Thủ khoa xuất sắc: Lo học Sư phạm khó xin việc chỉ đúng với người thụ động!
Với GPA đạt 3.87/4.0, Nguyễn Tú Uyên đã trở thành thủ khoa tốt nghiệp của Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Nguyễn Tú Uyên (sinh năm 1999, Hải Phòng) khá bất ngờ khi nhận được danh hiệu thủ khoa tốt nghiệp của Trường Đại học Ngoại Ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2021. Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Uyên cho rằng, đạt thủ khoa không đồng nghĩa với việc là người giỏi và xuất sắc nhất. Uyên tự nhận mình khá may mắn trong các kỳ thi tại trường.
“Nói vậy không có nghĩa là tôi phủ nhận sự cố gắng của bản thân. Tôi hoàn toàn hài lòng với những nỗ lực của mình trong suốt thời gian qua”, nữ thủ khoa chia sẻ.
Luôn đề cao tinh thần tự học
Trước khi trở thành sinh viên ngành Sư phạm tiếng Anh, Tú Uyên là học sinh chuyên Anh của trường trung học phổ thông chuyên Trần Phú (Hải Phòng). Uyên từng đạt giải Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh năm học 2016 – 2017 và được 10 điểm tròn trĩnh môn tiếng Anh tại kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017.
Được đầu tư học tiếng Anh từ nhỏ và xuất phát điểm là học sinh chuyên Anh nên niềm đam mê ngôn ngữ của Tú Uyên ngày càng lớn dần theo năm tháng. Quãng thời gian học cấp ba, cô cũng nhận ra thế mạnh và niềm yêu thích đối với việc truyền đạt và chia sẻ kiến thức đến mọi người xung quanh. Chính vì vậy, khi chuẩn bị hồ sơ thi đại học, Uyên đã không ngần ngại đăng ký nguyện vọng vào ngành Sư phạm tiếng Anh – khoa Sư phạm tiếng Anh – Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Nguyễn Tú Uyên – Thủ khoa tốt nghiệp của Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Tú Uyên cho rằng, quá trình học tập ở bậc đại học như “lửa thử vàng, gian nan thử sức” nhưng nếu quyết tâm và nỗ lực, cùng phương pháp học tập hợp lý, sinh viên sẽ vượt qua khó khăn để tốt nghiệp một cách dễ dàng.
Theo nữ thủ khoa, có rất nhiều phương pháp học tập mang lại hiệu quả cao và việc sử dụng sơ đồ tư duy là vô cùng có ích. Thực chất mỗi bộ môn và từng bài giảng đều đi theo một trật tự logic, sinh viên cần có cái nhìn tổng quan về những gì mình học, từ đó nắm chắc trọng tâm, tìm hiểu chi tiết từng phần nội dung.
“Sử dụng sơ đồ tư duy là một cách hình ảnh hóa các kiến thức đã học, nắm được mối quan hệ và trật tự các nội dung. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả khi chúng ta đứng trước một lượng kiến thức khổng lồ. Việc tạo ra một sơ đồ tư duy sẽ giúp sắp xếp lại sự rối rắm trong đầu, từ đó giúp người học thoát khỏi cảm giác sợ hãi và làm chủ kiến thức tốt hơn.
Việc sử dụng sơ đồ tư duy cũng giúp tư duy mạch lạc hơn, khả năng khái quát và tổng hợp thông tin cũng cải thiện. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc học tập và nghiên cứu ở bậc đại học và các bậc học cao hơn khi việc đọc, khái quát, phân tích, tổng hợp là vô cùng cần thiết.
Tuy nhiên, không có một phương pháp học tập nào hiệu quả với tất cả mọi người, việc quan trọng là phải hiểu bản thân và tìm được phương pháp phù hợp với chính mình”, nữ thủ khoa chia sẻ.
