Thư đẫm nước mắt của một cô giáo
Vượt qua gần 65.000 bài dự thi gửi về BTC cuộc thi “ Nét bút tri ân” lần II, bài viết “Ba hạt đậu xanh của mẹ” của cô Nguyễn Thị Việt Hà, giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong, Thị Trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau đã xuất sắc giành giải Nhất năm nay.
Câu chuyện của cô giáo Việt Hà về người mẹ chịu nhiều khổ đau, một mình nuôi mấy người con khi ba bỏ mẹ con cô ra đi. Với lòng bao dung và nghị lực phi thường mẹ đã dạy cho chị em cách học đối mặt với khó khăn, rèn luyện sự tự lập, không đầu hàng cuộc sống.
Chị Việt Hà (ngoài cùng bên trái) xúc động trong đêm trao giải cuộc thi viết “Nét bút tri ân” lần II.
Xuyên suốt bài viết là những cơn mưa: ngày chị sinh ra mưa tầm tã, ngày cha bỏ mẹ con đi mưa vần vũ và ngày mẹ đi cũng vào một cơn mưa mùa đông.
Câu chuyện có thật của người giáo viên có vóc người nhỏ bé, giọng nói dịu dàng về gia đình mình khiến mọi người trong khán phòng của buổi lễ trao giải vừa diễn ra vào tối 2/6 không khỏi bùi ngùi, xúc động. Khi MC Tạ Bích Loan hỏi:
Với bài viết trên, nếu được chọn lòng biết ơn hay sự hận thù chị sẽ chọn điều gì?
Thay vì trả lời, cô giáo Việt Hà chỉ gói gọn trong câu nói mộc mạc và thấm thía:
“Lòng hận thù hãy ghi trên cát, lòng yêu thương hay ghi trên đá”.
Dưới đây là toàn văn bài viết của cô giáo
Nguyễn Thị Việt Hà
gửi mẹ kính yêu:
Video đang HOT
BA HẠT ĐẬU XANH CỦA MẸ
Mình từng kể rằng người đầu tiên dạy mình bài học về lòng tự trọng là mẹ mình. Mình cũng từng kể rằng mẹ mình rất đẹp, gương mặt mẹ luôn tỏa ra ánh hào quang nhân ái của con người đã sống trọn một đời lương thiện. Những câu chuyện đời mẹ, mình sẽ chẳng bao giờ kể hết, những trang đau thương nhưng không hề bi lụy mà ánh lên niềm khát khao cháy bỏng về một cuộc sống bình yên, tốt đẹp.
Mẹ lại bảo mình sinh ra ngay giữa cơn mưa tầm tã, tạt ướt cả chỗ mẹ nằm. Mẹ ghì chặt mình vào ngực, phủ hơi ấm lên tấm thân bé xíu của mình. Cha bỏ mẹ mình và 3 đứa con thơ dại cũng vào một cơn mưa. Mưa đêm như trút nước. Cha hôn hít chúng mình rồi xách valy ra tàu đi cùng với một người đàn bà trẻ đẹp không phải là mẹ mình. Tiếng còi tàu xé đêm nhưng không vang dội như tiếng mẹ gọi cha. Tiếng mẹ gọi, tiếng khóc nheo nhóc của chúng mình, tất cả bị mưa làm mờ đi. Mưa vần vũ cuồn cuộn. Mưa xối xả. Mưa lăn lộn trên không. Cha vẫn đi. Tóc mẹ xổ tung, mưa lặng đi thấm ướt. Tóc mẹ dài chấm gót, đen sẫm, mượt thơm. Mưa ganh tị xới tung tóc mẹ. Mưa dữ dội xối vào 3 chị em mình. Tàu chạy. Cha đi. Mẹ hốt hoảng ôm xiết 3 con vào nhà. Cả mấy mẹ con khóc run lập cập.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Mẹ dắt 3 chị em mình rời bỏ Cà Mau về quê ngoại ở Bắc Giang. Mình không biết mẹ lấy sức lực ở đâu mà nuôi nổi 3 chị em mình trong cái cảnh tay không tấc đất, chỉ có chút vốn liếng còm cõi, mẹ lăn lóc hết chợ xa, chợ gần, làm đủ công việc nặng nhọc và chịu bao nhiêu tủi hổ. Nhà mình nghèo lắm, những vụ giáp hạt mẹ toàn ăn sắn, khoai, nhường cơm trắng cho 3 đứa con. Nhớ lại là rơi nước mắt món canh ” Rửa chân gà”… Mẹ nấu canh bằng rau trong vườn cho thêm một ít mỡ, mẹ bảo canh ngọt lắm vì có cả mùi của thịt gà, chúng con ăn ngon lắm, xì xụp húp rồi tin ngay vì nhìn thấy chân con gà hôm ấy cũng sạch thật…Mẹ vừa ăn khoai vừa rơi nước mắt rồi bảo bụi hôm nay sao nhiều thế… Tuổi nhỏ ngây thơ chưa kịp hiểu đời mẹ nhọc nhằn…
Mẹ hay vắng nhà vì đi hết chợ xa, chợ gần để buôn cá khô, sắn, lạc… Năm 1992 mẹ cho 3 chị em mình 6 hạt đậu xanh và bảo hãy trồng vào trong ống bơ, mỗi ống bơ trồng 3 hạt. Một ống để trong nhà, một ống để ngoài sân. Mẹ bảo chăm sóc cây trong nhà kĩ hơn là cây ở ngoài sân, rồi 4 tuần sau xem chuyện gì diễn ra với 2 ống bơ trồng đậu xanh ấy.
