Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Sách giáo khoa có bài tập là theo Nghị quyết của Quốc hội
Giải trình tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 9/10, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, sách giáo khoa có thiết kế bài tập để học sinh viết trực tiếp vào trong sách là… thực hiện Nghị quyết 40 ban hành năm 2000 của Quốc hội…
Trong hai ngày 9, 10/10, UB Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra sơ bộ các báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội, chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6 của Quốc hội (dự kiến sẽ bắt đầu từ 22/10). Cuộc họp thẩm tra có sự tham dự của đại diện các cơ quan của Quốc hội và Ban Dân nguyện của UB Thường vụ Quốc hội.
Đề cập đến những bức xúc trong lĩnh vực giáo dục, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương phản ánh là cử tri nói nhiều đến sách giáo khoa (SGK) sử dụng một lần.
Đây cũng là vấn đề được một số vị ủy viên UB Thường vụ Quốc hội nêu khá gay gắt trong một số cuộc họp gần đây của cơ quan này.
Khi thảo luận về Luật Giáo dục (sửa đổi), Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, cử tri phản đối việc sử dụng SGK một lần vì cho rằng rất lãng phí. Ví dụ năm 2018-2019 Nhà xuất bản Giáo dục đưa ra thị trường 100 triệu bản SGK. 100 triệu bản này sang năm hoàn toàn không được sử dụng mà nếu có thì là bán đồng nát. Tính trung bình, mỗi năm phụ huynh chi 1.000 tỷ để mua SGK.
Trong phiên họp tháng 9/2018, khi UB Thường vụ Quốc hội xem xét toàn cảnh “bức tranh” hậu chất vấn, giám sát từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá 14 đến nay, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cũng yêu cầu làm rõ vì sao mỗi năm để phí tới 100 triệu bản SGK. Tính ra một năm mất khoảng 1.000 tỷ đồng mua sách, nhưng năm sau không dùng được.
Sách giáo khoa tiểu học có nhiều nội dung bài tập để học sinh viết trực tiếp vào sách
Khi đó, chìa ra cuốn SGK lớp 1 với nhiều phần bài tập được thiết kế để học sinh viết trực tiếp bài giải vào sách, bà Lê Thị Nga đã chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ về sự lãng phí của xã hội cả ngàn tỷ đồng mỗi năm vì việc làm SGK để không thể tái sử dụng như vậy. Chủ nhiệm UB Tư pháp cũng đề cập tình trạng độc quyền của NXB Giáo dục trong việc in ấn, phát hành SGK.
“Tại sao bây giờ một bộ sách không thể năm nay anh học, năm sau em học như trước. Cũng là quyển toán lớp 1 nhưng thời trước đi học thì có vở bài tập riêng, còn bây giờ ghi luôn là luyện tập trung vào SGK, nối đồng hồ với các ô thích hợp, kẻ thêm một đoạn thẳng để có một hình vuông hay hình tam giác… thì đương nhiên lớp sau không dùng được” – bà Lê Thị Nga nói.
Bà Nga đề nghị lãnh đạo Bộ GD-ĐT làm rõ lý do vì sao để phí mỗi năm khoảng 100 triệu bản SGK, xã hội mất khoảng 1.000 tỷ đồng vào việc mua sách sau đó đến năm sau không dùng được nữa.
Sau khi có nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, ngày 21/9, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã nêu quan điểm của Bộ GD-ĐT là SGK cần được sử dụng, bảo quản tốt để có thể dùng lại khi cần thiết, tránh lãng phí.
Và tại phiên họp của UB Kinh tế chiều 9/10, giải thích thêm khi cơ quan thẩm tra nêu ý kiến về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu: SGK mà học sinh viết vào trong sách là thực hiện Nghị quyết 40 của Quốc hội ban hành tháng 12/2000.
