Lại “than” lương không đủ sống
Bản kiến nghị tháo gỡ khó khăn của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước cho biết, đời sống của cán bộ công nhân viên ngành than và ngành điện đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí, lương không đủ nuôi sống gia đình.
Lương thấp, công việc vất vả, ngành than khó tuyển lao động (ảnh minh họa)
Năm 2012, nền kinh tế đất nước trong tình trạng suy thoái, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, giảm công suất, giảm việc làm, thậm chí phá sản nên điện bán cho công nghiệp chiếm tới 70% điện thương phẩm cũng giảm đi nhiều. Theo VEA, không ít nhà máy nhiệt điện chạy than của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ khai thác một sản lượng điện nhỏ, thời gian huy động ít làm cho các nhà máy bị lỗ, lãng phí nguồn phát của các tổ máy, doanh thu thấp không đủ tiền trả lương cho cán bộ công nhân viên. Đây là một thực tế mà VEA thu được sau các chuyến khảo sát thực tế tại các nhà máy điện gần đây.
Video đang HOT
Tương tự, công nhân ngành than cũng trong hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là công nhân khai thác hầm lò. Trung bình, lương công nhân ngành than nhận được là khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. So với bình quân chung của toàn xã hội, mức lương này không phải thấp. Tuy nhiên, so với công sức người lao động bỏ ra và tính chất nguy hiểm, độc hại của công việc thì lương như vậy lại không cao. VEA cho biết, trong những năm tới, việc khai thác than hầm lò ngày càng xuống sâu hơn đòi hỏi người lao động phải làm việc với cường độ cao cũng như phải chịu đựng môi trường khắc nghiệt. Hàng năm, việc đào lò để phục vụ cho việc khai thác than có tổng chiều dài lên tới 320km, tỷ lệ khai thác than lộ thiên hiện chỉ còn 40-45%, khai thác than hầm lò trên 50% và sẽ còn tăng hơn nữa. Trong đó có một số mỏ than như: Mạo Khê, Dương Huy… có khí mêtan (CH4), CO2, SO2, NOx… rất nguy hiểm, rất độc hại. “Người thợ lò phải nuôi theo 3-4 người trong gia đình. Với đồng lương đó, cả gia đình họ không đủ sống chứ chưa nói là đãi ngộ, thu hút” – VEA nhận xét. Do tính chất công việc nặng nhọc, nguy hiểm nên phần lớn lao động nam giới làm việc trong các hầm lò. Họ cũng chính là trụ cột của gia đình nên nguồn thu nhập từ đồng lương công nhân phải gánh thêm chi phí cho cả vợ con.
Do công ăn việc làm khó khăn, kéo theo thu nhập giảm sút, năm 2012, có khoảng 1.500 công nhân thợ lò đã bỏ việc. Việc tuyển dụng thêm công nhân mới không dễ dàng khi công nhân từ các tỉnh như: Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương không còn muốn làm việc. TKV phải tuyển công nhân từ các tỉnh vùng sâu, vùng xa và miền Trung. Tuy nhiên, do thu nhập thấp, nhiều công nhân vào làm được một thời gian ngắn rồi lại nghỉ việc.
VEA dự báo, sản xuất, khai thác than vẫn có chiều hướng khó khăn khi lượng tồn kho cao, xuất khẩu giảm sút, kèm theo đó là gánh nặng thuế và phí khiến doanh nghiệp khó khăn thêm. Lương và các chính sách cho người lao động khó đảm bảo. TKV hiện có khoảng 140.000 lao động, trong đó tại khu vực Quảng Ninh có khoảng 110.000 người lao động. Nếu tình hình khai thác, sản xuất kinh doanh than theo chiều hướng giảm sút thì số lao động bị ảnh hưởng lớn nhất gồm khoảng 110.000 người có khả năng bị giảm việc làm, giảm thu nhập cùng với 460.000 người là vợ con và gia đình công nhân.
