Thủ khoa Khoa Địa chất: Kiếm tiền từ năm nhất, không bỏ sót học bổng nào
Khởi đầu bằng niềm đam mê, duy trì bằng sự nỗ lực, nữ sinh Phạm Thị Ngọc (Hà Tĩnh) đã xuất sắc đạt thủ khoa đầu ra khoa Địa chất K62 – QH.2017, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Nữ sinh Phạm Thị Ngọc – Thủ khoa đầu ra Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN). Ảnh: NVCC.
Đã lựa chọn sẽ quyết theo đuổi đến cùng
Nhớ lại lí do quyết tâm theo đuổi ngành Tài nguyên Môi trường – ngành học vốn kén người học, đặc biệt là phái nữ, Ngọc kể:
“Khoảng 1 tháng trước khi em thi đại học thì xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển tại Hà Tĩnh do công ty Formosa gây ra. Trực tiếp sinh sống tại khu vực biển bị ô nhiễm, chứng kiến tác động của môi trường đến cuộc sống sinh hoạt của gia đình, người dân nên em đã quyết tâm theo đuổi ngành Tài nguyên Môi trường với hy vọng góp sức mình cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Do điều kiện gia đình còn khó khăn, nên ngay từ khi bước chân vào cánh cổng đại học, Ngọc đã đặt mục tiêu rõ ràng: dành học bổng cho phần học phí và kiếm thêm việc làm để lo chi phí sinh hoạt.
Năm nhất, do chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm nên em chỉ làm thêm các công việc có thể kiếm ra thu nhập. Sang đến năm 2, khi đã vững vàng hơn, Ngọc bắt đầu thực tập, làm thêm tại các đơn vị liên quan đến lĩnh vực môi trường để tích lũy kinh nghiệm.
Kể lại quãng thời gian 4 năm vừa làm vừa học, có những lúc nữ sinh áp lực đến phát khóc nhưng chưa từng có ý định từ bỏ con đường mình đã lựa chọn bởi càng học sâu, tiếp cận tri thức mới, em càng say mê và kiên định, quyết tâm theo đuổi nghiên cứu khoa học đến cùng.
“Thời điểm mới lên đại học, chưa quen môi trường, lại mất cân bằng giữa việc học và làm thêm nên em bị hẫng gần 1 năm. Nhưng sau đó, mọi thứ dần dần ổn định và em đã quen với guồng quay của việc vừa học, vừa làm, hoàn thành theo đúng kế hoạch em đã đặt ra”.
Nữ sinh Phạm Thị Ngọc tại Lễ tuyên dương và trao tặng danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp thành phố Hà Nội năm 2020. Ảnh: NVCC.
Video đang HOT
4 năm học với bảng thành tích “khủng”
Bận rộn với việc học, áp lực với công việc nhưng niềm đam mê nghiên cứu khoa học trong nữ sinh vùng quê Hà Tĩnh chưa bao giờ dập tắt.
“Sang năm 2, em bắt đầu nghiên cứu khoa học. Khi mới bắt đầu, em chưa đạt giải. Sang năm 3, do dịch bệnh nên việc nghiên cứu khoa học phải tạm hoãn. Năm cuối, em vẫn theo đuổi nghiên cứu và may mắn đạt giải nhất cấp trường. Hiện tại, đề tài của em đã được gửi lên cấp Bộ và sang tháng 12 sẽ được công bố giải” – Ngọc chia sẻ.
Nữ sinh Phạm Thị Ngọc nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Trọng điểm Địa môi trường và Ứng phó với Biến đổi khí hậu. Ảnh: NVCC.
4 năm nỗ lực học hỏi, nữ sinh đã dành nhiều thành tích đáng nể phục như: Danh hiệu sinh viên 5 tốt cấp thành phố, cấp Đại học Quốc gia; danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp cơ sở; Giải ba cuộc thi viết “Chào K63, khát vọng vươn xa”; Giải thuyết trình hay nhất cuộc thi Mô hình địa chất; Học bổng Đào Minh Quang năm 2020; Học bổng Đồng hành 5 kỳ – Học bổng Đoàn Nhật Trưởng,…
Sở hữu thành tích khủng, nhưng khi được hỏi về bí kíp học tập, thủ khoa đầu ra Khoa Địa chất chia sẻ, những thành tích của em có được chủ yếu đến từ việc tự mày mò học hỏi, nghiên cứu. Bên cạnh đó, em cũng cố thu xếp tham gia các hoạt động ngoại khoá để phát triển các kỹ năng mềm.
