Thủ khoa tốt nghiệp đại học: Trải đủ nghề từ phục vụ quán, bán quần áo…
Trải nghiệm nhiều công việc như nhân viên bán quần áo, phục vụ quán, thu ngân ở siêu thị… việc nào chúng tôi cũng nhận được nhiều bài học quý giá mà trường đại học khó có điều kiện cung cấp cho SV.
Đó là những chia sẻ của nhiều sinh viên tốt nghiệp thủ khoa trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2020.
Thủ khoa ngành Văn học Tạ Đình Đoàn: “ Nếu đủ giỏi thì bạn cũng sẽ trở nên “rất gì và này nọ” đó!”
Gần bốn năm trước, khi bước chân vào cánh cửa đại học, hành trang tôi mang theo chỉ đơn thuần là niềm đam mê đối với văn chương.
Mặc cho những định kiến của xã hội rằng “học Văn không có tương lai”, tôi vẫn quyết định lựa chọn nơi này làm trạm dừng chân – một trạm dừng chân an toàn nhất, tiềm năng nhất đối với năng lực của bản thân ở cái tuổi 18, và giờ tôi biết, đó chính là trạm dừng chân đúng đắn nhất trong thanh xuân của mình.
Nhìn lại quãng thời gian bốn năm ấy, có thể khẳng định tôi đã dành cho ngành học một tình yêu nghiêm túc và đầy kiên định.
Chặng đường đại học quả là một hành trình “chung thuỷ” và đầy viên mãn đối với tôi: chỉ thi một trường, một khoa, đỗ nguyện vọng một và trở thành Thủ khoa đầu ra.
Thủ khoa ngành Văn học Tạ Đình Đoàn
Có lẽ môi trường đại học đã tạo điều kiện lý tưởng để một cậu bé “học lệch” như tôi có khả năng phát huy hết sở trường. Ngày còn học phổ thông, tôi học khá những môn Xã hội, yếu những môn Tự nhiên, đặc biệt sợ môn Toán.
Chính vì lý do này, tuy được xếp vào nhóm khá giỏi trong lớp, điểm trung bình chung tương đối cao, nhưng tôi lại không đạt được thành tích xuất sắc trong học tập vì điểm thành phần không đạt đủ điều kiện.
Lên đại học, mọi chuyện trở nên hoàn toàn khác biệt. Hầu như tôi chỉ cần tập trung vào những môn học thiên về Xã hội, là thế mạnh của mình, chỉ “điểm xuyết” đâu đó một vài mảng kiến thức liên quan đến Tự nhiên mà thôi. Như cá gặp nước, tôi đã học tập với niềm say mê và tinh thần chăm chỉ.
Nhưng tôi nào phải con “mọt sách” đâu. Với tôi, học cần phải đi đôi với hành, nhất là khi định hướng nghề nghiệp của tôi thiên về “hành” nhiều hơn.
Video đang HOT
Mặc dù ngành học chú trọng vào nghiên cứu khoa học mang tính hàn lâm nhưng tôi không dự định tiến bước theo con đường đó. Đích đến của tôi là trở thành một biên tập viên nhà xuất bản.
Do đó, tôi nghĩ rằng bản thân cần va vấp nhiều hơn với hiện thực khách quan của ngành. Với suy nghĩ ấy, trong quá trình học đại học, tôi tích cực đi làm thêm, không chỉ để trang trải tiêu dùng mà còn nhằm tích luỹ kinh nghiệm và kỹ năng.
Những năm sinh viên Tạ Đình Đoàn tích cực đi làm thêm, không chỉ để trang trải tiêu dùng mà còn nhằm tích luỹ kinh nghiệm và kỹ năng.
Tôi đã không ít lần liên hệ trực tiếp tới các đơn vị xuất bản, cơ quan báo chí – truyền thông để ứng tuyển làm cộng tác viên. Qua đó, tôi nhận ra một thực tế: Chỉ cần bạn yêu nghề và có năng lực, rất nhiều cánh cửa sẽ chào đón bạn! Trong thị trường lao động, những khối ngành hot (chẳng hạn như Kinh tế, Truyền thông) tương ứng với tỷ lệ chọi cao, không phải ai theo học cũng thành công.