Ông Độ nhấn mạnh, theo nghị quyết này, Bộ GD-ĐT chính thức biên soạn bộ sách theo yêu cầu của Quốc hội về đổi mới chương trình phổ thông và khi đó làm cuốn sách mới phiên bản năm 2002.
Thứ trưởng Độ cũng cho biết, nhóm tác giả biên soạn SGK đã thực hiện kết luận đổi mới, muốn giúp cho học sinh có nhiều kỹ năng đa dạng hơn nên đưa ra phần bài tập để học sinh có thể viết luôn vào sách.
Thứ trưởng GD-ĐT cũng thông tin: “Sau khi ban hành cuốn sách này, Bộ GD-ĐT cũng ra nhiều văn bản yêu cầu học sinh bảo quản để sử dụng lâu dài. Mà cũng chỉ một số bài tập theo cách điền vào ô trống hoặc viết vào trong sách chứ không phải tất cả đều điền vào ô trống”.
Video đang HOT
Nghị quyết số 40 ban hành ngày 9/12/2000 của Quốc hội có nội dung:
“Mục tiêu của việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là xây dựng nội dung chương trình, phương pháp giáo dục, sách giáo khoa phổ thông mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thế hệ trẻ, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với thực tiễn và truyền thống Việt Nam; tiếp cận trình độ giáo dục phổ thông ở các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông phải quán triệt mục tiêu, yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục của các bậc học, cấp học quy định trong Luật giáo dục; khắc phục những mặt còn hạn chế của chương trình, sách giáo khoa hiện hành; tăng cường tính thực tiễn, kỹ năng thực hành, năng lực tự học; coi trọng kiến thức khoa học xã hội và nhân văn; bổ sung những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh.
Bảo đảm sự thống nhất, kế thừa và phát triển của chương trình giáo dục; tăng cường tính liên thông giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học; thực hiện phân luồng trong hệ thống giáo dục quốc dân để tạo sự cân đối về cơ cấu nguồn nhân lực; bảo đảm sự thống nhất về chuẩn kiến thức và kỹ năng, có phương án vận dụng chương trình, sách giáo khoa phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của các địa bàn khác nhau.
Đổi mới nội dung chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy và học phải được thực hiện đồng bộ với việc nâng cấp và đổi mới trang thiết bị dạy học, tổ chức đánh giá, thi cử, chuẩn hoá trường sở, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và công tác quản lý giáo dục”.
P. Thảo
Theo Dân trí
Sửng sốt với con số 1000 tỷ đồng/năm để mua sách giáo khoa sau đó bán giấy vụn
Việc cha mẹ học sinh phải bỏ ra cả ngàn tỷ đồng mỗi năm cho việc mua sách rồi sau đó bán giấy vụn, cho thấy cách làm, quản lý về sách giáo khoa là yếu, kém.
LTS: Bàn về câu chuyện về sách giáo khoa và đổi mới giáo dục, thầy giáo Bùi Nam mong rằng các cơ quan hữu trách sẽ có những quyết sách hợp lý để phát triển giáo dục, tránh lãng phí.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho ý kiến về Luật Giáo dục sửa đổi vào sáng 12/9.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết hiện cử tri rất bức xúc liên quan đến việc sách giáo khoa chỉ sử dụng một lần, quá lãng phí.
Riêng năm học 2018-2019, Nhà xuất bản Giáo dục đưa ra 100 triệu bản sách giáo khoa và sang năm hoàn toàn không còn sử dụng được, chỉ có thể bán giấy vụn.
" Trung bình mỗi năm phụ huynh chi 1.000 tỷ đồng để mua sách giáo khoa. Việc sử dụng một lần chỉ do viết bài tập vào sách mà không phải lý do gì khác.
Cử tri và đại biểu Quốc hội nói rất nhiều lần nhưng chưa có chuyển biến, đề nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo lần này quan tâm", nữ Trưởng ban Dân nguyện lưu ý.
