Thu hồi sân golf mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất: Sao phải né tránh?
Trong khi Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía bắc không khả thi, nhiều chuyên gia trong ngành lại nhận định điều ngược lại và cho rằng, việc thu hồi sân golf không chỉ xoá hình ảnh phản cảm hiện hữu mà còn giải quyết căn cơ vấn đề ùn tắc tại đây khi xoá thế độc đạo của Tân Sơn Nhất.
Mở rộng sân bay ra phía bắc: Bộ nói tốn, chuyên gia bảo không
Lý giải về phương án mở rộng Tân Sơn Nhất mà không “sờ” đến đất sân golf, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, nếu mở rộng sân bay ra phía bắc sẽ “hoàn toàn không khả thi” vì chi phí giải phóng mặt bằng, ô nhiễm tiếng ồn và nhiều vấn đề khác.
Bộ từng đưa ra 2 phương án có đề cập đến việc sử dụng đất sân golf để xây mới đường cất hạ cánh số 3; xây dựng hai nhà ga mới và các công trình phụ trợ hoặc xây dựng nhà ga, các công trình kỹ thuật ở phía Bắc đường lăn gồm sân đỗ, khu dịch vụ kỹ thuật và nhà ga T4 công suất 20 triệu khách/năm, cải tạo đường hạ cất cánh 25R/07L. Tuy nhiên, cả hai phương án đều có tổng mức đầu tư khủng lần lượt là 201.350 tỉ đồng và 61.590 tỉ đồng. Trong khi đó, phương án “né” sân golf chỉ tốn khoảng 19.700 tỉ đồng. Do đó, Bộ GTVT kiên quyết bảo vệ phương án không thu hồi sân golf.
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia trong ngành đều phản đối lập luận của Bộ GTVT. Theo chuyên gia Phạm Sanh, đằng sau sân golf Tân Sơn Nhất là nhiều chuyện phức tạp nên Bộ GTVT mới né tránh. Liên quan đến việc xây đường bay thứ 3 gây tốn kém, chuyên gia này cho rằng, với 2 đường băng hiện tại cũng đủ để lên công suất 80 triệu hành khách nên chưa cần phải đổ tiền xây đường băng thứ 3. Tuy nhiên, việc lấy đất sân golf để làm nhà ga, mở rộng bãi đỗ máy bay cũng như bãi để xe “là quá lý tưởng” vì nó tiếp cận đường Tân Sơn và đường Phạm Văn Bạch và sau này có thể thêm cửa ở hướng đường Quang Trung và như thế giao thông thành phố nói chung và vấn đề ùn tắc trong ngoài sân bay được giải quyết mà không tốn kém.
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (chuyên gia kỹ thuật hàng không) cũng nhận định với báo giới rằng, vấn đề chi phí và thời gian triển khai trong các phương án mà Cty Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC – thuộc Quân chủng Phòng không – không quân, Bộ Quốc phòng) đưa ra để mở rộng Tân Sơn Nhất là không khách quan dẫn đến kết luận rằng việc thu hồi sân golf không khả thi. Trên thực tế, theo chuyên gia này, có thể thực hiện phương án xây dựng đường băng cất hạ cánh thứ 3 trên phía đất thu hồi từ sân golf và có khoảng cách 760m với đường băng cất hạ cánh số 1 dài 3.800m hiện hữu mà không cần giải tỏa hộ dân nào.
Còn TS Trần Đình Bá nhận định, sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang rơi vào thế độc đạo với duy nhất một đường vào nên bế tắc là phải và nếu gặp hỏa hoạn hay khủng bố sẽ là lâm nguy vì không chi viện được. Do đó, tiến sĩ Bá cho rằng phải thu hồi toàn bộ sân golf, mở cửa ra hướng Bắc , đông Bắc và Tây Bắc để giải toả ùn tắc.
Him Lam Palace – Trung tâm hội nghị tiệc cưới duy nhất nằm trong sân golf. Ảnh: A.C
Sân golf chỉ là trá hình?
Video đang HOT
Theo chuyên gia Phạm Sanh, việc thu hồi sân golf không chỉ cứu Tân Sơn Nhất mà còn vì lòng dân.
Hiện tại, cụm sân golf Tân Sơn Nhất có diện tích 157ha và được thiết kế 4 sân với 36 lỗ, trong đó có 3 sân nằm bên đường băng sân bay. Cổng chính vào sân golf được xây dựng hoành tráng, nằm bên tuyến đường Tân Sơn được mở rộng thành 4 làn xe từ giao lộ với đường Phạm Văn Bạch tới cổng. Sân golf bắt đầu được xây từ 2007 và khai trương vào tháng 8.2015. Từ cổng vào trung tâm khu phức hợp là tòa nhà CLB Golf có diện tích lên tới 12.700m2, trong đó riêng bãi đỗ xe rộng tới 2.050m2, đủ chỗ cho 361 ôtô và 500 xe máy.
