Thủ khoa Lalitpat Kerdkrung: Muốn trở thành đại sứ truyền bá văn hóa hai nước Việt Nam-Thái Lan
Tốt nghiệp với số điểm 3,92/4, Lalitpat Kerdkrung ( Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt) – du học sinh quốc tịch Thái Lan đã xuất sắc trở thành thủ khoa năm 2019 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đi tìm một góc nhìn khác về Việt Nam…
Cấp 3, Lalitpat Kerdkrung theo học chuyên ngành tiếng Anh – tiếng Pháp. Mọi kiến thức đều được học dưới cái nhìn của châu Âu. Những hiểu biết về các nước Đông Nam Á ngay bên cạnh quá ít ỏi. Và Việt Nam chỉ được biết đến qua những cuộc chiến tranh tàn khốc, diễn ra suốt nhiều năm liền.
“Việt Nam có đúng như những gì mình vẫn hình dung lâu nay?” Niềm tò mò ấy trở thành động lực thôi thúc Lalitpat Kerdkrung quyết định chọn Việt Nam làm điểm đến khi giành được học bổng du học do Chính phủ Hoàng gia Thái Lan tổ chức, để có được một góc nhìn mới về đất nước láng giềng.
Vượt qua những e ngại của bản thân, vượt qua sự phản đối vì lo lắng của phụ huynh, tháng 8/2014, Lalitpat Kerdkrung đã đặt chân tới Việt Nam, bắt đầu khoảng thời gian 1 năm học tiếng Việt.
Đây chính là bước chuẩn bị cho hành trình chinh phục tấm bằng cử nhân dưới mái trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Để rồi 4 năm sau, chúng ta gặp lại một thủ khoa tốt nghiệp mang tên Lalitpat Kerdkrung – một du học sinh Thái Lan với tình yêu dịu dàng dành cho mảnh đất Việt Nam hình chữ S thân thương.
May mắn có sự giúp đỡ từ thầy cô
Dù đã học 3 tháng tiếng Việt ở Thái Lan, sang Việt Nam học thêm 3 tháng nữa, rào cản ngôn ngữ vẫn là thứ khó khăn nhất với Lalitpat Kerdkrung.
Cô bạn vẫn nhớ, kỳ học đầu tiên có môn Cơ sở văn hóa Việt Nam. Mỗi lần đọc sách giáo trình, Lalitpat Kerdkrung phải ôm thêm quyển từ điển bên cạnh nữa. Vừa đọc, vừa tra từ điển vì có quá nhiều từ chuyên ngành.
Năm đầu tiên, bạn không thể hiểu kịp lời của người nói vì cảm giác quá nhanh. Có khi nghe hiểu, nhưng mãi chưa nhớ ra được dùng từ gì, câu gì để trả lời. Có những lúc Lalitpat đã từng suy nghĩ đến việc từ bỏ.
Video đang HOT
Nhưng may mắn, có các thầy cô trong khoa luôn quan tâm giúp đỡ.”May mắn có các thầy cô luôn quan tâm, động viên. Cô cũng dặn là nếu không hiểu thì hãy giới thiệu mình là người nước ngoài, nhờ mọi người nói chậm hơn.
Làm theo lời cô, mình nhận ra mọi người lập tức thay đổi cách nói chuyện với mình. Vì ngoại hình của mình rất giống người Việt nên nhiều người còn ngạc nhiên: Ơ thế em là người nước ngoài à? Ôi em nói tiếng Việt giỏi thế! Rồi nói chậm hơn, còn hỏi lại xem mình có hiểu không”.Mới đấy mà đã 5 năm trôi qua, cô gái từng sợ hãi và lo lắng trước tiếng Việt giờ đây đã có thể trò chuyện, cười đùa thoải mái bằng ngôn ngữ ấy và trao cho tiếng Việt tình yêu của mình.
Tôi hỏi Lalitpat về thứ khiến cô nhớ nhất khi rời Việt Nam. Lắng lại một chút, cô bạn nhẹ nhàng trả lời tôi rằng: ‘Đó là tiếng Việt. Rời Việt Nam rồi mình sẽ không được sử dụng tiếng Việt thường xuyên nữa. Mình sẽ nhớ nó nhiều lắm!’.
Sức hút đến từ các lớp học đa văn hóa
Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt tổ chức các lớp học riêng cho các du học sinh đến từ nhiều quốc gia: Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào… Mỗi khi học về một chủ đề nào đó, chúng mình sẽ có những cuộc tranh luận rất thú vị. Bởi mỗi bạn đều sinh ra và lớn lên ở một quốc gia khác nhau.
