Thủ khoa 29 điểm mỗi sáng ăn cơm nguội muối vừng
Bố mất khi còn trong bụng mẹ, cuộc sống của Nguyễn Hoàng Nam khá khó khăn. Mẹ em kể, mỗi ngày Nam chỉ xin đúng 26.000 đồng, trong đó 25.000 là tiền ăn trưa, còn lại là tiền gửi xe.
Căn nhà nhỏ ở đường số 1, Q. Tân Bình (TP.HCM) thường ngày vắng vẻ nay bỗng dưng đông vui hẳn. Họ hàng kéo đến chúc mừng Hoàng Nam (cựu học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) thành tân thủ khoa ĐH Bách khoa. Từ trong buồng bước ra, Nam bẽn lẽn: “Nhà không có internet nên gần đến chiều mẹ em nói em mới biết. Mẹ phấn khởi quá nên xin làm về sớm tiếp họ hàng đến chúc mừng. Em thì cũng rất vui, đến giờ vẫn bất ngờ”.
Căn nhà nhỏ của hai mẹ con thường ngày vắng vẻ nay đông vui hơn khi họ hàng hay tin Nam đỗ thủ khoa.
Mê xây dựng từ phim khoa học
Hoàng Nam dự thi khối A1 vào ngành xây dựng, ĐH Bách khoa TP.HCM, cậu đỗ thủ khoa với 29 điểm (cụ thể Toán 10, Lý 9,5, tiếng Anh 9). Tới thời điểm này, Nam là thí sinh có điểm số khối A cao nhất nước.
Nam còn thi thêm ĐH Kinh tế – Luật, khoa kinh doanh quốc tế (chưa công bố điểm). Nhưng mục tiêu chính vẫn là ĐH Bách khoa, vì trường gần nhà và quan trọng sẽ giúp Nam thực hiện đúng ước mơ trở thành một kỹ sư xây dựng, thiết kế các công trình.
Nam bật mí ước mơ làm kỹ sư xây dựng chớm nở từ năm lớp 10 khi tình cờ xem một bộ phim khoa học trên kênh Discovery. “Bộ phim nói về việc xây dựng, thiết kế các công trình kiến trúc, em xem thấy mê tít. Từ đó, em cứ chờ thời gian các kênh truyền hình có phim nói về xây dựng, công trình để xem”, Nam nói.
Video đang HOT
Ước mơ trở thành một kỹ sư xây dựng nên Nam đọc nhiều sách về lĩnh vực này
Thời gian xem tivi lúc rảnh, Nam chỉ xem các chương trình trên, bên cạnh đó cậu còn tìm hiểu qua sách vở nói về xây dựng, thi công công trình. Nam cũng hay đọc báo, nhất là các tin tức nói về xây dựng như khánh thành hầm Thủ Thiêm, hoàn thành tòa nhà Bitexco… để xem các công trình ấy có gì hay, thiết kế ra sao.
Nam cho biết thêm: “Suốt thời cấp 3 em chỉ thích xây dựng chứ chưa hiểu nhiều, nên chọn thi ngành này để được học kỹ hơn. Em sẽ cố gắng kiếm học bổng du học. Nếu được chọn em thích du học Nhật, và cũng về xây dựng. Mẹ em thì hoàn toàn ủng hộ mọi chọn lựa của em”.
Về bí quyết học tập, Nam ủng hộ việc đi học thêm. Suốt thời gian ôn thi đại học, Nam chỉ học ở nhà 3 tiếng, còn lại trên lớp học thêm. Theo Nam, học thêm sẽ được thầy cô củng cố kiến thức, dạy kỹ năng, phương pháp học bài làm bài. Nhưng quan trọng là về nhà phải biết học lại kỹ những phương pháp mà thầy cô đã dạy thì mới đạt hiệu quả cao nhất.
Sáng ăn cơm nguội, muối vừng
Cha mất từ từ khi Nam còn trong bụng mẹ. Nhà chỉ còn hai mẹ con sống nương tựa vào nhau. Đến năm lớp 8, mẹ Nam chuyển công tác từ Hà Nội vào TP.HCM. Cuộc sống hai mẹ con chật vật, nợ nần từ khi mua xong căn nhà ở thành phố. Để tiết kiệm, Nam không bao giờ xin mẹ tiền ăn sáng. Sáng hai mẹ con dậy sớm, ăn cơm nguội với muối vừng.
