Thủ khoa đại học đầu tiên: Thi chỉ để thử sức
Trần Hoàng Hà – thủ khoa Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2016 – cho biết, quan niệm về học tập và cuộc sống của em theo câu nói “hạnh phúc là khi bạn thấy đủ”.
Ngày 26/5, Đại học Quốc gia Hà Nội hoàn tất việc tổng hợp dữ liệu thi Đánh giá năng lực. Thí sinh cao điểm nhất kỳ thi đạt 124 điểm (điểm tuyệt đối 140), là Trần Hoàng Hà, học sinh lớp chuyên Toán, trường THPT chuyên Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Đứng đầu hơn 70.000 thí sinh
Là người đạt số điểm cao nhất, đăng ký nguyện vọng vào Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhưng Trần Hoàng Hà cho biết, ước mơ từ nhỏ của em là trở thành thầy giáo.
Trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, Hoàng Hà đăng ký dự thi khối A và B vào Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Y Hà Nội và Đại học Y Thái Nguyên. Nếu đỗ Đại học Sư phạm Hà Nội, đây sẽ là ngôi trường em ưu tiên học hàng đầu.
Video đang HOT
Chính vì thi Đánh giá năng lực với tâm lý thử sức, Trần Hoàng Hà không quá căng thẳng. Nam sinh nhận xét, đề thi hấp dẫn bởi hình thức mới mẻ, đòi hỏi học sinh nắm chắc kiến thức xuyên suốt ba năm THPT.
Với sở trường là lĩnh vực khoa học tự nhiên, cậu học sinh trường chuyên hoàn thành tốt bài thi. Ngay sau khi thi xong, Hà biết kết quả đạt 124 điểm, vui mừng vì nghĩ đơn giản: “Thế là mình không đứng… top cuối”.
Trần Hoàng Hà và cô giáo chủ nhiệm. Ảnh: NVCC.
Hiện tại, khi biết mình đạt danh hiệu thủ khoa trong kỳ thi đại học đầu tiên, Hoàng Hà vẫn bất ngờ, lâng lâng với cảm giác khó tả.
Được đặt biệt danh “hội trưởng” trong lớp với tính cách chín chắn, biết kết nối tập thể, cậu học sinh lớp chuyên Toán vừa giành giải nhất cấp tỉnh cuộc thi giải Toán trên máy tính cầm tay, giải khuyến khích học sinh giỏi Toán lớp 12. Điểm tổng kết môn Toán cuối năm học, Hà đạt 9,8. Điểm tổng kết trung bình môn đạt 9,1.
Không nên học quá nhiều sách tham khảo
Sinh ra trong gia đình bố là công nhân, mẹ là giáo viên, Hoàng Hà cho biết, người có ảnh hưởng lớn nhất với em là mẹ. Làm nghề giáo, mẹ có nhiều điều kiện dạy dỗ Hà ngay từ nhỏ. Ước mơ trở thành thầy giáo xuất phát từ mong muốn tiếp nối con đường của mẹ. Mặc dù nghề giáo viên hiện tại được cho rằng khó xin việc và lương thấp, nhưng theo nam sinh, đây là nghề nghiệp ổn định, phù hợp tính cách của em.
Học trường chuyên cách nhà gần 20 km, mỗi ngày, Hà đều tự bắt xe buýt đến trường, điều này sớm rèn cho em tính tự lập.
Tập thể lớp chuyên Toán của Trần Hoàng Hà.
Ngoài thời gian trên lớp, Hoàng Hà tranh thủ học thêm. Cậu cho biết, mỗi giờ học trên lớp chỉ dài 45 phút nên việc đi học thêm sẽ có cơ hội trao đổi với giáo viên nhiều hơn. Ngoài ra, Hà không tham gia học các khóa online, ít sử dụng Facebook theo xu hướng của các bạn trẻ hiện tại.
Thủ khoa đại học đầu tiên nêu quan điểm, không nên học theo quá nhiều sách tham khảo, học vừa phải và nắm chắc bí quyết. Đối với Hà, việc học như “đào sâu quốc bẫm”, chính vì vậy kiến thức từ lớp 10 đến lớp 12, em đều cần mẫn, không bỏ qua phần nào.
Trong cuộc sống, Hoàng Hà không bao giờ đặt quá nhiều mục tiêu hay ép bản thân phải đạt được các thành quả. Em làm mọi việc như trồng một mầm cây, cần mẫn và say mê, hoa thơm và quả ngọt tự nhiên kết trái.
Hà chia sẻ: “Em không yêu cầu bản thân phải căng thẳng hay hành hạ mình cố gắng ngoài khả năng. Vì vậy, em luôn có tinh thần học minh mẫn, không bị stress hay mụ mẫm đầu óc”.
Trong học tập, nếu thất bại, Hà chỉ “hơi buồn”, sau đó em nhanh chóng bắt nhịp với những công việc, kiến thức mới.
Theo Zing