Thư gửi mẹ không chỉ là nước mắt
Phía sau câu chữ ngổn ngang tâm trạng của những cô bé mồ côi, mảnh vỡ quá khứ, nỗi đau thân phận được ghép một cách hoàn hảo.
Khi đọc lá thư này, tôi không nghĩ tác giả của nó lại là một học sinh lớp 7. Ký ức đau thương, những mảnh vỡ quá khứ, nỗi buồn thân phận… trải dài trên trang viết đầy nước mắt, xót xa.
“Con không thể kéo mẹ về bên con”
Tác phẩm của Ngô Kiều Anh vượt lên trên 80 bài viết của học sinh Trường THCS Diễn Kỷ (huyện Diễn Châu, Nghệ An) trong cuộc thi “Thư gửi mẹ” do nhà trường tổ chức, đoạt giải nhất. Bài văn của cô học trò 14 tuổi.
Ngô Kiều Anh (phải) và Nguyễn Thị Thu Hằng tự tin bên cạnh cô hiệu trưởng. Ảnh: Tiền Phong.
“Mẹ yêu quý!
Vậy là sắp đến ngày mồng 8 tháng 3 rồi. Bạn bè con ở lớp ai cũng dự định sẽ mua hoa để tặng mẹ vào ngày đó. Các bạn còn nói cho nhau nghe về cách tạo bất ngờ cho mẹ mình vào hôm ấy nữa. Xem ra ai cũng rất hồi hộp và háo hức mẹ ạ.
Chắc chắn khi các bạn mang hoa về tặng mẹ sẽ được mẹ đáp lại bằng những cái ôm thật ấm áp. Còn con, con sẽ tặng mẹ ở một nơi khác – nơi thật xa – nơi mà có lẽ mẹ nhìn thấy con nhưng con lại chẳng thấy mẹ ở đâu cả.
Video đang HOT
Và món quà con nhận lại không phải cái ôm của mẹ mà là chính sự nhẹ nhõm trong lòng con. Tuy được vơi đi phần nào nỗi buồn nhưng lòng con vẫn thấy trống trải. Không hiểu sao hôm nay con lại nhớ mẹ nhiều đến thế! Con thèm khát một vòng tay âu yếm, thèm khát một lời động viên an ủi và hơi ấm của tình mẫu tử.
Mẹ ơi! Mẹ có còn nhớ ngày 8 tháng 3 của mười năm trước không? Hồi ấy sao mà vui quá! Khi ấy con còn nhỏ nên mẹ đã làm một bữa ăn thật ngon để dành tặng con và cũng là để tự tặng mẹ. Hai mẹ con mình cùng hát, cùng vỗ tay, lời bài hát “Mồng 8 tháng 3″ cứ ngân nga mãi trong lòng con, có lẽ đến suốt đời.
Mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp nhưng con đâu ngờ rằng đó là năm đầu tiên và cũng là năm cuối cùng con được đón ngày mồng 8 tháng 3 cùng mẹ, khi mà con gần 4 tuổi thì mẹ đã bỏ con mà đi, đi thật xa. Với con, mất mẹ là nỗi đau lớn nhất, là sự mất mát không gì có thể bù đắp được vì trước đó không lâu con đã mất đi người cha yêu dấu do căn bệnh thế kỷ…
Mẹ có biết không. Sau khi mẹ mất con đã rất đau khổ, con cảm thấy bơ vơ, hụt hẫng vì không có bàn tay chăm sóc, yêu thương của mẹ nữa. Con chỉ biết dựa vào bà nội hơn 80 tuổi như chiếc lá vàng trên cây. Con cứ tưởng tượng đến một ngày nào đó bà cũng sẽ bỏ con mà đi thì cuộc sống của con sẽ ra sao đây? Nghĩ đến mà con hoảng hốt. Con thực sự rất buồn.
Đáng buồn hơn là bạn bè, người thân, và một số phụ huynh tìm cách để xa lánh con, không cho con họ chơi với con nữa vì sợ mắc phải căn bệnh quái ác kia. Lúc ấy con không hiểu được đó là căn bệnh gì và nguy hiểm như thế nào? Con chỉ biết rằng họ rất coi thường, sợ hãi và xa lánh con.
