Thu học phí 50.000 USD và dạy trực tuyến hoàn toàn, Harvard bị chê đắt!
Vì Covid-19, các sinh viên đang đối mặt với nhiều lựa chọn khó khăn: nên ở trong ký túc xá của trường rồi học trực tuyến hay ở nhà học trực tuyến? Và thậm chí là đại học có xứng đáng với chi phí mà họ bỏ ra ngay thời điểm này?
Ảnh minh họa
Lucy Tu khá quen thuộc với các lớp học trực tuyến và sự kiện được tổ chức trên mạng. Cô đã hoàn thành năm cuối trung học của mình theo hình thức trực tuyến, hoàn tất vai trò biên tập viên của tờ báo trường nhờ những cuộc trò chuyện nhóm và các cuộc gọi video, tranh tài trong một giải đấu cấp toàn quốc thông qua một bài nộp video và thậm chí có một bữa tiệc tốt nghiệp nhỏ trên Zoom.
Giờ đây, cô chuẩn bị bắt đầu năm thứ nhất tại Đại học Harvard vào mùa thu tới, và cô thực sự ước mình có thể tham dự các lớp học thật ngoài đời với các bạn cùng trang lứa.
Đầu tháng này, Đại học Harvard đã công bố rằng trường có kế hoạch tiếp tục mở lại các lớp vào mùa thu hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến. Mặc dù trường dự kiến sẽ luân chuyển sinh viên đại học trong và ngoài khuôn viên với số lượng nhỏ hơn, với sinh viên năm nhất được mời nhập học vào mùa thu và sinh viên năm cuối tựu trường vào mùa xuân, nhưng nhiều sinh viên sẽ không ở trong khuôn viên trường. Những người ở trong khuôn viên trường có thể tham dự các lớp học từ phòng ký túc xá của họ.
Tu đã chuẩn bị cho một số khác biệt vào mùa thu này do đại dịch virus corona, nhưng điều làm cô ngạc nhiên là học phí – 49.653 USD (không bao gồm tiền ăn ở) cho năm học sắp tới – sẽ vẫn như cũ.
Đối với một sinh viên như Tu, các kế hoạch của Harvard đưa ra 3 lựa chọn không hề lý tưởng: (i). trả tới 63.000 USD để sống trong khuôn viên trường trong một học kỳ, có một trải nghiệm ở mức hạn chế với các bạn cùng lớp và tham gia các lớp học trực tuyến, (ii).chỉ trả 54.000 USD cho học phí các lớp học từ nhà của cha mẹ cô ở Omaha, Nebraska, (iii). hoặc nghỉ tạm một năm để tích lũy thêm kinh nghiệm sống (gap year) vào thời điểm mà việc đi lại quốc tế khó khăn và có rất ít cơ hội việc làm cho các sinh viên năm nhất.
Cân nhắc giữa các lựa chọn
Những sinh viên đã quyết định sẽ học trường nào và sẵn sàng chấp nhận mức học phí giờ đây lại phải đối mặt với những lựa chọn thậm chí phức tạp hơn. Nên ở trong ký túc xá của trường rồi học trực tuyến hay ở nhà học trực tuyến? Và thậm chí là đại học có xứng đáng với chi phí mà họ bỏ ra ngay thời điểm này?
Mẹ của Tu, bà Libin Pan, thích cắt giảm chi phí ăn ở và cho Tu học tại nhà hơn trong năm nay. Mặc dù gia đình bà không đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính do có thu nhập ở mức tương đối khá, nhưng bà nói rằng mình cũng không còn dư nhiều sau khi đóng học phí cho cả Tu và anh trai cô. Ngoài ra, là một kỹ sư máy tính, bà cũng bị giảm thu nhập do virus corona.
“Trong thời điểm khó khăn này, tôi muốn thấy các trường giảm học phí để đỡ gánh nặng cho phụ huynh. Đó là lý do tại sao chúng tôi thích cho con bé ở nhà. Ít nhất chúng tôi không phải trả chi phí nội trú”, bà nói.
Nhưng đối với Tu, học ở nhà là lựa chọn ít hấp dẫn nhất.
“Nếu nghỉ tạm một năm, có thể tôi sẽ có được một năm nhất đúng nghĩa hơn. Nếu nhập học vào mùa thu này, ít nhất tôi sẽ có khao khát hơn. Sợ rằng nếu ở nhà, tôi sẽ từ bỏ tất cả. Tôi không biết liệu mình có thể duy trì được động lực hay không?”, Tu nói.