Ngược lại, có thể những khối ngành đào tạo ở Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn kém nổi bật hơn, nhưng nhiều tấm gương đã cho thấy: nếu đủ giỏi thì bạn cũng sẽ trở nên “rất gì và này nọ” đó!.
Ngoài ra, như bao bạn bè đồng trang lứa, tôi cũng trải nghiệm một vài công việc không liên quan tới ngành như nhân viên bán hàng thời trang, nhân viên phục vụ quán nước, thu ngân ở siêu thị… Bất kể tham gia lao động ở ngành nghề, lĩnh vực nào, tôi cũng nhận được nhiều bài học quý giá – những điều mà trường đại học khó có điều kiện cung cấp cho sinh viên.
Thủ khoa ngành Báo chí Đặng Thanh Hải: Có những chuyến công tác mình phải “nhảy” xe khách đi vào lúc 9 giờ tối
Ngành Báo chí của mình yêu cầu sinh viên phải “động”: “Năng động – Chủ động”. Bởi với những môn học chuyên ngành, nếu chỉ ngồi yên một chỗ và không tìm kiếm thông tin, không biết hỏi và tự mình khám phá thực tế sẽ không thể nào ra được sản phẩm. Sinh viên sẽ buộc phải bứt phá giới hạn của bản thân để đáp ứng với khối lượng bài tập, sản phẩm mà thầy cô yêu cầu.
Thủ khoa ngành Báo chí Đặng Thanh Hải
Hiện tại mình đang làm thực tập sinh tại Ban Truyền thông – Công ty FPT Telecom. Công việc hiện tại của mình, nói chính xác sẽ là một phóng viên nội bộ. Mình đi lấy tin mỗi ngày, viết bài, quay chụp hình, làm nội dung.
Người ta nói làm phóng viên phải biết “đa-zi-năng”, cái này đúng lắm! Mình phải linh động trong mọi công việc và thích ứng một cách nhanh chóng nhất. Có những chuyến công tác mình phải “nhảy” xe khách đi vào lúc 9 giờ tối, đến nơi lúc 4 giờ sáng lúc mặt trời còn chưa lên. Giờ đây, đứng trước những công việc mới, mình không còn quá sợ hãi hay cảm thấy khó khăn, vấp ngã quá nhiều.
Tất cả là nhờ sự trau dồi và học hỏi kinh nghiệm từ thầy cô, bạn bè và những người xung quanh. Mình nhớ những ngày còn là sinh viên, mình cùng những người bạn trong lớp đã rong ruổi khắp những con đường Hà Nội và cả ở các tỉnh, chỉ để quay được những thước phim ấn tượng nhất về các nhân vật và chủ đề thời sự mà chúng mình theo đuổi.
Chúng mình đi rất xa chỉ để tìm kiếm nhân vật và thông tin mà nếu chỉ tìm trên mạng hay Google sẽ không thể tìm thấy. Hay năm thứ hai, mình làm cộng tác viên cho Kênh 14.
Có những bài viết mình phải sửa đi sửa lại, sửa tái sửa hồi không biết bao nhiêu lần, bị mắng vì ẩu, vì chưa biết dùng từ chính xác và ấn tượng. Nhưng trải qua những ngày khó khăn như vậy, mình mới trưởng thành lên.
Mình không giỏi ghi nhớ, không giỏi học hay làm nghiên cứu so với nhiều bạn khác, mình chỉ luôn nghĩ mọi sự cố gắng đều sẽ đem lại kết quả tốt.
Nhân văn cho mình rất nhiều thứ quý giá, đặc biệt đã cho mình thỏa sức ước mơ và khám phá những giới hạn và khả năng mới của bản thân, cho mình thêm nhiều người bạn tốt và những kỉ niệm ý nghĩa có một không hai.
Trong tương lai, mình hi vọng sẽ trở thành nhà báo, dùng ngòi bút và tâm huyết của mình để lan tỏa những điều tốt đẹp tới cộng đồng và xã hội.
