Thủ khoa lớp 10 chuyên Hóa ‘ẵm’ luôn Á khoa chuyên Toán
Mặc dù trở thành thủ khoa lớp chuyên Hóa của Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên nhưng Lê Thanh Lâm quyết định sẽ theo học lớp chuyên Toán để thử thách bản thân và bứt phá.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về môn Hóa khi cả ông ngoại và bố đều là giáo viên dạy Hóa tại Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, mẹ là giảng viên Hóa của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Thanh Lâm tự nhận mình có nhiều lợi thế.
Ngoài thành tích thủ khoa và á khoa của Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, mới đây, Thanh Lâm còn đỗ vào lớp chuyên Toán của Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam với kết quả khá cao. Tuy vậy, nam sinh vẫn quyết định sẽ lựa chọn lớp chuyên Toán trường Tự nhiên với kỳ vọng, đây sẽ là một thách thức mới để bản thân phải cố gắng chiếm lĩnh.
“Mẹ không ép con phải là người giỏi nhất”
Ngay từ khi còn học mẫu giáo, Thanh Lâm đã bộc lộ niềm say mê với các con số. Mặc dù khi ấy chưa biết đánh vần, nhưng bằng việc tự quan sát, Lâm có thể nhớ được những chữ cái mà mẹ đã chỉ cho.
Lên 3-4 tuổi, Lâm thuộc được hết các chữ số và có thể đọc cả dãy số dài do em tự tìm ra quy luật chia cụm 3 số để đọc.
Cũng vì sớm biết đọc hơn các bạn nên Lâm đọc đề và giải toán rất nhanh. Nhận thấy ở học trò có năng khiếu đặc biệt, cô giáo đã định hướng và bồi dưỡng cho Lâm nhiều hơn trong bộ môn Toán.
Lê Thanh Lâm, cựu học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (Cầu Giấy)
Cấp 1 cho con học Trường Tiểu học Nghĩa Đô, đến cấp 2 là Trường THCS Lê Quý Đôn, chị Trần Thị Thanh Vân (mẹ của Lâm) cho biết luôn tâm niệm không ép buộc con phải đạt thành tích này, thứ hạng kia.
Vì thế, suốt 9 năm học, Lâm chỉ học tại những trường công gần nhà, học từ chính các thầy cô trong trường thay vì chạy xô đi học thêm ở khắp mọi nơi.
“Mình luôn nói với con: “Mẹ không cần con phải là người giỏi nhất. Mẹ chỉ mong nếu đã học, con phải thật nghiêm túc và biết tự đưa ra lựa chọn cho bản thân mình”.
Phát hiện ra năng khiếu, sau này dần thích và gắn bó với môn Toán nhiều hơn, Lâm cho rằng, môn Toán có sự trật tự, logic và nhiều điều thú vị để mình khám phá. Ví dụ, khi giải một bài Toán, để cho ra kết quả là điều bình thường. Nhưng để tìm ra cách giải hay nhất trong mọi cách giải thì đó mới là một thử thách.
Lâm luôn tự tạo ra cho mình những thử thách như thế. Do đó, nếu đang trót “chìm đắm” trong một bài toán nào, em cũng có thể thức rất khuya cho đến khi tìm ra được lời giải tối ưu nhất.
Khi còn đang học lớp 6, Thanh Lâm đã tham gia kỳ thi toán Mỹ mở rộng (AMC8) – vốn dành cho những học sinh lớp 8 – và lọt vào top 5% học sinh đạt điểm cao nhất quốc tế. Đến năm lớp 7, 8 em tiếp tục tham gia kỳ thi này và lọt top 1%.
Ngoài ra, Lâm còn giành huy chương Vàng kỳ thi Tìm kiếm tài năng toán học quốc gia (MYTS) ba năm liên tiếp từ 2017, 2018, 2019; huy chương Vàng kỳ thi Toán Châu Á – Thái Bình Dương (APMOPS) năm 2018; huy chương Vàng kỳ thi Toán quốc tế Hà Nội mở rộng (HOMC) năm 2019.