Chi phí có đáng “đồng tiền bát gạo” khi học trực tuyến?
Mark Kantrowitz, một chuyên gia hỗ trợ tài chính cho sinh viên, cho rằng các gia đình và sinh viên sẽ phải suy nghĩ nhiều và lo lắng về việc trả học phí đầy đủ cho các lớp học trực tuyến. “Đó là sự lựa chọn giữa sức khỏe, sự an toàn của con bạn với việc hoãn lại việc học của bạn một năm và các gia đình phải quyết định xem chi phí đó có xứng đáng hay không”.
Một số trường đã thực hiện điều chỉnh chi phí. Chẳng hạn, Đại học Princeton thông báo sẽ giảm 10% học phí trong năm nay. Còn MIT tuyên bố không tăng học phí trong năm nay, đồng thời giảm chi phí ăn uống và trợ cấp một lần cho sinh viên đại học. Trong khi đó Harvard vẫn giữ ý định tăng học phí, mặc dù trường sẽ cung cấp khoản trợ cấp 5.000 USD mỗi học kỳ cho các sinh viên nhận hỗ trợ tài chính không sống trong khuôn viên trường để bù đắp chi phí duy trì môi trường học tập tại nhà.
Ngay cả khi không có những thay đổi do đại dịch mang lại, các trường đại học vẫn phải đối mặt với sự nhạy cảm về mức học phí, Kantrowitz nói.
Video đang HOT
“Bạn có thể có được một nền giáo dục tốt tại một trường đại học công lập với chi phí chỉ bằng 1/4 của một trường đại học tư. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nhận thức được việc theo học một trường danh giá hay một tổ chức ưu tú sẽ mang lại cho họ giá trị bổ sung”.
Nhiều sinh viên dường như đã trở nên hoài nghi.
Trong số những người sắp vào đại học, 21% đã thay đổi lựa chọn trường hàng đầu của họ vào mùa xuân này, với chi phí và địa điểm là lý do hàng đầu của họ. Về khả năng phải học trực tuyến vào mùa thu này, chỉ 23% người tin rằng họ có thể có được một nền giáo dục chất lượng theo cách đó và chỉ 19% tin rằng họ có thể xây dựng các mối quan hệ trong khi học từ xa, theo cuộc thăm dò của McKinsey về các học sinh trung học hồi tháng 5.
Trong số gần một nửa số sinh viên dự định thay đổi kế hoạch học đại học mùa thu vì virus corona, 15% cho biết họ có khả năng hoãn lại ít nhất một học kỳ, cũng theo thăm dò trên cho biết.
Mặc dù tạm nghỉ một năm có thể là một lựa chọn hấp dẫn, nhưng điều đó có thể là một rủi ro, vì có thể ảnh hưởng xấu đến việc được hỗ trợ tài chính của bạn, Kantrowitz nói.
Nếu học một năm và tham gia các lớp học tại một trường cao đẳng cộng đồng hoặc gần nhà hơn, bạn sẽ vào trường đại học với tư cách là một sinh viên chuyển trường. “Hỗ trợ tài chính cho sinh viên chuyển trường sẽ thấp hơn hàng ngàn USD so với khoản hỗ trợ dành cho sinh viên năm nhất”, ông nói.
Giấc mơ Harvard khép lại khi sinh viên không thể đến trường
Nhiều sinh viên Harvard bày tỏ sự thất vọng về kế hoạch sắp tới của trường trong việc giảng dạy, thu học phí và mức hỗ trợ với các trường hợp khó khăn.
Ngày 6/7, Harvard ra thông báo chỉ cho phép tối đa 40% trong số gần 6.800 sinh viên được phép quay lại khuôn viên trường vào mùa thu, trong đó sinh viên năm nhất là đối tượng được ưu tiên. Ngoài ra, tất cả lớp học sẽ được tổ chức dưới hình thức giảng dạy trực tuyến.
Với quyết định này, Dumebi Adigwe (18 tuổi), sinh viên năm 2 ngành Toán học, không biết mình sẽ sống ở đâu trong thời gian sắp tới. Trong tình thế bí bách, cô đang cố gắng xin sống nhờ nhà của bạn bè và hy vọng trường học sẽ sớm hoạt động trở lại.
"Nếu không đến trường, tôi không có nơi nào để đi", Adigwe nói.
