Thử sống với lương tối thiểu!
Với tiền lương 3 triệu đồng/tháng, không chỉ có 2 chị bạn tôi nghỉ việc mà chắc chắn còn nhiều người nữa cũng “dứt áo ra đi” bởi phòng nhân sự vừa đăng thông báo tuyển dụng “không giới hạn thợ may công nghiệp”.
Má tôi ở Trà Vinh vừa gọi điện thoại lên bảo tôi xin phép nghỉ việc mấy hôm để về cho người ta “coi mắt”. Tôi bảo không được vì mới vừa nghỉ Tết xong, vả lại lúc này có nhiều đơn hàng nên phải tranh thủ làm. Nghe vậy, má tôi nói: “Không cho nghỉ thì bỏ luôn, về dưới này làm ruộng ăn”. Tôi năn nỉ: “Không được đâu má ơi, về dưới làm ruộng dễ gì kiếm được 3 triệu đồng mỗi tháng”. Má tôi nghe vậy thì làm thinh.
Công nhân ngoại tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn.
(Ảnh chụp tại một khu nhà trọ công nhân ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức- TPHCM). Ảnh: HỒNG ĐÀO
Ăn trước, trả sau
Sau mấy tháng mất việc, đầu tháng 1-2013, tôi tìm được việc làm mới tại một công ty ở quận 12 – TPHCM. Sau khi đọc hồ sơ, thấy tôi không có bằng cấp mà chỉ có kinh nghiệm, trưởng phòng nhân sự nói: “Coi như bạn chưa qua đào tạo nghề nên chỉ được hưởng mức lương bằng với lương tối thiểu, ngoài ra còn có phụ cấp. Nếu cộng tất cả các khoản thì thu nhập của bạn mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng. Đồng ý thì ký hợp đồng, không cần phải thử việc”.
Đang thất nghiệp nên tôi và mấy chị bạn vội đặt bút ký ngay vào bản hợp đồng lao động. Đến nay, tôi đã lãnh lương được 2 lần. Tính đổ đồng cũng được khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng như lời trưởng phòng nhân sự nói. Tuy nhiên, do ăn trước làm sau nên lãnh lương ra thì phải trả nợ đã vay mượn trước đó để xoay xở trong thời gian thất nghiệp. Vì vậy, lúc nào tôi cũng có cảm giác mình là… con nợ.
Tuần trước, lãnh lương xong, 2 chị bạn tôi đã quyết định… dứt áo ra đi. Một chị chuyển qua giúp việc nhà cho một người nước ngoài ở quận 7 – TPHCM vì “được bao ăn, bao ở” còn chị kia trẻ hơn thì úp úp, mở mở: “Bà chị họ mình lấy chồng bên Đài Loan, vừa rồi chị về ăn Tết và rủ mình qua bên đó cho có chị, có em. Thôi thì cứ thử vận may một lần xem sao chớ ở bên này làm mướn hoài, ăn còn không đủ, lấy đâu mà phụ giúp gia đình?”. Đáng nói là, không chỉ có 2 chị bạn tôi nghỉ việc bởi phòng nhân sự vừa đăng thông báo tuyển dụng “không giới hạn thợ may công nghiệp”.
Video đang HOT
Nếu chỉ ăn thôi thì dư…
Mấy hôm trước, cô chủ nhà trọ của chúng tôi phối hợp với Hội LHPN phường tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, buổi nói chuyện đã nhanh chóng chuyển sang một cuộc tọa đàm “Làm thế nào để sống với mức lương tối thiểu?”. 48 nam, nữ công nhân có mặt đã tham gia ý kiến rất rôm rả. Chị Phương, đang làm việc tại KCN Bình Chiểu, nói: “Dễ ợt. Lãnh lương xong là mình mua chục ký gạo, chai nước mắm, bịch bột nêm…”.
Anh Bình làm chung với chị Phương thì “hiến kế”: “Lãnh lương ra tôi nộp ngay cho bà chủ quán cơm đầu hẻm. Coi như tháng đó dù có thế nào đi nữa thì mình cũng no bụng!”. Gần chục ý kiến tương tự như vậy. Mọi người vừa phát biểu vừa cười nghiêng ngả y như thể cuộc sống khốn khó trước mặt “chẳng là cái đinh gì!” như lời anh Thăng, đang làm việc tại KCN Sóng Thần (Bình Dương), nói.
