Thu sai quy định, 31 trường phải hoàn trả các khoản thu
Thời gian qua, Sở GD-ĐT Nghệ An đã tiến hành thanh, kiểm tra công tác tuyển sinh đầu cấp học và thực hiện các khoản thu đầu năm học 2011-2012. Theo đó, Sở phát hiện có 31 trường thu sai quy định trong tổng số 113 trường trên địa bàn.
Ngày 7/12/2011, Sở GD-ĐT Nghệ An đã công bố danh sách các trường thu sai quy định, tuyển sinh sai đầu năm học. Theo đó, sau khi kiểm tra tại 113 trường học trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có 23 trường mầm non, 33 trường tiểu học, 29 trường THCS, 26 trường THPT và 2 trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc 15 huyện, thị xã và thành phố Vinh (trừ 5 huyện vùng cao).
Qua đó, thanh tra Sở đã phát hiện có 31 trường thu sai phạm nhiều nhất, nặng nề nhất vẫn là việc thực hiện các khoản thu đầu năm học như sau:
- 5 trường THPT: Lê Hồng Phong, Thái Lão, Nam Đàn 1, Cát Ngạn, Đặng Thúc Hứa) vi phạm các lỗi: thu vượt mức quy định, tự đặt ra các khoản thu ngoài quy định, đặt mức để thu hoặc thu theo kiểu “cào bằng” trong việc vận động đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trường học.
Cụ thể, Trường THPT Lê Hồng Phong, ngoài việc thu tiền hỗ trợ cơ sở vật chất 300.000 đồng/học sinh, còn thu tiền làm sân 60.000 đồng/học sinh lớp 12, 90.000 đồng/học sinh lớp 10 và 11; tiền nước sạch 70.000 đồng/học sinh lớp 10, 60.000 đồng/học sinh lớp 11 và 12; tiền vệ sinh môi trường 20.000 đồng/học sinh.
- 9 trường THCS: Hưng Tây (huyện Hưng Nguyên), Quỳnh Lập, Quỳnh Lộc (huyện Quỳnh Lưu), Long Thành, Bảo Thành, Lăng Thành (huyện Yên Thành), Đỉnh Sơn (huyện Anh Sơn), Nghĩa Lâm (huyện Nghĩa Đàn), Nghĩa Thuận (thị xã Thái Hoà);
Cụ thể, tại Trường THCS Bảo Thành, ngoài tiền vận động đóng góp xây dựng cơ sở vật chất và các khoản thu theo quy định, còn thu tiền điện, tiền nước uống, tiền lao động, tiền giấy thi, tiền mua thiết bị, tiền làm nhà xe, tổng cộng 260.000 đồng/học sinh.
- 9 trường tiểu học: Quang Trung, Trường Thi (TP Vinh), Minh Khai (huyện Hưng Nguyên), Long Thành (huyện Yên Thành), Châu Quang 1 (huyện Quỳ Hợp), Nghĩa Lâm (huyện Nghĩa Đàn), Tân Phú (huyện Tân Kỳ), Nghĩa Thuận A (thị xã Thái Hoà), Nghĩa Tiến (huyện Nghĩa Đàn);
Và 8 trường mầm non: Hoạ My, Bình Minh, Hà Huy Tập, Quang Trung 1 (TP Vinh), Nguyễn Huệ (huyện Hưng Nguyên), Quỳnh Dị (huyện Quỳnh Lưu), Nghĩa Hội (huyện Nghĩa Đàn), Kỳ Sơn (huyện Tân Kỳ).
Video đang HOT
Bên cạnh đó, Thanh tra Sở GD-ĐT Nghệ An cũng phát hiện việc một số trường mầm non coi thường quy định của các cấp có thẩm quyền, nhẫn tâm bắt chẹt phụ huynh và học sinh, điển hình là Trường mầm non Hoạ My, TP Vinh. Theo thanh tra Sở GD-ĐT Nghệ An, ngoài mức học phí 540.000 đồng/cháu/tháng, Trường mầm non Họa My còn thu tiền đóng góp xây dựng cơ sở vật chất 300.000 đồng/cháu, tiền mua đồ dùng học tập 185.000 – 218.000 đồng/cháu, tiền bảo vệ 100.000 đồng/cháu; tiền học tiếng Anh trong giờ chính khoá 550.000/cháu/khoá học (3 tháng), tiền học các môn năng khiếu khác 50.000 đồng/cháu/tháng/môn.
Thanh tra của Sở GD-ĐT Nghệ An thì phát hiện 8 trường mầm non thu sai quy định.
Về tuyển sinh, một số trường mầm non ở Vinh tuyển sinh sai quy định, bất chấp chỉ tiêu kế hoạch đã được phê duyệt. Số lượng vượt chỉ tiêu không phải ít: trường vượt 90 chỉ tiêu, trường vượt 137 chỉ tiêu, có trường vượt đến 171 chỉ tiêu. Chính điều này đã đưa số cháu trong một lớp lên quá cao: từ 39 cháu đến 44 cháu (Trường mầm non Hoạ My, Trường mầm non Bình Minh, Trường mầm non Quang Trung 1, thậm chí có lớp lên 52 cháu (Trường mầm non Hà Huy Tập) làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nuôi dạy các cháu.
Tại Kết luận, giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An cũng đã yêu cầu các đơn vị có vi phạm phải tổ chức hoàn trả các khoản thu không đúng quy định cho học sinh, phụ huynh; tổ chức kiểm điểm, phê bình đối với hiệu trưởng các trường có vi phạm. Đặc biệt, giám đốc Sở yêu cầu tổ chức kiểm điểm nghiêm túc và đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật phù hợp đối với những đơn vị có sai phạm lớn như các trường mầm non: Hoạ My, Quang Trung 1, Hà Huy Tập, Bình Minh và Trường THCS Bảo Thành.
Nguyễn Duy
Theo dân trí
Lạm thu đến mức loạn thu
Chủ đề chính trong các quán nhậu ở Hải Phòng những ngày đầu tháng 10 là vấn đề lạm thu. Đơn giản là đến ngày này, các trường học trong thành phố bắt đầu tổ chức những cuộc họp đầu năm học.
Chiều 14.10, trên bàn ăn nằm bên hồ Quần Ngựa, một cái vòng eo khổng lồ đầy bia cất giọng tức tối: "Có mỗi buổi sáng (đi họp) mất mẹ nó nửa tháng lương!". Một ông bé nhỏ chắc sẽ phải hôn giã biệt nốt những cọng tóc trên đầu của mình vào cuối năm nay, thì thầm kể chuyện: "Có thầy giáo trường T.P thu tiền học thêm cả năm một cục của học sinh được 420 triệu đồng. Thấy nói thầy cần tiền đi mua đất!". "Ai bảo cứ thích học trường nhà giàu!" - cái bụng đầy bia rít lên như quả rocket. "Ông cứ xuống trường nhà quê mà xem! Gà nào mà chả là thịt!" - một người đàn bà, loại không bao giờ chịu vắt chéo chân khi ngồi, cái miệng nhão ra - thủng thẳng.
Đằng sau sự hồn nhiên của các em học sinh là nỗi lo lắng về các khoản phí phải nộp của cha mẹ (ảnh có tính chất minh họa).
Sáng tác và nâng giá
Trường tiểu học S.B, quận A.B ngày xưa là trường "nhà quê", mới lên thành phố được vài năm nay. Trường có 1.871 học sinh. Sáng 20.10, tôi đến trường gặp hiệu trưởng - cô giáo Tr - một người đàn bà da trắng mịn như men sứ của Tàu. Ngồi trong phòng được điều hoà mát lạnh, trông cô mới tinh như vừa bước ra từ trong tủ kính. Cũng mới tinh là một màn hình 40 inches đang chiếu những cảnh giáo viên lên lớp treo trên góc phòng. Cô vừa lắp hệ thống camera giám sát trị giá 187 triệu đồng ở 31 phòng học bằng tiền thu của phụ huynh học sinh.
Chiều 16.7.2011, hiệu trưởng Tr mời họp ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS) trường S.B. Cô đề nghị 6 vị BĐDCMHS trường cho ý kiến về việc sang năm học mới (2011-2012) trường xã hội hoá (thu mỗi phụ huynh 250.000 đồng) để mua hệ thống giám sát nói trên và lát sân trường bằng gạch block. Dĩ nhiên có bao giờ BĐDCMHS trường không đồng ý. Hai ngày sau, cô hiệu trưởng làm tờ trình gửi UBND quận A.B xin thu tiền đóng góp của phụ huynh (429 triệu đồng) vào mục đích trên. Nhưng tờ trình không đến quận và người cho phép nhà trường lại là bà Phó Chủ tịch UBND phường S.B -một người không có thẩm quyền.
Ngày 15.9.2011, hiệu trưởng triệu tập giáo viên chủ nhiệm 45 lớp trong trường phổ biến: Sau khi được thoả thuận của BĐDCMHS bằng văn bản, nhà trường quyết định thu các khoản trong kỳ 1 năm học 2011-2012, gồm hỗ trợ giáo dục 8.000 đồng/tháng, học 6 buổi/tuần - 6.000 đồng/tháng, quỹ đội - 15.000 đồng/năm, quỹ bảo trợ trẻ em - 15.000 đồng/năm, bán trú nuôi - 30.000 đồng/tháng, quỹ BĐDCMHS trường - 100.000 đồng/năm, tin học - 25.000 đồng/tháng, tiếng Anh - 20.000 đồng/tháng, khuyến học 30.000 đồng/năm, hỗ trợ máy thiết bị phòng chức năng - 10.000 đồng/tháng. Cô giáo N.A - khối trưởng khối 3 - phát biểu: "Mức thu như thế là thấp!".
Chưa kể nhiều khoản thu trên là không được phép (như khuyến học, như hỗ trợ máy thiết bị phòng chức năng...), không biết có phải vì "thế là thấp" mà tại khối 3, các cô giáo đã tuỳ tiện nâng giá: Hỗ trợ giáo dục -12.000 đồng/tháng (50%), học 6 buổi/tuần - 30.000 đồng/tháng (500%), quỹ đội - 60.000 đồng/năm (400%), quỹ BĐDCMHS - 200.000 đồng/năm (100%), tiếng Anh - 30.000 đồng/tháng (50%). Thế vẫn chưa đủ, họ "sáng tác" thêm các khoản thu khác: Sao in đề thi - 25.000 đồng/kỳ, hỗ trợ hợp đồng dạy học - 70.000 đồng/tháng(?), học phẩm - 20.000 đồng/tháng, sổ liên lạc - 10.000 đồng, nha khoa - 42.000 đồng/năm, bảo dưỡng máy tính - 10.000 đồng/tháng.
"Chúng em được sự đồng thuận của tất cả các CMHS, anh ạ!" - hiệu trưởng nở một nụ cười tự tin, chìa ra trước tôi một tập "biên bản hội nghị phụ huynh học sinh năm học 2011-2012". Tôi lấy ngẫu nhiên 1 tờ (lớp 1A1) đọc và rất ngạc nhiên về nội dung vô cùng nghèo nàn của nó: Không có một chữ nào về vấn đề thu tiền đầu năm, không có chữ ký CMHS để thể hiện sự tự nguyện của họ. Chắc chắn họ không biết về những sáng tác của cô giáo. Tôi hỏi hiệu trưởng: "Cô có biết không?".
Cô đã im lặng. Thế còn những người trong BĐDCMHS trường có biết không? Họ có con học trong trường, tất họ phải biết. Tại sao họ lại im lặng? Năm học 2010-2011, họ đã sử dụng quỹ của BĐDCMHS trường để mua máy tính, mua cây cảnh, máy điều hoà, cho giáo viên đi tham quan..., toàn những việc Bộ GDĐT cấm. Hoạt động như thế, họ không đại diện cho CMHS trường. Thực chất, họ là công cụ câm lặng của BGH nhà trường, họ đã tiếp tay cho sự lạm thu lên tới tiền tỉ ở trường S.B.
Chia tay hiệu trưởng Tr, cô cười duyên dáng, ân cần tiễn tôi xuống tận sân trường, từ trên tóc cô bay ra mùi hương vàng nhạt của hoa kim ngân. Cô nói: "Chúng em mải chuyện chuyên môn, nếu có sơ suất xin anh góp ý!". Tôi đã góp ý: "Những khoản cô thu không đúng, phải trả lại cho cha mẹ học sinh!". Nụ cười mới tậu của cô vụt tắt. Câu cuối cùng của cô nghe rất thảm: "Trường nào họ cũng làm thế, sao anh lại chọn trường em?".
Bắt đầu từ người hiệu trưởng
Tôi cho rằng cô nói đúng. Tình trạng lạm thu phổ biến và đang gia tăng ở trong tất cả các trường nội thành Hải Phòng (trong những căn cứ để quyết định các khoản thu của trường S.B có mục: Giá cả mọi thứ đều tăng, Chính phủ mới tăng mức lương cơ bản!...), chỉ khác nhau ở mức độ, tuỳ thuộc vào sự "hoành tráng" của từng hiệu trưởng. Nó có thể rất tinh vi, lại có thể rất thô thiển. Điều lệ hoạt động của BĐDCMHS quy định: Tại cuộc họp lớp đầu năm, phụ huynh bầu ra BĐDCMHS lớp và đóng kinh phí cho BĐDCMHS lớp hoạt động. Sau đó, từ lớp thành lập BĐDCMHS trường, kinh phí hoạt động được trích từ quỹ của BĐDCMHS các lớp trong trường.
Như vậy là không có khoản thu quỹ BĐDCMHS trường. Thế nhưng tất cả các trường đều mau mắn thu khoản này, chắc sợ trích từ quỹ BĐDCMHS lớp không được nhiều chăng? Dẫn đến cái gọi là "quỹ lớp" phải xuất hiện thay cho quỹ BĐDCMHS lớp. Cái quỹ này được thu vô tội vạ và chi cũng vô tội vạ, vì được sự cổ vũ ngầm: Đây là tiền tự nguyện của CMHS, họ muốn làm gì thì làm. Mà ai cũng biết sự tự nguyện đó đã bị ký khống, bị đánh đồng hạng, hoặc bị đánh số theo dõi ("cô trù thì dễ như bóp con chim sẻ trong bàn tay" - V.T - một nhà báo ấm ức nói), sự tự nguyện được đạo diễn, uốn nắn bởi một cánh tay robot kéo dài từ BGH nhà trường là BĐDCMHS.
Tuỳ theo trí tưởng tượng của hiệu trưởng, mà người ta sáng tạo ra vô số các khoản lạm thu kỳ quái được bọc trong những mỹ từ. Nếu họ mà "thích đủ thứ" thì họ sẽ vẽ ra được đủ thứ. Sáng 19.10, tôi gặp Quang Hưng đang ngồi một mình rảnh rỗi trong quán càphê. Anh có một sự dửng dưng mênh mông, thế mà tôi đưa cho anh xem bản thu chi của lớp 5A trường H.T (hỗ trợ điều hoà cho phòng chức năng, hỗ trợ trồng cây làm vườn sinh vật cảnh, hỗ trợ tham quan học tập...), anh văng quàng quạc, nhổ cái cụm từ "hỗ trợ" ra khỏi mồm như nhỡ nuốt nhầm phải một con sò thối: "Nói mẹ nó là mua máy điều hoà cho phòng hiệu trưởng, mua cây cảnh, chi tiền cho giáo viên đi chơi cho nó xong!" .
Nhưng cái lạm thu lớn nhất và nguy hiểm nhất là sự học thêm, dạy thêm tràn lan. Một buổi tối đầu tháng 7.2011, dân cư phố C ngạc nhiên thấy ôtô, xe máy đến đỗ đầy. Thì ra có một cô giáo lớp 1 vừa mới dọn nhà đến đó và hôm ấy là buổi đầu cô lên lớp tại nhà mới cho các cháu vừa tốt nghiệp mầm non.
Thu nhập 1 tháng từ dạy thêm của khá nhiều giáo viên nội thành Hải Phòng lên tới 50-60 triệu đồng! Ông Hà Văn Thuỷ - Trưởng phòng Đầu tư của Cty XNK Tradimexco Hải Phòng - cười buồn: "Bao nhiêu năm nay, tôi vẫn cứ thương họ nghèo. Thật là ngây thơ! Họ còn nhiều tiền hơn mình. Họ đang lạm dụng việc dạy thêm để làm giàu bằng giá lấy mất tuổi thơ của bọn trẻ con. Nguy hiểm nhất là nhiều khi tình cảm thầy - trò chỉ còn đọng lại mối quan hệ về tiền bạc "học ngày nào, chào ngày ấy". Hãy mở Internet xem, còn có mấy chuyện về tình cảm đẹp giữa thầy và trò bây giờ? Buồn thật!".
Giữa tháng 10.2011, Bộ GDĐT cử một đoàn rầm rộ về Hải Phòng thanh tra việc lạm thu tại trường học. Sáng 12.10, tôi gặp cô giáo Kh đang vắt vẻo đi vào cổng Sở GDĐT: "Ơ! Sao không đi với đoàn thanh tra xuống cơ sở?" - tôi hỏi. "Đi làm cái gì. Cưỡi ôtô đi xem hoa thôi mà!" - cô đáp. Quả nhiên, biên bản thanh tra của bộ ký ngày 13.10 nhàn nhạt, không thấy lạm thu đã thành loạn thu. Nói thẳng ra rằng, người Hải Phòng không hy vọng gì ở những cuộc thanh tra hoà cả làng như thế này.
Năm 1999, lệnh từ TP.Hải Phòng đưa xuống: Trường Trần Phú phải trả lại CMHS tiền xây dựng trường vì thu trái phép. Tôi ngồi mốc mép không thấy trường trả lại tiền cho mình. Tôi hỏi hiệu trưởng, thầy đáp: "Hội phụ huynh trường đã quyết định tặng số tiền đó cho các thầy làm nhà để xe". Ô hay! Tiền túi của tôi chứ có phải của hội phụ huynh đâu? Thầy hiệu trưởng trường Trần Phú ngày ấy - nay là Giám đốc Sở GDĐT Hải Phòng. Vậy bảo chấm dứt sự lạm thu trong trường học Hải Phòng có khác gì bảo người chết cựa mình trong mộ(?!).
Theo Hà Linh Quân
Lao Động
Vào lớp học có ít học sinh nhất nước Bản Nậm Khao (huyện Mường Tè, Lai Châu) có 1 lớp 2 chỉ có 2 em, lớp 3 và lớp 1 mỗi lớp có 6 em, lớp 4 có 9 em và lớp 5 đông nhất với sĩ số 22 do các em đã lớn. Xã Nậm Khao (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) có vẻn vẹn 4 bản: 2 bản người Cống,...