Trung bình mỗi năm phụ huynh chi 1.000 tỷ đồng để mua sách giáo khoa. Ảnh minh họa: http://daidoanket.vn
Đây là sự lãng phí quá lớn
Nếu đây là sự thật, cho thấy sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến vấn đề phát hành, sử dụng, bảo quản, tái sử dụng,... sách giáo khoa có vấn đề.
Không một quốc gia nào trên thế giới có việc sử dụng sách giáo khoa lãng phí như nước ta.
Mỗi năm một bộ sách khác nhau, năm sau "cắt gọt, chỉnh sửa, tách, nhập" để cho ra đời một quyển sách mới, bắt buộc cha, mẹ các em học sinh phải bỏ cả đống tiền để mua sách giáo khoa.
Gia đình có 2 anh em nếu học cách nhau một năm cũng không thể sử dụng lại sách của năm trước.
Đây là sự "làm tiền" trắng trợn của các đơn vị kinh doanh sách giáo khoa, trong đó có vai trò của Nhà xuất bản Giáo dục, và cái ý tưởng mỗi năm "cắt gọt, chỉnh sửa, tách, nhập" để cho ra đời một quyển sách mới phải được xem là "tội ác".
Thông tin ông Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới trước nói trước 1.000 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại Đà Nẵng ngày 8/9 là chương trình mới sau khi ban hành xong thì sẽ luôn được sửa đổi, cập nhật như thế có nghĩa là sách giáo khoa cũng sẽ cũng sửa đổi, cập nhật liên tục.
Như vậy hy vọng về việc hạn chế lãng phí trong việc sử dụng sách giáo khoa khi thực hiện chương trình mới sẽ chỉ là ảo tưởng.
Rồi đây Nhà xuất bản Giáo dục sẽ tiếp tục "xào, nấu" để mỗi năm cha, mẹ học sinh tiếp tục phải bỏ cả ngàn tỷ đồng để mua sách giáo khoa sau đó bán giấy vụn.
Đây có phải là một nhóm lợi ích không?.
Khi nào mới có sách giáo khoa chuẩn từ lớp 1 đến lớp 12
Khi thực hiện chương trình mới theo lộ trình từ năm 2019 - 2020 ở lớp 1, năm 2020 - 2021 ở lớp 2 và lớp 6,... theo hình thức cuốn chiếu như vậy phải đến năm 2023 - 2024 mới có thể có toàn bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12.
Tôi thấy kiểu, hình thức làm như Bộ Giáo dục và Đào tạo là không ổn, chúng ta đã đổi mới chương trình năm 2000 cũng theo hình thức cuốn chiếu và thực tiễn đã phản ánh, quá trình thực hiện có quá nhiều "hạt sạn" nên phải đặt ra yêu cầu đổi mới như hiện nay.
Nay chúng ta vẫn cách làm, tư duy kiểu cũ, vẫn những cá nhân cũ đó tham gia biên soạn chương trình, sách giáo khoa,... thì liệu có tránh được những hạn chế, bất cập của chương trình 2000.
Tôi tin là rất khó.
Đến giai đoạn này, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa công bố chương trình bộ môn cho thấy sự chuẩn bị chưa kỹ lưỡng, chu đáo từ phía Bộ.
Chương trình là cần thiết, nhưng chúng tôi thật sự muốn thấy toàn bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 trước, sau đó huy động dân trí của các chuyên gia, các nhà khoa học, giáo viên và nhân dân cả nước,... đóng góp ý kiến sau đó ban hành bộ sách giáo khoa chuẩn, thống nhất trong cả nước.
Sau khi có toàn bộ sách giáo khoa chuẩn từ lớp 1 đến lớp 12 mới tổ chức thực dạy đồng loạt trên cả nước.
Chỉ có như vậy, bộ sách giáo khoa sẽ tránh được những hạn chế, sai sót trong quá trình biên soạn và đảm bảo tính liên thông, khoa học của việc làm sách giáo khoa.
