Thu học phí sai quy định
Nhiều trường ĐH, CĐ hiện không thu học phí theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Để giữ chân sinh viên !
Từ năm học trước, Bộ đã quy định các trường phải thu học phí theo từng tháng, không được thu từng năm hoặc học kỳ nếu sinh viên không tự nguyện. Nhưng trong những ngày thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học, nhiều trường vẫn thông báo thu học phí theo năm hoặc học kỳ.
Tân sinh viên Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội làm thủ tục nhập học
- Ảnh: website ĐH KD&CN
Trong thông báo về đơn giá học phí năm học 2013 – 2014 được đăng tải trên trang web Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM, sinh viên (SV) trúng tuyển vào trường năm 2013 phải đóng học phí trọn gói cả năm học. Cụ thể, SV bậc ĐH phải đóng 16 – 17 triệu đồng và SV bậc CĐ phải đóng 15 triệu đồng. Không chỉ SV mới nhập học, SV các năm còn lại cũng phải đóng học phí theo từng học kỳ.
Tương tự, hàng loạt trường khác đều thông báo thu học phí theo từng học kỳ. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tạm thu học phí học kỳ 1 năm học là 3 triệu đồng/SV (trừ ngành sư phạm tiếng Anh miễn học phí). Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cũng thông báo tạm thu học phí nhập học của SV khóa 2013 là 2,2 triệu đồng/SV.
Video đang HOT
Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng thu học phí của SV khóa 2009 các ngành từ hơn 4,7 – 5,7 triệu đồng/học kỳ. Trong thông báo về điều kiện nhập học của Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, SV phải đóng học phí học kỳ 1 là 4,8 triệu đồng. Trường ĐH Công đoàn cũng yêu cầu SV đóng hơn 3,3 triệu đồng bậc ĐH và hơn 2,8 triệu đồng bậc CĐ.
Trường ĐH Tiền Giang thu học phí học kỳ 1 năm học này với mức từ 888.000 đồng đến hơn 1,2 triệu đồng tùy ngành và bậc học. Trường ĐH Đồng Tháp tạm thu học phí học kỳ 1 của SV các ngành ngoài sư phạm khi nhập học là 2,4 triệu đồng (bậc ĐH), 2 triệu đồng (bậc CĐ) và 1,8 triệu đồng (bậc TCCN). Tại Học viện Hành chính, học phí phải đóng khi nhập học là hơn 2,1 triệu đồng/SV. Trường ĐH Y Hà Nội thông báo học phí năm học này mỗi tháng 685.000 đồng (10 tháng/năm học). Tuy nhiên, trường yêu cầu SV nhập học nộp trước học phí của 5 tháng đầu. Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội cũng thu học phí học kỳ 1 hơn 2,2 triệu đồng (bậc CĐ) và hơn 2,8 triệu đồng (bậc ĐH).
Lãnh đạo một trường ĐH tại TP.HCM cho biết: “Học kỳ đầu tiên khi SV nhập học, các trường phải thu học phí toàn học kỳ hoặc nguyên năm là cách trường giữ chân SV”.
Phí đón tiếp, tiền giấy vệ sinh
Không chỉ học phí, SV còn phải đóng nhiều khoản lệ phí khác tùy theo quy định từng trường.
Khi đến làm thủ tục nhập học, SV Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội phải đóng lệ phí nhập học 228.000 đồng/SV. Học viện Ngân hàng thu lệ phí đón tiếp nhập học 70.000 đồng/SV. Trường ĐH Y Hà Nội cũng thu tiền đón tiếp và làm thủ tục nhập học với mức 100.000 đồng/SV, phí phục vụ thư viện ngoài giờ 30.000 đồng/năm và đóng một lần cho cả khóa học. Đặc biệt, trường này còn thu hội phí Hội SV hệ bác sĩ là 72.000 đồng (6 năm) và hệ cử nhân 48.000 đồng (4 năm).
