Thủ khoa từng bị bệnh viện trả về để lo hậu sự
Tuổi 18, Tuyết Loan là tân sinh viên với bao dự định. Mới nhập học, cô phát hiện bị ung thư máu phải nghỉ học. Sau hai năm chống chọi bệnh tật, cô tiếp tục đi thi và đạt thủ khoa.
Chúng tôi đã gặp Võ Tuyết Loan (sinh năm 1994, TP Bạc Liêu) – cô nữ sinh khiến thầy và trò CĐ Giao thông vận tải (Q3, TP.HCM) khâm phục – sau khi nhận thông tin về em do hội sinh viên gửi đến qua email tòa soạn Zing.vn.
Con nhà nghèo mắc bệnh hiểm ác
Năm 18 tuổi, Loan thi đậu vào trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Đó là một niềm vui lớn đối với cả gia đình. “Nhà em có 4 anh chị em thì ai cũng nghỉ học sớm đi làm ruộng. Em là con út được ăn học đầy đủ, lại đậu đại học nên cả gia đình kỳ vọng nhiều lắm”, cô gái có thân hình nhỏ bé chia sẻ.
Tuyết Loan trong giờ học công nghệ thông tin.
Nhưng Loan cũng chỉ cùng bạn bè cắp sách đến giảng đường được 1 tuần thì nhập viện. Thời gian đầu điều trị, cô gái lạc quan nghĩ rằng bị sốt. Sau 2 tháng điều trị, qua những lần chuyển viện, xét nghiệm thì bác sĩ nói Loan bị ung thư máu. Kết luận như sét đánh ngang tai, khiến cô gái 18 tuổi suy sụp. Giảng đường trước mắt cô là chốn xa xôi dù có nhiều ước mơ tốt đẹp.
Đôi mắt Loan trũng sâu khi nhớ lại khoảng thời gian ấy. Bác sĩ đưa ra những phác đồ điều trị với mức viện phí tối thiểu 500 triệu đồng cho đến 1 tỷ nếu thay tủy.
“Nhưng khả năng thành công thì không thể nói trước được”, cô nữ sinh ngậm ngùi. Đó là lần duy nhất cô gái 18 tuổi tỏ ra yếu đuối vì căn bệnh tuyệt vọng của mình.
Cuối cùng, Loan chọn phương pháp điều trị duy trì bằng cách uống thuốc và truyền tiểu cầu. Ở tuổi 18, Loan phải gắn bó với giường bệnh, mái tóc cứ thưa dần và việc học thì phải dừng lại. Cô chia sẻ: “Nhà không có nói cho em biết số tiền để chữa bệnh nhưng em biết là rất tốn kém quá khả năng so với thu nhập từ cây lúa của ba mẹ. Đến sổ đỏ, nhà cũng đã cầm cố và vay mượn mọi nơi”.
Đạt thủ khoa sau khi bị bệnh viện trả về lo hậu sự
Từ ngày nghỉ học, Loan vẫn ở lại TP.HCM để điều trị bệnh. Mỗi tháng, cô đi xe buýt 2-3 lần đến bệnh viện. ởi điều trị duy trì, nên những cơn đau đầu, buồn nôn, nhức xương vẫn đều đặn tìm đến thân thể bé nhỏ của Loan.
Video đang HOT
Có lần, Loan thẫn thờ khi bác sĩ phải trả cô về với gia đình để chuẩn bị lo hậu sự. Đó là thời điểm giữa năm 2014, sức khỏe cô gái đã rất yếu. Nhưng khi về nhà, như có một phép thần kì, sau 2 tuần cô khỏe lại và có thể lên lại thành phố thi đại học, cao đẳng.
Trước đó, vì khát khao muốn được đi học sau 2 năm bỏ quên nên Loan đã đăng ký đi thi. Cô chọn ngành công nghệ thông tin vì thấy hợp với cả khả năng và sức khỏe bản thân. “Không đi học, thấy thiếu thốn nên em muốn thi lại để có mục tiêu vươn tới”, cô gái quê Bạc Liêu cho biết.
Ngày thi đại học, Loan một mình đến hội đồng thi. Cô cười nheo mắt vì làm được bài và không gặp vấn đề sức khỏe trong giờ thi. Và Tuyết Loan, 20 tuổi, đã thi được 23,5 điểm, là thủ khoa đầu vào của khoa trong khi căn bệnh ung thu máu vẫn trong cơ thể.
