thi.
“Cá nhân tôi vẫn thấy lo lắng cho thầy cô từ các trường đại học về đi coi thi, vì thế đề nghị các trường quán triệt chủ trương đưa đón tận nơi trong suốt thời gian thi. Sở GD&ĐT và trường đại học cần trao đổi thẳng thắn để phối hợp tốt nhiệm vụ” – Thứ trưởng nêu rõ.
Tránh tâm lý chủ quan, làm theo thói quen, kinh nghiệm
Báo cáo tại cuộc làm việc với Thứ trưởng Lê Hải An và đoàn kiểm tra, ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019 của tỉnh Cao Bằng cho biết, toàn tỉnh Cao Bằng có có 20 điểm thi, 206 phòng thi và 4.782 thí sinh dự thi. Tỉnh đã huy động 522 cán bộ, giáo viên và nhân viên phục vụ tại các điểm thi.
Để đảm bảo an toàn cho kỳ thi, Cao Bằng sẽ tăng cường phương tiện đưa đón, có các phương án kịp thời giải tỏa ách tắc giao thông trong các ngày thi. Tỉnh cũng đã có phương án ứng trực xử lý tại những cung đường hay bị sạt lở, tắc đường và xử lý các tình huống thiên tai bất thường.
Thứ trưởng Lê Hải An kiểm tra camera giám sát phòng bảo mật đề thi
Ban Chỉ đạo thi của tỉnh đã yêu cầu Sở GD&ĐT rà soát tất cả những trường hợp thí sinh có hoàn cảnh khó khăn để có phương án hỗ trợ về tài chính, đi lại, ăn ở. Tỉnh cũng giao UBND các huyện huy động nguồn hỗ trợ từ xã hội để có nguồn hỗ trợ về tài chính cho các em có hoàn cảnh khó khăn.
Là 1 trong 2 trường đại học phối hợp với Cao Bằng trong kỳ thi lần này, Giám đốc Đại học Phạm Hồng Quang cho biết, Đại học Thái Nguyên đã cử đội ngũ giảng viên có nhiều kinh nghiệm tham gia coi thi tại địa phương để phối hợp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tại tỉnh Cao Bằng. Đại học Thái Nguyên cũng đã tổ chức quán triệt quy chế tới đội ngũ này, tuy nhiên, theo GS Phạm Hồng Quang Ban Chỉ đạo thi tỉnh Cao Bằng vẫn phải tiếp tục quán triệt thêm những nội dung của quy chế để giảng viên sát sao với thực tế, tránh tâm lý chủ quan làm theo thói quen, kinh nghiệm.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Hải An đề nghị, Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019 tỉnh Cao Bằng tiếp tục bám sát 3 văn bản chỉ đạo của Bộ về tổ chức, quy chế thi THTP Quốc gia, nhận thức đúng về vai trò trách nhiệm địa phương, thực hiện tốt chế độ báo cáo về Ban Chỉ đạo thi Quốc gia. Tỉnh cần thực hiện tốt công tác in sao vận chuyển đề thi, đảm bảo an toàn an ninh trong quá trình diễn ra kỳ thi, coi thi, chấm thi.
Ban Chỉ đạo thi tỉnh Cao Bằng cũng cần phổ biến, phân rõ trách nhiệm của cán bộ coi thi, giám thị về phạm vi hoạt động trong khu vực tổ chức thi. Giám sát trách nhiệm của cán bộ coi thi, đảm bảo tất cả cán bộ tham gia kỳ thi đã nắm chắc quy chế. Vì “cán bộ không làm đúng quy chế sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi thí sinh”.
Thứ trưởng đánh giá, trong điều kiện còn khó khăn song tỉnh Cao Bằng đã ưu tiên bố trí, sắp xếp nơi ăn ở chu đáo cho giáo viên coi thi, đây là nỗ lực lớn của địa phương. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý, tỉnh Cao Bằng cần quan tâm đưa đón, đảm bảo an toàn cho thầy cô trong những ngày diễn ra kỳ thi.
“Cho tới thời điểm này, chưa tỉnh nào phàn nàn với Bộ về việc thiếu giảng viên đại học. Tuy nhiên, đội ngũ giảng viên đi coi thi năm nay không phải ai cũng có kinh nghiệm, do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở với các trường đại học nhằm rà soát lại quy trình, quy chế để thống nhất phương án xử lý các tình huống, sự cố nếu có” – Thứ trưởng nhắc nhở.