Con sợ nhất là những đêm mưa, không hiểu sao mưa đêm làm con buồn đến thế! Con sợ mẹ ướt, con sợ mẹ lạnh, con sợ bao nhiêu điều mà không dám nói ra. Con tâm sự với cô giáo dạy văn, và cô ân cần nói với con: “Mẹ của con không ướt, không lạnh, mẹ của con đã hóa thành trời xanh, thành mây trắng”. Và con tin. Mẹ sẽ không lạnh khi mưa xuống, phải không mẹ!…
Mẹ à! Con giờ đây đã học lớp 7 rồi đấy. Con có ước mơ sau này sẽ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cứu người nữa. Con mong sẽ không ai bị bệnh, không ai mất mẹ để bao trẻ em khác sẽ không phải chịu nhiều khổ đau như con”.
Con yêu của mẹ. Ngô Kiều Anh – Lớp 7A, Trường THCS Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, Nghệ An.
Không chỉ là nước mắt
Ngồi cạnh Hiệu trưởng Trường THCS Diễn Kỷ Nguyễn Quỳnh Liên là hai cô học trò gầy, nước da đen nhẻm. “Các cháu đều là những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Ngô Kiều Anh, lớp 7A, bố mẹ cháu đi chữa bệnh, vô tình nhiễm HIV/AIDS và đã mất. Nguyễn Thị Thu Hằng (lớp 9A) cũng mồ côi mẹ. Mẹ cháu phải chạy thận, mất cách đây 2 năm”.
Bà Nguyễn Quỳnh Liên nói về “xuất xứ” những bức thư: “Năm học 2016-2017, lần thứ hai Trường THCS Diễn Kỷ tổ chức cho các em học sinh thi viết thư gửi mẹ. Có 80 em tham gia cuộc thi. Sau khi chọn ra được 10 bài chất lượng nhất, Ban Giám hiệu đưa 5 bài vào chung khảo trong đó có bài viết của Kiều Anh, Thu Hằng”.
Nhanh nhẹn, tinh nghịch và hay cười, nhìn vẻ ngoài chẳng ai nghĩ cô học trò nhỏ Ngô Kiều Anh lại là học sinh có cảnh ngộ éo le nhất trường THCS Diễn Kỷ.
“Nhà cháu ở thôn 5, xã Diễn Kỷ. Năm cháu được 3 tuổi thì bố mất, 4 tuổi mất mẹ, hình ảnh của bố mẹ ở trong trí nhớ của cháu không rõ ràng lắm vì hồi đó cháu còn nhỏ, cháu chỉ hình dung được bố mẹ qua lời kể của bà nội. Càng lớn lên, cháu càng hiểu những thiệt thòi, mất mát bản thân mình phải gánh chịu. Nhưng biết làm sao được…”, Ngô Kiều Anh nói.
Mất cả bố lẫn mẹ, cô bé bất hạnh chập chững theo chân bà nội già yếu về sống với bác ruột Ngô Sỹ Tuấn. Những ngày đầu, Kiều Anh hòa nhập với bạn bè một cách khó khăn, nhiều người ám ảnh với căn bệnh của bố mẹ em, ngăn cản con tiếp xúc với Kiều Anh; đến trường em thường “tự kỷ” ngồi một góc vì không ai chơi cùng.
Sớm chịu cảnh mồ côi, Kiều Anh càng sớm có ý thức vượt khó, vươn lên. “Cháu muốn khẳng định cho các bạn cùng lớp thấy rằng tuy không được bố mẹ nuôi dưỡng, không được sống dưới mái ấm gia đình có bố có mẹ, nhưng cháu vẫn học tốt”, cô học trò khảng khái.
Sáu năm tiểu học, Ngô Kiều Anh liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, có năm Kiều Anh đứng trong tốp học sinh giỏi môn Văn của huyện Diễn Châu. Cô học trò nhỏ hồn nhiên ước mơ, như cuối dòng thư gửi mẹ. Những phần thưởng đạt được trong các cuộc thi, tuy nhỏ, nhưng lại là động lực lớn giúp cô bé tự tin hơn.