Thế nhưng, những nụ cười chợt tắt lịm khi chị Hồng, có chồng làm công nhân tại KCX Linh Trung II, lên tiếng: “Các anh chị còn độc thân, mạnh khỏe nên tiền lương như vậy cũng có thể gói ghém. Tuy chật vật nhưng không đến nỗi nào. Còn như vợ chồng tôi, đứa lớn học lớp 2, đứa nhỏ đi mẫu giáo, mẹ chồng tôi bệnh nằm liệt một chỗ, bản thân tôi bị tai nạn mất sức lao động nên không thể làm việc nặng. Tiền lương của chồng tôi mỗi tháng được gần 5 triệu đồng như muối bỏ biển. Nhiều hôm, không còn tiền, cả nhà phải ăn cơm với rau muống luộc chấm mắm ruốc. Người lớn thì không sao, chỉ tội con trẻ và thương mẹ già…”.
Nói đến đây, chị nghẹn lời. Chúng tôi cũng lặng đi.
Câu hỏi “Làm thế nào để sống với mức lương tối thiểu?” lại làm ray rứt.
Cần nhiều thứ
Anh Nguyễn Văn Nam, đang làm việc tại một công ty ở quận Thủ Đức – TPHCM, đưa ra một bảng khảo sát chi tiêu mà anh và bạn bè đã thực hiện để phục vụ đợt tăng lương đầu năm 2013 của công ty. Các khoản chi cụ thể là: Ăn sáng 30 ngày, mỗi ngày 10.000 đồng, vị chi là 300.000 đồng. Buổi trưa ăn ở công ty nên không tốn tiền. Bữa tối mỗi ngày 20.000 đồng, 30 ngày là 600.000 đồng. Tiền nhà 600.000 đồng tiền điện, nước, gas, mắm, muối: 300.000 đồng nhu yếu phẩm (xà phòng tắm, giặt, gội…) 100.000 đồng tiền xăng 200.000 đồng tiền đám tiệc (cưới hỏi, thôi nôi, sinh nhật…) trung bình khoảng 300.000 đồng các khoản linh tinh (cắt tóc, vá xe, sửa xe…) 100.000 đồng. Các bạn nữ thì thêm khoản áo quần, son phấn 100.000 đồng…
“Cộng chung tất cả các khoản là từ 2,5 triệu đến 2,6 triệu đồng. Nếu tiền lương 3 triệu đồng thì các bạn còn dư được 400.000 đồng phòng khi hữu sự. Tuy nhiên, với mức chi phí cho cuộc sống như vậy thì các bạn phải không đi chơi, không ăn quà vặt, không xem phim, không đọc báo, không xem tivi, khó có thể có chồng, có vợ nếu có chồng, vợ rồi thì khoan vội có con nếu có con rồi thì không thể cho con đi học… Các bạn cũng không được đau ốm bệnh hoạn, không có bạn bè, không thể quan tâm đến người thân, người ở xa không thể về thăm nhà…”- Nam kết thúc một cách hóm hỉnh.
Theo Dantri
Lương thấp sao giữ được nhân tài ?
Chế độ lương thưởng, nhà cửa để an cư, cơ chế để phát huy ý tưởng... vẫn là những rào cản trong việcthu hút trí thức, Việt kiều, nhà khoa học về làm việc trong nước.
Cần có cơ chế, chính sách thu hút và giữ chân người tài trong lĩnh vực công nghệ cao - Ảnh: Mai Vọng
Đây cũng là nội dung hội thảo được tổ chức tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) vào hôm qua 29.1, với sự tham dự của nhiều đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu, trường đại học và một số chuyên gia trí thức Việt kiều.
Ông Nguyễn Duy Sơn - Phó trưởng ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM - cho biết: "Khu nông nghiệp công nghệ cao được thành lập cách nay 3 năm thì cả 3 năm phải đối mặt với xu hướng chảy máu chất xám do thu nhập trong khu vực nhà nước thấp hơn nhiều so với bên ngoài. Cơ chế quản lý đối với các đề tài nghiên cứu còn nhiều bất cập, không tạo động lực cho nhà khoa học chân chính đam mê nghiên cứu. Nhiều người xem Khu nông nghiệp công nghệ cao là chỗ dừng chân trước khi tìm được một bến đỗ mới tốt hơn. Đã có 3 tiến sĩ, 7 thạc sĩ và 22 cử nhân các ngành xin chuyển công tác hoặc xin nghỉ việc để ra làm bên ngoài".
TS Dương Hoa Xô - Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM - cho biết từ ngày thành lập trung tâm đến nay là 8 năm, đã có 60 người xin nghỉ việc, riêng năm 2012 con số này là 22 người. Nguyên nhân chung quy là do trung tâm chưa xây dựng xong cơ sở vật chất và do đồng lương quá thấp, các chuyên gia, trí thức không thể chấp nhận đồng lương còm cõi.