Trong khi nhiều trường miễn lệ phí khám sức khỏe cho SV hoặc thu với giá trên dưới 30.000 đồng thì Trường ĐH Sài Gòn thu 80.000 đồng, Trường ĐH Cần Thơ thu 190.000 đồng, Trường ĐH Dầu khí Việt Nam thu đến 269.000 đồng…
Đặc biệt hơn, Trường CĐ Công nghiệp và xây dựng còn thu phí vệ sinh môi trường và vệ sinh phòng học cả khóa học là 120.000 đồng. Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM thu 60.000 đồng chi phí nước uống và vệ sinh, Trường ĐH Dầu khí Việt Nam mỗi tháng thu 20.000 đồng/SV tiền giấy vệ sinh, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM thu phí tham quan danh lam thắng cảnh 170.000 đồng…
Học phí thu theo tháng Điều 13 Nghị định 49 ban hành năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 – 2011 đến 2014 – 2015, ghi rõ: “Học phí được thu định kỳ hằng tháng; Nếu học sinh, sinh viên tự nguyện, nhà trường có thể thu một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học”. Đây là quy định chung cho toàn bộ các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. Thêm vào đó, ngày 10.5.2013 Bộ GD-ĐT tiếp tục ra thông báo gửi các cơ sở giáo dục công lập yêu cầu các trường không được ép buộc học sinh, sinh viên đóng học phí một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học (trừ trường hợp tự nguyện), nhất là đầu năm học mới.
Theo Thanhnien
Thi riêng, mất cơ hội xét tuyển chung
Lúc tham gia kỳ thi tuyển sinh riêng ở các trường năng khiếu, thí sinh không thể lường được tình huống sẽ gặp khó khăn khi tham gia xét tuyển chung.
Thí sinh dự thi môn năng khiếu vào Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM - Ảnh: Đăng Nguyên
Trường thi "3 chung" không nhận
Thí sinh T.T, thi vào ngành thiết kế đồ họa của Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, cho biết: "Em thi được 16 điểm, không đủ điểm trúng tuyển NV1, sau đó trường có cấp giấy báo điểm để em đăng ký xét tuyển bổ sung. Em nộp hồ sơ vào Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM nhưng trường thông báo em không được xét tuyển". T. là một trong nhiều trường hợp thí sinh dự thi vào Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM không thể xét tuyển vào trường thi theo "3 chung".
Theo tiến sĩ Trương Phi Đức - Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, những ngày vừa qua trường gần như quá tải vì phụ huynh và thí sinh thắc mắc về chuyện không được xét tuyển bổ sung sang trường khác. "Có em chỉ thi vào một ngành học của trường và có điểm rất cao. Năm nay, trường thi tuyển từ ngày 11 - 14.7, có 975 thí sinh thi nhưng chỉ có 165 chỉ tiêu. Trong đó, ngành thiết kế đồ họa nhiều nhất với 89 chỉ tiêu. Với số lượng như vậy, điểm chuẩn của ngành này đã lên đến 28, nhiều thí sinh điểm cao cũng không trúng tuyển", ông Đức thông tin thêm.
Theo ông Đức, khi được quyết định cho phép tuyển sinh riêng, chính nhà trường cũng không biết thí sinh không trúng tuyển NV1 không được xét tuyển bổ sung sang trường khác. Do đó, trường vẫn gửi phiếu báo điểm cho thí sinh để xét tuyển sang trường khác. Đến khi thí sinh phản ánh các trường không nhận hồ sơ xét tuyển, trường còn nghĩ rằng các trường ngoài công lập có cách tuyển sinh khác. Lãnh đạo các trường ĐH: Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, Hoa Sen, Văn Lang cũng cho biết ban đầu không nghĩ đến tình huống này.
