Thủ khoa đầu ra từng làm cửu vạn, lương 2 triệu một tháng
Đó là câu chuyện của thủ khoa Nguyễn Như Phúc. Tốt nghiệp với số điểm 8,25, chàng thủ khoa từng là cửu vạn này phải chấp nhận đi làm với mức lương thấp hơn công nhân.
Nguyễn Như Phúc (sinh năm 1994, Sóc Sơn, Hà Nội), học ngành Lưu trữ học, là thủ khoa đầu ra của ĐH Nội vụ. Phúc nằm trong top 100 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thủ đô năm 2016, được Thành đoàn Hà Nội tôn vinh.
Chật vật xin việc
Là lớp trưởng Lưu trữ 12B, Như Phúc đạt nhiều bằng khen, thành tích trong các hoạt động của trường. Chàng trai từng xếp loại khá trong nghiên cứu khoa học cấp trường năm 2014, nhận bằng khen của Đoàn Thanh niên, Bộ Nội vụ về những thành tích xuất sắc năm 2013, 2014; giấy khen của hiệu trưởng về các thành tích học tập và phong trào năm 2014, 2015. Năm 2016, Phúc tốt nghiệp với điểm học tập toàn khóa 8,25 và điểm rèn luyện xuất sắc.
Nguyễn Như Phúc (ở giữa) trong lễ bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. Ảnh: NVCC.
Như Phúc nhận bảng điểm và bằng tốt nghiệp vào ngày ngày 22/8 tới. Sau gần 4 tháng kết thúc học tập, chàng trai chưa có công việc ổn định. Danh hiệu thủ khoa đầu ra vừa là niềm tự hào, vừa là áp lực với Phúc.
Nam thủ khoa cho biết đã nộp bốn bộ hồ sơ và đều… “bặt vô âm tín”. Sau hai tháng chờ đợi, chỉ một nơi trả lời với nội dung: “Vị trí lưu trữ đã tuyển đủ”.
Thủ khoa ĐH Nội vụ chia sẻ về lý do không được lựa chọn: “Thời gian đầu mới làm hồ sơ, em bị từ chối do phía tuyển dụng nghĩ sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm, họ đòi hỏi tân cử nhân 1 – 2 năm làm việc thực tế. Khi là sinh viên, em luôn đặt việc học tập hàng đầu, vì vậy thời gian bươn trải lấy vài năm kinh nghiệm rất khó”.
Chàng trai cho biết, từ năm thứ ba đại học, Phúc được giới thiệu đi làm chỉnh lý tài liệu lưu trữ trong một tháng. Thực tập và kiến tập, nam sinh làm văn thư, số hóa, bảo quản, chỉnh lý tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
Có cùng nỗi lo khi xin việc vào các cơ quan nhà nước, Trương Bá Chính – thủ khoa Học viện Hành chính Quốc gia bày tỏ: “Thực tế là làm việc trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp nhà nước hiện nay rất khó. Hơn nữa, nhiều nơi đang thực hiện tinh giản biên chế”.
Tốt nghiệp trong tháng 7, hiện tại, Chính chưa có việc làm. Thủ khoa đầu ra này đánh giá, kể cả với các công ty tư nhân, công việc cũng không dễ dàng cho sinh viên mới ra trường, bởi họ thường thiếu định hướng, kỹ năng mềm, kiến thức thực tế và không thích ứng được với môi trường làm việc.
Ngoài ra, cậu cũng từng làm nhiều công việc như gia sư, phụ hồ, cửu vạn, trồng rau hữu cơ… Với suy nghĩ khi còn trẻ nên làm nhiều việc để có trải nghiệm thực tế, Phúc làm việc để lấy kinh nghiệm, thêm thu nhập và giúp đỡ gia đình.
Video đang HOT
Hiện tại, Phúc chưa tìm được công việc ổn định. Cậu đang làm hợp đồng thời vụ cho một dự án chỉnh lý tài liệu lưu trữ tại Hà Nội với mức lương mỗi tháng 2 triệu đồng.