Hiểu những khó khăn của gia đình nên Nam rất thương mẹ, luôn cố gắng học tập.
“Mẹ đi làm, em đi học sớm nên chủ yếu ăn cơm nguội chứ không hâm lại cơm làm gì. Mẹ hay làm muối vừng, muối lạc để ăn, có khi thì làm ruốc (chà bông). Lâu lâu vội quá mới đi mua bánh mì về ăn sáng thôi’, Nam cho biết.
Mẹ của Nam, cô Lê Thị Tư (47 tuổi, nhân viên kế toán) kể: “Nam nó tiết kiệm lắm, ngày nào cũng chỉ xin đúng 26.000 đồng thì 25.000 đồng ăn cơm trưa ở trường, còn lại gửi xe đạp. Mãi năm lớp 12, bác ruột mới cho mượn được chiếc xe honda 70 cũ để đi học nhưng cũng chỉ xin đủ tiền đổ xăng, dư tiền là tối lại đưa lại cho cô”.
Tự lập từ bé, thích đọc tiểu thuyết, mê guitar
Dù khó khăn, thiếu thốn hơn hẳn bạn bè đồng trang lứa, nhưng Nam không khi nào than vãn, đòi hỏi ở mẹ. Trái lại, từ khi còn bé, Nam còn rèn cho mình tính tự lập. Ngoài giờ học chính, học thêm thì thời gian rảnh Nam phụ mẹ nấu nướng, việc nhà, xem đó như là giờ giải lao sau học tập. Buổi tối, mẹ đi làm 7-8h về là có sẵn cơm do Nam tự tay nấu nướng. Nam nấu ăn từ hồi lớp 6, món ăn sở trường là sườn xào chua ngọt, tôm rang. Nấu xong, Nam cũng không để mẹ phải rửa bát, quét nhà.
Sau giờ học, Nam phụ mẹ nấu nướng.
Thời gian rảnh Nam hay chơi đàn, đọc sách.
Trong học tập, Nam luôn lấy sự tần tảo của mẹ làm động lực học hành. Cậu thi vào lớp chuyên Toán, trường Lê Hồng Phong không chỉ vì thích mà còn vì học lớp chuyên, sẽ không phải mất tiền học.
Chàng thủ khoa tâm sự: “Mỗi lần cầm tiền của mẹ dù không nhiều nhưng em biết mẹ đã rất cố gắng để có chừng ấy tiền cho em. Do đó em không dám đòi hỏi thêm, và tự nhủ mình cố gắng học tập”.
Thành tích học của Nam cũng đáng nể phục, với rất nhiều giải thưởng quốc gia, thành phố. Suốt 12 năm liền học sinh giỏi, điểm toán trung bình Toán tròn 10; học sinh giỏi Toán, Lý cấp thành phố lớp 12, khuyến khích Toán quốc gia lớp 11, huy chương vàng Olympic truyền thống 30/4 lớp 11…
Không chỉ học siêu, Nam còn chơi cầu lông, bơi lội, cờ vua rất giỏi. Đặc biệt là biết đành đàn guitar từ năm lớp 3. Nam hay đàn những bài nhạc cổ điển của Tchaikovsky, Mozart, đọc sách về xây dựng, khoa học, sách tiểu thuyết, truyện ngắn của Nam Cao mỗi lúc rảnh.
Về dự định sắp tới, cô Lê Thị Tư chia sẻ: “Cháu đậu đại học rồi cũng hơi lo về chi phí học tập nhưng tới đây cũng phải ráng dành dụm mua cho Nam cái laptop. Trước giờ nhà không có máy tính không sao nhưng giờ thì cần thiết rồi. Hy vọng ở môi trường mới, Nam vẫn học tốt và sẽ đỡ nhút nhát hơn trước”.
Theo VNE
Học gì ở "lò' luyện hơn 700 học sinh?
Thời điểm kết thúc năm học cũng là lúc sĩ tử ùn ùn kéo đến các lò luyện thi để chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học. Ghi nhận tại nhiều trung tâm luyện thi nổi tiếng như Bách Khoa, Sư Phạm, Ngân Hàng... có lớp ken chật đến 600 - 700 người, nhiều sĩ tử phải ngồi ra cả hành lang để nghe giảng. Cứ tưởng thời buổi bây giờ "lò" luyện ế ẩm, nào ngờ...