Theo thông báo của Bộ GD-ĐT, 10 trường tuyển sinh riêng trong năm nay nếu tuyển sinh các ngành khối văn hóa (khối C) thì xét tuyển dựa vào kết quả theo đề thi tuyển sinh chung của Bộ. Các trường có tuyển sinh riêng ngành nghệ thuật (khối H, N, S) xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết 3 năm học THPT môn ngữ văn. Riêng môn năng khiếu sẽ do hiệu trưởng các trường quyết định hình thức và thời gian thi tuyển.
Như vậy, theo quy định, thí sinh khối C muốn vào các trường xét tuyển riêng phải thi ở một trường khác có khối thi tương ứng, sau đó dùng kết quả để xét tuyển. Không có vấn đề gì với những thí sinh này nhưng lại khó khăn đối với các thí sinh thi ngành năng khiếu. Do những thí sinh này không thi môn văn theo đề chung nên không thể xét tuyển vào các trường thi theo "3 chung" có cùng khối thi. Tình huống này cả Bộ lẫn các trường cũng không đề cập đến cho thí sinh khi họ quyết định tham gia thi tuyển.
Ít cơ hội xét tuyển
Còn nếu tính trong nội bộ 10 trường tổ chức thi riêng, cơ hội xét tuyển cho thí sinh cũng không nhiều.
Chẳng hạn, ở khối mỹ thuật phía bắc, thí sinh không trúng tuyển vào Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam chỉ có thể xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật T.Ư. Năm nay, trường này xét tuyển bổ sung ngành quản lý văn hóa (khối H, N) chỉ với 150 chỉ tiêu nhưng nhận hồ sơ trên toàn quốc. Vì thế, thí sinh không trúng tuyển nhưng đủ điều kiện xét tuyển của Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam phải cạnh tranh rất gay gắt với thí sinh từ các trường khác để vào Trường ĐH Sư phạm T.Ư.
Ở phía nam, theo tình hình năm nay, thí sinh không trúng tuyển NV1 vào Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM chỉ có thể xét tuyển bổ sung vào Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Trong khi đó, thí sinh không trúng tuyển NV1 vào Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai lại không thể xét tuyển ở bất kỳ trường nào khác. Những năm trước, thí sinh của trường này có thể nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung vào bậc CĐ của các trường như ĐH: Công nghệ Sài Gòn, Kỹ thuật công nghệ, Quốc tế Hồng Bàng...
Thừa nhận thi riêng có nhiều điểm lợi như tạo cơ hội cho thí sinh thi được nhiều trường hơn (do thời gian tuyển sinh các trường khác nhau), trường có nguồn tuyển nhiều hơn và đánh giá thí sinh cả quá trình phổ thông... nhưng cũng nảy sinh nhiều bất cập. Chẳng hạn tình trạng thí sinh mất cơ hội xét tuyển vào các trường có cùng khối thi nhưng thi theo "3 chung". Trước tình hình này, lãnh đạo nhiều trường cũng cho rằng, lẽ ra Bộ nên chỉ ra điều này khi cho phép các trường tuyển sinh riêng để trường và thí sinh không phải bỡ ngỡ.
Trả lời Thanh Niên về vấn đề này, GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định: "Bộ cho 10 trường tuyển sinh riêng trong năm nay theo đề án của các trường và thời gian thi tuyển do các trường này chủ động. Vì vậy, thí sinh vẫn có thể tham dự kỳ thi "3 chung" của các trường khác để nộp hồ sơ xét tuyển chứ không được sử dụng kết quả thi từ 10 trường này"!
Theo TNO
Trăm sinh viên khiếu nại vì không được thi tốt nghiệp Sáng nay 19/8, rất đông sinh viên tiếp tục đến trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn để yêu cầu nhà trường giải quyết cho việc dự thi tốt nghiệp vào tháng 9 tới. Nhiều ngày qua, hàng trăm sinh viên liên tục đến trường khiếu nại vì đã nộp đầy đủ hồ sơ và các chứng chỉ cần...