Thử thách “7 ngày sáng tạo” giúp bé vui chơi thỏa thích mà vẫn học chữ tốt của bà mẹ Hải Phòng
Tận dụng thời gian rảnh rỗi, chị Ngọc Mai không chỉ dạy chữ mà còn sáng tạo cho con nhiều hoạt động, trò chơi lý thú, bổ ích.
Thời gian trước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên trẻ nhỏ từ cấp mẫu giáo đến THPT đều được nghỉ học. Trong những ngày này, để con không sa đà vào các trò chơi điện tử, tivi, iPad, nhiều bố mẹ đã tiến hành dạy con các kỹ năng sống bổ ích như nấu ăn, sơ cứu,… Bên cạnh đó, nhiều người lại tận dụng thời gian rảnh để dạy con học chữ, giúp các bé có hành trang vững chắc để vào lớp 1.
Chị Ngọc Mai là một bà mẹ hiện đang sinh sống và làm việc tại Hải Phòng. Con gái chị tên Hải Yến, năm nay 5 tuổi, chuẩn bị bước vào lớp 1.
Giống như nhiều bậc cha mẹ khác, chị Mai cũng rất lo lắng, sợ con đi học ở môi trường mới sẽ bỡ ngỡ và không theo kịp chúng bạn. Vậy nên ngay khi được nghỉ dài ngày vì dịch, chị quyết định tận dụng thời gian để dạy chữ cho con.
Chị Mai chia sẻ: “Bé nhà mình đang độ tuổi học chữ nên mình quyết định tìm hiểu các phương pháp vừa học vừa chơi. Theo mình thấy, đó là cách tốt nhất để trẻ tiếp thu nhanh và có nhiều hứng thú học tập. Mình mới chỉ đồng hành cùng con trong vài tháng gần đây thôi vì trước đó không nghĩ giáo dục sớm lại quan trọng đến như vậy. Thành ra bỏ lỡ nhiều giai đoạn vàng của con”.
Chị Ngọc Mai và con gái Hải Yến.
Tạo niềm hứng khởi học tập cho con từ những trò chơi năng động
Kể từ khi bắt đầu dạy chữ cho con, chị Mai đã lên mạng tìm hiểu một loạt trò chơi, để lồng ghép vào việc học tập cho con. Thay vì chỉ nhìn vào sách và học đơn thuần đâu là chữ A, đâu là chữ B, mỗi ngày, chị cho con xem 3-5 chữ cái, giới thiệu với con về vai trò của từng chữ.
Chẳng hạn như đây là nguyên âm, đây là phụ âm,… Để con ghi nhớ được mặt chữ chị tổ chức các trò chơi nhỏ như: Ném bóng vào chữ mà mẹ gọi tên, viết chữ vào bóng bay rồi gắn lên tường cho con chơi phi tiêu, in hình chữ cái ra giấy rồi cho con chơi trò tìm hình giống nhau hoặc dùng đất nặn để nặn chữ rồi dán vào những nơi dễ thấy như cánh cửa, bức tường,…
“Mới đây mình đang áp dụng cho con trò “chiếc cầu thang vui nhộn”. Cách thực hiện đơn giản lắm. Mình chỉ cần dán các chữ cái lên từng bậc thang rồi cho con vừa đi lên vừa đọc hoặc hát theo bài ABC. Trò này vừa giúp bé thuộc được mặt chữ, vừa tập thể dục luôn. Đặc biệt với những gia đình sống ở chung cư hay không có sân vườn thì đây là một phương pháp cực kỳ lý tưởng”, chị Mai chia sẻ.
Chị Mai cho con chơi trò cầu thang vui nhộn.
Bà mẹ này tiết lộ, hiện giờ con gái nhỏ đã biết được rất nhiều từ, ngoài ra có thể đếm từ 1-10, nhận diện tốt các con số. Không chỉ dạy con học Tiếng Việt, chị Mai còn kết hợp thêm cả dạy Tiếng Anh: “Mỗi tối mình sẽ cho con học Tiếng Anh trong dùng khoảng 30 phút, sau đó áp dụng các từ trong bài học vào trò chơi, để con vừa chơi vừa nhớ được từ. Hiện tại bé nhà mình có thể nói được các chủ đề về màu sắc gia đình, số đếm, các con động vật,… Học xong thì giải lao bằng cách kể chuyện, đọc sách cho con nghe”.
Chị Mai cho biết, không hề lo sợ chuyện con có thể bị nhầm lẫn giữa Tiếng Anh với Tiếng Việt bởi: “Tiếng Việt con đã nói sõi rồi nên giờ nghe ngôn ngữ khác là phân biệt được ngay”.
Đặt ra những thử thách để con hoàn thiện bản thân, nuôi dưỡng thói quen tốt
Trong những ngày nghỉ dịch, ngoài việc dạy chữ, chị Mai luôn cố gắng tạo ra những hoạt động thiết thực giúp con học được tính sáng tạo, năng động. Một lần khi đang “lướt” mạng xã hội, chị tình cờ thấy một chương trình phát động trên Facebook có tên: “7 ngày sáng tạo cùng con”. Cụ thể, chương trình khuyến khích các mẹ cùng con tham gia những hoạt động lý thu nhằm nâng cao kỹ năng sống, khả năng độc lập, đồng thời nâng cao sự nhanh nhẹn. Sau đó các mẹ sẽ chụp ảnh lại và chia sẻ khoảnh khắc đẹp của con với các bậc cha mẹ khác.