Nỗi lo khi xin vào cơ quan nhà nước
Năm 2012, sau khi tốt nghiệp THPT, Phúc đỗ nguyện vọng 2 vào ĐH Nội vụ Hà Nội, theo học Lưu trữ – ngành nhiều người chỉ nghe tên sẽ không biết rõ công việc cụ thể là gì. Chàng trai kể, có người còn khinh thường, vì đây không phải ngành “hot”.
“Các cơ quan, tổ chức hay doanh nghiệp đều có văn bản, tài liệu và cần lưu trữ. Tuy nhiên, mỗi nơi chỉ cần tuyển 1 – 2 cán bộ về văn thư – lưu trữ. Vì vậy, lượng sinh viên học ngành này xong không có việc làm chiếm tỷ lệ lớn”, tân cử nhân nói.
Thủ khoa đầu ra nhìn nhận, xin việc vào cơ quan nhà nước thường kèm nhiều yếu tố, trong đó có “mối quan hệ”, khiến nhiều cử nhân không đáp ứng được.
Ước mơ của Phúc là trở thành giảng viên của ĐH Nội vụ, công tác tại khoa Văn thư – Lưu trữ. Bởi trở thành người thầy đứng trên bục giảng là khát khao từ nhỏ của chàng trai này.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, năm 2015, 15 bộ, ngành và 39 địa phương tinh giản biên chế với trên 5.300 người. Trong 6 tháng đầu năm 2016, 10 bộ, ngành và 35 địa phương đề nghị giải quyết tinh giản biên chế. Vì vậy, cơ hội xin việc vào cơ quan nhà nước của sinh viên sau khi ra trường, kể cả thủ khoa, rất hạn hẹp.
Trong khi đó, bản tin thị trường lao động quý 2/2016 cho hay, cả nước có 1.088 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp. Trong số đó, 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật. Số thất nghiệp nhiều nhất là nhóm có trình độ đại học trở lên: 191.300 người.
Theo Zing
Thủ khoa kép ĐH Sư phạm Hà Nội: Xinh đẹp và học "tài tử"
Hà Thanh Thủy vừa là Thủ khoa đầu vào, vừa là Thủ khoa đầu ra của trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Thủ khoa kép ĐH Sư phạm Hà Nội
Thủ khoa kép của ĐH Sư phạm: Hà Thanh Thủy
Theo nhận xét của mọi người, Thủy là một cô gái có cá tính mạnh mẽ, yêu thích sự mạo hiểm. Trong cuộc sống và học tập, cô bạn là một người quyết đoán nhưng đôi khi hơi nóng tính một chút, theo như Thủy miêu tả.
Là một người yêu thích văn chương từ bé, thích được khám phá những miền đất lạ, sống tình cảm và mau nước mắt, Thủy đã chọn con đường trở thành giáo viên dạy Văn.
Gia đình Thủy sống ở Hòa Bình. Mẹ bạn là giáo viên mầm non, người đã truyền cảm hứng nghề giáo cho Thủy.
Thanh Thủy học giỏi từ bé. Trong 3 môn khối C, Thủy học tốt và yêu thích nhất môn Văn. Trước đây, Thủy học lớp chuyên Văn trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ - Hòa Bình. Niềm đam mê văn chương của Thủy xuất phát từ sở thích đọc truyện cổ tích, thích làm thơ.
Năm 2011, Thanh Thủy thi đại học khối C đạt 28,5 điểm (môn Văn, Sử, Địa lần lượt là 8; 8,5 và 8,5 cùng với điểm cộng). Đạt điểm số cao đáng ngưỡng mộ ở khối C, trở thành Thủ khoa ĐH Sư phạm Hà Nội nhưng đến tận bây giờ cô bạn vẫn còn chút nuối tiếc về điểm môn Văn bởi một lỗi sai do sự chủ quan của cô.
Dẫu vậy, nhờ sai lầm đó mà nữ sinh này đã rút được kinh nghiệm quý báu trong thi cử, để đạt điểm số cao suốt 4 năm đại học. Mới đây, Hà Thanh Thủy đã tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội với tổng điểm học tập toàn khóa là 3,77 - điểm số giúp cô bạn trở thành Thủ khoa đầu ra của trường.
