Thủ khoa Nông dân bật mí kinh nghiệm ôn thi khối B
Cách duy nhất để tìm ra phương pháp là học hành thật sự chăm chỉ. Khi tiếp xúc với sách vở nhiều, người học sẽ tự rút ra được phương pháp thích hợp cho mình.
Thủ khoa Lê Thị Minh Vượng là một tấm gương tiêu biểu cho phương pháp học tập không cần cao siêu, không dùng bí quyết, thủ thuật, mà ngược lại, rất bài bản và khoa học để giành được kết quả cao. Những phương pháp ôn luyện bài bản và khoa học giúp Lê Thị Minh Vượng trở thành cô thủ khoa Nông dân của ĐH Y Hà Nội năm 2010.
Sinh ra trong một gia đình nông dân ở Ứng Hòa – Hà Nội, không học trường chuyên, cũng chưa bao giờ có điều kiện đến các lò luyện thi, nhưng Lê Thị Minh Vượng đã trở thành thủ khoa khối B, ĐH Y Hà Nội, với 29 điểm. Đồng thời, bạn ấy cũng đạt 29 điểm khối A trường ĐH Ngoại thương năm 2010.
Điều đặc biệt ở cô bạn thủ khoa này nằm ở phương pháp học tập hết sức khoa học và bài bản. Vì thế những kinh nghiệm ôn luyện và phương pháp học của Vượng có thể áp dụng cho phần đông các bạn học sinh chuẩn bị bước vào kì thi tốt nghiệp THPT và đại học sắp tới.
Thông minh không bằng phương pháp
Khi được hỏi làm sao để có một phương pháp học và ôn luyện bài khoa học nhất, Minh Vượng nói: “Một phương pháp cụ thể không thể đúng cho tất cả mọi người. Vì thế, mỗi người cần phải tìm cách tự rút ra phương pháp phù hợp với điều kiện, thói quen của mình.”
Vượng cho rằng, cách duy nhất để tìm ra phương pháp là học hành thật sự chăm chỉ. Khi tiếp xúc với sách vở nhiều, người học sẽ tự rút ra được phương pháp thích hợp cho mình. Chăm chỉ để rút ra phương pháp, phương pháp sẽ tạo ra thói quen, thói quen đúng sẽ tạo ra hiệu quả học tập tốt.
Nói về phương pháp ôn luyện của mình, Vượng khiêm tốn: “Với mình sách giáo khoa là tài liệu tối quan trọng. Bởi vì đề thi đại học chủ yếu xoay quanh chương trình sách giáo khoa. Tuy nhiên vẫn phải nhờ tới sự giúp đỡ của sách tham khảo để tổng hợp kiến thức, nâng dần mức độ khó của bài tập. Ngoài ra, với mỗi môn cần có một phương pháp học ôn riêng, phù hợp với đặc điểm của nó.”
Video đang HOT
Thủ khoa Nông dân bật mí kinh nghiệm ôn thi khối B.
Lê Thị Minh Vượng: “Sách giáo khoa là tài liệu tối quan trọng.”
Môn Toán là môn tự luận nên cần rèn khả năng lập luận nhiều nhất. Cấu trúc đề thi thường cố định, nên chỉ cần ôn luyện kĩ và bám sát cấu trúc đề là có thể đạt điểm cao. “Bảo bối” của Vượng là bộ sách của tác giả Lê Hồng Đức. Bạn ấy nói: “Bộ sách này bao gồm các sách về Hàm số, Lượng giác… kiến thức đã được tóm tắt, tổng hợp từ dễ đến khó, nên rất phù hợp với người ôn luyện.”
Môn Hóa mặc dù không có nhiều công thức, nhưng có nhiều dạng bài. Với môn Hóa, điều cần thiết nhất là chăm chỉ làm bài tập để rèn kỹ năng. Trước khi đi thi, Vượng đã rèn cho mình khả năng giải bài tập môn Hóa với tốc độ cao nhất có thể bằng cách bấm thời gian. Điều này sẽ tạo thói quen làm việc nhanh nhạy, chủ động về mặt thời gian trong phòng thi.
Để thi tốt Sinh, điều khó khăn nhất với Vượng là học thuộc lý thuyết. Nhưng đọc nhiều để hiểu bản chất vấn đề sẽ giúp cho việc học thuộc này trở nên dễ dàng hơn, Vượng chia sẻ: “Với môn Hóa và Hình, Vượng sử dụng sách của nhiều tác giả khác nhau, miễn sao sách đó đưa ra cách giải bài tập nhanh.”
Ngoài ra, để ghi nhớ được lượng công thức khổng lồ, Vượng thường tìm cách tự mình chứng minh công thức, cách này giúp bản thân hiểu sâu vấn đề và nhớ lâu hơn. Nhớ sâu công thức sẽ giúp người học có thể vận dụng và biến đổi linh hoạt khi làm bài mà không bị nhầm lẫn.
Học giỏi nhưng cần bản lĩnh và nhanh
Các cụ xưa có câu: “Học tài thi phận”. Để tránh gặp phải điều này, theo Vượng, điều quan trọng là phải “rèn giũa” bản lĩnh trước kì thi. Bản lĩnh ở đây bao gồm sức khỏe, tâm lý ổn định.