Video đang HOT
Lâm cho rằng, kết quả này một phần cũng vì em luôn tạo cho mình tâm thế thoải mái nhất trước mọi kỳ thi.
Ngồi trong bếp hai bố con cũng có thể cùng nhau học
Mẹ của Lâm nhận xét, em là một người “học ngẫu hứng”, bởi nếu chạm phải vấn đề mình thích thú, Lâm sẽ học rất hăng say. Ngược lại, có những ngày, Lâm chỉ học 15 phút, sau đó lôi tất cả sách, truyện ra để đọc.
Khoảng thời gian gần thi vào lớp 10, Lâm bắt đầu đi học thêm, nhưng cũng chỉ học duy nhất 1 buổi/ tuần với môn Toán. Còn lại, Lâm đều tự học và nhờ sự chỉ bảo của các thầy cô trong trường. Giai đoạn sắp thi, Lâm cùng bố học với nhau bất kỳ lúc nào có thể.
“Ngồi trong bếp, hai bố con cũng có thể nói chuyện với nhau về môn Hóa. Những ngày trong tuần, bố thường bận đi làm và Lâm bận đi học nên việc trao đổi giữa hai bố con thường được tranh thủ mọi lúc mọi nơi. Ngày Chủ nhật ở nhà, hai bố con lại hẹn nhau xem Đường lên đỉnh Olympia, cùng đố nhau về những câu hỏi trong chương trình.
Con cũng luôn chủ động trao đổi, xin bố cung cấp thêm tài liệu để củng cố kiến thức của mình. Việc học với con luôn là chủ động, tự giác và cảm thấy việc học là có ích”, chị Vân kể.
Lê Thanh Lâm đứng thứ 2 bên phải
Lâm cho biết: “Em quyết định lựa chọn theo chuyên Toán bởi ở môn Hóa, em đã có sự hỗ trợ từ phía gia đình khi cả bố mẹ và ông đều dạy Hóa.
Nếu lựa chọn môn học này, em sẽ không có nhiều cơ hội để phát triển và đào sâu môn Toán. Ngoài ra, em thấy lĩnh vực Toán học có rất nhiều người giỏi. Đây sẽ là một thử thách đòi hỏi em phải nỗ lực và bứt phá hơn nữa”, Lâm nói.
Mục tiêu cao nhất Lâm vạch ra khi theo học tại Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên là lọt vào đội tuyển dự thi Olympic Toán quốc tế.
Là giáo viên chủ nhiệm gắn bó với Lâm từ những ngày đầu vào Trường THCS Lê Quý Đôn, cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt Ánh cho rằng, những kết quả Lâm đạt được vừa qua không quá bất ngờ, bởi Lâm vốn có tư chất đặc biệt trong những môn tự nhiên.
“Lâm là một học sinh thông minh, yêu thích môn Toán. Tất cả các môn tự nhiên con đều học rất tốt và tiếp thu một cách say mê. Trước khi đi thi, thầy cô cũng đã dự đoán được Lâm có thể sẽ giành được thành tích rất tốt vì con vốn dĩ rất cầu toàn và chỉn chu. Mình tin rằng, trên chặng đường mới, Lâm sẽ đạt được nhiều thành tích tốt hơn nữa”, cô Ánh nói.
10X đỗ 6 lớp chuyên, là thủ khoa và á khoa
Không chỉ trúng tuyển 6 nguyện vọng chuyên, Nguyễn Đức Hiệp (THCS Cầu Giấy, Hà Nội) còn là thủ khoa và á khoa.
Với Nguyễn Đức Hiệp (15 tuổi, Hà Nội), kỳ tuyển sinh lớp 10 khép lại trọn vẹn. Em trúng tuyển 6 lớp tại 4 trường chuyên với thứ hạng cao. Đó là các trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, THPT chuyên Ngoại ngữ và THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Tuy nhiên, kết quả này không khiến cô Nguyễn Thu Hương - giáo viên chủ nhiệm lớp 9A6, trường THCS Cầu Giấy, nơi Hiệp từng học - thấy bất ngờ. Cô khẳng định đây là thành tích xứng đáng với năng lực và nỗ lực của cậu học trò.