Tú Uyên là sinh viên xuất sắc nhiều năm học, sở hữu chứng chỉ IELTS 8.0. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Luôn đề cao tinh thần tự học, nỗ lực, cố gắng tìm tòi, trong thời gian ngồi trên ghế giảng đường, Tú Uyên là viên xuất sắc nhiều năm học, sở hữu chứng chỉ IELTS 8.0; đạt danh hiệu đại sứ ULIS năm học 2018 – 2019; giải Nhất nghiên cứu khoa học sinh viên cấp khoa năm học 2018 – 2019; giải Nhất nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường năm học 2018 – 2019…
Video đang HOT
Khi được hỏi về tố chất và những kỹ năng cần thiết của người học và làm việc trong ngành Sư phạm tiếng Anh, Uyên khẳng định: “Đây là một ngành rất cần tính kiên trì và kiên nhẫn”.
Tú Uyên cho biết, chinh phục một ngôn ngữ là một quá trình lâu dài tiếp thu, quan sát, rèn luyện, mắc sai lầm, chấp nhận và sửa sai. Quá trình tiến bộ trong một ngôn ngữ đi theo đường bậc thang thay vì theo đường thẳng. Người học càng học lên cao càng bị mắc tại một trình độ rất lâu, từ đó dễ thất vọng, chán nản, bởi vậy sự kiên trì là vô cùng cần thiết.
Còn đối với ngành sư phạm, kiên trì cần song hành với kiên nhẫn. Kiên trì với sự tiến bộ của bản thân và kiên nhẫn với sự tiến bộ của học sinh.
“Người làm trong ngành sư phạm cần có kỹ năng giao tiếp tốt để kết nối với học sinh, phụ huynh. Đi kèm là kỹ năng xử lý vấn đề linh hoạt vì mỗi giờ học chứa đầy các biến số, các tình huống không nằm trong dự tính đều có thể xảy ra. Thêm vào đó, kỹ năng quản lý thời gian, sắp xếp công việc để có thể vừa tham gia giảng dạy và phát triển bản thân cũng là một phần không thể thiếu”, nữ thủ khoa nói.
Học sư phạm khó xin việc chỉ đúng với những người thụ động
Nhiều người lo ngại học ngành Sư phạm khó xin việc. Tú Uyên cho rằng quan điểm trên chỉ đúng với những người thụ động trong quá trình tìm việc cho bản thân.
Uyên cho biết, cơ hội nghề nghiệp cho ngành Sư phạm nói chung và ngành Sư phạm tiếng Anh nói riêng khá rộng mở. Các trung tâm tư nhân, trường phổ thông tư thục, công lập, quốc tế, hay các trường đại học luôn có những đợt tuyển giáo viên hằng năm.
Xét riêng về ngành Sư phạm tiếng Anh, trong bối cảnh toàn cầu hóa, ngoại ngữ đang dần trở thành một trong những môn học quan trọng nhất đối với học sinh, nhu cầu học ngoại ngữ ở nhiều lứa tuổi nhằm phục vụ cho việc học tập hay công việc cũng tăng cao, chắc chắn sẽ cần rất nhiều những giáo viên có niềm đam mê nghề và chuyên môn tốt để giúp đỡ người học chinh phục ngôn ngữ.
“Ngoại ngữ là một ngành “đá chéo sân” khá dễ dàng, với công cụ là ngoại ngữ trong tay, các bạn sinh viên mới ra trường có thể dễ dàng tìm việc làm ở các lĩnh vực khác như phiên dịch, truyền thông, báo chí, hay kinh tế. Tôi cho rằng dù là bất cứ ngành nghề nào, chỉ cần cố gắng học hỏi, có kinh nghiệm trong nghề thì cơ hội việc làm sẽ đến”, cô gái sinh năm 1999 tâm sự.
Hiện, Uyên đang làm giáo viên dạy tiếng Anh cho một trung tâm tại Hải Phòng. Thời gian tới cô sẽ tham gia khóa học thạc sĩ.
