Thủ khoa người Chu Ru được cấp học bổng toàn phần
Em Ma Hiêng, người dân tộc Chu Ru, tân thủ khoa khối C Trường đại học Đà Lạt, sẽ được tỉnh Lâm Đồng cấp học bổng toàn phần trong suốt thời gian theo học tại trường này.
Chiều tối qua 1/8, ông Huỳnh Đức Hòa, chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, có buổi gặp gỡ em Ma Hiêng – tân thủ khoa khối C Trường đại học Đà Lạt, người dân tộc Chu Ru.
Trong buổi gặp gỡ, động viên thủ khoa Ma Hiêng khắc phục khó khăn, cố gắng học tập, ông Huỳnh Đức Hòa còn thông báo cho Ma Hiêng biết tỉnh Lâm Đồng đã quyết định cấp học bổng toàn phần cho Ma Hiêng trong suốt thời gian theo học tại Trường đại học Đà Lạt. Ngoài ra, nếu Ma Hiêng có nhu cầu đi du học, tỉnh Lâm Đồng sẽ liên hệ với các tổ chức liên quan để xin học bổng.
Video đang HOT
Em Ma Hiêng trong buổi gặp gỡ với ông Huỳnh Đức Hòa – chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.
Ma Hiêng sinh ngày 27/10/1993, là thủ khoa khối C đầu tiên của người Chu Ru. Em thi vào ngành Sư phạm Ngữ văn trường đại học Đà Lạt với số điểm các môn là Ngữ văn 7,25, Lịch sử 7,0 và Địa lý 8,75. Do gia đình khó khăn nên sau khi thi đại học xong Ma Hiêng đã phải xuống Ninh Thuận đi hái đậu thuê với giá 60.000đ/ngày với mục đích dành dụm tiền để nhập học.
Theo Dân Trí
Cô bé thủ khoa hái đậu thuê cách nhà 200km
Ma Hiêng nhận tin mình có điểm thi cao nhất khối C của Trường ĐH Đà Lạt khi đang đi hái đậu thuê ở Ninh Thuận, cách nhà mình ở Lâm Đồng 200 km. Em cũng là người dân tộc ChuRu đầu tiên có kết quả này.
Tuổi thơ bất hạnh
Ma Hiêng đang thu hoạch đậu thuê tại vùng quê Ma Nới (Ninh Thuận)
Hay tin con gái thi đỗ đại học điểm cao, chị Ma Thúy ở buôn Klong Bong (thôn 2, xã Tà Năng, H.ĐTrọng, Lâm Đồng) không giấu được niềm vui lẫn với nỗi lo hiện rõ trên gương mặt sạm nắng.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà gỗ tuềnh toàng, chị Ma Thúy (43 tuổi, ngụ tại buôn Klong Bong), nhớ lại:
"Ma Hiêng mồ côi bố từ khi còn trong bụng mẹ. Nó là đứa ham học ngay từ nhỏ, khi đang làm rẫy, thấy bạn bè đi học nó bỏ làm đi theo đến lớp đứng xem các bạn học, rồi ham học đến mức đánh liều đến xin cô giáo cho vào học thẳng lớp 1... ". Chị Ma Thúy, bảo: cũng chẳng ngờ con bé lại sáng dạ như thế, từ lớp 1 đến lớp 12, năm nào cũng mang giấy khen về nhà.
Theo chỉ dẫn của chị Ma Thúy, vượt gần 200km đường tìm về vùng quê Ma Nới (Ninh Sơn, Ninh Thuận), chúng tôi đã gặp được Ma Hiêng khi cô bé đang hái đậu thuê trên rẫy.
Sau phút bất ngờ, Ma Hiêng cho biết mình cũng chỉ vừa biết tin đã đậu đại học nhưng quả thật là không dám nghĩ lại đạt được điểm cao như vậy.
Khi được hỏi về tuổi thơ và chuyện tự quyết định ghi danh vào lớp 1, Ma Hiêng bảo: "Lúc nhỏ, em chả nghĩ được gì xa hơn bước chân mình, chỉ thấy đi học thì rất vui, cô giáo nói những điều rất lạ mà ở trên rẫy không có, thế là xin được học thôi".
Còn về tuổi thơ, quả thật Ma Hiêng không muốn nhớ, nghe người lớn kể lại khi còn trong bụng mẹ 7 tháng tuổi thì bố mất.
