Thủ khoa từng vượt định kiến để chọn ngành sư phạm
Nguyễn Thị Diệu Khanh từng có lúc tự ti, hoang mang, nhận nhiều lời “bàn lùi” từ người ngoài, khi cô lựa chọn ngành sư phạm.
Nguyễn Thị Diệu Khanh là cử nhân ngành Sư phạm Ngữ văn hệ Chất lượng cao, Đại học Sư phạm Hà Nội. Nữ sinh nằm trong top 5 thủ khoa đầu ra của Đại học Sư phạm Hà Nội khóa 2016-2020. GPA trung bình đạt 3.88/4, tốt nghiệp bằng xuất sắc. Khanh cũng thuộc diện tuyển thẳng vào trường với giải nhì môn Ngữ văn cấp Quốc gia.
Học giỏi, đa tài nhưng có lúc, Khanh hoang mang, mất phương hướng khi chọn theo nghiệp sư phạm. Nữ sinh nhớ lại ngày cầm tấm giấy báo trúng tuyển trên tay, lòng nửa vui nửa buồn. Vui vì hoàn thành mục tiêu đỗ đại học; buồn khi nghe những lời bàn lùi từ người xung quanh: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, “Học sư phạm khó xin việc”, “Làm giáo viên biết bao giờ mới giàu”…
“Ngày mình chọn vào sư phạm, nhiều người bất ngờ và thấy tiếc. Họ nói học giỏi vậy sao theo nghề giáo? Nhiều lúc, mình cũng tự hỏi, tại sao có người lại khắt khe với ngành giáo dục đến thế? Nhưng rồi mình nhận ra, cái gì càng quan trọng thì càng được yêu cầu cao. Vai trò của giáo dục và giá trị của người thầy luôn được đề cao, cho dù xã hội có thay đổi thế nào”, Khanh nói với Zing.
Sau này, cha mẹ ủng hộ, Khanh có thêm động lực phấn đấu, kiên định với lựa chọn. 9X hiểu rằng năng lực chính là chìa khóa thành công, dù ở bất kỳ môi trường nào. Nữ sinh thường có thói quen đặt ra mục tiêu, từ đó có kế hoạch phù hợp.
“Từ năm thứ nhất, mình đã đặt ra mục tiêu tốt nghiệp trong top 10% sinh viên xuất sắc toàn trường. Khi mục tiêu trở thành hiện thực, và còn lọt top 5 thủ khoa đầu ra, mình cảm thấy khá hài lòng”, tân cử nhân chia sẻ.
4 năm đại học, nữ sinh giành giải thưởng Đỗ Hữu Châu dành cho sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện tốt, giải thưởng Nghiệp vụ sư phạm, Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác.
Tự nhận bản thân là người năng động, thích giao tiếp, Khanh tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Nữ sinh từng giữ chức Phó bí thư liên chi Đoàn khoa Ngữ văn nhiệm kỳ 2017-2019; Bí thư, Phó bí thư chi đoàn Chất lượng cao khóa 66; đại biểu tham dự các kỳ đại hội của Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên Thành phố Hà Nội, cũng như Đại học Sư phạm Hà Nội.
Video đang HOT
Tham gia nhiều hoạt động, Khanh chưa bao giờ cảm thấy áp lực về thời gian. Nữ sinh thường xuyên gọi điện thoại về nhà tâm sự với cha mẹ, đi du lịch, tham gia các chương trình, dự án cộng đồng. Thời gian rảnh, Khanh học piano, đọc sách, dự triển lãm nghệ thuật…, vừa để giải trí, vừa nâng cao kỹ năng.
Nói về dự định tương lai, Diệu Khanh cho biết cô học cao học. 9X quan niệm muốn đi dạy, trước hết phải học. Nữ sinh muốn nghiên cứu chuyên sâu về phương pháp dạy học, tâm lý học để phục vụ nghề.
Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội: "Không ai chọn nghề giáo để làm giàu"
Không ai chọn nghề giáo để làm giàu về tiền bạc; nhưng có những sang trọng và giàu có của nhà giáo chân chính không phải ai cũng dễ có được đâu. Hãy biết giữ gìn và trân trọng việc mình làm.
Đó là chia sẻ của Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh tại Lễ bế giảng và trao bằng cử nhân khoa học cho 1115 sinh viên tốt nghiệp năm 2020.