Tú Uyên chia sẻ, cô có ước mơ trở thành giảng viên đại học và mở một trung tâm ngoại ngữ Vì vậy, nữ thủ khoa luôn cố gắng hoàn thiện bản thân từng ngày để hiện thực hóa ước mơ đó.
Nữ sinh THỦ KHOA KÉP giành 7 kỳ học bổng loại A của ĐH top đầu: Từng "trái lời" cha mẹ, khóc như mưa vì áp lực và thay đổi vì 1 CÂU NÓI
Con đường đến thành tích thủ khoa kép với 8 kỳ học bổng liên tiếp, trong đó có đến 7 kỳ loại A của Ngoan không êm đềm như bề ngoài.
Đặng Thị Ngoan tốt nghiệp xuất sắc ngành kép Ngôn ngữ Anh và Kinh tế Quốc tế, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (ULIS) năm 2019, với GPA đạt 3.78. Cô cũng giành học bổng hầu hết loại A (một kỳ loại B) ở cả 8 kỳ đại học.
Con đường chạm đến thành công của Ngoan trên thực tế không hề dễ dàng gì. Cô gái sinh năm 1997 từng phải "cãi lời" cha mẹ để được theo đuổi ngành học yêu thích, khóc như mưa trước áp lực deadline... Nhưng vượt lên tất cả những chướng ngại vật ban đầu đó, nữ sinh Bắc Ninh đã nỗ lực hết mình và đạt được thành tích khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, NHƯNG...
Ngoan kể, bố mẹ luôn muốn con gái chọn Học viện An Ninh hoặc Sư phạm 1 cho ổn định và dễ xin việc. Mâu thuẫn của cô và bố mẹ, vì thế bắt đầu xuất hiện và càng lúc càng căng thẳng, trong suốt thời gian tìm trường, chọn ngành.
ULIS không phải lựa chọn đầu tiên của Ngoan nhưng lại là lựa chọn cuối cùng. Trong khi đó, nguyện vọng của cô là học ngành Ngôn ngữ và sau này làm một công việc cho mình thỏa sức sáng tạo.
"Trong suy nghĩ của bố mẹ, ngôi trường mà mình chọn thật chẳng có tương lai gì, nghe cứ thấy... thất nghiệp và không ổn định cho lắm. Nhưng quả thật, mình là một đứa không có định hướng nghề nghiệp, không có ý định rõ ràng rằng sau khi ra trường mình sẽ làm gì. Ngay từ đầu mình chọn ngành Ngôn Ngữ Anh chỉ đơn giản là vì mình thích tiếng Anh và mình suy nghĩ rất đơn giản là có tiếng Anh thì sẽ có việc", Ngoan chia sẻ.
Cuối cùng, trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, Ngoan được theo học ngành học và ngôi trường mình yêu thích với cam kết: Sẽ quyết tâm học thật tốt, thật chăm, kiếm học bổng, ra trường có ngay việc làm và thậm chí có thể phụ giúp bố mẹ về tài chính.
Tuy nhiên, chỉ mới học kì đầu, nữ sinh này đã phải nhận "trái đắng": "Học kỳ đầu tiên tại ULIS mình thực sự choáng váng trước khối lượng deadline của một sinh viên năm nhất. Mình cũng tự ti vì các kỹ năng tiếng Anh của mình không bằng các bạn. Mình nhiều lần gọi về nhà khóc lóc rằng con không theo được, con quá mệt mỏi rồi".
Trong khoảng thời gian thật nhiều khó khăn đó, cô gái Bắc Ninh đã "vin" vào một câu nói của mẹ mà cô đã nghe không biết bao nhiêu lần: "Dù có phải bán máu cũng phải cho ba chị em ăn học đàng hoàng". Ngoan tự nhủ, mình phải học làm sao để không lãng phí một giọt mồ hôi công sức nào của bố mẹ và để khi nhìn lại không phải hổ thẹn với bản thân mình.
