Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ nói về Chương trình sữa học đường
Tối 2/4, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ đã trả lời tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ về Chương trình sữa học đường.
Tại cuộc họp, phóng viên đặt câu hỏi: theo Quyết định 1340 của Thủ tướng, sữa học đường là sữa tươi, tuy nhiên nhiều địa phương như Thái Nguyên, Hà Nam cho phép đưa sữa bột pha lại vào trường học.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Chính phủ có đề án sữa học đường, Đề án 1340 phục vụ nâng cao thể chất từ học sinh mầm non đến học sinh tiểu học. Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án 641 – phát triển thể lực, tầm vóc bằng giải pháp nâng cao giáo dục thể chất trong độ tuổi từ 0-3 tuổi và đến 18 tuổi.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ. Ảnh: Nam Nguyễn
Về công văn do Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GDĐT Vũ Duy Anh ký cho phép giới thiệu một số sản phẩm sữa vào các trường học, trong khi sữa dùng cho chương trình được quy định là sữa tươi, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói, công văn này giới thiệu sản phẩm không phải là tham gia chương trình sữa học đường.
Video đang HOT
“Sữa học đường là sữa tươi, thực hiện cho các cháu ở bậc mầm non và tiểu học, để nâng cao tầm vóc cho các cháu. Hai loại hoàn toàn khác nhau, không phải tất cả đều trong chương trình sữa học đường”- Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.
Được biết, tháng 7/2016 Thủ tướng phê duyệt Chương trình sữa học đường trong đó quy định sữa sử dụng trong chương trình là sữa tươi.
Tháng 9/2016, Bộ Y tế ban hành quy định tạm thời đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình sữa học đường và tới năm 2020 sẽ kết thúc thí điểm chương trình, tiến hành triển khai đồng bộ cả nước.
Trong suốt quá trình triển khai Chương trình sữa học đường, nhiều ý kiến yêu cầu cho sử dụng nhiều loại sữa khác như sữa bột, sữa pha lại, sữa chua, phomai… với lý do là năng lực các doanh nghiệp Việt Nam không đủ cung cấp sữa tươi.
Tuy nhiên, trong các văn bản của mình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên tục có các công văn trả lời các bộ liên quan và Chính phủ về việc đến năm 2020 sản lượng sữa tươi trong nước đạt tới 1 tỷ lít trong khi nhu cầu của học sinh mẫu giáo và tiểu học của cả nước là 587 triệu lít.
Ngoài ra, các ý kiến cũng cho rằng, việc sử dụng các sản phẩm từ sữa đưa vào Chương trình sữa học đường không đúng tinh thần của chương trình như Chính phủ mong muốn bởi chương trình yêu cầu là sữa tươi./.
Thái Tùng
Theo toquoc.vn
Nghệ An: Chưa có nhà thầu mới, các trường được đề nghị sử dụng sữa học đường từ nhà cung ứng cũ
Theo hồ sơ mời thầu, trị giá gói thầu sữa học đường cho học sinh mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 - 2020 là hơn 1.600 tỷ đồng. Do chưa tổ chức đấu thầu được nên tỉnh Nghệ An cho phép nhà cung ứng giai đoạn trước đó tiếp tục triển khai chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh.
Chương trình Sữa học đường được thí điểm triển khai trong các trường tiểu học, mầm non tỉnh Nghệ An từ năm học 2015-2016. Sau 3 tháng thí điểm, đã có 11 huyện, thành, thị triển khai chương trình này. Đến năm học 2016-2017, chương trình Sữa học đường được triển khai tại 21/21 huyện, thành, thị trong toàn tỉnh. Việc cung ứng sữa cho chương trình này do một đơn vị chuyên sản xuất sữa thực hiện.
Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An kiểm tra chất lượng, bảo quản sữa chương trình Sữa học đường ở một trường học (ảnh T.Chung)
Theo mục tiêu đề án, mỗi năm sẽ có gần 150.000 trẻ mẫu giáo và khoảng 250.000 trẻ tiểu học được uống 180 ml sữa 5 lần mỗi tuần trong suốt năm học. Tổng số vốn để triển khai khoảng 636,9 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 15%, Tập đoàn TH hỗ trợ 10% và phần còn lại sẽ huy động từ phụ huynh và các nguồn lực xã hội khác. Trẻ em thuộc diện hộ nghèo, con em gia đình chính sách, con em chiến sỹ chiến đấu ngoài biên cương, hải đảo sẽ được hỗ trợ 100%; Hỗ trợ 50% chi phí đối với con em hộ cận nghèo và 30% đối với trẻ vùng nông thôn, các huyện, thị xã và các thành phố còn lại.
Mặc dù trong quá trình triển khai gặp không ít khó khăn, vướng mắc nhưng nhìn chung, chương trình đã đạt được mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em mẫu giáo và tiểu học, giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, giảm tỷ lệ trẻ ở độ tuổi học đường bị suy dinh dưỡng, thấp còi, không đạt các tiêu chí về chiều cao, cân nặng và các yêu cầu về thể lực; từng bước cải thiện tầm vóc của thế hệ kế cận, đưa Nghệ An thành một tỉnh đứng đầu cả nước về chế độ an sinh, giáo dục.
Để tiếp tục thực hiện chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, đầu năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án Triển khai chương trình Sữa học đường cho học sinh mầm non và tiểu học giai đoạn 2018 - 2020. Sở Y tế Nghệ An cũng đã phát hành hồ sơ mời thầu cung ứng sữa học đường cho học sinh mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 - 2020, có giá trị hơn 1.600 tỷ đồng. Trong khi chờ hoàn tất công tác đấu thầu, chương trình Sữa học đường phải tạm gián đoạn.
Trước tình hình trên, để đảm bảo các mục tiêu của chương trình, UBND tỉnh Nghệ An đã cho phép đơn vị cung ứng sữa học đường giai đoạn trước đó tiếp tục triển khai chương trình cho các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Mặc dù vậy, nhiều địa phương như các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Thanh Chương, Đô Lương, Quế Phong và TP Vinh đã không triển khai, bắt đầu từ năm học 2018-2019.
Mới đây,Sở GD&ĐT Nghệ An đã có văn bản đề nghị các địa phương nói trên tiếp tục triển khai chương trình Sữa học đường dành cho học sinh mầm non và tiểu học. Sau khi có công văn của Sở GD&ĐT Nghệ An, từ ngày 1/3, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu triển khai lại chương trình Sữa học đường.
Các nhà trường cũng mong muốn việc đấu thầu sớm được thực hiện để thuận lợi hơn trong việc triển khai. Bên cạnh đó, các nhà trường cũng đề nghị những vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình Sữa học đường như phòng kho chứa sữa, việc thu - nộp tiền, đa dạng các chủng loại sữa để phù hợp với sở thích và lứa tuổi của học sinh... cũng sớm được giải quyết.
Hoàng Lam
Theo Dân trí
Sữa học đường: Ai hưởng lợi? Lãnh đạo Sở GD &ĐT Hà Nội khẳng định, sữa học đường được bổ sung các vi lượng và khoáng chất cần thiết để bảo đảm việc phát triển chiều cao và trí tuệ của học sinh. Ai hưởng lợi? Chương trình sữa học đường với vốn đầu tư nghìn tỷ từ ngân sách là chủ đề nóng thu hút truyền thông và...