Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: “ISEF thu hút sự quan tâm của giới khoa học”
Đánh giá sau năm đầu tiên Bộ Giáo dục – Đào tạo tổ chức Hội thi Khoa học kỹ thuật (ISEF) trên phạm vi toàn quốc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, cuộc thi đã nhận được sự quan tâm lớn của giới khoa học nước nhà.
Trao đổi riêng với PV Dân trí ngày 4/4, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ( ảnh) nói: “Bộ đã mời hơn 100 nhà khoa học tới để giới thiệu chi tiết về ISEF, đề xuất các thầy có điều kiện tham gia hướng dẫn học sinh. Nhiều thầy đã nhiệt tình nhận lời, và từ đó nhiều học sinh đã tận dụng được cơ sở nghiên cứu của các thầy”.
Bên cạnh đó, nhiều giáo sư, tiến sỹ sau khi hiểu về cuộc thi đã nhận lời tham gia các hội đồng chấm thi, giúp nâng cao chất lượng cuộc thi. Một số trường đại học, các tổ chức, doanh nghiệp… đã tham gia trao các giải riêng cho các nhóm thí sinh.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng, Bộ cũng đã mời một nhóm các thầy dạy tiếng Anh của các trường Đại học tham gia tư vấn, đánh giá khả năng thuyết trình bằng tiếng Anh của các thí sinh. Năm nay, Bộ có khuyến khích thuyết trình bằng tiếng Anh nhưng không bắt buộc, mà sẽ chỉ bắt buộc với những nhóm được chọn đi Mỹ dự thi quốc tế. Theo đánh giá của Thứ trưởng, nhìn chung năm nay tiếng Anh của nhiều nhóm đã có sự tiến bộ so với thí sinh các năm trước.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển (bên trái) trao đổi với PV Dân trí.
Sau mấy năm liền triển khai ở các địa phương, tiếp đà thắng lợi của năm 2012 khi Việt Nam lần đầu tiên có nhóm thí sinh đoạt giải (và là Giải Nhất)
tại ISEF quốc tế, năm qua Bộ GD-ĐT đã mở rộng quy mô cuộc thi ra toàn quốc.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, việc tổ chức ISEF trên diện rộng đáp ứng được nhu cầu của học sinh, phụ huynh học sinh, ngành giáo dục, cũng như toàn xã hội. “Lâu nay chúng ta vẫn nói việc dạy học đơn điệu, kiến thức không áp dụng được vào thực tiễn, nhà trường dạy nặng về lý thuyết…, thì ISEF đáp ứng được yêu cầu về thay đổi, tăng cường hình thức giáo dục, tạo môi trường cho học sinh vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Từ việc học gắn liền với thực tiễn nên mới phát hiện ra vấn đề, từ đó không chỉ vận dụng kiến thức trên lớp mà còn tham khảo nhiều tài liệu, một số em còn tham khảo tài liệu cấp trên, ví dụ có em học sinh lớp 9 đã tham khảo tài liệu lớp 11, 12, và tham khảo Internet”, ông nói.
Video đang HOT
Theo Thứ trưởng, ISEF giúp sớm phát hiện và khuyến khích những nhà khoa học tương lai. Ông tâm sự, đã tiếp xúc với những em học sinh phát
biểu rất say mê và hồn nhiên về những phát hiện trong thực tế, và ông cảm nhận được niềm tin rằng những em này chắc chắn sẽ tiếp tục theo đuổi việc nghiên cứu những vấn đề khoa học này.
Không chỉ tập trung vào nghiên cứu đơn thuần, ISEF còn giúp thúc đẩy tư duy tổ chức, lên kế hoạch, thực hiện kế hoạch, trình bày báo cáo, làm việc nhóm, tận dụng sự hỗ trợ từ các thầy cô giáo trong nhà trường, các nhà khoa học, các cơ sở sản xuất… “Đó chính là yêu cầu về tác phong làm việc khoa học”, ông Hiển nói.
Về phía tổ chức, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ đã ban hành quy chế, tuyên truyền kết hợp tập huấn cho các sở và ngành GD-ĐT các địa phương, để hiểu được ý nghĩa cũng như cách tổ chức thực hiện. Bộ chỉ thực hiện quy chế của bộ, hướng dẫn yêu cầu của cuộc thi, các tiêu chí đánh giá, và để các địa phương tự vận dụng trên cơ sở tự nguyện.
Tuy nhiên, ông Hiển đánh giá, do năm đầu triển khai toàn quốc, hội thi ISEF quốc gia còn nhiều hạn chế trong công tác thông tin, tuyên truyền đối với toàn xã hội cũng như với chính ngành giáo dục cả nước. Vì vậy, lãnh đạo Bộ mong muốn, từ năm sau sẽ nhận được sự phối hợp, hỗ trợ thông tin tích cực, hiệu quả hơn từ phía giới báo chí, trong đó có Báo Dân trí.
Tiếp lời Thứ trưởng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Vũ Đình Chuẩn bày tỏ mong muốn Báo Dân trí sẽ tham gia đồng hành cùng ISEF Việt Nam từ năm tới với vai trò nhà bảo trợ thông tin, sau khi Dân trí đã là tờ báo độc quyền tường thuật trực tiếp cuộc thi ISEF quốc tế tại Mỹ trong 2 năm liền, và góp phần quan trọng trong việc quảng bá về cuộc thi này tại Việt Nam.