Cây đậu xanh trong nhà ban đầu bụ bẫm, xanh tốt rồi yếu dần, dài ra cứ vươn mãi ra phía có ánh sáng và 4 tuần sau 2 cây đậu ấy bỗng dưng héo rũ. Còn 3 cây đậu trong ống bơ ở ngoài sân chậm lớn hơn nhưng vững chãi, 4 tuần sau lá trổ xum xuê và bắt đầu có những nụ nho nhỏ…4 tuần kế tiếp đã thấy những quả đậu xanh xinh xinh rung rinh trên cây. Mẹ bảo chúng mình kể mẹ nghe chuyện hai cây đậu, mẹ luôn mỉm cười khi nghe 3 chị em luyến thoáng sau đó người mới từ tốn bảo : ” Các con là những cây đậu xanh ở ngoài sân, dù không được chăm sóc tốt, không được ở những nơi sung sướng nhưng đã lớn lên vững chãi. Đó là sự tự lập các con hiểu không?”. Thú thực ngay lúc ấy mình chưa hiểu được hết những điều sâu xa trong lời mẹ nói… Nhiều năm sau chúng mình mới hiểu được rằng mẹ đã rèn chúng em sống tự lập, lòng tự trọng bằng chính cuộc đời tốt đẹp của mẹ….
Cuộc sống tươi hồng nhưng luôn nghiệt ngã, cuối năm 1993 mẹ lại dắt chúng mình lên vùng kinh tế mới ở Đạ Huoai- Lâm Đồng. Căn nhà ở xó rừng Madaguil vẹo vọ vì mưa. Mưa ngạo nghễ, nhạo báng mấy mẹ con cô độc. Mưa lạnh lùng nhẩy nhót khắp nhà. Mẹ dắt mình và Hằng băng rừng trốn mưa nhưng không trốn kịp. Mưa ầm ào thác lũ. Mẹ cuí người che mưa cho 3 con, chúng mình vẫn lạnh tê tái. Mưa nhỏ mọn lách qua thân mẹ, chúng mình thâm tím vì mưa. Rồi mình không núp dưới mẹ nữa, đứng thẳng dậy đeo gùi măng lên vai, lì lợm rẽ cỏ tranh và đám cây mây chẳng chịt tìm lối về. Mẹ cũng dắt Hằng, Trung rẽ cây rừng mà đi. Mẹ vượt lên trước cầm dao phạt nhanh những đám cây mây cho chúng mình cất bước. Mưa gầm rú tức giận muốn hất tung 4 kiếp người nhỏ nhoi lên cao nhưng mưa bất lực. Mưa trút roi rát bỏng vào da thịt 4 mẹ con mình.Mình đã học những bài học can đảm từ mẹ mình.
Cách mẹ dạy chúng mình cũng lạ hơn người khác, mẹ có một ngọn roi mây luôn treo ở góc nhà nhưng mẹ không đánh chúng mình bao giờ. Mẹ thủ thỉ kể những câu chuyện đời mẹ khi chúng mình cùng trèo rừng, làm rẫy, lúc mưa trú trong lán… Thế mà quên mệt, thế mà lại thấm thía những phẩm chất tốt đẹp.
Đời người con gái có 12 bến nước, cái bến mẹ sa chân vào có lẽ cái cái bến đục nhất… Một mình nuôi con, quyết chẳng để con thất học nên dắt díu con từ Nam vào Bắc, từ Bắc vào Nam… Thế rồi…thế rồi đến khi xuôi tay nhắm mắt tóc mẹ chưa kịp bạc…mẹ chưa kịp trở về nhà của mẹ con mình…Năm 2004, khi mình và Việt Hằng đã tốt nghiệp CĐSP à xin dạy ở Phú Tân – Cà Mau , út Trung đang học CĐSP Cà Mau cũng là lúc mẹ bị ung thư thận giai đoạn cuối… Mẹ về lại Bắc Giang sau nửa đời người mang con khắp xứ người tìm cớ mưu sinh, nuôi chúng mình ăn học đến nơi, đến chốn. Mẹ đã về lại nơi chôn nhau cắt rốn để thanh thản nằm lại đồng Đống Mối bên dòng sông bốn mùa gió lộng.