Thủ khoa ngành lịch sử Phạm Thanh Huyền: Tôi đi làm thêm nhiều để có thêm thu nhập
Hiện nay rất nhiều bạn trẻ không thấy được sự cần thiết của việc tìm hiểu lịch sử quê hương mình, dẫn đến những định kiến sai lệch về việc học lịch sử, khiến môn Sử trở nên “khó nhằn”. Thực tế, đã có rất nhiều cách làm cũng như hướng đi mới cho việc dạy và học Lịch sử, nhưng hiệu quả chưa cao.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, điều đó không có nghĩa là việc học và tìm hiểu lịch sử tại Việt Nam thất bại. Bởi gần đây đã có rất nhiều bạn trẻ đạt được thành công vì đã đưa lịch sử vào trang phục, âm nhạc, thậm chí phim ảnh. Điều này khẳng định, lịch sử Việt Nam không chỉ có chiến tranh mà còn chứa rất nhiều điều thú vị khác.
Thủ khoa ngành lịch sử Phạm Thanh Huyền
Người học sẽ hứng thú với môn học này với điều kiện đào sâu suy nghĩ và chịu khó tìm tòi. Và tất nhiên, để đạt được thành công thì bạn thực sự phải tâm huyết và có đam mê với ngành này.
Câu chuyện của bản thân tôi trong quá trình học tập ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng là một minh chứng cho vấn đề này. Trong quá trình theo học tại trường, tôi đã đi làm thêm để có thu nhập.
Rất may mắn, tôi trúng tuyển vào một dự án phi chính phủ với mục đích hỗ trợ trẻ em và phụ nữ, đặc biệt là đối tượng bị bạo hành gia đình.
Chính dự án này đã cho tôi một ấn tượng mạnh, tác động tới hướng đi của tôi trong tương lai. “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” chính xác là những gì tôi làm, góp nhặt từng câu chuyện, gom lại những mảnh ghép vỡ vụn trong cuộc sống do bạo lực gây ra.
Chỉ khi nghe và cảm nhận sự tuyệt vọng của mỗi mảnh đời, những câu chuyện cũ, những quá khứ không muốn nhớ đến, tôi mới thực sự thấy bản thân may mắn và cảm nhận rõ người phụ nữ Việt Nam mạnh mẽ nhường nào. Từ đó, tôi muốn tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này và đó cũng là ấp ủ cho bước đi tiếp theo của bản thân mình.
Hà Nội sẽ tuyên dương 88 thủ khoa xuất sắc năm 2020
Ngày 21-8, Thành đoàn Hà Nội cho biết, Thành đoàn Hà Nội sẽ tổ chức các hoạt động tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện năm 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội vào cuối tháng 8.
Theo kế hoạch, 88 thủ khoa xuất sắc của các trường đại học, học viện sẽ được tuyên dương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội được vinh danh năm 2019.
Trong danh sách 88 thủ khoa xuất sắc năm 2020, có nhiều gương mặt đạt được thành tích vừa là thủ khoa kỳ thi vào đại học, vừa là thủ khoa tốt nghiệp; có những thủ khoa là cán bộ Đoàn, Hội tích cực, năng động trong các phong trào thanh niên, hoạt động tình nguyện.
Nhiều thủ khoa xuất sắc là đảng viên; là những tấm gương vượt khó vươn lên; có công trình nghiên cứu khoa học, đề tài, sáng kiến, giải pháp thiết thực, hiệu quả, được giải trong nước và quốc tế, tiêu biểu như các thủ khoa: Nguyễn Hải Vân (Đại học Y tế cộng đồng); Trương Tấn Sang (Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội); Phạm Việt Dũng (Đại học Sư phạm Hà Nội); Nguyễn Anh Thư (Đại học Luật Hà Nội)...
Năm 2020 là năm thứ 18 liên tiếp thành phố Hà Nội tổ chức tuyên dương các thủ khoa xuất sắc các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố. Đây là một trong những hoạt động kịp thời khuyến khích, bồi dưỡng và thu hút những nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tính cả năm 2020, đã có 1.879 thủ khoa được vinh danh, đón nhận Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội. Nhiều thủ khoa trong số này đã đạt được thành công trong sự nghiệp, có nhiều đóng góp phục vụ, cống hiến cho Thủ đô và đất nước...
Con đường trở thành thủ khoa của nữ sinh nghèo ở Thanh Hóa Sinh ra tại Nông Cống (Thanh Hoá) trong gia đình thuần nông, nhiều người nói với Vân: "Hoc đai hoc xong sau nay cung chi đe kiem tien thoi, sao không đi xuat khau lao đong luon?" Đat thanh tich hoc tap noi bat khi tro thanh thu khoa nganh Quan he cong chung, tim đuoc cong viec đung nhu uoc mo ngay...