VEA kiến nghị, Nhà nước nên dành một khoản phụ cấp độc hại, phụ cấp thâm niên… cho công nhân ngành than. Đồng thời, đề xuất thời gian làm việc là 25 năm đóng bảo hiểm thay vì 30 năm theo quy định và nghỉ hưu ở tuổi 50.
Nhiều ý kiến cho rằng, lao động đặc thù của ngành than và ngành điện khó khăn và nguy hiểm. Việc giảm số năm đóng bảo hiểm cũng như nghỉ hưu sớm hơn ngành khác cũng cần được xem xét. Tuy nhiên, mỗi ngành nghề đều có nguy hiểm, phức tạp riêng nên xem xét chế độ cho công nhân các ngành nghề cần đảm bảo công bằng, công khai.
Theo ANTD
Cùng lo sản xuất để tăng đời sống công nhân
Công đoàn (CĐ) lo công việc sản xuất của Cty, nói như thế nghe có vẻ lấn sân. Nhưng đối với CĐ Cty caosu (CS) Lộc Ninh, việc tham gia vào hoạt động sản xuất, không chỉ làm hiệu quả sản xuất, kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp tăng cao, mà đấy còn là cái gốc để tăng thu nhập cho người lao động.
Sáng kiến của cán bộ, công nhân Cty đã làm sống lại phân xưởng mủ tờ xông khói bị "trùm mền" từ trước giải phóng.
Tham gia bằng phát động các phong trào
Anh Võ Sĩ Lực - Chủ tịch CĐCS VN, nguyên Chủ tịch CĐ Cty CS Lộc Ninh - cho biết, một trong những nhiệm vụ của CĐ là chăm lo tốt đời sống của NLĐ. Nhưng trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, nếu CĐ chỉ biết đòi hỏi, đấu tranh đòi quyền lợi trong khi doanh nghiệp lại xập xệ, thua lỗ thì cũng không thể nào cải thiện được. Chính vì thế, CĐ Cty CS Lộc Ninh nhiều năm qua xác định phải đồng hành với chuyên môn trong phát triển SXKD. Để làm được điều này, CĐ chọn và sử dụng thế mạnh của mình, đó là thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua phù hợp với nhu cầu sản xuất để huy động công sức và trí tuệ đóng góp của CBCNV. Có rất nhiều cuộc thi đua đã được CĐ phát động: Lao động giỏi lao động sáng tạo bảo vệ vườn cây, sản phẩm tiết kiệm vật tư phân bón thi đua hoàn thành kế hoạch cuối năm...
Từ các phong trào này đã xuất hiện hàng loạt sáng kiến, cải tiến hữu ích của tập thể và cá nhân. Sáng kiến có giá trị kinh tế cao phải kể đến là cải tạo, phục hồi thành công phân xưởng mủ tờ xông khói do Pháp để lại đã hư hỏng, có công suất 3.000 tấn/năm. Đến nay dây chuyền này được đánh giá đạt chất lượng sản phẩm mủ tờ cao nhất ngành CS và được Cty Micheline của Pháp bao tiêu toàn bộ. Ở ngoài lô CS cũng xuất hiện nhiều sáng kiến có hiệu quả tốt như: Làm máng chắn mưa cho vườn cây khai thác, tác dụng vừa chống thất thoát mủ trong mùa mưa, vừa chống bệnh loét miệng cạo làm màng phủ chén mủ trên cây CS tránh được tạp chất vào mủ phong trào tiết kiệm tận thu các loại mủ đất, tạp... mỗi năm ước tính sản lượng tăng từ 5-6%. Đặc biệt, cán bộ kỹ thuật và CN Cty đã áp dụng thành công sáng kiến tái canh, trồng mới CS bằng cây giống 4-5 tầng lá. Kết quả, cây sinh trưởng tốt, rút ngắn thời gian được khai thác từ 6 tháng đến 1 năm...
Cùng với phong trào thi đua lao động sáng tạo, phong trào thi đua nước rút hoàn thành kế hoạch cũng được đông đảo CN hưởng ứng. Hằng tháng, bình quân có tới 1740 CN cạo mủ (chiếm 62%) vượt kế hoạch sản lượng từ 5% trở lên, 100% tập thể đạt và vượt sản lượng.