“Ngoài các giờ học trên lớp, em vẫn tự học ở thư viện, tự học ở nhà, thực tập ở trên các phòng thí nghiệm. Chỗ nào khó khăn, không hiểu, em nhờ đến sự hỗ trợ của các thầy cô trong khoa, các anh chị khóa trên” – Ngọc kể lại.
Ngọc chia sẻ, rất nhiều người nghĩ rằng, con gái theo nghiên cứu khoa học rất vất vả và khó kiếm việc. Bản thân em trước đây cũng có suy nghĩ đó. Nhưng khi được tiếp cận môi trường đào tạo chuyên nghiệp, được định hướng nghề nghiệp, em nhận ra cơ hội việc làm của ngành em học nói riêng và các ngành khoa học rất rộng mở.
“Hằng năm, các doanh nghiệp, đơn vị vẫn thường xuyên về trường tổ chức tư vấn nghề nghiệp, tuyển dụng,…Cơ hội việc làm với các ngành khoa học cơ bản rất rộng mở và không hề bó hẹp như suy nghĩ của nhiều người” – Thủ khoa Khoa Địa chất nói.
Chia sẻ về dự định tương lai, Ngọc cho biết em may mắn nhận được Học bổng toàn phần sau đại học lĩnh vực Khoa học Trái đất tại Trường Đại học Quốc lập Trung ương (Đài Loan). Em dự định sẽ tiếp tục theo đuổi con đường học tập, nghiên cứu và sau đó, trở về Việt Nam, đóng góp sức lực nhỏ bé trong việc xây dựng, phát triển đất nước.
Nữ sinh là thủ khoa đầu vào, sở hữu nhiều điểm A
Kiều Thu Hà là thủ khoa đầu vào năm 2018 của ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ĐH Thái Nguyên). Nữ sinh được trao nhiều học bổng, đạt tổng điểm GPA là 3,81.
Từng là tân sinh viên lo lắng về học phí, phải cân nhắc khi chọn trường đại học sao cho phù hợp với tài chính của gia đình, Kiều Thu Hà (còn được biết đến với tên gọi Hạ Du), 21 tuổi, đã tự lập và có thể trang trải cuộc sống bằng công việc chụp ảnh.
Vừa học, vừa làm nhưng nữ sinh năm cuối ngành Truyền thông đa phương tiện, ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ĐH Thái Nguyên), vẫn duy trì thành tích học tập tốt với 12 năm đạt học sinh giỏi, sở hữu 5 kỳ học bổng ở đại học, điểm GPA 3,81/4,0. Thu Hà cũng là "sinh viên 5 tốt" năm học 2020-2021.
Kiều Thu Hà mở 3 cơ sở chụp hình khi còn học đại học.
Tự lập từ việc làm thêm
Gia đình khó khăn về kinh tế nên một tháng trước kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, khác với nhiều thí sinh, Thu Hà không dành quá nhiều thời gian để ôn tập mà lựa chọn đi chụp hình và bán quần áo để kiếm thêm thu nhập. Chiếc máy ảnh của Hà được mua bằng tiền mừng tuổi và tiền làm thêm từ những công việc khác nhau.
Đối với Hà, việc học là cả quá trình. Ở trên lớp, nữ sinh hoàn thành bài tập và ghi nhớ kỹ kiến thức. Đến thời gian ôn tập, Thu Hà chỉ làm đề thi và đi chụp hình. Công việc này đã giúp nữ sinh thoải mái về tâm lý trước kỳ thi đại học.
Thu Hà từng đoạt giải nhì học sinh giỏi môn Ngữ Văn cấp tỉnh và có điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia ở môn học này là 9,25.
Nhận thông báo về điểm thi THPT quốc gia năm 2018, Hà đắn đo lựa chọn nguyện vọng sao cho phù hợp tài chính của gia đình.
"Khi em tham gia buổi tư vấn tuyển sinh, một người thầy ở ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ĐH Thái Nguyên) đã nói với em là sẽ có học bổng cho thí sinh đạt điểm cao. Em đã đăng ký nguyện vọng vào trường, may mắn là trở thành thủ khoa, nhận được học bổng", Thu Hà nói.