Dù sức khỏe kém nhưng từ ngày nhập học, Loan vẫn chưa nghỉ buổi nào. Chỉ có những hôm đang học, mệt qua nên cô xin về sớm. Ngoài ra, Loan cũng đảm nhận tốt vai trò lớp trưởng mà bạn bè tín nhiệm giao cho.
Anh Tăng Quốc Cường (giáo viên khoa Công nghệ thông tin) cho biết: “Từ khi Loan mới nhập học, nhà trường đã biết hoàn cảnh éo le của em. Vì vậy, chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện để Loan có thể an tâm đi học như trao học bổng, làm giấy miễn giảm học phí và vận động bạn bè giúp đỡ, động viên em. Điều tôi ấn tượng là Loan luôn lạc quan, vui vẻ với cuộc sống”.
Tuyết Loan tâm sự: “Từ bé mọi người hay gọi em là đại tướng vì tính tình cứng rắn. Em nghĩ rằng, ai cũng sống một lần nên dù có những lần tuyệt vọng thì sau cùng em vẫn cố gắng lạc quan, vui với cuộc sống. Em cũng thấy những tấm gương ung thu máu vẫn sống tốt, đó là động để bản thân cố gắng”.
Theo Zing
Gập ghềnh đường đến trường
Để vào ĐH, những học sinh nơi vùng sâu vùng xa tỉnh Tiền Giang phải vượt qua một chặng đường dài đầy chông gai, thử thách.
41 tân sinh viên ấy tuy xuất thân từ những gia đình khác nhau nhưng các bạn lại giống nhau bởi một lý lịch chung: nhà thuộc diện nghèo, thiếu cha hoặc vắng mẹ, tự thân bươn chải từ nhỏ để phụ giúp gia đình và tìm đường đến trường...
Cô học trò làng biển cháy ước mơ thoát nghèo
12h trưa, cảng cá Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) vẫn còn tấp nập những đợt cá, mực từ các tàu đi biển mang vào. Len lỏi giữa dòng người hối hả ở cảng, chúng tôi gặp tân sinh viên Võ Nhật Hảo. Cô bé có gương mặt sáng, dáng người nhỏ xíu đang cùng mẹ xẻ vội số mực vừa được giao.
Hảo xẻ mực thuê ở cảng cá Vàm Láng.
Từ năm học lớp 8, Hảo đã theo mẹ vào cảng xẻ mực thuê. Hảo cho biết công việc xẻ mực rất bấp bênh, có ngày hai mẹ con làm được cả trăm ngàn đồng nhưng cũng có ngày chỉ hai ba chục ngàn. "Nửa đêm tàu ghé là phải có mặt làm liền để mực tươi. Mẹ ít khi cho em theo, chỉ buổi trưa mẹ mới cho ra làm" - Hảo nói.
Hảo là con gái lớn trong gia đình có ba chị em. Cha Hảo mất cách đây bốn năm. Kể từ đó, mẹ Hảo trở thành trụ cột chính trong gia đình với nghề xẻ mực thuê và sửa quần áo. Thương mẹ vất vả, Hảo phụ mẹ mọi việc có thể. Hàng xóm thương con bé Hảo học giỏi, hiếu thảo nên cho chiếc xe đạp để em đi học và chở mẹ ra chợ làm mỗi ngày.
Rồi khi Hảo lên THPT, đi học xa nhà gần 20 km, hàng xóm lại thương cho cả chiếc xe máy cũ để đến trường.
Bà Phạm Thị Tiến - mẹ Hảo nói: "Ở đây sống chủ yếu nhờ tình làng nghĩa xóm. Con Hảo nhập học ĐH được cũng nhờ mỗi người cho một ít..."
Kỳ thi ĐH năm nay Hảo đỗ cả hai trường là ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM và ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Hảo nói: "Nhìn mẹ vất vả em thương lắm nhưng không thể bỏ học được. Chỉ có học mới giúp em thoát nghèo, mới lo cho mẹ, ông bà nội và các em được".
"Con phải vào ĐH"
Trở về nhà sau hơn một tuần nhập học, Đoàn Thị Diễm Trinh (xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) không quên đến bên bàn thờ mẹ thắp nén nhang và kể về những ngày đầu bước vào giảng đường.
Với Trinh, việc vào được giảng đường ĐH không chỉ là hiện thực hóa ước mơ của bản thân mà hơn hết đó chính là hoàn thành di nguyện của người mẹ quá cố.
Tranh thủ ngày chủ nhật về thăm nhà, Trinh giúp cha rửa xe cho khách.