Tuấn Anh
Theo dân trí
ĐH Lâm nghiệp Việt Nam dành 200 chỉ tiêu xét tuyển thẳng
Ngày 2/4, Trường Đại học Lâm nghiệp công bố quy định tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thẳng vào trường năm 2013. Theo đó, trường dành 200 chỉ tiêu xét tuyển thẳng.
Đối tượng xét tuyển thẳng như sau: Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc đã tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT);
Người đã dự thi và trúng tuyển vào Trường ĐH Lâm nghiệp, nhưng ngay năm đó có lệnh điều động đi nghĩa vụ quân sự hoặc đi thanh niên xung phong tập trung nay đã hoàn thành nghĩa vụ, được phục viên, xuất ngũ mà chưa được nhận vào học ở một trường lớp chính quy dài hạn nào, được từ cấp trung đoàn trong quân đội hoặc Tổng đội thanh niên xung phong giới thiệu, nếu có đủ các điều kiện và tiêu chuẩn về sức khoẻ, có đầy đủ các giấy tờ hợp lệ thì được xem xét nhận vào học tại trường mà không phải thi lại. Nếu việc học tập bị gián đoạn từ 3 năm trở lên và các đối tượng được tuyển thẳng có nguyện vọng, thì được xem xét giới thiệu vào các trường, lớp dự bị để ôn tập trước khi vào học chính thức.
Thí sinh tham gia tập huấn đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế; trong đội tuyển tham dự hội thi sáng tạo khoa học kĩ thuật quốc tế (ISEF), đã tốt nghiệp THPT năm 2013.
Thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 và đã tốt nghiệp THPT năm 2013 được tuyển thẳng vào đại học như sau: đối với môn Hóa học được vào học ngành Khoa học môi trường; đối với môn Sinh học được vào học ngành Khoa học môi trường, Công nghệ sinh học, Lâm nghiệp; đối với môn Tin học được vào học ngành Hệ thống thông tin.
Thí sinh đoạt giải khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 và đã tốt nghiệp THPT năm 2013 đối với môn Tin học được tuyển thẳng vào cao đẳng học ngành Hệ thống thông tin.
Chỉ tiêu ưu tiên xét tuyển: trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng 2013.
Đối tượng ưu tiên xét tuyển vào trường: Thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 và đã tốt nghiệp THPT năm 2013 các môn Toán, Lý, Hóa, Tin học, Văn, Tiếng Anh, sau khi thi tuyển sinh đại học, cao đẳng đủ số môn quy định theo đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có kết quả thi từ điểm sàn đại học, cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định trở lên và không có môn nào bị điểm 0, được ưu tiên xét tuyển vào ngành đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng.
Thời gian đăng ký ưu tiên xét tuyển: Thí sinh nộp hồ sơ ưu tiên xét tuyển cùng hồ sơ đăng ký dự thi về Sở Giáo dục và Đào tạo từ 11/3 - 11/4/2013 hoặc nộp trực tiếp tại trường Đại học Lâm nghiệp từ 12/4 - 19/4/2013.
Chỉ tiêu xét tuyển thẳng: Tổng chỉ tiêu xét tuyển: 200, trong đó:ĐH Lâm nghiệp Hà Nội (LNH): 120; Cơ sở 2 ĐH Lâm nghiệp ở Đồng Nai (LNS): 80.
Đối tượng và tiêu chuẩn xét tuyển thẳng: Thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm và tốt nghiệp THPT các huyện nghèo (học sinh học phổ thông dân tộc nội trú tính theo hộ khẩu thường trú), tính đến ngày nộp hồ sơ đăng kí xét tuyển theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo và Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 05/02/2013 của Thủ tướng chính phủ về việc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho 23 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo; thí sinh là người dân tộc rất ít người theo quy định tại Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 - 2015 theo Quyết định số 2123/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ và thí sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ.
Những thí sinh này phải học bổ sung kiến thức 1 năm học trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp qui định.
Tiêu chuẩn: Thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2013, học lực lớp 10, 11, 12 đạt từ trung bình trở lên.Trường hợp số thí sinh đăng ký xét tuyển vượt quá tổng chỉ tiêu xét tuyển, sẽ xét học lực THPT để xác định người trúng tuyển.
Người trúng tuyển được học bổ sung kiến thức 1 năm dự bị đại học tại Trường ĐH Lâm nghiệp, sau đó được xét tuyển vào đại học hệ chính quy và được chọn ngành học theo nguyện vọng của cá nhân.
Trong thời gian 1 năm học bổ sung kiến thức, sinh viên được miễn nộp học phí, được bố trí chỗ ở trong ký túc xá của Trường ĐH Lâm nghiệp. Trong thời gian học đại học chính quy, sinh viên phải đóng học phí và có thể được hưởng học bổng (tùy theo kết quả học tập và rèn luyện), được hưởng các chính sách ưu tiên theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Thông tin chi tiết thí sinh xem tại: website: http://www.tuyensinh.vfu.edu.vn/;http://www.vfu.vn/; http://www.vfu2.edu.vn/.
Hồng Hạnh
Theo dân trí
Cậu bé "hạt tiêu" giành 3 giải thưởng cuộc thi khoa học kỹ thuật Với đề tài "Băng tải tự xúc", em Nguyễn Văn Hoan đến từ Bắc Giang đã gây ấn tượng mạnh trong cuộc thi Intel ISEF quốc gia năm 2013. Một mình "ẵm" hai giải thưởng của nhà tài trợ và giải Nhì chung cuộc, cậu học sinh lớp 9 cao 1,4m này khiến nhiều người trầm trồ. Là một trong số ít các...