GS-TS Đặng Lương Mô (Trung tâm nghiên cứu và đào tạo vi mạch - ICDREC - Đại học Quốc gia TP.HCM) cho hay khi trung tâm mới bắt đầu thành lập, có 10 sinh viên giỏi mới ra trường say mê lĩnh vực thiết kế vi mạch đã đến, nhưng giờ chỉ còn lại 1 người trụ lại.
Các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng nguyên nhân của tình trạng chảy máu chất xám hay chưa thu hút được đội ngũ chuyên gia trí thức tài giỏi trong và ngoài nước, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia trí thức Việt kiều, là do chưa có một cơ chế, chính sách đủ sức thuyết phục.
Cần xây nhà cho chuyên gia
Khu nông nghiệp công nghệ cao được thành lập cách nay 3 năm thì cả 3 năm phải đối mặt với xu hướng chảy máu chất xám... Đã có 3 tiến sĩ, 7 thạc sĩ và 22 cử nhân các ngành xin chuyển công tác hoặc xin nghỉ để ra làm bên ngoài
Ông Nguyễn Duy Sơn, Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM
TS Dương Hoa Xô nói rằng lĩnh vực công nghệ sinh học đối với Việt Nam còn mới, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm, lực lượng cán bộ khoa học giỏi, có trình độ cao trong lĩnh vực này còn thiếu rất nhiều. Mặc dù đã có chủ trương của TP.HCM gửi đi đào tạo ở nước ngoài để chủ động xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học, nhưng vấn đề tiếp theo là sau khi họ được đào tạo trở về nước, làm sao giữ được lực lượng cán bộ khoa học này yên tâm làm việc lâu dài làm sao thu hút được cán bộ khoa học có trình độ cao trong khi trung tâm vẫn vận hành theo cơ chế hưởng lương của một đơn vị sự nghiệp khoa học do ngân sách cấp. Ngoài tiền lương cơ bản và thu nhập tăng thêm, không có thêm một chế độ phụ cấp đặc biệt nào.
Ông Dương Minh Tâm - Phó ban quản lý SHTP - thì cho rằng yếu tố đầu tiên là phải có nhà ở để các chuyên gia an cư lạc nghiệp. Bởi khi về nước họ phải mang cả gia đình, cho nên cần phải có các khu nhà ở chuyên gia. Các nước trên thế giới hiện nay đang hướng tới xây dựng các khu đô thị khoa học. TS Phan Bách Thắng (Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM) "cụ thể hóa" khi đề xuất trong 2 năm tới, TP.HCM cần phải có khu nhà ở cho chuyên gia, không chỉ cho các chuyên gia nước ngoài, Việt kiều mà cho cả những người trí thức trẻ trong nước. Ông nói, đây là lần thứ ba ông dự hội thảo về nội dung này, kể từ năm 2010, nhưng lần này đã nhìn quyết tâm của lãnh đạo thành phố và ông mong muốn thấy quyết tâm này được cụ thể hóa.
Từ thực tế của mình, TS Nguyễn Đình Uyên (Trường đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM) chia sẻ sau 5 năm về Việt Nam làm việc, ông nhận thấy có những khó khăn trong vấn đề cơ chế và môi trường làm việc đối với trí thức trẻ. Chúng ta không có những chính sách để có thể phát triển những ý tưởng, những sản phẩm nghiên cứu ra thị trường. GS-TS Từ Trung Chấn (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP công nghệ nano Phát Sáng (Napotec) lại đặt câu hỏi, tại sao không đưa chất xám lên hàng quốc sách khi phải từ con người rồi mới có khoa học công nghệ và công nghệ thì phải làm chủ được công nghệ nguồn thì mới thành công. "Việt kiều có ở khắp nơi trên thế giới, chỉ cần 1% về nước sẽ mang lại cơ hội rất nhiều cho đất nước. Người này về sẽ giới thiệu những người khác về. Tại sao chúng ta không có một trung tâm giới thiệu nguồn nhân lực công nghệ cao này?", ông nói.
Bà Nguyễn Thị Lan - Phó trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM - khẳng định qua cuộc hội thảo này, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo về cơ chế, chính sách này để trình lên lãnh đạo TP xem xét.
Theo TNO
Giáo viên có nên nặng vấn đề thưởng Tết? Ông Bùi Văn Nam, phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng, nghề giáo không phải là nghề kinh doanh nên không nên nhắc đến chuyện thưởng Tết. Việc quà cho giáo viên (GV) tùy vào cách chi của từng trường... Bức tranh quà tết Theo nghị định 43/2006/ NĐ- CP, những khoản thu nhập từ kết dư vào...