Ngay khi đọc được thông tin về chương trình, chị Mai liền cảm thấy hứng thú và lên kế hoạch tham gia cho con. Trong hành trình 7 ngày, chị Mai đã cho con trải nghiệm nhiều trò chơi, hoạt động như tự làm con diều, làm thiếp tặng những người thân trong gia đình, tự làm những bông hoa giấy hạnh phúc,…
Chị Mai cho con tham gia nhiều trò chơi, hoạt động sáng tạo.
“Có thể đối với mọi người các trò chơi ấy không thú vị và chưa có sáng tạo mới gì nhưng mình hiểu điều quan trọng nhất mà con cần là được bố mẹ dành thời gian chơi đùa cùng. Vui chơi thật sự chứ không phải hời hợt. Nhờ tham gia chương trình đó mà hiện tại mình vẫn tìm tòi tự làm đồ chơi và đồ dùng học tập cho con, không phải đi mua ở ngoài như trước nữa. Như vậy vừa tiết kiệm được tiền mà còn lại được tham gia sáng tạo cùng mẹ”, chị Mai hạnh phúc bày tỏ.
Được biết, ngoài chương trình “7 ngày sáng tạo cùng con”, chị Mai còn thường xuyên tạo ra những thử thách khác cho bé Hải Yến và cả bản thân mình như: “21 ngày đọc sách liên tục”, “14 ngày chơi vui vẻ cùng con mà không quát mắng”,… Thông qua các thử thách, các mẹ và con đều tạo dựng được những thói quen tốt và duy trì đến tận bây giờ.
Những địa phương cho học sinh nghỉ đến tháng 4 phòng Covid-19
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hiện một số địa phương trên cả nước đã quyết định cho học sinh nghỉ sang đến tháng 4.
Ngày 20/3, UBND TP Hải Phòng đã đồng ý với đề xuất của Sở GD-ĐT cho phép trẻ mầm non, học sinh tiểu học, THCS, THPT và học viên giáo dục thường xuyên tiếp tục nghỉ học từ ngày 23/3 đến hết ngày 5/4.
Bên cạnh đó, giao Sở GD-ĐT chủ động phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng triển khai thực hiện dạy học trên truyền hình cho học sinh trong thời gian nghỉ học.
Những tỉnh thành cho học sinh nghỉ học đến tháng 4
Chiều ngày 20/3, UBND tỉnh Quảng Trị phát công văn hỏa tốc số 1166/UBND-VX gửi Sở GD-ĐT; Sở Y tế; UBND các huyện, thị xã, thành phố thông báo về việc cho học sinh tiếp tục nghỉ học để ứng phó với dịch Covid -19.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Trị cho học sinh từ cấp Mầm non đến THPT, các học viên GDNN-GDTX trên toàn địa bàn tỉnh nghỉ học từ ngày 23/3 đến khi có thông báo mới.
Công văn cũng yêu cầu Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị tiếp tục triển khai việc dạy học qua Internet, qua truyền hình và các hình thức dạy học phù hợp trong thời gian học sinh nghỉ học nhằm đảm bảo kiến thức cho mọi học sinh kịp tiến độ khung thời gian năm học 2019 - 2020 của Bộ GD-ĐT.
Như vậy, sau hơn nửa tháng quay trở lại trường, bắt đầu từ tuần sau, học sinh cấp THPT, học viên GDNN-GDTX trên địa bàn tỉnh Quảng Trị tiếp tục được nghỉ học để ứng phó với dịch Covid-19.
Để ứng phó với dịch và giúp học sinh hoàn thành khung chương trình, giáo viên trên địa bàn tỉnh Quảng Trị dạy học trực tuyến cho học sinh
Trước đó, chiều ngày 19/3, Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh cũng đã có quyết định cho toàn bộ học sinh trên địa bàn tỉnh nghỉ học đến hết ngày 18/4.
Sở GD-ĐT tỉnh này đề nghị lãnh đạo các trường học tiếp tục phân công cán bộ, nhân viên trực đơn vị trong thời gian nghỉ, chỉ đạo các tổ chuyên môn hướng dẫn, nhắc nhở học sinh ôn tập, tự học ở nhà. Nhà trường phối hợp với gia đình có biện pháp quản lý hoạt động học của học sinh.
Các trường nghiên cứu vận dụng hệ thống học trực tuyến để hỗ trợ học sinh ôn tập. Tham khảo, sử dụng các nguồn học liệu tin cậy, chuẩn xác để tổ chức dạy học và hướng dẫn học sinh học tập.
Sở cũng khuyến cáo cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên trong thời gian phòng, chống dịch, không nên đến những nơi tụ tập đông người, không di chuyển đến những địa phương có dịch...
Một số địa phương khác cũng đã quyết định cho học sinh nghỉ học đến tháng 4 như Hà Nội và TP. HCM (đến hết 5/4); Đồng Nai (đến hết ngày 4/4) và Đắc Nông (từ mầm non đến THCS nghỉ đến hết 4/4).
Nhiều địa phương trên cả nước đã thông báo cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 3.
Thanh Hùng - Quang Thành
Nghỉ học, học sinh Hải Phòng thi vẽ tranh phòng, chống Covid-19 Những bức tranh của học sinh trường tiểu học Nguyễn Công Trứ (quận Lê Chân, Hải Phòng) đã góp phần tuyên truyền mạnh mẽ tới học sinh, phụ huynh ý thức phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong thời gian học sinh được nghỉ học để phòng dịch Covid-19, Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ (quận Lê Chân, Hải Phòng) đã phát động, khuyến...