Kiểu làm theo hình thức cuốn chiếu, vừa làm vừa sửa sẽ không khắc phục được những bất cập, hạn chế của chương trình năm 2000.
Khi nào cha mẹ học sinh không phải bỏ 1000 tỷ đồng mua sách giáo khoa?
Việc cha mẹ học sinh phải bỏ ra cả ngàn tỷ đồng mỗi năm cho việc mua sách rồi sau đó bán giấy vụn, cho thấy cách làm, quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sách giáo khoa là yếu, kém gây lãng phí cho xã hội.
Tôi rất tâm đắc với ý kiến của Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn về vấn đề xây dựng bộ sách giáo khoa chuẩn và trang bị đầy đủ sách giáo khoa cho học sinh tại thư viện nhà trường.
Học sinh đầu năm chỉ việc mượn sách giáo khoa từ nhà trường, bảo quản cẩn thận, trả vào cuối năm và tiếp tục cho các học sinh mượn ở các năm học sau.
Việc làm như trên không chỉ giúp cha, mẹ học sinh không phải bỏ ra một ngàn tỷ đồng mỗi năm để mua sách sau đó bán giấy vụn mà còn cho thấy sự quan tâm của nhà nước dành cho giáo dục, dành những điều tốt đẹp nhất dành cho trẻ em, mà còn giúp học sinh tính tiết kiệm, cẩn thận, sống yêu thương,...
Trong thời đại cách mạng công nghiêp 4.0 thì giải pháp sách giáo khoa điện tử song hành với sách giáo khoa giấy là một biện pháp tốt để học sinh được tiếp cận công nghệ, sử dụng công cụ internet vào trong học tập, học sinh khi cần có thể in ra từ internet mà không phải mua sách, bên cạnh đó những thay đổi của khoa học kỹ thuật, công nghệ sẽ được cập nhật kịp thời, thậm chí có thể được chỉnh sửa từ giáo viên, cha, mẹ học sinh,...
Thực hiện sách giáo khoa điện tử vừa là giải pháp hay vừa tiệm cận nền giáo dục hiện đại của thế giới.
Tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho ý kiến về Luật Giáo dục sửa đổi vào sáng 12/9.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu ý kiến tâm huyết, thẳng thắn của mình; đồng thời chia sẻ thế hệ trước đây học không nặng nề mà rất nhiều kiến thức từ thửa nhỏ còn nhớ mãi, học sinh được hưởng 3 tháng hè trọn vẹn, trong khi giờ gần như không có nghỉ hè, học thêm quá nhiều, không có tuổi thơ vui chơi.
Đây đúng là niềm trăn trở chung của các nhà lãnh đạo và nhân dân cả nước, hy vọng người đứng đầu Quốc hội - cơ quan quyền lực nhất về cả lập pháp và hành pháp biến những niềm trăn trở trên thành hành động cụ thể nhất là việc học sinh không có tuổi thơ và học thêm quá nhiều, rất mong sẽ không có việc học sinh học thêm khi bắt đầu thực hiện chương trình phổ thông mới.
Việc dạy thêm tràn lan như hiện nay chính là việc làm mất đi tuổi thơ, mất đi thời gian vui chơi, làm cho học sinh mất đi tư duy, sáng tạo,...và học sinh sẽ không đạt được năng lực và phẩm chất trong chương trình mới.
Theo giaoduc.net.vn
Sách giáo khoa dùng một lần rồi thôi: Liệu có uổng phí? Việc thiếu sách giáo khoa đầu năm học 2018-2019 này lại dấy lên tranh cãi sách dùng một lần xem như bỏ đi dẫn đến sự uổng phí. Hàng năm có hàng trăm triệu bản sách giáo khoa với tổng giá cả ngàn tỷ đồng nhưng ít được tái sử dụng, "tay trao tay" như thế hệ trước. Đầu năm học này, tình...