Tòa nhà này gồm có 3 tầng, là tòa nhà CLB Golf, nhà hàng A La Cart, trung tâm hội nghị tiệc cưới Him Lam Palace có sức chứa 2.000 người và có cả bãi đáp trực thăng riêng.
Trước đó, theo một số nguồn tin, ngoài triển khai sân golf dự án này còn tính toán việc xây khu biệt thự, khu căn hộ cao cấp, khu trường học và khách sạn cao cấp… thời gian khai thác toàn dự án là 50 năm.
Đất sân bay “cắt ra làm sân golf, nhà hàng là không chấp nhận được”
Trao đổi bên lề phiên thảo luận về các nội dung liên quan đến việc triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhiều đại biểu QH cho rằng, trong khi chờ đợi sân bay Long Thành thì nên thu hồi sân golf ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất để có thêm gần 160ha đất, tăng công suất, giảm tình trạng kẹt cứng hiện nay.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: “Nếu dành đất phục vụ cho mục đích quân sự thì sẵn sàng và không phải tranh cãi, nhưng ở đây lại trở thành đất dân sự để kinh doanh là điều không thể chấp nhận được. Vì sân golf chỉ phục vụ lợi ích cho một nhóm người, không vì lợi ích chung” – đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phân tích, có thể chuyển khoảng đất bị thu hồi thành sân bay quân sự hoặc sân bay nội địa ở một số lĩnh vực nào đó để giảm quá tải cho sân bay Tân Sơn Nhất trước khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động chính thức. Thời gian chờ đợi sân bay Long Thành đi vào hoạt động còn rất dài. Vì thế, cùng với xây dựng sân bay Long Thành thì cũng nên mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất để giải quyết tình trạng quá tải, gây bức xúc cho người dân trong thời gian qua.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang khai thác quá tải công suất thiết kế. Theo đó, năm 2016 đạt 32,5 triệu hành khách, trong đó có 20,6 triệu hành khách nội địa, vượt 37% công suất khai thác và gần 12 triệu hành khách quốc tế. (Theo Bộ GTVT)
Theo Khánh Hòa-Xuân Quang (Lao động)
Sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất: Chủ đầu tư sẵn sàng "dẹp"(?)
Chủ đầu tư sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) cho biết sẵn sàng "dẹp" sân golf vì lợi ích quốc gia, nhưng với điều kiện phải đảm bảo hài hòa quyền lợi các bên.
Liên quan đến các thông tin về sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, sáng 13.6, đại diện Công ty cổ phần đầu tư Long Biên (chủ đầu tư) đã có buổi trao đổi với PV Dân Việt xoay quanh vấn đề này.
Tham dự buổi trao đổi có ông Trần Văn Tĩnh - Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Long Biên; ông Trần Ngọc Hải - Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Long Biên và ông Nguyễn Thành Quang - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Long Biên.
Đây là lần đầu tiên chủ đầu tư lên tiếng trao đổi thẳng thắn với báo chí xung quanh sự kiện gây ầm ĩ dư luận suốt tuần qua: Đó là sự tồn tại của sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất.
Một góc sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất.
Đại diện công ty này thông tin, các hạng mục xây dựng trên khu đất 157ha được thực hiện theo Quyết định 596/QĐ-UBND ngày 18.4.2011 của UBND quận Tân Bình (TP.HCM) về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất tại sân bay Tân Sơn Nhất - quận Tân Bình quy mô hơn 157ha.
Theo Quyết định số 596, chủ đầu tư được phép xây dựng sân golf (diện tích 111ha) và các công trình phụ trợ như hồ nước, câu lạc bộ sân golf, nhà tập golf và trạm dừng chân với tỷ lệ 84% diện tích toàn khu đất. Ngoài ra, phần diện tích đất còn lại dùng để xây dựng các hạng mục công trình công cộng và phục vụ (khách sạn, nhà hàng, thể dục thể thao; đất xây dựng cụm trường; trường học nhà trẻ, mẫu giáo); công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật; khu nhà ở cho thuê (khu căn hộ, khu biệt thự).
Bên trong sân golf.