Tại buổi lễ, lãnh đạo nhà trường đã trao tặng giấy khen và trao bằng cử nhân khoa học cho 32 sinh viên tốt nghiệp Thủ khoa, 138 sinh viên tốt nghiệp loại Xuất sắc, 562 sinh viên tốt nghiệp loại Giỏi trong tổng số 1115 tân cử nhân tốt nghiệp năm 2020 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Trong tâm trạng xúc động, tự hào, GS.TS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường đã dành sự tri ân và kính trọng đến các thế hệ thầy cô giáo, cán bộ nhà trường - những người đồng hành trong mọi hoàn cảnh vì các thế hệ tương lai.
Đối với các tân cử nhân thân yêu của Nhà trường, thầy Hiệu trưởng nhắn nhủ đến các em thông điệp cuộc sống đầy ý nghĩa và sâu sắc:
Thủ khoa, xuất sắc Phạm Việt Dũng lớp sư phạm Vật lí tiếng Anh đại diện cho toàn thể tân cử nhân tốt nghiệp năm 2020 tặng hoa tới GS.TS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng nhà trường.
Đọng lại sau một mùa dịch khủng khiếp là sự tử tế
Chúng ta đã trải qua những ngày tháng khó khăn với rất nhiều cung bậc cảm xúc. Có lúc chính thầy đã phải hình dung đến những điều tồi tệ có thể xảy ra, nhưng chúng ta đã vượt qua, tất nhiên không phải đã qua tất cả.
Các em sẽ tiếc nuối vì sắc vàng hoàng yến đã phôi pha, những cánh phượng rực đỏ đã tan tác bận cuối hè, tiếng ve ran cũng đã lùi xa và lịm tắt; chỉ còn nắng, nắng vẫn thiêu đốt phía ngoài kia, nắng làm đẫm mồ hôi trên lưng còng áo mẹ, trên vầng trán của cha để đơm đầy bát cơm cho chúng ta mỗi bữa.
Các em sẽ tiếc nuối vì mùa hè cuối cùng của đời sinh viên ít nhiều không thật trọn vẹn. Thầy cũng cảm nhận sự mất mát trong đời. Thật đáng tiếc, vì dịch mà các em không có được tấm hình mùa lộc vừng thay lá, mùa hoàng yến ra hoa, để ghi lại khoảnh khắc yêu thương của một thuở vàng son đáng nhớ.
Nhưng cả đất nước này phải trải qua những tháng ngày kinh khủng. Tạo hóa đã thử thách chúng ta một cách nghiệt ngã. Rồi ở đó sự tử tế lại lên ngôi, sự dấn thân càng hiện rõ, sự thích ứng càng lộ ra, trách nhiệm cá nhân và cộng đồng có dịp bộc lộ.
Các em có một năm học đáng nhớ, một năm học chậm lại, ngày ra trường cũng chậm lại, thời sinh viên bất ngờ lại phải dài thêm trong bao lo lắng. Nhưng những ngày qua là mãi mãi không quên.
Có những điều đọng lại sau một mùa dịch khủng khiếp, đó là: sự tử tế, sự dấn thân và sự thích ứng.
Qua những biến cố, hãy hứa với nhau rằng chúng ta yêu thương nhau hơn, trân trọng nhau hơn và nguyện sẽ làm tốt hơn những việc ý nghĩa cho cuộc đời, vì chúng ta đã trải qua những tháng ngày nhọc nhằn, cam khó có nhau, đừng bao giờ tách mình ra khỏi cộng đồng.
Đất nước mình đâu có giàu đâu, nhưng khi hoạn nạn, ai cũng sẵn sàng chung tay, đùm bọc và che chở cho nhau; lo cho cái ăn, cái mặc, thuốc thang bằng ấy người trong các khu cách ly có phải đâu là chuyện dễ.
Hình ảnh anh bộ đội đẫm mồ hôi, tất tả để chuẩn bị các khu cách ly, ngồi ăn bát mì tôm nơi bìa rừng để bảo đảm an toàn nơi đường biên Tổ quốc, và các anh lo từng bữa cơm cho người già, bát cháo cho trẻ nhỏ, nhường chỗ ngủ cho dân. Phút nghỉ ngơi của các anh là tấm chiếu mỏng manh bên ngoài doanh trại.