Đối với nhiều sinh viên đại học, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, đại dịch Covid-19 đã khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn khi không thể đi làm thêm và tham gia hoạt động ngoại khóa.
Cuộc sống của nhiều sinh viên bị đảo lộn vì dịch.
Mức hỗ trợ ít ỏi
Trường học là nơi giúp sinh viên hình thành các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô. Đây là một môi trường tốt để mang lại cho sinh viên nhiều cơ hội rộng mở. Nhưng với tình hình hiện tại, tất cả trải nghiệm đó chỉ được thu hẹp qua màn hình máy tính.
Princeton, Stanford, Johns Hopkins và các trường đại học khác cũng đã công bố kế hoạch hoạt động sắp tới của mình. Trong đó, hầu hết lớp học sẽ được tổ chức trực tuyến.
Tại Harvard, dù chuyển sang học online, sinh viên vẫn phải nộp học phí đầy đủ trừ những khoản nhà ở và phí sinh hoạt với các trường hợp không ở lại khuôn viên trường.
Chỉ 40% sinh viên tại ĐH Harvard được phép trở lại trường vào mùa thu.
Ngoài ra, trường này còn xây dựng hệ thống theo dõi tình hình học tập của sinh viên, những trường hợp không thể tiếp thu tốt kiến thức tại nhà sẽ được trở lại trường vào mùa thu. Nhưng tiêu chí và quá trình đánh giá sinh viên nào đủ điều kiện vẫn chưa được rõ ràng.
Việc Harvard nhắc lại nhiều lần về hạn chế số người được phép quay lại trường buộc sinh viên phải việc cạnh tranh với nhau để được xét là trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Trong một cuộc phỏng vấn, Adigwe và các bạn bè của cô đã bày tỏ sự thất vọng về các khía cạnh khác nhau trong kế hoạch mở cửa trở lại của Harvard. Đặc biệt là chính sách trợ cấp 5.000 USD cho những sinh viên không sống tại trường và đủ điều kiện để nhận khoản tiền này.
Mức hỗ trợ không đủ để giúp sinh viên vượt qua tình trạng khó khăn.
Ở nhiều tiểu bang, con số 5.000 USD trải đều cho một học kỳ ít hơn nhiều so với mức lương tối thiểu của một số công việc toàn thời gian. Bên cạnh đó, mức trợ cấp cũng không tương ứng với những gì mà sinh viên Harvard phải trả cho chỗ ở và cơ sở vật chất.
Abby Lockhart-Calpito (19 tuổi, sinh viên năm hai), bày tỏ sự lo lắng với mức hỗ trợ vì cô xuất thân từ một gia đình có thu nhập thấp. "5.000 USD có thể sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu thực phẩm và nhà ở cho cả học kỳ, đặc biệt là trong khuôn viên trường của tôi không có công việc làm thêm nào và giữa đại dịch thì cũng khó tìm việc làm ở ngoài", Abby chia sẻ.
Hana Kiros (20 tuổi, sinh viên năm 3) nói thêm mức trợ cấp 5.000 USD làm cô cảm thấy bí bách. Con số này không tương quan với chi phí sinh hoạt thực sự của sinh viên và gia đình của họ.
Gap year, bỏ học vì khó khăn
Trước thông báo của Harvard, nhiều sinh viên cho biết họ đang tìm kiếm nhà ở giá rẻ. Một số dự định sẽ gap year. Số khác thì nghĩ đến việc phải bỏ học nửa chừng. Ngoài ra, nhiều nhóm sinh viên cũng tập hợp để đấu tranh cho quyền lợi của mình.
"Tại Harvard, được ở trong ký túc xá là một điều xa xỉ. Bây giờ tôi phải lo lắng về nơi ở trong năm tới và vật lộn với rất nhiều cảm xúc. Tôi đã từng tin rằng nhà trường sẽ tính đến những khó khăn mà sinh viên thu nhập thấp phải đối mặt", Lockhart-Calpito nói với The New York Times.
Việc học tại nhà khiến sinh viên gặp nhiều bất tiện và không tiếp thu bài vở hiệu quả.
Ngay sau khi bị yêu cầu rời khỏi trường vào mùa xuân năm nay, Nicholas Wyville, sinh viên năm 4 hiện sống ở vùng nông thôn phía Nam nước Mỹ, cho rằng việc học từ xa làm tăng sự bất bình đẳng giữa các sinh viên.
"Sự bình đẳng tại Harvard được thể hiện qua việc tất cả chúng tôi cùng sống, cùng ăn một loại thức ăn, cùng được hưởng những nguồn lực của khoa. Nhưng nếu cuộc sống sinh viên bị mất đi thì sự bình đẳng đó e là không còn nữa", Wyville nói với The Crimson.
Việc Harvard giữ nguyên học phí trong khi dạy online cũng là nguyên do khiến sinh viên trường này bất mãn. Nhiều người đã đệ đơn kiện vì cho rằng nhà trường đang thu lợi nhuận không chính đáng từ sinh viên trong bối cảnh dịch bệnh và không ưu tiên giúp đỡ những trường hợp khó khăn về tài chính.
"Tôi cảm thấy khó chịu khi đứng trước những lựa chọn cho học kỳ tiếp theo vì nó giống như trò chơi truy tìm đồ vật vậy. Tôi không muốn giấc mơ Harvard của mình phải khép lại", Kiros nói.
Không còn lựa chọn
Sau khi thông báo của Harvard được ban hành, sinh viên đã tìm đến các trưởng khoa và văn phòng hỗ trợ tài chính để yêu cầu thay đổi. Một bản kiến nghị đã được đưa ra và có hơn 1.000 chữ ký kêu gọi Harvard hỗ trợ chi phí sinh hoạt tại trường (khoảng 18.389 USD) cho những sinh viên nhận được học bổng toàn phần.
Nhiều nhóm chat được tạo ra để thảo luận kế hoạch chống lại quyết định từ nhà trường.
Không chỉ hoang mang về chỗ ở, cộng động sinh viên quốc tế tại Harvard còn lo lắng trước quyết định rút thị thực đối với những trường hợp không tham gia bất kỳ lớp học trực tiếp nào của Tổng thống Donald Trump.
Ngày 8/7, hai trường Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã đệ đơn kiện Bộ An ninh Nội địa và Cục Di trú và Hải quan (ICE) vì sắc lệnh này.
Các sinh viên quốc tế hoang mang trước thông báo của trường và chính phủ Mỹ.
Yousuf Bakshi (18 tuổi, sinh viên năm 2) nói rằng sự chênh lệch múi giờ là thứ khiến anh sợ hãi nhất khi học trực tuyến. Học kỳ trước, các lớp học của anh thường kéo dài đến 3-4 giờ sáng.
Bakshi sống trong một ngôi nhà nhỏ cùng với bố mẹ và em trai. Vì thế, anh phải cố gắng không làm phiền đến họ khi tham gia các cuộc thảo luận trong lớp.
Bakshi hiện có một công việc tại trường và được phép làm việc từ xa. Tuy nhiên, anh cũng lo ngại quyết định của ông Trump có thể khiến anh mất việc nếu bị cắt thị thực.
Harvard cho phép sinh viên trì hoãn việc học của mình trong một năm, vì vậy nhiều người trong nhóm trò chuyện cũng đang cân nhắc về khả năng này.
"Cuộc sống của tôi như bị nổ tung. Tôi sinh ra ở Mỹ nhưng bố mẹ tôi thì không. Đối với họ, gap year là một khái niệm khá xa lạ", Kiros nói.
Trong thông tin cung cấp cho sinh viên, Harvard cho biết hầu hết cơ sở như phòng sinh hoạt chung, phòng tập thể dục và không gian tập trung lớn sẽ không được mở.
Penelope Alegria (18 tuổi) đang phân vân giữa 2 lựa chọn: đến trường trong dịch bệnh hoặc tạm ở nhà một năm. Cô muốn kết bạn mới và trải nghiệm khuôn viên trường trong học kỳ đầu tiên của năm nhất nhưng cũng e ngại các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt sẽ làm hỏng mong đợi của cô.
Ngoài gánh nặng tài chính, nỗi lo về việc gap year và các quyền lợi học bổng cũng khiến sinh viên trăn trở.
Học phí không còn là nỗi lo của tân sinh viên năm 2020, Trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân Theo lộ trình, từ năm 2020, sau khi Luật Giáo dục đại học sửa đổi có hiệu lực, các trường đại học công lập đều hoạt động tự chủ, nguồn kinh phí chi thường xuyên do Nhà nước hỗ trợ sẽ không còn. Để có kinh phí đảm bảo thực hiện các hoạt động đào tạo, các trường đại học buộc phải tăng...