Thư gửi con trước ngày thi tốt nghiệp
Thế là chỉ một ngày nữa là con bước vào kì thi quan trọng kết thúc mười hai năm đèn sách. Kể từ đây, con sẽ trưởng thành hơn và dần tự quyết định tương lai của mình.
Một tuần trước kì thi, gần như đêm nào mẹ cũng thấy phòng con sáng đèn, con lo lắng cho những bài Địa còn chưa thuộc, những công thức Lý phức tạp và những bài văn dài miên man, rồi còn cả những quy luật di truyền nữa chứ. Sự lo lắng và mệt mỏi khiến con gầy đi trông thấy. Mẹ ước gì có một sức mạnh vô hình truyền cho con để con có thể xuất sắc vượt qua kì thi. Nhưng có một điều mẹ chắc chắn rằng tình yêu thương của cha mẹ sẽ là động lực để con phấn đấu, chứ không phải áp lực đâu con nhé!
Mẹ đồng hành cùng con trong kỳ thi đại học. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Hôm qua, cả bố và mẹ đều muốn nghỉ làm để đưa con đi thi, có thể bố mẹ mới yên tâm nhưng con cứ nhất quyết để con đi cùng bạn bè vì trường thi cũng gần nhà. Con ương bướng và đôi khi mạnh mẽ giống hệt bố nhưng rồi cuối cùng bố mẹ đành theo quyết định của con. Rồi cô Hoa ở quê gọi điện lên chúc con thi tốt, bác Yến sang cho con ít quà và động viên con. Lúc đó, mẹ đã thấy sự xúc động, sự cảm kích trên gương mặt và trong giọng nói của con. Hãy để những tình cảm đó là những hành trang theo con vào phòng thi, con nhé!
Một đêm trước kì thi tốt nghiệp THPT, trên đất nước hình chữ S này, có biết bao ông bố, bà mẹ cũng thao thức trăn trở theo từng cái cựa mình của con, cũng hồi hộp chờ từng tiếng điện thoại của bạn bè. Trân trọng lắm những giấc ngủ vội, những cái nhìn xa xăm hướng về phía cổng trường thi, những câu chuyện dang dở được chia sẻ trước và trong giờ thi, những gói xôi hay ổ bánh mì tranh thủ ăn giữ sức trong cái nắng chói chang của những ngày hè rực lửa.
Video đang HOT
Con có biết không? Khi con ở trong phòng thi làm bài thì ở ngoài cổng trường, ở nhà, ở cơ quan, tâm trí cha mẹ dồn hết cho các con. Dù đã lên dây cót tinh thần cho con, dù chị cả đã dặn dò con kĩ càng về kỷ luật phòng thi và iình nghiệm thi cử, nhưng thú thật mẹ cũng rất lo lắng và hồi hộp bởi “học tài thi phận” biết đâu cái “phận” ấy lại rơi vào con…
Cuối cùng, mẹ muốn nói với con rằng vì sự học là trọn đời và tốt nghiệp THPT chỉ là một nấc thang trên con đường học vấn đó. Hãy sẵn sàng và can đảm bước tiếp con nhé! Dù kết quả có thế nào, con hãy tự tin là mình đã đối diện với một bước ngoặt trong cuộc đời và đã nỗ lực cố gắng hết mình.
Theo Dân Trí
6 lưu ý khi làm bài thi trắc nghiệm tốt nghiệp THPT
Trong kì thi tốt nghiệp THPT năm nay, các môn Vật lý, Sinh học, Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm. Nhằm để thí sinh tránh sai sót và làm bài một cách hiệu quả Bộ GD-ĐT đã đưa ra 6 lưu ý dưới đây.
Thứ nhất, ngoài những vật dụng được mang vào phòng thi như quy định trong quy chế thi, để làm bài trắc nghiệm, thí sinh cần mang theo bút chì đen (loại mềm: 2B,...6B), dụng cụ gọt bút chì, tẩy chì, bút mực hoặc bút bi (mực khác màu đỏ). Nên mang theo đồng hồ để theo dõi giờ làm bài.
Thứ hai, ngay sau khi nhận được phiếu trả lời trắc nghiệm, thí sinh dùng bút mực hoặc bút bi điền đầy đủ bằng chữ vào các mục để trống từ số 1 đến số 8; ghi số báo danh với đầy đủ các chữ số (kể cả chữ số 0 ở đầu số báo danh, nếu có) vào các ô vuông nhỏ trên đầu các cột của khung số báo danh (mục 9). Sau đó, chỉ dùng bút chì, lần lượt theo từng cột tô kín ô có chữ số tương ứng với chữ số ở đầu cột. Lưu ý chưa ghi mã đề thi (mục 10).
Thứ ba, khi nhận được đề thi, thí sinh ghi tên và số báo danh của mình vào đề thi. Phải kiểm tra để đảm bảo rằng: đề thi có đủ số lượng câu trắc nghiệm như đã ghi trong đề; nội dung đề được in rõ ràng, không thiếu chữ, mất nét; tất cả các trang của đề thi đều ghi cùng một mã đề thi (ở cuối trang). Nếu có những chi tiết bất thường, thí sinh phải báo ngay cho giám thị để xử lý.