Rồi những bác sĩ, y tá chia tay người thân để làm nhiệm vụ. Trong họ chắc sẽ băn khoăn rằng biết đâu đây là chia tay của lần sau cuối. Họ cũng chỉ muốn bình yên và hạnh phúc, nhưng họ chấp nhận đối mặt với hiểm nguy như một sự xả thân vì cả cộng đồng.
Hình thành một khoảng lặng
Mùa hè này trong mỗi chúng ta đều hình thành một khoảng lặng, để ta nghĩ về mình, về đất nước, con người. Các em hãy tĩnh tâm để nghĩ thật kỹ về chính mình, về những gì trong ta đang còn nhỏ nhoi, chật chội, vì cuộc đời thì rộng mở và đâu chỉ phải riêng ta?
Qua bão giông, những ước mơ tươi xanh của các em còn nguyên vẹn. Màu vàng của nắng lửa sẽ xa đi và thiên thanh của trời thu sẽ đến. Hãy tung cánh giữa trời xanh và gió lộng, hãy đi qua bão giông vì niềm tin và khát vọng, đi đến những nơi đang cần các em vì những điều tốt đẹp.
Những câu hỏi lớn của cuộc đời còn day dứt mãi trong ta, nhưng những việc tưởng chừng nhỏ nhoi phải dễ đâu làm được. Những giá trị chân chính về tình yêu thương sẽ khơi nguồn khát vọng và thôi thúc ý chí dấn thân.
Hãy đến với làng quê, hãy về nơi xóm thợ, hãy đặt chân đến bản làng, đến vùng sông nước phương Nam, với miền Trung nắng gió, nơi ấy đang rất cần các em.
Khát vọng yêu thương sẽ thôi thúc con người nghĩ về lương thiện
Khi trái tim không đủ rộng cho yêu thương thì trước cuộc đời làm sao có được lòng trắc ẩn. Dù có thương tiếc hôm qua thì ngày mai vẫn đến, trách cứ mà chi sao không mở lòng tha thứ để cuộc đời thêm chỉ yêu thương?
Khát vọng từ yêu thương sẽ thôi thúc con người nghĩ về lương thiện. Ảo vọng chỉ của giàu sang đơn thuần sẽ khiến con người làm bằng mọi giá. Giáo dục, trước hết để mỗi người định hình được giá trị và từ đây nuôi khát vọng cho mình và cả cho đời.
Khi thẩm thấu được những lo toan, trăn trở của cuộc đời người ta sẽ đi tìm những điều tốt đẹp. Khi nghĩ chỉ cho cá nhân vị kỷ thì trong đầu sẽ sinh ra nhiều điều toan tính, khi biết trao thì hạnh phúc tự về.
Hãy bắt đầu từ chính các em và yêu thương sẽ sinh sôi nảy nở.
Yêu thương sẽ làm nên khát vọng, nhưng chỉ mỗi yêu thương không đủ để xây đời. Khát vọng có chính đáng đến đâu nhưng nếu không hành động thì cũng chỉ là giấc mộng hão huyền xa vời vợi. Nồi cơm Thạch Sanh chỉ nằm sâu trong cổ tích, bát cơm ta ăn là nhọc nhằn năm tháng mẹ cha. Ngày mai ra đời, các em hãy ý thức rằng, mình cần biết nghĩ, biết làm và dám cống hiến. Dạy những điều trong sách vở rất cần, nhưng hành động của chính mình sẽ làm lan tỏa, để góp nhặt cho mầm ươm giá trị.
Sự biến động khó lường của thiên nhiên có lúc tạo nên biến cố. Vì vậy, giáo dục để mỗi người sẵn sàng thích ứng trước những chao đảo xảy ra là điều rất hệ trọng. Nhưng trước hết cần nhớ rằng, đừng thô bạo với thiên nhiên, nếu không sẽ phải trả giá quá đắt. Một bài học không thừa trong ngày tháng vừa qua.
GS.TS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng và GS.TS. Đỗ Việt Hùng - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trao bằng, giấy khen và tặng hoa cho các tân cử nhân tốt nghiệp Thủ khoa.