Ngồi học tràn ra cả hành lang tại "lò" luyện thi trên phố Chùa Bộc
Luyện thi ở... hành lang
Tại một lò luyện thi có tiếng của thầy Thành, cô Thời (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội), vào khoảng 5 giờ chiều, sau khi kết thúc các buổi học chính trên trường cũng chính là khoảng thời gian cao điểm tại đây. Một học sinh cho biết, trung tâm luyện thi này từ lâu nay luôn đông khách. Tuy nhiên, sức chứa lại không nhiều, cả trung tâm lại chỉ có 4, 5 lớp học nên số học sinh có khi lên tới 600 - 700 người một lớp. Những ngày nóng nực, lớp học tại trung tâm luyện thi này biến thành một lò luyện theo đúng nghĩa đen của nó. Thậm chí, khi mất điện, giáo viên phải giảng chay, không micrô nhưng tại đây vẫn thu hút khách.
Có mặt tại trung tâm trên, sau khi xếp một hàng dài mua vé ngày, tôi đã được vào lớp. Phòng học với sức chứa chỉ 600, 700 chỗ ngồi nhanh chóng ken đặc người. Thấy tôi ngơ ngác tìm chỗ, một học sinh kéo tôi ra dãy bàn ngoài hành lang sát cửa sổ lớp giải thích đầy ái ngại: "Chắc bạn mới đi học ở trung tâm này. Muốn có ghế trong lớp, thì phải đến khi ca trước chưa kết thúc. Ở đây, chỉ vài phút là kín chỗ, hôm nay tôi còn "chạy sô" ở một trung tâm khác nên tôi đến muộn, cũng may vẫn còn dãy bàn hành lang. Dù không nhìn được bảng nhưng lại gần loa. Vẫn còn hơn chán phải ra cầu thang đứng hóng".
Đem thắc mắc về việc số ghế ít nhưng vé học được bán ra vẫn quá nhiều, một nhân viên của trung tâm cho biết: "Từ lâu nay, trung tâm vẫn thu hút rất đông thí sinh. Những ngày đầu, số vé bán ra chỉ vừa đúng với lượng chỗ ngồi nhưng do các em vẫn có nhu cầu, yêu cầu được ngồi ghép, thậm chí ngồi ra cả hành lang, chúng tôi đành phải bán thêm. Chúng tôi cũng đã bố trí hệ thống loa để phục vụ, tăng ca giảng nhưng vẫn không đáp ứng đủ. Thí sinh tới đây ôn luyện còn ngày một tăng lên".
Rời trung tâm này, tôi tiếp tục tìm đến một lò luyện thi nằm trên phố Chùa Bộc, từ đầu ngõ vào đã la liệt xe cộ gửi thành một hàng dài. Tại trung tâm này, thí sinh liên tiếp gặp phải tình huống phải ra ngoài gửi xe với giá cắt cổ vì bên trong đã kín chỗ. Được biết, do các thầy cô tại trung tâm rất có tiếng, tỉ lệ thi đỗ cao nên trung tâm này chưa bao giờ vắng học sinh. Những người tới đây phần đông là học sinh lớp 12 và những người đã từng thi trượt ở Hà Nội, chỉ có một số rất nhỏ học sinh ở tỉnh khác lên đây luyện thi. Đông đúc, chen lấn, chật chội cũng là những ghi nhận tại trung tâm luyện thi trên phố Cửa Bắc nơi nổi tiếng với môn tiếng Anh. Ở đây, một lớp học cũng không thể đếm nổi có bao nhiêu học sinh tham gia. Một thí sinh tên Dũng ở Thái Bình chia sẻ: "Đây là năm thứ hai mình thi, năm nay do bạn bè chỉ tới đây để ôn luyện nên mình cũng tới thử".
Đến các trung tâm luyện thi, chứng kiến các sĩ tử được "nhồi nhét" trong những phòng học chật chội thì mới thấy cũng lắm người đi học vì cái sự thi nhưng không thiếu kẻ đi học chỉ như một sự hiếu kỳ, theo tâm lý đám đông, người ta đi luyện thì mình cũng đi. Tại trung tâm luyện thi trên phố Chùa Bộc không ít học sinh tỏ ra bức xúc vì nhiều người kiếm được chỗ ngồi trong lớp lại bò ra bàn ngủ, trong khi nhiều người phải đứng ngoài hành lang ghi chép.