Sản xuất hiệu quả, đời sống nâng cao
Anh Nguyễn Đức Tín - Tổng GĐ Cty CS Lộc Ninh - khẳng định: Cty Có được kết quả SXKD tốt như ngày hôm nay, không thể không kể đến vài trò của CĐ. Chính nhờ các phong trào thi đua do CĐ phát động đã đưa năng suất vườn cây lên rất cao. Nếu năng suất bình quân 1ha CS năm 2002 chỉ đạt 1,47 tấn thì nhiều năm gần đây, năng suất đã tăng lên mức trên 2 tấn, gấp 1,39 lần năm 2002. Cty là một trong những đơn vị dẫn đầu năng suất vườn cây của ngành CS. Cũng từ đó, các chỉ tiêu khác của Cty luôn tăng cao: Lợi nhuận năm 2011 đạt 400 tỉ đồng, gấp 11,17 lần so với 2002. Tính bình quân mỗi CBCNV làm lợi ròng cho Cty gần 90 triệu đồng/năm. Anh Tín nhấn mạnh: Xuất phát từ những đóng góp hiệu quả đó, đời sống người lao động nhiều năm nay không ngừng được cải thiện.
Quả đúng như anh Tín nói. Nhờ được chứng kiến đời sống CN từ những năm vừa qua, chúng tôi mới thấy hết sự đổi thay rõ rệt. Chỉ cách đây 8, 9 năm thôi, đời sống CN Cty còn rất khó khăn. Nếu tính về phương tiện đi làm, chỉ số ít CN có xe máy. Thậm chí với CN dân tộc Xtiêng còn không có cả xe đạp ra lô cạo mủ. Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động khi ấy đã trích quỹ mua xe đạp hỗ trợ cho một số CN này.
Chúng tôi gặp anh Điểu Kim - một trong những CN dân tộc Xtiêng, nay là đội phó đội 1, nông trường 3. Anh cho biết, trước chưa vào làm CN CS, đời sống bấp bênh, quanh năm phải đi làm thuê. Nay lương thưởng bình quân mỗi năm 7-8 triệu đồng/tháng. Nhà anh còn có 1,5ha vườn tiêu. Tính thu nhập cả hai khoản, gia đình anh có trên 100 triệu đồng/năm. Còn với anh Nguyễn Hoài Trang - tổ trưởng tổ 1, đội 1, nông trường 3 - cho biết, cả tổ anh có 25 CN, gia đình nào cũng có nhà cửa xây khang trang, các tiện nghi sinh hoạt không chỉ đầy đủ mà còn được CN đua nhau "lên đời". Riêng về xe máy, ngoài xe đi ra lô loại tốt, nhà nào cũng sơcua thêm một, hai xe "xịn", đẹp để dành đi chơi lễ tết, đám cưới, hội họp...
Báo cáo của CĐ Cty cho biết, lương bình quân của toàn Cty năm 2011 đạt 8 triệu đồng/người/tháng. Nếu so với cách đây 10 năm tăng 7,34 lần. Đấy là chưa kể thu nhập từ kinh tế phụ gia đình. Hiện Cty đã xóa toàn bộ nhà tranh tre, trên 3.800 hộ gia đình toàn Cty có mức sống đạt từ trung bình, khá trở lên, không có hộ nghèo. Rõ ràng có được kết quả này, việc tham gia, đóng góp của CĐ với các hoạt động của Cty mang một ý nghĩa rất quan trọng trong việc góp phần nâng cao đời sống CNLĐ tại doanh nghiệp.
Theo laodong
Hệ lụy khi lương giáo viên không đủ sống Kiến nghị của GS Hoàng Tụy về Cải cách giáo dục (CCGD) nêu vấn đề cấp bách số 1 cần giải quyết là cần cải thiện chính sách đối với người thầy. Theo ông, lương thấp đương nhiên nhà giáo phải xoay xở để kiếm thêm thu nhập. Chính đó là cái lỗ hổng quản lý gây nên hoặc làm trầm trọng thêm...