“Mỗi tháng được nhà trường hỗ trợ 300 ngàn đồng tiền sách vở, giấy bút, cháu mang về cho bà, cho bác mua thêm gạo”, Ngô Kiều Anh kể.
“Nhà cháu đỡ vất vả một phần nhờ cái sổ hộ nghèo đấy, chú ạ!”, ngồi bên, Nguyễn Thị Thu Hằng hóm hỉnh. Hằng cho biết, mẹ bị bệnh suy thận, phải chạy thận liên tục, nhà nghèo lại càng nghèo hơn.
“Cứ dăm ba ngày, mẹ cháu lại đi viện một lần. Dành hết tiền thuốc thang chạy chữa cho mẹ nên nhà cháu túng quẫn lắm, may có cái sổ hộ nghèo và BHYT cấp cho gia đình, lại được các cô các chú ở xóm, xã và thầy cô hỗ trợ nên gia đình cháu cũng bớt vất vả”, Hằng kể. Cách đây 3 năm, mẹ của em ra đi.
“Giờ này chắc lúc bạn của con đang thật hạnh phúc khi nằm ngủ say sưa trong vòng tay ấm áp của mẹ. Cứ nghĩ đến đó là lòng con lại chợt quặn đau, Mẹ ơi con thấy nhớ mẹ! Đã hai năm rồi con không được nhìn thấy mẹ, hai năm rồi con không được gục đầu vào bờ vai của mẹ để hà hít mùi thơm lá sả từ một loại nước gội đầu hái trong vườn nhà bà và hai năm rồi con không thốt lên cái tiếng gọi “mẹ”, Nguyễn Thị Thu Hằng viết. Dù đau đớn, cô học trò cũng phải “tập quen dần với cảm giác mẹ đi xa”.
Những ngày cuối năm, khi tết đến xuân về, trên đường làng nhìn thấy cảnh những người phụ nữ đèo con sau xe, ngó sang hàng xóm nhà ai cũng vui vẻ, sum vầy, cô học trò nhỏ lòng lại buốt đau.
“Ba bố con cứ luống ca, luống cuống, cứ xoay mãi cuối cùng thì cũng lo được một cái tết gọi là tạm ổn. Tối 30 tết – đêm giao thừa, ba bố con còn rất bối rối, rất khó khăn trong việc chuẩn bị đơm xôi, làm gà, đặt cỗ thắp hương chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Phải mất rất nhiều thời gian, chúng con mới soạn xong. Chúng con trải tấm chiếu ngồi cạnh bàn thờ của mẹ, con còn thấy bố ngồi co rúm lại, đôi mắt đờ đẫn vô hồn. Con biết bố đang nhớ mẹ”.
Trước di ảnh mẹ, Hằng thì thầm: “Con cũng đã tự đi mua hoa quả, tự biết nấu món thịt kho tàu hay hũ hành muối, con đã tự làm được tất cả mọi việc để có được mâm cơm thắp hương cho mẹ” (trích Thư gửi mẹ của Nguyễn Thị Thu Hằng, lớp 9A).
“Không chỉ tôi, mà nhiều thầy cô giáo, nhiều học sinh trong trường đã khóc khi đọc Thư gửi mẹ của Ngô Kiều Anh, Nguyễn Thị Thu Hằng. Các em là những học sinh cấp II nhưng suy nghĩ thật sâu, có những câu chữ khiến người lớn phải giật mình. Và quan trọng hơn là trong thư, trong đời các em không ủy mị, nước mắt. Các em thấy được khó khăn, thiệt thòi để từ đó vươn lên, trở thành con ngoan trò giỏi!”, Hiệu trưởng Trường THCS Diễn Kỷ chia sẻ.
Cũng như Ngô Kiều Anh, Nguyễn Thị Thu Hằng tuy cảnh ngộ gia đình khó khăn nhưng Hằng luôn biết tự phấn đấu, đạt kết quả cao trong học tập. Chín năm liền Thu Hằng là học sinh giỏi toàn diện của trường cấp II Diễn Kỷ, nhiều lần đạt danh hiệu học sinh giỏi của huyện Diễn Châu về môn Văn.
Theo Quang Long/Tiền Phong