Đề thi có mã số riêng. Thí sinh xem mã đề thi (in trên đầu đề thi) và dùng bút mực hoặc bút bi ghi ngay 3 chữ số của mã đề thi vào 3 ô vuông nhỏ ở đầu các cột của khung chữ nhật (mục số 10 trên phiếu trả lời trắc nghiệm); sau đó chỉ dùng bút chì lần lượt theo từng cột tô kín ô có chữ số tương ứng với chữ số ở đầu mỗi cột.
Thứ tư, khi trả lời từng câu trắc nghiệm, thí sinh cần đọc kỹ nội dung câu trắc nghiệm. Phải đọc hết trọn vẹn mỗi câu trắc nghiệm, cả phần dẫn và bốn lựa chọn A, B, C, D để chọn phương án đúng (A hoặc B, C, D) và chỉ dùng bút chì tô kín ô tương ứng với chữ cái A hoặc B, C, D trong phiếu trả lời trắc nghiệm. Chẳng hạn, thí sinh đang làm câu 5, chọn C là phương án đúng thì thí sinh tô đen ô có chữ C trên dòng có số 5 của phiếu trả lời trắc nghiệm.
Thứ năm, thí sinh cần chú ý những điều sau đây: Làm đến câu trắc nghiệm nào thí sinh dùng bút chì tô ngay ô trả lời trên phiếu trả lời trắc nghiệm, ứng với câu trắc nghiệm đó. Tránh làm toàn bộ các câu của đề thi trên giấy nháp hoặc trên đề thi rồi mới tô vào phiếu trả lời trắc nghiệm, vì dễ bị thiếu thời gian.
Tránh việc chỉ trả lời trên đề thi hoặc giấy nháp mà quên tô trên phiếu trả lời trắc nghiệm; Chỉ tô các ô bằng bút chì. Trong trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, thí sinh dùng tẩy tẩy thật sạch chì ở ô cũ, rồi tô ô khác mà mình mới lựa chọn.
Số thứ tự câu trả lời mà thí sinh làm trên phiếu trả lời trắc nghiệm phải trùng với số thứ tự câu trắc nghiệm trong đề thi. Tránh trường hợp trả lời câu trắc nghiệm này nhưng tô vào hàng của câu khác trên phiếu trả lời trắc nghiệm.
Tránh việc tô 2 ô trở lên cho một câu trắc nghiệm (vì câu trắc nghiệm chỉ được chấm nếu chỉ có 01 phương án trả lời); Không nên dừng lại quá lâu trước một câu trắc nghiệm nào đó; nếu không làm được câu này thí sinh nên tạm thời bỏ qua để làm câu khác; cuối giờ có thể quay trở lại làm câu trắc nghiệm đã bỏ qua, nếu còn thời gian.
Thứ sáu, khi thi trắc nghiệm, thí sinh phải tuân thủ các quy định chung trong Quy chế thi hiện hành và những yêu cầu về thi trắc nghiệm. Cụ thể, chỉ có phiếu trả lời trắc nghiệm mới được coi là bài làm của thí sinh. Bài làm phải có 2 chữ ký của 2 giám thị.
Trên phiếu trả lời trắc nghiệm chỉ được viết một thứ mực không phải là mực đỏ và tô chì đen ở ô trả lời; không được tô bất cứ ô nào trên phiếu trả lời trắc nghiệm bằng bút mực, bút bi. Khi tô các ô bằng bút chì, phải tô đậm và lấp kín diện tích cả ô; không gạch chéo hoặc chỉ đánh dấu vào ô được chọn. Ứng với mỗi câu trắc nghiệm chỉ được tô 1 ô trả lời.
Để cho bài làm của thí sinh được chấm (bằng máy) thí sinh phải giữ phiếu sạch sẽ, không làm rách, làm nhàu hoặc có vết gấp, mép giấy bị quăn. Ngoài 10 mục cần ghi trên phiếu bằng bút mực và các câu trả lời tô chì, thí sinh tuyệt đối không được viết gì thêm hoặc để lại dấu hiệu riêng trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Bài có dấu riêng sẽ bị coi là phạm quy và không được chấm điểm.
Thí sinh làm xong bài phải ngồi tại chỗ, không nộp bài trắc nghiệm trước khi hết giờ làm bài. Khi hết giờ làm bài thi trắc nghiệm, có lệnh thu bài, thí sinh phải ngừng làm bài, bỏ bút xuống, úp sấp đề thi và phiếu trả lời trắc nghiệm xuống mặt bàn, chờ nộp phiếu trả lời trắc nghiệm theo hướng dẫn của giám thị. Thí sinh không làm được bài vẫn phải nộp phiếu trả lời trắc nghiệm. Khi nộp phiếu trả lời trắc nghiệm, thí sinh phải ký tên vào danh sách thí sinh nộp bài.
Thí sinh chỉ được rời khỏi chỗ của mình sau khi giám thị đã kiểm đủ số phiếu trả lời trắc nghiệm của cả phòng thi và cho phép thí sinh ra về. Thí sinh được đề nghị phúc khảo bài thi trắc nghiệm của mình; để được phúc khảo, thí sinh làm các thủ tục theo quy chế.
Theo Dân Trí
'Tả người xấu dễ hơn', cô bé lớp 5 gây xôn xao Khi được hỏi tại sao lại chọn nhân vật người anh tham lam trong "Cây khế" mà không chọn người em hiền lành dễ mến. Vân hồn nhiên: "Vì miêu tả người xấu dễ hơn người tốt cô ạ". "Triết lý về quy luật của xã hội tham lam sẽ bị trả giá" được thể hiện bằng những từ ngữ vừa ngây thơ...