Đoàn Ban Chỉ đạo thi kiểm tra nơi đặt camera phòng đựng bài thi
Thứ trưởng đề nghị Ban Chỉ đạo thi của tỉnh có các phương án đề phòng rủi ro trong một số tình huống như mất điện, mưa lũ, thiên tai, cháy nổ… Ngoài ra, Sở GD&ĐT Cao Bằng cần chỉ đạo các nhà trường nghiêm túc thực hiện quy định về kiểm tra đánh giá học sinh trong cả chương trình học để những học sinh trúng tuyển đại học do xét học bạ là kết quả thực sự công bằng và khách quan.
Thay mặt Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019 tỉnh Cao Bằng, ông Nguyễn Hữu Khang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thi tỉnh cho biết, Cao Bằng sẽ nghiêm túc rà soát lại các điều kiện, hoàn thiện các bước chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 theo khuyến cáo và đề nghị của đoàn kiểm tra. “Cao Bằng cam kết sẽ tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc khách quan và đúng quy chế” – Ông Khang nói.
Nguyệt Thu
Theo Dân trí
Học sinh Hà Nội học thêm kín tuần để thi vào lớp 10
Bùi Phương Thảo học thêm sáu buổi một tuần cho ba môn Toán, Văn và Tiếng Anh trong suốt năm qua với hy vọng đỗ THPT Cầu Giấy.
Thí sinh chia sẻ áp lực trước kỳ thi. Video: Dương Tâm - Tú Anh
Sáng 1/6, thí sinh thi vào lớp 10 công lập ở Hà Nội đến điểm thi để làm thủ tục và nghe phổ biến quy chế. Tại điểm thi THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy), nhiều em tranh thủ mang theo sách vở để ôn tập trước khi được gọi vào phòng.
Bùi Phương Thảo (THCS Nghĩa Tân) chia sẻ rất căng thẳng, nếu không đỗ trường công lập sẽ bị bạn bè, hàng xóm chê cười, bố mẹ thất vọng. Thảo đăng ký học thêm sáu buổi một tuần cho ba môn Toán, Văn và Tiếng Anh suốt năm qua. "Trong bốn môn thi, em lo nhất là Toán vì học môn này không tốt. Em cũng dành thời gian ôn Toán nhiều nhất với 3 buổi học thêm/tuần", Thảo nói.
Vì năm nay Hà Nội tổ chức thi bốn môn, trong đó có Lịch sử, ngoài học thêm, Thảo thường xuyên thức đến 12h đêm để ôn luyện. Nhiều hôm mệt mỏi, mắt díp lại vì buồn ngủ, nữ sinh vẫn cố học tiếp để không bị "thất vọng, chê cười".
Giống như Thảo, Nguyễn Thị Linh (THCS Đoàn Thị Điểm) phải học thêm vào các buổi tối ngay từ đầu lớp 9, đặc biệt là Ngữ văn - môn học khiến em hoang mang nhất vì có nhiều tác phẩm phải tìm hiểu. Với Toán và Văn, em tập trung nghe giảng trên lớp, ôn luyện đề thi. Còn môn Sử, em dành 30 phút đến một tiếng mỗi ngày để học thuộc kết hợp làm nhiều dạng bài trắc nghiệm. Vì không muốn thức quá khuya, Linh thường đặt báo thức để dậy ôn bài từ 5h sáng.
Thí sinh tranh thủ ông bài trước giờ vào phòng thi. Ảnh: D.T
Tại điểm thi THCS Lê Quý Đôn, nhiều thí sinh nhanh chóng ra về ngay sau khi làm xong thủ tục dự thi để tranh thủ ôn bài. Minh Hiếu (THCS Nguyễn Trường Tộ) chia sẻ đã có một năm học vất vả. Do đăng ký vào lớp Vật lý trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam và cũng đặt nguyện vọng một vào trường công lập không chuyên là THPT Yên Hòa, Hiếu phải học năm môn cho kỳ thi này.
Từ đầu năm học đến trước khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố Lịch sử là môn thi thứ tư, Hiếu đã phải học thêm vào buổi tối tất cả ngày trong tuần, trong đó nhiều nhất là Vật lý rồi đến Văn, Toán và ít nhất là Tiếng Anh. Đến khi biết môn Lịch sử nằm trong chương trình thi, em không còn thời gian để học thêm môn này nữa.