Mẹ buồn, bệnh, con đông, nhà gặp khó khăn... nên khi sanh mình, mẹ định cho đi ở nhưng bị bà ngoại mắng rồi mang về nuôi. Không có sữa, bà ngoại nấu nước cháo cho uống, rồi hàng ngày địu lên rẫy xin sữa của những phụ nữ có con mọn trong làng cho uống và mình đã lớn lên nhờ nguồn sữa của ngoại và bà con buôn làng.
Ba năm sau ngày bố mất, mẹ Ma Hiêng đi bắt chồng khác. Được cái, người cha dượng cũng tốt bụng nên Ma Hiêng không bị đứt đọan chuyện học.
Năm đó lên lớp 2, mẹ Ma Hiêng bảo nghỉ ờ nhà đi làm rẫy. Mẹ còn dọa nếu không nghỉ học sau này đau ốm, bệnh tật phải tự lo lấy thân chứ mẹ không lo nữa, học cũng đâu có no được cái bụng.
Ông bố dượng nghe thế nhưng không nói gì nhiều và cũng không ngăn cản. Với lại, thấy mình quyết tâm đi học không chịu bỏ bữa nào nên cũng không bàn nữa và để cho mình tự quyết, sau đó mẹ đã nghỉ lại và hàng tháng vẫn dành dụm tiền để gửi cho mình ăn học. Và rồi Ma Hiêng lại đi học, may mắn lại đến với cô bé khi gặp thầy Nguyễn Thái Sơn.
Tiền công hàng ngày hái đậu thuê là 60.000 đồng, Ma Hiêng tranh thủ đi làm trước ngày nhập học
Hành trình vào đại học
Đó là thời gian Ma Hiêng đang theo học lớp 5 Trường THCS Tà Năng (xã Tà Năng, huyện Đức Trọng).
Vì quý mến sự hiếu học và cám cảnh hoàng cảnh của cô học trò, thầy Sơn giúp đỡ làm toàn bộ hồ sơ, thủ tục cho Ma Hiêng tiếp tục vào học ở trường phổ thông DTNT huyện Đức Trọng.
Ma Hiêng bộc bạch: "Đúng là mình gặp nhiều may mắn, bởi từ trước đến nay trong làng chẳng có đứa con gái nào học được cho hết lớp 8, may nhờ có thầy Sơn mình mới có ngày hôm nay nên mình rất biết ơn thầy".
Ma Hiêng tâm sự, vì sống với bà ngoại, thường xuyên nhìn thấy cảnh bà ngoại ốm đau bệnh tật. Đặc biệt do trình độ dân trí của người dân trong buôn còn thấp kém nên vẫn còn những hủ tục mê tín dị đoan, cứ thấy bệnh tật lại nghĩ là ma ám...
Vì vậy, có lúc Ma Hiêng mơ ước sau này sẽ trở thành một bác sỹ để chăm sóc ngoại và dân làng.
Nhưng rồi kỷ niệm của những ngày học ké đã lấn át, chưa kể hoàn cảnh không cho phép vì nhà nghèo, muốn trở thành bác sỹ là không dễ nên Ma Hiêng đã chọn con đường vào sư phạm như một cách để tri ân cô giáo năm xưa đã ghi danh cho Ma Hiêng đi học, và cũng là để sau này có thể về dạy học ngay ở buôn làng của mình.
Chia tay Ma Hiêng trong cái nóng như nung của vùng Ma Nới (Ninh Thuận), nơi cô bé tân thủ khoa khối C của Trường ĐH Đà Lạt vẫn đang tranh thủ thời gian làm thuê với số tiền 60.000 đồng tiền công hái đậu để còn lo việc nhập học.
Hành trình 4 năm dùi mài kinh sử ở giảng đường đại học đối với nhiều bạn đồng trang lứa có thể nhẹ tênh, nhưng với Ma Hiêng là cả một gánh nặng, nặng hơn những gùi củi ngày xưa mà em phải gùi khi bụng đói.
Nhưng Ma Hiêng đã quyết rồi! Ngày xưa khổ thế, bé thế còn học được, giờ lớn rồi sợ gì. Cứ vừa làm thuê vừa đi học, trên thành phố, hẳn nhiều việc làm thuê hơn ở buôn mình.
Theo VNN
120 suất học bổng tiếng Anh toàn phần cho HS, SV Công ty IIG Việt Nam vừa tổ chức lễ trao học bổng cho 120 học sinh, sinh viên khá giỏi các trường học trên địa bàn Hà Nội. Học bổng ETS - IIG 2011 là các suất học bổng tiếng Anh toàn phần theo chuẩn quốc tế. Sau 2 tháng phát động chương trình học bổng, Hội đồng xét tuyển Chương trình học...