Để đảm bảo sức khỏe, sự minh mẫn, ngày nào cô thủ khoa Nông dân này cũng dành ra ít nhất 30 phút buổi trưa để ngủ. Bạn nói: “30 phút này sẽ giúp mình tỉnh táo và minh mẫn trong cả buổi chiều, buổi tối để tiếp tục học.”
Ôn luyện chăm chỉ, bài bản chưa đủ nếu như không có sức khỏe tốt để sẵn sàng “chiến đấu”. Vượng chia sẻ: “Vào ngày thi, tâm lý hồi hộp khiến mình không muốn ăn, nhưng không những không bỏ bữa mà mình còn cố gắng ăn nhiều hơn bình thường. Thời gian làm bài thi khá dài, thế nên cần phải có đủ năng lượng dự trữ trong cơ thể. Số năng lượng này sẽ giúp mình duy trì được tốc độ làm bài nhanh, ổn định và sự minh mẫn, sáng suốt.”
Mỗi khi gặp bài khó chưa giải được ngay, hay học xong bài, Vượng giải trí bằng cách đọc sách và làm việc nhà giúp bố mẹ. Theo bạn ấy, trước kì thi, thí sinh không nên tạo áp lực quá lớn với mình, vì đôi khi áp lực lớn sẽ làm giảm năng suất học tập.
Để đạt được tốc độ làm bài nhanh tối đa có thể, Vượng mách nước rằng cách rèn luyện đơn giản là khi làm các bộ đề, thường tính toán và phân bố thời gian sao cho hợp lý với hệ số điểm của từng bài.
Đối với các môn trắc nghiệm, làm được 10 câu, Vượng lại xem lại thời gian, nếu làm chậm tiến độ sẽ tăng lên, làm đúng hoặc nhanh, thì duy trì tốc độ hiện tại. Cách này rèn cho Vượng sự chủ động về mặt thời gian trong khi làm bài.
Những phương pháp bài bản và những bí quyết làm bài hết sức thông minh mà Vượng chia sẻ, tin chắc rằng bất kỳ thí sinh nào, không riêng gì thí sinh thi khối B đều có thể áp dụng và đạt được kết quả cao.
Theo VTC
Cô thủ khoa khoa Văn chia sẻ bí quyết học giỏi
"Sống hết mình và cố gắng mỗi ngày", đó là phương châm theo chân Thùy Linh suốt 4 năm học ĐH. Cô bạn vừa trở thành thủ khoa khoa Văn học, hệ chất lượng cao, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn với điểm trung bình toàn khóa 3.65/4.00.
Nguyễn Thùy Linh là sinh viên lớp K51, khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội). Linh là một trong các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2010 được tuyên dương vào tháng 8 vừa qua.
Trong 4 năm học đại học, Linh liên tục nhận được học bổng và bằng khen của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn và ĐH Quốc gia Hà Nội cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc.
Linh chia sẻ: " Với tớ, học tập trung và tăng cường khả năng tư duy chủ động sáng tạo là bí quyết thành công".
Thùy Linh trong buổi dự lễ bế giảng khoa Văn học,ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn khóa QH-X-2006.
Phương pháp học tập của Linh là trong mỗi bài học, cô bạn thường tổng kết ý chính, đến lúc thi chỉ cần tổng hợp lại, nhờ vậy việc ôn tập đỡ vất vả hơn.
Với Linh, học nhóm cũng rất hiệu quả bởi chia sẻ các kiến thức đã thu nạp được sẽ giúp bài thi của bạn trở nên sinh động hơn rất nhiều.
Linh cho biết: "Từ năm thứ nhất, tớ đã có kế hoạch học tập chi tiết. Với các môn đại cương, chúng ta nắm được ý chính và vạch sơ đồ tư duy để dễ dàng sinh động hóa những nguyên lí vốn khô khan. Với môn chuyên ngành, do đặc thù môn Văn, tớ cố gắng đọc nhiều, xem nhiều và cố gắng phát hiện vấn đề mới trong từng bài học, từng tác phẩm. Thư viện cũng là một công cụ hữu dụng cho sinh viên và là môi trường học khá thuận lợi để các bạn sinh viên trao đổi kinh nghiệm, học tập tốt hơn".
Thùy Linh chụp cùng TS. Nguyễn Văn Nam, người hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp đại học cho cô bạn.
Được chuyển tiếp hệ đào tạo thạc sĩ, Linh càng có thêm quyết tâm học cao hơn nữa để trau dồi kiến thức và tìm kiếm cơ hội tốt hơn cho tương lai. Bạn mong muốn tìm được một công việc phù hợp với chuyên ngành và niềm đam mê của bản thân, có cơ hội được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp và sáng tạo.
Theo dân trí
Để học tốt ở bậc Đại Học Khi được hỏi về bí quyết học, thủ khoa Trần Trọng Biên (đỗ 29,5 điểm vào Trường ĐH Dược), chia sẻ, có chăng thì chỉ là những kinh nghiệm chọn sách, đọc sách. Biên cho biết bạn ấy tự học theo sách, đọc rất nhiều lần, bài nào không hiểu mới nhờ thầy cô giảng. Những gì học được, nghe được đều viết...