Trinh kể cách đây gần một năm, mẹ em bị bệnh nặng phải vào bệnh viện. Gia đình khó khăn, chỉ có căn nhà sàn dựng tạm bên lề đường. Cha làm nghề sửa và rửa xe, phải bỏ hết việc theo mẹ vào bệnh viện. Hằng ngày ở nhà, Trinh thay cha rửa xe cho khách kiếm tiền đi học. Chị gái Trinh đang học CĐ cũng phải bỏ ngang việc học để giúp cha chăm sóc mẹ.
Thế rồi, không bao lâu sau mẹ Trinh qua đời. Trước lúc mất, người mẹ chỉ nhắn gửi chồng mình một điều là lo cho hai con học đến nơi đến chốn, nhất là Trinh, phải vào được ĐH.
Căn bệnh ung thư quái ác không chỉ cướp mất mẹ Trinh mà còn để lại một món nợ khổng lồ cho gia đình Trinh. Chị gái Trinh quyết định không trở lại trường mà đi làm công nhân để phụ giúp cha. Còn Trinh nhận được giấy báo nhập học vừa mừng vừa lo không biết liệu đường nào.
Ông Đoàn Ngọc Thanh - cha Trinh nói: "Con gái lớn quyết tâm đi làm nuôi em nên tui cũng ráng lo cho con được thỏa ước mơ. Tui ở nhà làm kiếm tiền trả nợ từ từ cũng được, chỉ sợ con gái đi học xa nhà thiếu hụt đủ thứ thì tủi thân".
Phận mồ côi vào ĐH
Khác với Trinh, Lượm mồ côi cả cha lẫn mẹ khi còn rất nhỏ. Cái tin thằng Lượm "mồ côi" đậu ĐH khiến không khí trong căn nhà lá xập xệ ở phường 5, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang sôi nổi hẳn lên.
Trong căn nhà ấy, có đến năm người phụ nữ đã thay phiên nhau chăm sóc Lượm từ những ngày còn đỏ hỏn. Giờ họ đang nở nụ cười tươi vì đứa con "ngang hông" nay đã vào được ĐH.
Đạt đi cắt rau mướn phụ giúp các cô.
Lượm là cái tên các cô đặt cho Lương Phát Đạt bởi lẽ "nó sức khỏe yếu, khó nuôi" - bà Lương Thị Kim Liên, cô thứ tám của Đạt giải thích. Bà Liên kể do mẹ Đạt bị bệnh tim nên sinh em ra rất yếu, chỉ có 2,1kg. Ít lâu sau khi sinh Đạt thì mẹ em mất. Sau ngày vợ mất, cha Đạt buồn nên đi làm xa, cả năm mới ghé về một lần. Bốn năm sau thì ông có gia đình mới.
Cách đây hơn một năm, cha Đạt trở về nhà, sau đó qua đời. Đạt nói: "Năm người cô thay phiên nhau lo cho em đến giờ. Cô này lấy chồng thì gửi em cho các cô còn lại. Cứ như thế giờ chỉ còn cô út chưa lấy chồng nên đi làm nuôi em".
Hiện tại, Đạt sống chung với gia đình người cô thứ tám và cô út. Cuộc sống gia đình chỉ trông vào mảnh vườn nhỏ trồng mấy dây mướp và vài cây mít, cây mía. Cô út của Đạt làm công nhân, mỗi tháng tích góp được hơn 2 triệu đồng cũng để dành lo cho thằng cháu đi học.
Đạt đã chọn ngành sư phạm ngữ văn và thi đỗ vào ĐH Sư phạm TP.HCM. Sau khi làm thủ tục nhập học, Đạt được các cô gửi ở một ngôi chùa gần trường ĐH. Hằng ngày sau giờ học em lại phụ giúp các sư dọn dẹp và giữ xe cho khách viếng chùa.
Đạt nói: "Em mang ơn các cô nhiều lắm. Nhờ các cô em mới lớn khôn nên người. Em phải học tốt để trả ơn các cô...".
Theo Thuý Hằng - Hiền Trần/Báo Tuổi trẻ
Hành trình các thủ khoa nâng bước sĩ tử Các thủ khoa từ nhiều trường ĐH đã cùng trang web giáo dục trực tuyến Zuni.vn có những hoạt động tình nguyện ý nghĩa trong mùa thi vừa qua. Những nỗ lực đồng hành cùng sĩ tử Trước thềm mùa thi, hơn 30 thủ khoa, á khoa đến từ CLB Tình nguyện Zuni.vn và CLB Hoa Trạng Nguyên đã tham gia chia sẻ...