Đặt câu hỏi, liệu ôn thi kiểu đến những trung tâm luyện thi như thế này có thật sự hiệu quả, trong môi trường hỗn tạp nhiều loại âm thanh, có tiếng giảng từ loa, tiếng xì xào bàn tán bài vở, tiếng nói chuyện, thậm chí cả âm thanh sột soạt của nữ sinh bóc kẹo bánh, liệu có thể tiếp thu được bài học. TS. Lê Đông Phương - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Đại học và Nghề nghiệp (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng: "Học là quá trình thí sinh tự tiếp thu kiến thức cho bản thân. Việc tiếp thu có thể nói là do ý thức của mỗi cá nhân. Nhưng cũng không thể loại bỏ yếu tố môi trường ôn tập. Nơi càng yên tĩnh, thí sinh càng dễ tập trung. Còn về vấn đề hiệu quả của các trung tâm luyện thi, tôi cho rằng, tại những trung tâm tốt, uy tín, chất lượng vẫn sẽ đảm bảo. Không phải trung tâm nào cũng dạy xô bồ, kiếm tiền. Tôi biết nhiều nơi đang ngắc ngoải với vài chục thí sinh đến luyện, có nơi đã phải đóng cửa. Trong thời buổi công nghệ cao như hiện nay, các sĩ tử không chỉ có một sự lựa chọn duy nhất là đến lò luyện".
Luyện thi online không hút khách
Hiện nay, ngoài tới các lò luyện thi đông đúc tới 600 - 700 người, các bạn học sinh đã có thêm nhiều sự lựa chọn để chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Chỉ cần một chiếc máy vi tính nối mạng, các thí sinh hoàn toàn có thể học ngay tại nhà mọi lúc mà không cần chen chúc đến các trung tâm đông tới hàng trăm người trong thời tiết mùa hè ngày càng oi bức. Chưa kể nhiều trang mạng còn cung cấp dịch vụ luyện thi online miễn phí. Việc luyện thi này có tác dụng giúp các bạn tiết kiệm thời gian, chi phí cũng như công sức đi lại, và vẫn đảm bảo sức khỏe. Các sĩ tử sẽ không phải lo lắng chuyện "chạy sô" từ lớp luyện thi này sang lớp luyện thi khác. Hơn nữa, những thầy cô giảng dạy trực tuyến này cũng chính là những giáo viên có tiếng. Nhưng các khóa học này vẫn không hút thí sinh. Điểm mạnh của luyện thi online đó là được xem nội dung giảng bài nhiều lần đến khi hiểu thì thôi, thay vì chỉ được nghe một lần khi học tại các trung tâm. Tuy nhiên, luyện thi trực tuyến lại đòi hỏi tính tự giác rất cao của học sinh. Nếu không tập trung và bị sa đà vào những trò chơi, giải trí trên mạng thì việc học không có hiệu quả mà chỉ tốn thời gian vô ích.
Bạn Nguyễn Anh Quân ở Núi Trúc cho biết: "Tôi từng thử qua một số lớp học online nhưng chỉ được một lúc quảng cáo các web game, game trực tuyến lại nhảy ra trước mắt, không thể tập trung được. Suy cho cùng, học tập trong môi trường trực tiếp, lại có thể trao đổi với bạn bè vẫn là tốt hơn. Đó là sự lựa chọn số một cho những người không có điều kiện được các thầy cô nổi tiếng giảng một thầy một trò". Xem ra, sức nóng từ các lò luyện thi vẫn không hề giảm dù có ngày một nhiều những hình thức luyện thi ít mệt mỏi, vất vả hơn. Nhưng nhìn ở một khía cạnh khác, dù luyện thi ở "lò", hay luyện thi online thì hiệu quả đến đâu đều do ý thức của học sinh quyết định. Thực tế, vẫn có rất nhiều học sinh nghèo, không có điều kiện luyện thi, đều tự học ở nhà mà vẫn đỗ điểm cao như thường.
Theo ANTD
Ngành Kinh tế giảm sức hút, Y và Sư phạm lên ngôi Hôm qua (11/4) là ngày cuối thí sinh nộp hồ sơ theo hệ thống của Sở GD-ĐT, thống kê cho thấy ngành Sư phạm và Y trở thành lựa chọn hàng đầu của thí sinh khu vực TPHCM. Trong khi đó, ở nhóm ngành Kinh tế, lượng hồ sơ giảm mạnh. Tại điểm thu hồ sơ dự thi ĐH, CĐ của Sở GD-ĐT...