Nguyễn Đức Hiệp (trái) trúng tuyển vào 6 lớp của 4 trường chuyên. Trong đó, em là thủ khoa lớp Tin chuyên Khoa học Tự nhiên và á khoa lớp Toán chuyên Sư phạm. Ảnh: NVCC.
Thủ khoa và á khoa vào lớp chuyên
Trong kỳ tuyển sinh vừa qua, Nguyễn Đức Hiệp đỗ thủ khoa lớp chuyên Tin (đạt điểm 26/30), lọt top 4 lớp chuyên Lý trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Thành tích thi vào trường THPT chuyên ĐH Sư phạm của em cũng rất cao - á khoa lớp Toán với 35,5/40 điểm. Hiệp trúng tuyển cả lớp Tiếng Pháp trường THPT chuyên Ngoại ngữ (27,11/40) cùng hai lớp Toán và Lý vào trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, điểm số lần lượt đạt 43,5 và 45/50.
10X cho biết em đăng ký thi nhiều trường để tăng cơ hội trúng tuyển. Ngoài ra, em cũng mong muốn đạt thành tích nhất định, mang lại tự hào cho gia đình, nhà trường.
Quyết định của em nhận được sự ủng hộ từ giáo viên chủ nhiệm. Cô Hương không lo học trò sẽ chịu áp lực thi cử. Ngược lại, cô luôn mong Hiệp được thỏa sức chinh phục, thể hiện khả năng của mình.
"Tôi luôn mong đến lúc 'hái quả', con nhận 'quả ngọt' trọn vẹn, đầy đủ. Con là người có năng lực tự học tốt, học đều, không thi cũng đáng tiếc", cô Thu Hương chia sẻ.
Nữ giáo viên nói thêm trong 4 năm học THCS, Đức Hiệp đã quen với nhiều kỳ thi, nên cô không lo lắng và cũng đặt kỳ vọng vào cậu học trò tài năng.
Vì thế, khi biết thành tích của Nguyễn Đức Hiệp, cô Hương rất vui nhưng không thấy bất ngờ. Trong khi đó, nam sinh ở Cầu Giấy thật thà chia sẻ kết quả đó nằm ngoài dự đoán. Em vốn chỉ nghĩ mình trúng tuyển 3-4 lớp chuyên.
Cô Thu Hương nhận xét Nguyễn Đức Hiệp (áo hồng) học tập tốt, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người, được bạn bè tin tưởng. Ảnh: NVCC.
Cậu học trò gần như hoàn hảo
Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận là để có thành tích như vậy, Nguyễn Đức Hiệp nỗ lực rất nhiều. 10X cho biết em đầu tư thời gian vào việc học trong suốt 4 năm. Đến lớp 9, em gần như gạt bỏ các việc khác để tập trung học.
"Việc học vất vả nhưng em không thấy áp lực. Gia đình, nhà trường là động lực để em cố gắng", nam sinh tâm sự.
Hiệp cho biết thêm em thần tượng Hoàng Minh Tuệ (người Việt Nam đầu tiên đạt SAT tuyệt đối 2.400). 5 năm trước, trong một lần tham dự cuộc thi quốc tế, em có cơ hội tiếp xúc và rất khâm phục tinh thần tự học, cách ứng xử của Minh Tuệ.
Đức Hiệp coi trọng việc tự học. Với em, học không phải chỉ để đạt mục tiêu đề ra ban đầu, mà là cả quá trình tích lũy kiến thức, kỹ năng để vận dụng vào cuộc sống.
Cô Thu Hương cũng thừa nhận Hiệp là cậu học trò có tinh thần tự học cao. Chứng kiến sự nghiêm túc trong học tập của nam sinh suốt 4 năm, cô tâm sự nhiều lúc rất thương trò.
"Có thiên hướng môn Toán, giỏi môn tự nhiên, con vẫn trân trọng các môn học khác, nỗ lực hoàn thiện", cô tự hào nói về 10X.