"Em lo nhất môn Ngữ văn và Lịch sử. Văn là môn quan trọng nhưng em lại yếu, còn Sử thì được thông báo quá muộn", Hiếu nói và cho biết hai tháng gần đây em dành hầu hết thời gian để ôn luyện "khối lượng kiến thức khổng lồ" của hai môn này.
Lịch thi vào lớp 10.
Chuyển từ huyện Lâm Thao (Phú Thọ) xuống Hà Nội học từ cuối lớp 7, Đỗ Diễm Vân Cơ (THCS Đoàn Thị Điểm) chịu áp lực rất lớn trong suốt hai năm qua bởi trình độ tiếng Anh yếu hơn hầu hết bạn trong trường. "Không chỉ áp lực, em còn khá tự ti khi thấy xung quanh ai cũng được điểm cao môn này. Em phải đi học thêm nhiều. Giai đoạn ôn thi vào lớp 10, em rút còn hai buổi mỗi tuần, mỗi buổi kéo dài 3 tiếng", Vân Cơ chia sẻ.
Với môn Toán, do có nguyện vọng vào chuyên, em học thêm bốn buổi một tuần vào các ngày thứ hai, năm, sáu và bảy. Em cũng dành một buổi tối học Văn ở nhà cô. Riêng môn Sử, nhờ học đội tuyển trong gần một năm ở trường, nữ sinh không đăng ký học thêm mà tự ôn luyện qua các trang trên mạng.
"Học thêm nhiều đồng nghĩa với việc có rất nhiều bài phải làm. Ngày nào em cũng thức tới 2-3h sáng, cả tuần chỉ được nghỉ ngày chủ nhật nhưng cũng dùng chút thời gian này cho việc luyện đề và làm bài thầy cô giao", Vân Cơ nói.
Cho rằng học hành áp lực nhưng Vân Cơ không muốn bỏ lỡ cơ hội được trải qua ba năm cấp 3 tại ngôi trường tốt. Em kỳ vọng đỗ trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam để được học Toán một cách bài bản, chuyên sâu hơn.
Đỗ Phương Anh khẳng định thi vào lớp 10 là kỳ thi quan trọng nhất với em từ trước đến nay. Đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT Kim Liên, nữ sinh tỏ ra khá thận trọng vì trường có điểm chuẩn và tỷ lệ chọi cao. Để hoàn thành mục tiêu, cựu học sinh trường THCS Đống Đa đã tập trung học suốt những năm THCS. Nhờ vậy, em không bị dồn áp lực trong năm học cuối.
Phương Anh đặt ra kế hoạch ôn tập với bốn buổi tối học thêm mỗi tuần và dành đa số thời gian tự học. "Em lo lắng nhất môn Sử vì được thông báo muộn. Suốt hai tháng qua, thầy cô ở trường đã phải tích cực cho chúng em làm nhiều đề thi thử nhằm ôn luyện kiến thức", Phương Anh nói.
Phương thức xét tuyển vào lớp 10 công lập (click vào hình để xem chi tiết). Đồ họa: Việt Chung
Năm học 2019-2020, Hà Nội có gần 86.000 thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT công lập (tính cả số được xét tuyển thẳng). Tổng chỉ tiêu vào các trường công lập và công lập tự chủ là 67.230, trường ngoài công lập là 21.820. Số còn lại phải học dân lập với mức học phí cao hơn hẳn công lập, hoặc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, học nghề.
Đây cũng là năm đầu tiên Hà Nội chỉ sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào lớp 10 công lập, không tính điểm rèn luyện và học tập của học sinh ở bậc THCS. Thí sinh phải thi bốn môn gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và Lịch sử, trong đó Lịch sử được công bố vào tháng 3.
Thời gian thi vào lớp 10 công lập của thành phố là ngày 2/6 và sáng 3/6. Học sinh có nguyện vọng vào lớp 10 chuyên sẽ thi chung kỳ thi của thành phố. Sau đó, các em sẽ dự thi tiếp môn chuyên vào chiều 3/6 và ngày 4/6. Thí sinh có nguyện vọng học chương trình song bằng sẽ thi ngày 5/6 và 18/6 (phỏng vấn).
Dương Tâm - Tú Anh
Theo VNE
Hợp tác GD-ĐT là điểm sáng trong mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam - LB Nga Chiều 28/5 tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, diễn ra Diễn đàn hiệu trưởng đại học Việt Nam- LB Nga lần thứ nhất. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ các hoạt động liên quan đến GD của Năm hợp tác Việt Nam-LB Nga. Hai thứ trưởng chứng kiến lễ kí kết hợp tác giữa các trường đại học...