Những kiến thức, tư tưởng các bạn được tiếp thu đều khác nhau, nên sẽ đưa ra nhận định và lập luận rất khác biệt. Mình nghe và được mở rộng thêm nhiều cách nhìn nhận vấn đề khác nhau. Hay với môn về văn hóa, với mỗi quốc gia, lại có những đặc trưng riêng.
Học về văn hóa Tết cổ truyền Việt Nam, chúng mình còn được kể về văn hóa Tết của quốc gia mình, nghe văn hóa Tết của quốc gia bạn nữa. Thi thoảng, mình còn “học lỏm” được vài câu đơn giản bằng ngôn ngữ khác nữa.
Có lần nghe thấy anh bạn học cùng hỏi “mwoya?” (là cái gì?), mình vô thức giải thích luôn rồi, nghe nhiều thành quen khi nào không hay.
Là một đại sứ truyền bá văn hóa hai nước Việt Nam-Thái Lan
Sau ngôn ngữ, đồ ăn chính là khó khăn thứ 2 của Lalitpat khi mới sang Việt Nam. Người Thái Lan ăn mặn và cay.
Cơm thường được chan thêm nước mắm hay xì dầu. Khi mới ăn đồ ăn Việt Nam, cô bạn cảm nhận các món ăn dường như đều không chạm đến được ngưỡng vị giác của mình, đều nhạt nhạt.
Bây giờ Lalitpat đã quen với hương vị các món ăn Việt Nam và còn khuyên mọi người trong gia đình ăn nhạt hơn để bảo vệ sức khỏe. Cô bạn hào hứng kể cho tôi nghe về món bún chả, bún cá, phở Thìn và đặc biệt là món bún đậu mắm tôm mà bạn đã “phải lòng từ cái nhìn đầu tiên”.
Những miếng đậu rán có lớp vỏ ngoài vàng ươm, giòn tan, bên trong là phần đậu trắng, mềm mịn, béo ngậy khiến cô nàng say mê đến nỗi chỉ ăn mỗi bún và đậu tới no căng.Nghỉ hè về Thái Lan thăm gia đình, Lalitpat đã mang công thức và nguyên liệu món “nem rán với nước chấm siêu ngon” về giới thiệu với gia đình. Lần đầu pha nước chấm Lalitpat còn quên không cho đường, mẹ cô bạn đã phải “ra tay” và cho ra bát nước chấm “đúng chuẩn”.
Trang fanpage giới thiệu về Việt Nam do Lalitpat lập và quản lý chính là minh chứng cho những cố gắng mà bạn đang thực hiện để đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với bạn bè Thái Lan.
Có những tình yêu đến từ ngay cái nhìn đầu tiên, mạnh mẽ và ồn ã; có những tình yêu đến từ từ, nhẹ nhàng, mà khi nhận ra nó đã khảm sâu tự bao giờ. Đó chính là tình yêu của Lalipat đối với con người và văn hoá Việt Nam. Bạn chia sẻ mong muốn sẽ trở thành cầu nối văn hoá, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và Thái Lan.
Hành trình tiếp tục chinh phục ước mơ…
Khép lại một cách trọn vẹn hành trình chinh phục tấm bằng cử nhân tại Trường ĐHKHXH&NV, Lalitpat vẫn đang tiếp tục nỗ lực và miệt mài trên bước đường thực hiện ước mơ trở thành một nhân viên của Đại sứ quán.
Tháng 9 này cô bạn sẽ bắt đầu theo học thạc sĩ ngành Quan hệ Quốc tế tại trường London School of Economics and Political Science (LSE) tại London. Hành trình du học lần này, Lalitpat không chỉ mang theo tình cảm từ Thái Lan mà sẽ có thêm thật nhiều tình yêu và sự ủng hộ từ thầy cô, bạn bè Việt Nam.
Nguyễn Nga – trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội)
Theo Dân trí
Đông Nam Á sẽ là 'miền đất hứa' du học mới?
Hà Quang Mẫn, 19 tuổi, vừa đậu vào ĐH Chulalongkorn (Thái Lan). Với Mẫn, đây là quyết định "bước ra chân trời mới" sau khi vượt qua áp lực từ gia đình vì chọn nơi du học là một nước Đông Nam Á, thay vì các nước châu Âu, châu Mỹ, như số đông.
Giới trẻ VN tham gia một chương trình trao đổi ở Đông Nam Á - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu ASEAN, Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore, chỉ có 1,6% người VN tham gia trả lời chọn một nước Đông Nam Á. Các nơi được chọn nhiều nhất là Mỹ (41,9%), Úc (29%) và châu Âu (18,6%), Nhật Bản (8,9%).
Tạo sự thay đổi...
