Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Học sinh sẽ hạnh phúc nhất khi được học ở gần nhà, gần bố mẹ
Chúng ta cứ nghĩ đưa tất cả học sinh đến ở bán trú tại trường là tốt nhưng thực tế các em có thể gặp nhiều vất vả, khó khăn trong cuộc sống.
Chia sẻ trên được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đưa ra tại Hội nghị Tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 đối với giáo dục trung học được tổ chức tại Đà Nẵng.
Cũng tại Hội nghị này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đặt ra 5 vấn đề mà giáo dục trung học cần thực hiện. Thứ nhất là quán triệt sâu sắc và đẩy mạnh việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo tinh thần Luật Giáo dục 2019, các Nghị quyết, Quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về đổi mới giáo dục đào tạo, đổi mới chương trình, SGK. Những đổi mới trong công tác quản lý, quản trị, tổ chức trường học… theo Luật Giáo dục 2019, cần được chuẩn bị kỹ lưỡng để áp dụng hiệu quả khi Luật có hiệu lực.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ.
Thứ hai, về công tác dồn dịch điểm trường, giảm biên chế theo Nghị quyết số 18 và 19 của Bộ Chính trị, cần được thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đảm bảo chất lượng giáo dục và quyền lợi của học sinh.
“Một số địa phương vừa qua dồn dịch điểm trường một cách cơ học, xoá bỏ điểm trường, đưa học sinh về học bán trú ở điểm trường chính, nhưng lại không quan tâm đến vấn đề địa hình chia cắt giữa trường với nhà của các em. Chúng ta cứ nghĩ đưa tất cả học sinh đến ở bán trú tại trường là tốt nhưng thực tế các em có thể gặp nhiều vất vả, khó khăn trong cuộc sống, tâm lý khi thiếu vắng gia đình. Học sinh sẽ hạnh phúc nhất khi được học ở gần nhà, gần bố mẹ” – Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Video đang HOT
Thứ trưởng yêu cầu các địa phương phải đặt chất lượng giáo dục, quyền lợi của học sinh lên hàng đầu khi thực hiện bất cứ công việc gì liên quan đến ngành. Công tác dồn dịch điểm trường hay tinh giảm biên chế phải được thực hiện linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế mỗi địa phương, không cào bằng. Trước khi triển khai thực hiện, các địa phương cần rà soát, quy hoạch, tính toán, căn cứ vào quy mô phát triển, địa hình, địa lý thực tế… để đưa ra các phương án phù hợp nhất, đảm bảo hiệu quả, chất lượng.
Thứ ba, giáo dục trung học cần đặc biệt chú ý nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó cố gắng tiếp tục triển khai thực hiện những mô hình dạy học hiệu quả, tích cực như: giáo dục STEM, mô hình trường học gắn với di sản, trường học gắn với du lịch…
Thứ tư, về triển khai chương trình GDPT mới, toàn ngành giáo dục nói chung và giáo dục trung học nói riêng cần quyết tâm thực hiện tốt 2 nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong năm học 2019-2020 này là: chuẩn bị SGK và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Về chuẩn bị SGK cho chương trình mới, hiện nay Bộ GD-ĐT đang tích cực thực hiện, trong tháng 9 tới sẽ hoàn thành việc thẩm định các bộ SGK đã được nhà xuất bản gửi về, trình Bộ trưởng xem xét phê duyệt, cho phép sử dụng.
Về công tác bồi dưỡng giáo viên là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm bởi đây là nhân tốt quyết định thành công của chương trình GDPT mới. Quan điểm và cách thức bồi dưỡng lần này có nhiều khác biệt so với trước đây. Cụ thể, giáo viên thay vì chỉ được bồi dưỡng trực tiếp tập trung sẽ được kết hợp bồi dưỡng qua mạng và trực tiếp. Nội dung bồi dưỡng không xoay quanh chương trình tổng thể, chương trình môn học của chương trình GDPT mới mà kết hợp với bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao năng lực người thầy theo chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng mà Bộ đã ban hành.
“Nếu chúng ta có những thầy cô giáo không tốt, quá trình giáo dục sẽ gặp khó khăn, chất lượng giáo dục theo đó khó có thể đảm bảo” – Thứ trưởng nói.
Việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường và các điều kiện khác đảm bảo theo yêu cầu của chương GDPT mới, cũng được lãnh đạo ngành giáo dục lưu ý các địa phương.
Thứ năm, tục đổi mới phương pháp quản lý theo hướng phân cấp phân quyền, đặc biệt là tăng cường quản lý chất lượng. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, công tác quản trị của nhà trường cần thay đổi chuyển từ quản lý theo mệnh lệnh sang quản lý bằng cộng tác. Cách quản lý mới cần tạo ra môi trường làm việc công bằng, khách quan, dân chủ, sáng tạo, đảm bảo sản phẩm giáo dục mà trường đào tạo ra sẽ chất lượng.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng lưu ý một số việc mà giáo dục trung học cần thực hiện trong năm học tới để khắc phục hạn chế trong công tác quản lý là: tăng cường công tác quản lý bạo lực học đường; tăng cường công tác quản lý giáo viên để không còn tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo; quản lý chặt chẽ việc dạy thêm học thêm, đảm bảo đúng quy định.
Theo congly
Bộ GD-ĐT: Cả nước thiếu hơn 49.000 giáo viên mầm non năm học 2018-2019
Theo Bộ GD-ĐT, năm học 2018-2019, trên cả nước thiếu hơn 49.000 giáo viên mầm non. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở một số tỉnh rất thấp, nhiều nơi giáo viên làm việc ngoài giờ kéo dài nhưng lại không được trả chế độ thừa giờ...
Ảnh minh họa
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 đối với giáo dục mầm non diễn ra tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, hôm 9/8, Bộ GD-ĐT cho biết, năm học 2018-2019, cả nước có hơn 15.500 trường mầm non; có gần 37.000 điểm trường. Toàn quốc có hơn 15.600 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục.
Tổng số trẻ mầm non được đến trường năm học 2018-2019 là gần 5,5 triệu, trong đó gần 900.000 trẻ nhà trẻ, hơn 4,5 triệu trẻ mẫu giáo. Ngoài ra, hiện cả nước có khoảng 199.400 phòng học, trong đó hơn 148.500 phòng học kiên cố, gần 46.000 phòng học bán kiên cố, phòng học tạm còn hơn 5.100 phòng và hơn 3.700 phòng học nhờ.
Có hơn 14.800 trường có bếp ăn bán trú, với hơn 2.700 bếp được xây mới, cải tạo, sửa chữa trong năm học 2018-2019. Trong đó có hơn 14.300 trường có bếp hợp vệ sinh đúng quy cách. Tất cả các trường mầm non đều có nhà vệ sinh, trong đó 15.200 nhà vệ sinh đạt yêu cầu.
Theo Bộ GD-ĐT, mặc dù trường lớp mầm non đã được quan tâm đầu tư trong những năm qua nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của người dân, tình trạng thiếu trường mầm non ở khu đô thị, khu đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất còn khá phổ biến.
Ngoài ra, một số địa phương vẫn còn nhiều phòng học nhờ, phòng học tạm, nhiều nơi thiếu phòng học để huy động trẻ đến trường; công trình vệ sinh, nước sạch, bếp ăn ở nhiều địa phương còn thiếu thốn, xuống cấp nghiêm trọng.
Theo Bộ GD-ĐT, năm học 2018-2019, trên cả nước thiếu hơn 49.000 giáo viên mầm non. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở một số tỉnh rất thấp, nhiều nơi giáo viên làm việc ngoài giờ kéo dài nhưng lại không được trả chế độ thừa giờ...
Hải Đăng
Theo Dân trí
Chấm dứt kiểu ra đề thi "mở" không đúng cách "Cách ra đề thi mở luôn được khuyến khích, ưu tiên nhưng có những đề thi "mở không đúng cách". Có trường đưa nhân vật Khá "bảnh" vào đề thi Ngữ văn khiến dư luận phản ứng, báo chí đăng tải nhưng không lâu sau các trường khác lại tiếp tục đưa nhân vật này vào đề". Thông tin trên được đưa ra...