Giáo dục là đem lại sự tôn trọng và bình đẳng
Ngày mai, các em sẽ xa rời chốn bình yên để đi vào cuộc sống. Hãy mỉm cười đón nhận nó và dám đối diện với nó. Những kỷ niệm êm đềm, đẹp đẽ rồi cũng thành hoài niệm nếu ta không làm tươi mới nó. Cuộc sống vốn dĩ vẫn tồn tại nhiều điều không như mong muốn, nhưng đó là cuộc sống. Nghĩa vụ của chúng ta là làm cho cuộc sống tốt hơn chứ không phải chỉ ngồi phán xét; và cảm hóa là liệu pháp tối thượng của giáo dục để con người trở nên tử tế, lương thiện hơn.
Con tim để yêu thương nhưng cần cả khối óc để tạo ra sự diệu kỳ. Khơi nguồn để những ý tưởng mới sinh sôi là bổn phận cao cả của giáo dục. Muốn vậy, phải khai phóng được trí tuệ mỗi người. Mỗi người là một thế giới, từ những số phận không may mắn, đến những người có thuận lợi hơn, nhưng trọng trách của giáo dục là đem lại sự tôn trọng và bình đẳng cho tất cả, dù họ là ai. Các em nhớ lấy điều này.
Ai cũng có quê hương và rộng hơn là Tổ quốc; là mẹ cha, là đồng làng, góc phố, xa hơn là hũng vĩ Trường Sơn, là biển Đông sóng vỗ, là mênh mông sông nước Cửu Long. Những nơi đó còn lắm gian nan. Giáo dục để mỗi người yêu thương lấy mảnh đất nơi mình khôn lớn và khát vọng đổi đời cho bao người nơi mình đã được sinh ra.
Giáo dục để mỗi người không còn cam phận, để những sức mạnh tiềm tàng ẩn dấu hiện ra. Bổn phận của các em rất khó khăn nhưng cao cả.
Hãy tạo ra điểm tựa của chính mình
Khi ra đời, các em sẽ tiếp cận với cả mảng sáng và mảng tối, giao thời của ngày và đêm có cả hoàng hôn và cả bình minh, nhưng phải đặt ra mục đích cuối cùng để đến. Phải coi khó khăn là thử thách lòng kiên nhẫn của mỗi người để vượt qua; đừng bao giờ chùn bước; đừng bao giờ thỏa hiệp với cái sai, trong khó khăn phải tìm ra giải pháp mới chứ không dại dột làm liều.
Khi ra đời, cần bản lĩnh và những chuẩn mực. Các em chưa nhiều trải nghiệm cuộc sống thực nên càng cần thận trọng, biết tránh những cạm bẫy khó lường; muốn thế phải tỉnh táo, bản lĩnh và luôn nhớ những chuẩn mực, nhất là chuẩn mực trong giáo dục.
Khi ra đời, các em cần kiên trì để đưa những điều mới mẻ, tiến bộ vào thực tiễn công việc, lực cản của tâm lý không muốn thay đổi luôn cản trở, cho nên cần kiên trì và thuyết phục.
Khi ra đời, đừng lấy những ưu ái của cuộc đời, của mẹ cha dành cho ta để làm nơi bám víu, hãy tạo ra điểm tựa của chính mình, sự vững chãi cho chính mình bằng nỗ lực của chính mình, tầm gửi sẽ mãi mãi là tầm gửi.
Khi ra đời, các em cần có cái đầu biết độc lập trong tư duy, phóng khoáng trong suy nghĩ và hợp tác trong công việc; biết nhìn xa trông rộng, nhưng cần biết cả những việc gần gũi với mình.
Không ai chọn nghề giáo để làm giàu về tiền bạc; nhưng có những sang trọng và giàu có của nhà giáo chân chính không phải ai cũng dễ có được đâu. Hãy biết giữ gìn và trân trọng việc mình làm.
Thầy nhắc các em nhưng thầy tin các em sẽ làm tốt hơn những gì thế hệ của thầy đang làm, đó là một niềm tin tuyệt đối. Các em sẽ là những người khắc sâu những giá trị cao đẹp cho cuộc đời, thắp lên ngọn lửa đam mê cho thế hệ tương lai và hướng họ đến những ước mơ cao cả để hành động chân chính xây đời.
Hiệu trưởng nhắc tân cử nhân bài học từ Covid-19 Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh cho rằng sự tử tế, dấn thân và thích ứng là những gì đọng lại sau một mùa Covid-19 khủng khiếp. Sáng 11/7, tại lễ bế giảng năm học 2019-2020 ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trước hơn 1.100 tân cử nhân cùng đông đảo giảng viên, phụ huynh, Hiệu...