Đông Nam Á có khoảng 7.000 cơ sở giáo dục đại học với hơn 12 triệu sinh viên. Hiện khu vực có ba chương trình trao đổi chính trong khối ASEAN: AIMS (di động quốc tế ASEAN cho sinh viên) dưới sự quản lý của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO), AUN-ACTS (Hệ thống chuyển đổi tín chỉ trong Mạng lưới đại học Đông Nam Á) do Ban thư ký AUN tại Bangkok, Thái Lan quản lý, và SHARE, một dự án của tổ chức ASEAN và EU.
Có một yếu tố đang thúc đẩy sự dịch chuyển giáo dục và tăng sự yêu thích của người trẻ đến học ở các nước ASEAN là các chương trình trao đổi học thuật ngắn hạn, trong đó một số chương trình nằm trong kế hoạch cải thiện "mối quan hệ con người" trong cộng đồng ASEAN, khiến việc trao đổi sinh viên hấp dẫn và người trẻ ngày càng định vị mình là công dân ASEAN.
Thay vì trở thành sinh viên 4 năm ở Thái Lan như Quang Mẫn, Phạm Hồng Thiên Trang (hiện đang làm truyền thông cho một tổ chức phi lợi nhuận ở TP.HCM), lại chọn trở thành sinh viên trao đổi 1 học kỳ tại ĐH Chulalongkorn năm 2017, khi Trang học năm thứ 3 Khoa Báo chí và Truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Trang nhận được học bổng của trường dành cho các sinh viên trong khu vực Đông Nam Á. "Có nhiều lý do để tôi chọn học và nộp đơn xin học bổng này. Đầu tiên, Thái Lan nổi tiếng vì những ý tưởng quảng cáo đặc biệt và nhân văn, thứ hai, khoa tôi học xếp thứ hạng cao ở nước này về nghiên cứu truyền thông, và cuối cùng, Thái Lan là điểm đến du lịch nổi tiếng toàn thế giới. Tất cả những điều đó khiến tôi đến nước này học về văn hóa và con người", cựu sinh viên trao đổi của ĐH Chulalongkorn chia sẻ.
Hoàng Thị Minh Hà, bạn cùng lớp với Trang, cũng vừa hoàn thành một học kỳ trao đổi tại ĐH Quốc gia Singapore (NUS) từ tháng 1 - 5.2019, bằng chương trình AUN-ACTS. Một năm trước, Hà còn là một trong hai đại diện của VN trở thành Đại sứ học tại Adelaide (Úc). Trải nghiệm hai môi trường giáo dục khác nhau, Hà cho rằng đây là những hệ thống tiên tiến và đem đến những trải nghiệm sống giá trị, đặc biệt là thời gian học tại Singapore.
Học từ những chương trình giao lưu văn hóa
Nguyễn Lan Anh, 23 tuổi, đến từ Hà Nội, tham gia nhiều chương trình trao đổi dành cho giới trẻ Đông Nam Á, cho biết: "Có rất nhiều chương trình trao đổi dành cho giới trẻ ở các nước Đông Nam Á hằng năm, đa phần là đài thọ toàn phần và không cần visa cho những chuyến đi ít nhất 30 ngày. Vì vậy, tôi cảm thấy rất dễ dàng đăng ký và tiếp cận đến các cơ hội này. ASEAN là nơi giao thoa lối sống Đông - Tây, có điều kiện về kinh tế, văn hóa, và tôi rất thoải mái để khám phá những điều mới mẻ", Lan Anh giải thích.
Cũng như Lan Anh, Trần Khánh An (làm marketing và truyền thông tại một công ty ở TP.HCM) nói: "ASEAN là nhóm nước đang phát triển và mở rộng hoạt động, cánh cửa cơ hội mở ra cho tất cả sinh viên cũng như lao động trẻ". Bên cạnh đó, An cũng gợi ý thêm những chương trình phổ biến như Sáng kiến lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEALI) của chính phủ Mỹ, chương trình Tình nguyện thanh niên ASEAN do Bộ Thanh niên và Thể thao Malaysia quản lý, cũng như các chương trình do VN tổ chức trao đổi ở các quốc gia Đông Nam Á như Cộng đồng Lead The Change.
Năm 2020, VN sẽ là chủ tịch của ASEAN, hứa hẹn sẽ tiếp tục cải thiện "sự nhiệt thành" về khu vực đối với người trẻ Việt trong việc khám phá ASEAN.
Theo Thanh niên
Việt Nam vượt Thái Lan tại Kỳ thi tay nghề thế giới Ngày 29/8, Đoàn thí sinh Việt Nam dự thi Tay nghề thế giới lần thứ 45 năm 2019 đã đặt chân xuống Nội Bài (Hà Nội), mang theo tấm Huy chương Bạc đầu tiên trong lịch sử và vượt qua Thái Lan trên bảng xếp hạng. Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp chúc mừng đoàn thí sinh Việt Nam trở về...