Gia đình không khá giả, cũng không có truyền thống khoa bảng gì. Có lẽ vì vậy mà bố mẹ rất nghiêm khắc trong chuyện học hành của chị em Ngoan. Cũng vì lẽ đó mà cô gái luôn ý thức được rằng học không chỉ cho riêng bản thân, mà còn cho giấc mơ còn dang dở của bố mẹ.
Ngoan chia sẻ: "Chuyện mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái có lẽ chẳng phải chuyện riêng của nhà ai. Vì sự khác biệt thế hệ mà chúng ta đã từng cho rằng bố mẹ mình thật bảo thủ, thật cố chấp, thật khắc nghiệt với mình; từng cảm thấy bất mãn, ngột ngạt, bức bối trong chính ngôi nhà của mình.
Nhưng dù biết rằng bố mẹ chỉ muốn điều tốt đẹp nhất cho con, thì mình vẫn phải có chính kiến, phải sống cuộc đời của chính mình thôi. Hãy chọn cách thương lượng, và nỗ lực để chứng tỏ những lựa chọn của mình không phải sự bồng bột nhất thời. Phải chứng tỏ mình có thể sống độc lập, sống tốt, và sống có chính kiến".
Xác định được mục tiêu ngay từ năm thứ nhất đại học, cô bạn đã lập kế hoạch học tập từ sớm và duy trì thành tích luôn ổn định. Ngoan giành học bổng ở 8 kỳ tại Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ngoan đã làm điều đó như thế nào?
1. TÌM HIỂU TIÊU CHÍ ĐẠT HỌC BỔNG
Ngay khi trở thành tân sinh viên ULIS, Ngoan đã tìm hiểu về các tiêu chí để đạt được học bổng của trường. Ở trường, học bổng được xét dựa trên 2 tiêu chí: Điểm trung bình học kỳ điểm rèn luyện. Mỗi ngành học sẽ có một số lượng học bổng nhất định (với ngành kép của mình là 2 suất/kỳ) và sẽ được xét từ trên xuống dưới dựa trên 2 tiêu chí kể trên. Có 3 loại học bổng là A, B, C tương ứng với mức tiền sẽ nhận được.
2. ĐẶT MỤC TIÊU CỤ THỂ
Ngoan luôn cố gắng đặt ra mục tiêu rất cụ thể cho bản thân ở đầu mỗi học kỳ để nhìn vào đó mà cố gắng. Với từng môn, sau khi đã học được một vài tuần đầu, cô sẽ ước lượng khả năng của bản thân ở môn đó và đặt ra mục tiêu về điểm tổng kết của môn, ví dụ Tiếng Anh 1A: B , Toán cao cấp: A , Triết 1: B ...
Ngoan cố gắng tất cả các môn đều phải được từ B trở lên và không phải học lại bất cứ môn nào, đồng thời cũng học đủ hoặc hơn số tín chỉ cần thiết của kỳ đó chứ không để dây dưa sang kỳ khác. Ngoan cũng lập 1 bảng, ghi mục tiêu và kết quả đạt được cho mỗi học kỳ để thấy mình đã làm được những gì, cần cố gắng những gì.
3. KHÔNG COI THƯỜNG BẤT CỨ MÔN NÀO
Có nhiều bạn thường chú ý và ưu tiên các môn chuyên ngành hơn là các môn chung như Triết, Tư tưởng, Đường lối, Thể dục... Nhưng với Ngoan, cô coi trọng tất cả các môn này như nhau và đều cố gắng đi học đầy đủ và nghiêm túc. Vì khi đã đặt mục tiêu đạt học bổng thì mỗi tín chỉ, không cần biết là của môn nào, đều ảnh hưởng đến điểm trung bình học kỳ của mình và chỉ cần một môn điểm thấp là sẽ kéo xuống rất nhiều.