Cô cho biết thêm ngoài thành tích nổi bật trong đợt tuyển sinh vừa qua, Đức Hiệp còn là học sinh giỏi, luôn thuộc tốp đầu với điểm tổng kết năm lớp 9 đạt 9,7 và các năm trước đạt 9,6.
Trong năm học này, Hiệp còn đỗ giải nhì môn Toán học sinh giỏi cấp thành phố. Em cũng giành huy chương vàng trong kỳ thi Toán Hà Nội mở rộng (HOMC) 2019.
Ngoài ra, theo cô Thu Hương, Đức Hiệp còn có những kỹ năng tốt ở lứa tuổi 15 - khả năng lãnh đạo. Cậu là lớp trưởng lớp 6, 7, lớp phó học tập lớp 8, 9. Cô kể Hiệp tạo niềm tin vững chắc trong mắt bạn bè cùng lớp. Khi gặp chuyện chưa kịp hoặc không tiện kể với giáo viên, bạn học thường nhờ cậy Hiệp.
"Hiệp có tinh thần trách nhiệm cao, vì tập thể, sẵn sàng giúp đỡ các bạn. Con bản lĩnh, chín chắn, suy nghĩ sâu sắc hơn so với độ tuổi của mình. Không biết từ bao giờ, bạn học trong lớp thích gọi con là anh", cô Hương hài lòng khi nói về học trò.
Cô Nguyễn Thu Hương và học trò. Ảnh: NVCC.
Thủ khoa học cách cân bằng
Dù học trò thành công bước đầu, cô Nguyễn Thu Hương vẫn đôi điều băn khoăn. 4 năm qua, cô chứng kiến Hiệp nỗ lực, vất vả, nhưng không ngừng nỗ lực, vượt qua những thăng trầm.
Cô Hương tin tưởng vào lựa chọn của học trò và chỉ mong bên cạnh việc phấn đấu, 10X cố gắng học cách cân bằng, tìm thấy niềm vui từ những điều bé nhỏ trong cuộc sống.
"Không phải lúc nào con cũng thành công, đạt đỉnh cao. Con cần thấy hạnh phúc với những điều nhỏ nhoi, chứ không chỉ ở những mục tiêu to lớn. Suy cho cùng, cái đích cuối cùng là sống vui vẻ, hạnh phúc", cô Hương nhắn nhủ học trò.
Đức Hiệp cũng thừa nhận bản thân thường tự đặt áp lực cho mình, hay để cảm xúc chi phối nên chán nản khi không đạt mục tiêu như mong đợi.
"Lúc áp lực quá, em thường nghe nhạc, xem clip hài hay những trận đấu. Em thấy mình cần học thêm cách cân bằng cuộc sống", Đức Hiệp tâm sự về cách vượt qua thất bại. Trong cuộc sống thường ngày, chàng trai thích đọc báo điện tử, truyện tiếng Anh, thỉnh thoảng chơi đàn.
Học cách cân bằng cũng là mục tiêu Hiệp đặt ra cho những năm học THPT. Vì thế, khi lựa chọn theo học trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, nam sinh mong đợi có nhiều cơ hội tham gia các hoạt động xã hội, câu lạc bộ để phát triển toàn diện, chứ không chỉ tập trung việc học.
Dù gắn bó với môn Toán khá lâu, Hiệp lại rẽ hướng sang chuyên Lý vì cho rằng Vật lý là môn học mang tính ứng dụng lớn, cho em nhiều lựa chọn ngành nghề trong tương lai.
Nguyễn Đức Hiệp lên kế hoạch du học sau khi hoàn thành chương trình phổ thông. Đây là mục tiêu em đặt ra từ nhỏ. Song, nam sinh chia sẻ cần tìm hiểu thêm trước khi quyết định sẽ nhắm tới trường đại học nào.
Đề Ngữ văn chuyên vào trường Khoa học Xã hội và Nhân văn Trong 150 phút sáng 13/7, thí sinh thi vào lớp chuyên Ngữ văn trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội) phải làm hai câu nghị luận xã hội và văn học. Bước ra khỏi phòng thi trong tràng pháo tay của các tình nguyện viên từ Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc...