Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Sẽ yêu cầu các trường kéo dài thời gian xét tuyển
Trước sự “rối bời” của xét tuyển do nhiều trường ĐH quy định thời gian nhận hồ sơ quá ngắn làm nhiều thí sinh lo lắng vì chưa nhận được chứng nhận kết quả thi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: sẽ yêu cầu các trường kéo dài thời gian xét tuyển.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “Theo quy định, đợt tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 kéo dài đến hết ngày 30/11 nhưng do các trường được giao quyền tự chủ trong xét tuyển nên nhiều trường mới đưa ra quy định như vậy. Bộ sẽ yêu cầu Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Vụ Giáo dục đại học, rà soát những trường đưa ra thời gian xét tuyển ngắn đó yêu cầu kéo dài thêm thời hạn xét tuyển hợp lý để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh”.
Không chỉ nhiều địa phương mà tại Hà Nội nhiều thí sinh và phụ huynh vẫn chưa nhận được giấy báo điểm, giấy chứng nhận kết quả thi để tham gia xét tuyển đã kéo lên Sở GD-ĐT Hà Nội để hỏi.
Để thí sinh khỏi lo lắng, Sở GD-ĐT Hà Nội vẫn trả kết quả thi ĐH, CĐ cả vào ngày nghỉ cuối tuần và liên tục chuyển kết quả thi về cho các đơn vị phòng giáo dục và trường THPT.
Trong ngày 24/8/2012, hàng trăm thí sinh và phụ huynh đến Sở GD-ĐT Thanh Hóa để hỏi giấy báo. (Ảnh: Duy Tuyên)
Trong xét tuyển, thí sinh đặc biệt lưu ý các quy định: Thí sinh đã trúng tuyển ĐH, nếu có nguyện vọng học tại trường CĐ địa phương cùng khối thi và trong vùng tuyển, phải làm đơn kèm Giấy báo trúng tuyển gửi trường CĐ có nguyện vọng học để trường xét tuyển.
Thí sinh dự thi ĐH theo đề thi chung chỉ được tham gia xét tuyển vào các trường ĐH khi có tổng điểm 3 môn thi từ điểm sàn ĐH trở lên vào các trường CĐ (hoặc hệ CĐ của trường ĐH hoặc trường cao đẳng thuộc các đại học) khi có tổng điểm 3 môn thi từ điểm sàn CĐ trở lên (không có môn nào bị điểm 0).
Thí sinh dự thi cao đẳng theo đề thi chung, chỉ được tham gia ĐKXT vào các trường CĐ (hoặc hệ CĐ của trường ĐH trường CĐ thuộc các ĐH) khi có tổng điểm 3 môn thi từ mức điểm tối thiểu theo quy định trở lên (không có môn nào bị điểm 0).
Trong thời hạn quy định của các trường, thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại trường.
Video đang HOT
Hồ sơ và lệ phí ĐKXT của thí sinh dù nộp qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc dịch vụ chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại các trường trong thời hạn quy định của trường, đều hợp lệ và có giá trị xét tuyển như nhau.
Hồng Hạnh
Theo dân trí
Thí sinh trượt NV1 "bội thực" giấy báo nhập học
"Em đang chán nản việc thi rớt thì suốt ngày người của bưu điện gọi ra nhận thư, những giấy nhập học của mấy hôm đầu thì em còn mở ra xem. Những hôm sau đó thì em chẳng thèm mở nữa mà... ném luôn vào thùng rác".
Em Nguyễn Thị Vân, xã Hoằng Minh, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa chia sẻ nỗi bức xúc với PV Dân trí khi mỗi ngày có đến 5, 6 trường gửi giấy báo về dù em không đỗ NV1.
Tình cảnh của Vân cũng là nỗi niềm của rất nhiều thí sinh khác khi mặc dù không đậu NV1, có khi cũng không vượt qua điểm sàn, thế nhưng nhiều thí sinh "dở khóc dở cười" khi một ngày nhận hàng chục giấy báo nhập học vào các trường Cao đẳng, Trung cấp từ khắp nơi gửi về...
Đến thời điểm này, hàng nghìn thí sinh dự thi đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2012 trên địa bàn Thanh Hóa chưa nhận được giấy báo trúng tuyển, giấy chứng nhận kết quả thi và giấy báo điểm của các trường gửi về. Nhưng nhiều thí sinh không đậu NV1, cũng như không vượt qua điểm sàn của Bộ GD-ĐT quy định lại nhận được hàng chục giấy báo nhập học của các trường CĐ, Trung cấp mà các em không hề dự thi.
Quá nhiều giấy báo nhập học khiến thí sinh rối tung khi chọn trường.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều thí sinh tham gia thi ĐH, CĐ vừa qua khi không trúng tuyển NV1 vào các trường đại học mình đã đăng ký thi nhận được vô số giấy báo nhập học từ nhiều trường CĐ, Trung cấp chuyện nghiệp (TCCN) khác nhau.
Nhiều thí sinh ngỡ ngàng và bức xúc khi mỗi ngày phải tiếp nhận hàng đống giấy mời của những ngành học mà họ không quan tâm từ các trường vốn không quen biết gửi về dồn dập.
Em Lương Thị Yên, xã Hoằng Khánh, huyện Hoằng Hóa thi vào trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, mặc dù em Yên chỉ được 10 điểm, nhưng rất nhiều trường đã gửi giấy báo nhập học về địa phương nơi em ở. "Những ngày đầu khi các giấy báo được gửi đến, hết em rồi đến bố mẹ em được mấy phen mừng hụt vì tưởng em đậu đại học nhưng khi bóc ra xem mới biết toàn những trường đâu đâu, có những trường em còn chưa nghe đến tên bao giờ", Yên bức xúc cho biết.
Giấy báo nhập học với nhiều cách quảng cáo nhằm lôi kéo thí sinh.
Còn em Nguyễn Thị Vân, xã Hoằng Minh, huyện Hoằng Hóa cũng trượt NV1, nhưng mỗi ngày có đến 5, 6 trường gửi giấy báo về: "Em đang chán nản việc thi rớt thì suốt ngày người của bưu điện gọi ra nhận thư, những giấy nhập học của mấy hôm đầu thì em còn mở ra xem trong đó có trường CĐ Nghề kỹ thuật mỹ nghệ, trường Công nghiệp thực phẩm..., những hôm sau đó thì em chẳng thèm mở nữa mà ném luôn vào thùng rác. Em còn dặn bác đưa thư là từ nay mấy cái giấy này bác ấy không phải mang vào cho em nữa mà mất công", Vân tâm sự.
Giấy nhập học gửi nhiều không chỉ gây phiền toái mà còn khiến cho nhiều thí sinh có cảm giác hoang mang, không biết có nên "chọn đại" một trường nào đó để theo học hay không. Nhiều thí sinh cũng như các phụ huynh có con em vừa thi rớt NV1 như ngồi trên đống lửa, không biết nên chọn trường nào đi, không biết tin vào lời quảng cáo của trường nào. Nhiều phụ huynh còn chép miệng: "Biết đâu đây cũng lừa đảo cả, cho con đi rồi lại tiền mất tật mang".
Lôi tập giấy tờ đang xếp trong góc học tập, em Bùi Thị Linh, quê ở xã miền núi Hóa Qùy, huyện Như Xuân cho biết: "Em thi vào Học viện hành chính Quốc gia nhưng chỉ được có 9,5 điểm, thế mà cả đống giấy kêu gọi nhập học nhìn hoa hết cả mắt, chẳng biết chọn trường nào để đi học nữa". Các giấy báo này tuyển sinh học hệ Trung cấp kèm những lời quảng bá rất hấp dẫn như: "Sau này các thí sinh sẽ có cơ hội đào tạo liên thông lên đại học và được lấy bằng đại học chính quy dù không thi đại học" "Kết thúc khóa học, sinh viên có thể dự thi liên thông lên các trường đại học lớn như ĐH Thương Mại, ĐH Kinh tế quốc dân... Không những thế, cơ hội về việc làm khi học tại trường sẽ rất cao. Trường đã liên hệ cho 1.500 học sinh đi làm tại các nước tiên tiến"...
Thậm chí, vì quá nhiều giấy báo nhập học khiến các thí sinh chỉ còn cách cho vào thùng rác.