4. ỨNG CỬ LÀM CÁN SỰ LỚP
Khi làm cán sự bạn sẽ có trách nhiệm hơn với môn học đó, ít nhất cũng phải đi học đầy đủ để còn điểm danh cả lớp. Làm ban cán sự lớp đồng nghĩa với nhiều việc hơn nhưng cùng với đó là bạn sẽ được thầy cô ưu ái hơn, ít nhất theo quan sát của Ngoan là vậy.
Ngoan đã từng làm lớp trưởng một số lớp môn chung, công việc phải làm là giúp thầy cô điểm danh trước giờ học, phân chia nhóm, thu bài tập của cả lớp... và đổi lại các bài kiểm tra của mình thầy cô đều có nâng điểm (ít nhất là 1-2 điểm tùy theo bài làm của mình). Cô thực sự cảm thấy đây là một việc hết sức hữu ích.
5. THAM GIA HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA VỪA ĐỦ
Vừa đủ đối với Ngoan chính là đủ để được cộng điểm hoạt động ngoại khóa khi tính điểm rèn luyện. Ngoan cho rằng, cô không bài xích các hoạt động ngoại khóa mà ngược lại rất khuyến khích mọi người tham gia nếu có thời gian. Còn với Ngoan, cô ưu tiên các công việc làm thêm, thực tập để có thêm kinh nghiệm và thu nhập ngay từ khi còn đi học nên chỉ tham gia một số hoạt động nhất định.
6. CÂN BẰNG HỌC TẬP VÀ LÀM VIỆC
Ngoan có công việc làm thêm từ khoảng năm 2 nhưng mình không vì mải kiếm tiền mà bỏ bê học hành. Cô cũng luôn có thời gian biểu nghiêm ngặt dành cho việc học và luôn ưu tiên việc học trên hết (vì cô biết khi đã ra trường rồi có muốn chuyên tâm học hành cũng không được nữa). Ngoan học vào các buổi không có tiết học trên trường và buổi tối từ 8h -11h.
Ngoan luôn cố gắng tập trung cao độ để có thể hoàn thành hết việc học trong khoảng thời gian nhanh nhất và có thời gian dành cho công việc làm thêm.
8 học kỳ của Ngoan tại ULIS cô đều được điểm trung bình xuất sắc (3.6 trở lên) và mặc dù số tiền học bổng không phải quá lớn (khoảng 4tr5-5tr5) nhưng Ngoan coi đó là minh chứng cho sự nỗ lực của mình.
"Mình đã làm tròn lời hứa với bố mẹ và những cam kết đối với bản thân. Mình tự hào vì đã chọn ULIS và sống trọn 4 năm thanh xuân với mái trường ấy", Ngoan nói.
Với những bạn còn đang băn khoăn khi bước vào môi trường đại học, Ngoan nhắn nhủ: "Các bạn khi đã lựa chọn thì hãy cố gắng hết sức mình. Hãy động viên bản thân và đừng ngần ngại nhờ đến sự trợ giúp của bạn bè, thầy cô và những người đi trước. Có thể sẽ có một lúc nào đó bạn hối hận với lựa chọn của bản thân, bạn rẽ ngang sang một lối đi khác, nhưng chừng nào còn bước đi trên con đường đã chọn, hãy luôn can đảm và bền chí".
Nam sinh Khánh Hoà là thủ khoa "kép" đầu vào và đầu ra đại học: IELTS 8.0, học 4 5 tiếng/ngày và có quan điểm sống cực hay "Để duy trì sự thoải mái khi học tập thì các bạn cần chú ý, học không nhất thiết là việc tiếp nạp kiến thức chuyên ngành mà bản thân nên tìm hiểu những môn học, những vấn đề mình yêu thích trước để tạo niềm say mê, hứng thú", Đình Doãn chia sẻ. Võ Đình Doãn, 23 tuổi, quê gốc tại tỉnh...