Nữ sinh đã gửi mẹ số tiền học bổng của bản thân và tự trang trải các chi phí từ công việc chụp hình. Thời điểm đó, Hà nhận chụp hình kỷ yếu, chân dung, lễ cưới hỏi... Nữ sinh cũng nhận các yêu cầu chụp hình của khách hàng ở Hà Nội để tăng thu nhập.
"Lúc đầu, em không nghĩ phải lo toan nhiều thứ như thế. Trong một tháng, có tuần, em chụp được một bộ ảnh, có tuần lại không. Thu nhập hàng tháng của em từ 600.000 đến 700.000 đồng. Có tuần em chỉ còn 19.000 đồng để sinh hoạt, nhưng may mắn là có các bạn ở ký túc xá giúp đỡ", Hà chia sẻ.
Hiện tại, thu nhập từ việc chụp hình của Hà đã ổn định hơn. Nữ sinh có thể chi trả các sinh hoạt phí ở đại học và phụ giúp gia đình.
Thu Hà dự định phát triển bản thân ở nhiều lĩnh vực khác nhau, không dừng lại ở việc chụp hình.
28/39 môn đạt điểm A
Thấy con gái đi làm thêm, bố mẹ Thu Hà đã khuyên cô nên dành nhiều thời gian cho học tập. Để gia đình yên tâm, Hà đã cố gắng cân bằng giữa công việc và học tập.
Trong 3 năm đại học, nữ sinh luôn giữ thành tích tốt. Bảng điểm của Thu Hà có 28/39 môn học đạt điểm A. Nữ sinh cũng sở hữu điểm GPA tuyệt đối (4,0) ở 2/6 học kỳ. Tổng điểm GPA sau 6 học kỳ của Hà là 3,81/4,0.
Khác với việc học ở cấp ba, lên đại học, nữ sinh chú trọng việc tiếp thu kiến thức để phục vụ cho công việc tương lai. Phương pháp học tập của cô là chú trọng cả quá trình, rồi ôn tập kiến thức vào những ngày thi cử.
"Tên Hạ Du của em có nguồn gốc từ nhân vật cùng tên trong tác phẩm Thuốc của Lỗ tấn. Nhân vật này có lý tưởng cách mạng, nhưng gia đình và những người xung quanh lại không hiểu và cho rằng Hạ Du là một kẻ điên. Em hy vọng cái tên này sẽ phản ánh đúng một nửa về bản thân mình - người theo đuổi đam mê chụp hình, nghề nghiệp mà nhiều người nghĩ là lông bông, nhưng sau này mọi người sẽ hiểu cho em", Hà chia sẻ về đam mê chụp ảnh của mình.
Chia sẻ với Zing , Thu Hà khuyên sinh viên nên chọn công việc làm thêm phù hợp ngành học. Các sản phẩm từ việc chụp hình hỗ trợ Hà trong quá trình học tập và tạo cơ hội để nữ sinh thực hành những lý thuyết đã được học. Ngược lại, kiến thức ở trường cũng giúp Hà nâng cao năng lực trong công việc chụp hình.
TS Đỗ Thị Bắc - Trưởng khoa Truyền thông đa phương tiện, ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ĐH Thái Nguyên) - nhận xét Kiều Thu Hà là sinh viên hiểu biết nhu cầu của xã hội, năng lực và đam mê của bản thân.
"Hết năm thứ nhất, Hà muốn bảo lưu kết quả học tập, bước vào con đường kinh doanh để hỗ trợ kinh tế cho gia đình. Với sự động viên của thầy cô giáo, bạn đã tiếp tục học tập. Thu Hà vừa học tốt, vừa có thu nhập hàng tháng. Hà cũng giúp đỡ các sinh viên có cùng đam mê kiếm thêm thu nhập, vượt qua khó khăn tài chính tiếp tục học tập và là người chị, tấm gương để các sinh viên phấn đấu vươn lên", TS Đỗ Thị Bắc nói.
Trải nghiệm ký túc xá Ấn Độ của nữ sinh Việt Giành được học bổng, Thu Trang có hai tháng trải nghiệm cuộc sống tại ký túc xá Học viện Công nghệ Ấn Độ Madras. Mùa hè năm 2019, khi đang là sinh viên năm ba ngành Quốc tế học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trịnh Thị Thu Trang giành được học bổng...