Ông Nguyễn Văn Thích - nhân viên đưa thư xã Hoằng Khánh cho biết: "Mấy ngày gần đây, rất nhiều trường ở khắp các nơi trong cả nước, kể cả Sài Gòn, Đồng Nai cho đến Phú Thọ, Hải Dương... gửi thư giấy báo nhập học cho các học sinh vừa thi đại học xong. Phải đến không dưới 500 cái phong bì gửi về từ các trường tới các cháu trong xã. Ngày nào tôi cũng phải đi một vòng phát cho các cháu".
Nhiều HS sau khi tốt nghiệp THPT có thể nhận được rất nhiều giấy báo nhập học của nhiều trường như thế này.
Thầy Lê Văn Hải - giáo viên Trường THPT Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa chia sẻ: "Những năm gần đây, nhiều trường CĐ, TCCN mọc lên dẫn đến tình trạng thiếu học sinh trầm trọng. Chính vì thế nhiều trường lôi kéo học sinh bằng cách quảng cáo, giởi thiệu hoành tráng khiến không ít thí sinh chọn nhầm trường. Để tránh tình trạng đó, các thí sinh cần đọc kỹ các thông tin và tham khảo ý kiến các thầy cô giáo để có cách lựa chọn nguyện vọng đúng đắn nhất, phù hợp với ngành học và khả năng của mình".
Thậm chí, nhiều gia đình có con em mới học xong lớp 12 cũng bị "bội thực" vì giấy báo nhập học của nhiều trường gửi về. Nhiều em học sinh dù đi thi ĐH hay không tham gia thi cũng đều nhận được từ 2 giấy báo nhập học trở lên.
Cầm trên tay ba giấy gọi nhập học của con mình, ông Bùi Văn Hoà, thôn Quang Tân, xã Quang Lộc, huyện Hậu Lộc thở dài: "Con trai tôi có tham gia thi ĐH, nhưng khi gia đình nhận được giấy báo nhập học thì không phải là của trường đã dự thi hay là trường xét tuyển nguyện vọng, đây đều là của các trường không nộp hồ sơ thi hay xét tuyển. Tôi không hiểu các trường này có danh sách của các em học sinh ở đâu mà cứ thấy gửi về".
Những giấy báo mà các em học sinh nhận được đều có các thông tin chính là: Đã trúng tuyển vào học tại trường, đến tại trường làm thủ tục nhập học ngày giờ nêu rõ, hồ sơ yêu cầu gồm có, các khoản đóng góp của mỗi học sinh khi tham theo học tại trường.
Ông Bùi Văn Nguyên cùng con gái cho PV xem rất nhiều giấy báo nhập học của nhiều trường gửi về, trong khi đó em này không tham gia thi ĐH, CĐ.
Những giấp báo này được gửi qua đường bưu điện có dấu bưu chính trên phong thư của trường gửi về hay là phong bì thông thường, nhưng trên đó có dấu đỏ "Giấy báo nhập học" của trường. Khi nhận được giấy báo nhận học của nhiều trường này các bậc phụ huynh và nhiều em học sinh phải suy nghĩ. Nhiều em không tham gia thi tuyển mà vẫn có giấy nhập học làm nhiều bậc phụ huynh lo lắng hơn.
Ông Bùi Văn Nguyên - một phụ huynh cho biết: "Tình trạng giấy báo nhập học của nhiều trường gửi về các em học sinh sau khi đã tốt nghiệp diễn ra trong nhiều năm nay. Mọi năm tôi cũng đã được thấy tình trạng này của nhiều gia đình khác tại địa phương. Năm nay gia đình tôi có con em học xong lớp 12 lại thấy hiện tượng này. Chúng tôi cho rằng, các trường này đều là các trường không tổ chức thi tuyển mà chỉ gửi giấy báo nhập học kêu gọi học sinh. Đây đều là những trường không có học sinh nên gửi giấy báo để tuyển học sinh đến học".
Nguyễn Thùy - Thái Bá - Duy Tuyên
Theo dân trí
Thí sinh hoang mang vì chưa nhận được giấy báo điểm Theo thông báo của nhiều trường, thời gian nhập học đã cận kề, còn thời gian đăng ký xét tuyển NV2 quá gấp. Trong khí đó, đến thời điểm này, nhiều thí sinh vẫn chưa nhận được giấy báo, điều này khiến không ít thí sinh và phụ huynh hết sức lo lắng. Thí sinh hoang mang vì chưa nhận được giấy báo...