Học "tài tử" thành Thủ khoa
Một nữ sinh khối C có điểm số cao hơn cả những bạn học khối tự nhiên như A, B quả là chuyện hiếm. Chia sẻ về bí quyết học tập của mình, Thủy khiêm tốn cho biết: "Em chỉ cố gắng học bằng tất cả khả năng của mình. Kết quả em đạt được hôm nay là sự phấn đấu của em và sự động viên không nhỏ từ gia đình".
Thành tích cao là vậy nhưng Thủy lại "có tiếng" là học kiểu "tài tử" từ khi còn học phổ thông.
Thanh Thủy nhận bằng khen Thủ khoa xuất sắc
"Phương pháp học của em không phải là dành quá nhiều thời gian cho việc học, không chỉ học kiến thức sách vở mà em còn dành thời gian cho các hoạt động xã hội và đi du lịch đây đó để mở mang kiến thức đời sống. Trước các kì thi, em luôn làm đề cương chi tiết cho từng môn.
Thông qua việc hiểu kiến thức, em vạch ra những ý chính, nắm được kiến thức rồi, việc học thuộc sẽ là rất đơn giản. Có một bí quyết khi đi thi các môn xã hội mà em muốn chia sẻ, đó là chúng ta cần có một chữ viết dễ nhìn, trình bày luận điểm lên đầu đoạn, viết sạch sẽ, logic. Điều ấy sẽ là một điểm cộng rất lớn với bài thi của chúng ta", Thu Thủy tiết lộ.
Suốt 4 năm đại học, song song với học tập, Thủy còn làm lớp trưởng và tham gia vào Ban chấp hành Liên chi Đoàn khoa Ngữ Văn. Điều đó giúp cho cô bạn trưởng thành hơn về kĩ năng sống, phân bổ thời gian và tự tin hơn nhiều.
Theo Thủy, một giáo viên dạy Văn trước hết cần có kiến thức chuyên môn tốt, kĩ năng sống tốt và lòng yêu nghề. Hơn nữa, cần phải có niềm say mê văn học, có khả năng "truyền lửa" cho học sinh để thổi bùng trong các em niềm yêu thích văn chương.
Trăn trở với nghề
Trong những năm qua, cô giáo tương lai luôn theo dõi những đổi mới, cải cách của ngành giáo dục. Chuẩn bị bước vào nghề, cô quan tâm nhất đến tính chủ động, tích cực của học sinh.
"Theo phương pháp dạy học truyền thống, giáo viên là người "biết tuốt", thuyết trình trên bục giảng như một "cuốn bách khoa toàn thư", học sinh thụ động tiếp nhận. Tuy nhiên, theo quan điểm đổi mới hiện nay, vai trò của giáo viên không phải là người thuyết trình nữa mà trở thành "trung gian" giữa học sinh và kiến thức, là "cầu nối" khơi gợi, gợi mở để các em chủ động tìm hiểu, nắm bắt kiến thức. Em nghĩ nếu thật sự làm được điều đó, kiến thức đến với học sinh sẽ theo kênh trực tiếp, hiệu quả hơn, sâu sắc hơn", Thủ khoa ĐH Sư phạm bày tỏ quan điểm.
Với đề án giáo dục mới của Bộ GD&ĐT, một giáo viên sẽ giảng dạy nhiều môn học (trong cùng khối), Thanh Thủy có đôi chút lo lắng vì 4 năm rồi cô bạn cũng không học nhiều về Sử, Địa. Theo cô bạn, để tự tin giảng dạy có lẽ cần phải đào tạo thêm để tái hiện và bổ sung kiến thức. "Em nghĩ thế hệ giáo viên trẻ chúng em có đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu dạy học mới này", Thủy tự tin.
Một vấn đề mà cô giáo viên tương lai còn trăn trở là chương trình học Ngữ Văn hiện nay vẫn con tương đối nặng, học sinh phải học nhiều môn cùng lúc, đó là một áp lực lớn.
"Theo ý kiến chủ quan của em, em mong rằng chương trình học sẽ nhẹ hơn, thay bằng quá nhiều kiến thức lí thuyết, những kiến thức đời sống sẽ được tích hợp nhiều hơn trong giảng dạy.
Mai Châm
(Ảnh NVCC)
Theo Dantri