Hiện tại khu đất 157ha chỉ có sân golf 36 lỗ và khu nhà điều hành được đưa vào sử dụng từ năm 2015. Còn lại các hạng mục khác đều chưa được xây dựng hoặc tạm ngưng xây dựng. Lý do ngưng thực hiện các hạng mục công trình trong khu vực sân golf là về nguồn vốn thực hiện chứ không phải từ áp lực nào khác. Riêng các hoạt động của sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất vẫn diễn ra bình thường, hàng ngày vẫn có hàng trăm khách đến chơi golf.
Ông Trần Văn Tĩnh - Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Long Biên - cho biết đã nắm được thông tin chỉ đạo của Thủ tướng về việc dừng các công trình liên quan hạ tầng phụ trợ sân golf như trường đào tạo năng khiếu golf, khu biệt thự, căn hộ cho thuê... nhưng vẫn chưa có thông tin nào cụ thể.
Còn về các ý kiến đề xuất thu hồi sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, giảm tải áp lực hạ tầng giao thông, phục vụ lợi ích quốc gia, ông Tĩnh cho rằng điều này cần nghiên cứu kỹ, có chọn lọc để tìm ra phương án tối ưu cho việc mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất trên cơ sở đảm bảo hiệu quả và lợi ích trong việc cân đối ngân sách quốc gia. Ông khẳng định nếu như vì lợi ích quốc gia, đơn vị này sẵn sàng ủng hộ phương án cho thu hồi sân golf, với điều kiện đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp.
Ông Trần Văn Tĩnh nói về vị trí sân golf.
"Theo quan điểm của Chính phủ, hiện nay tất cả các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đều bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm. Do vậy khi cần thiết lấy diện tích đất sân golf thì các bên liên quan phải bàn với nhau để có biện pháp xử lý thích hợp, đảm bảo quyền lợi các bên", ông Tĩnh nói.
Ông cũng phản bác ý kiến cho rằng sân golf góp phần gây ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất bởi tại khu vực này có hồ điều tiết rộng 15ha với trữ lượng 700.000m3 nước. Hiện hồ này chỉ có 400.000m3 nước nên có thể tiếp nhận thêm 300.000m3 nước. Riêng về vấn đề an toàn bay, ngay từ khi lập quy hoạch tỷ lệ 1/500 các cơ quan đã xin ý kiến Bộ Tổng Tham mưu về độ tĩnh không, các biện pháp đảm bảo an toàn bay theo quy định. Riêng các vấn đề thủ tục, công tác chuẩn bị thực hiện dự án, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan phải mất đến 6 năm thực hiện (từ năm 2005 - 2011).
Ông Trần Ngọc Hải cũng đưa ra ý kiến cho rằng sân golf này mang lại một số lợi ích về xã hội kể từ khi đưa vào hoạt động. Cụ thể, sân golf này đã tạo công ăn việc làm cho 1.200 lao động, góp phần xây dựng hạ tầng giao thông khu vực khang trang, thu hút nhà đầu tư, khách du lịch vào thành phố, cải tạo cảnh quan môi trường khu vực...
Chiều 12.6, Thường trực Chính phủ đã họp với các bộ ngành liên quan và quyết định thuê tư vấn nước ngoài nghiên cứu mở thêm đường băng nữa, để tăng công suất khai thác sân bay Tân Sơn Nhất. Cụ thể sau cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận: Giao Bộ trưởng Giao thông Vận tải chủ trì thuê tư vấn nước ngoài để rà soát, khảo sát, lên phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, trên cơ sở hiệu quả, tiết kiệm và đảm bảo tiến độ nhanh nhất để giải quyết vướng mắc, ùn tắc, quá tải. Khảo sát đánh giá khách quan độc lập, trong 6 tháng báo cáo Thủ tướng. Thủ tướng giao Bộ trưởng Quốc phòng chỉ đạo dừng tất cả các công trình liên quan hạ tầng phụ trợ sân golf, như trường đào tạo năng khiếu golf, khu biệt thự, chung cư cao cấp cho thuê... để chờ các cơ quan tư vấn và các nhà khoa học xem xét trước khi quyết định. Thủ tướng cũng yêu cầu mọi việc phải tiến hành minh bạch trước công luận, cử tri cả nước.
Theo Danviet
Cận cảnh sân golf VIP nằm trong... sân bay Tân Sơn Nhất Bên trong sân golf Tân Sơn Nhất thiết kế 4 sân 9 lỗ, trong đó có 3 sân nằm bên đường băng sân bay. Thú tiêu khiển uống cà phê ngắm máy bay giờ không còn là "mốt" nữa, thay vào đó là "đẳng cấp" vừa ngằm máy bay vừa... đánh golf! Sân golf Tân Sơn Nhất hiển thị trên Google Map. Từ...