Ngày mẹ đi cũng lại vào một cơn mưa mùa đông. Mưa lê thê, não nuột. Mưa hiền hoà bao bọc lấy mẹ, lấy 3 chị em mình. Lạ lùng thay khi 3 đứa mình không khóc được, lủi thủi sau xe tang, mưa nức nở rơi lên khoé mắt tạo thành lệ tuôn để chị em mình khóc mẹ. Mưa nhẹ vỡ thành hàng triệu triệu những giọt sương xốp trắng. Mưa cuộn lên trời cao kéo màn trời ủ dột. Mưa đưa mẹ về nẻo trời xa, nẻo xa xăm mù khơi, nẻo sinh ly tử biệt. Mưa cho cỏ mau tốt tươi phủ kín nấm mộ mẹ nằm lại một mình. Mưa trãi khăn tang vắt ngang bầu trời ngày mẹ đi xa mãi.
Và hôm nay, trong câu chuyện cuối cùng mình viết tham gia cuộc thi Netbuttrian có ngấn nước, có nụ cười, có nỗi nhớ, có niềm tự hào của 3 chị em mình như một nén nhang lòng thắp lên cho mẹ. Có một điều không đổi rằng mẹ vẫn đang còn hiện diện bên chúng mình… Trong mỗi nhịp đập trái tim… Không đếm được bao nhiêu vất vả, bao nhiêu nước mắt 3 chị em đã thành người như điều mẹ mong muốn trăn trối lúc lìa trần. Ba đứa con của mẹ, ba hạt đậu xanh trong cái ống bơ đặt góc sân ngày nào, cùng nắng, cùng gió, cùng bao thử thách đã vững chãi mà lớn lên trong bao bài học làm người mẹ đã dạy chúng mình.
Theo PNO
Gặp chủ nhân giải nhất Học sinh giỏi quốc gia môn Toán
Được cha mẹ hướng cho học Toán từ khi còn nhỏ, cộng thêm niềm đam mê, Vũ Đình Long, lớp 12A1 Toán,Trường THPT chuyên ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội vừa xuất sắc giành giải nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Toán học năm 2011.
Vũ Đình Long là một trong hai thí sinh đạt được giải nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Toán trong năm nay. Năm 2010, Long cũng đã "rinh" tấm huy chương bạc Toán quốc tế 2010.
Vũ Đình Long tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) sau khi hoàn thành kỳ thi Olympic Toán học quốc tế năm 2010.
Yêu thích, đam mê Toán học nhưng Long cũng không hiểu lý do vì sao mình thích Toán. Với Long, Toán học đã ngấm vào bạn từ nhỏ. Cậu bạn quê Nghệ An học Toán theo bản năng của mình.
Các giải thưởng của Long chủ yếu cũng là liên quan đến Toán. Lớp 5, Long đạt giải nhì tỉnh Nghệ An, các năm cấp 2, Long đều đoạt giải nhất nhì trên tạp chí Toán học và tuổi trẻ. Lớp 9, Long giành giải nhất tỉnh môn Toán với điểm số tuyệt đối 20/20, đoạt giải nhì quốc gia môn giải toán trên máy tính Casio. Lớp 11, cậu bạn "ẵm" giải ba quốc gia và huy chương bạc Toán quốc tế.
Tích lũy cho mình được chút kinh nghiệm khi đã kinh qua những kỳ thi quan trọng như quốc gia, chọn đội tuyển quốc tế và thi Olympic quốc tế từ khi còn là học sinh lớp 11, bước vào lớp 12, Long đã tự tin và trưởng thành hơn nhiều. Bởi vậy, bước vào kỳ thi quốc gia, cậu bạn tự tạo cho mình một cảm giác khá thoải mái.
Long cho biết: "Tất nhiên khi đi thi ai cũng muốn có giải, giải càng cao càng tốt nhưng năm nay, mình cố gắng không để áp lực thành tích đè nặng. Mình chỉ phấn đấu để đạt được kết quả cao nhất".
Chia sẻ về kỳ thi quốc gia năm nay, Long bật mí: "Năm nay là năm đầu tiên kỳ thi quốc gia môn Toán có hai buổi thi. Buổi đầu tiên, tớ thấy đề dễ hơn nhiều so với buổi thi thứ hai. Tuy vậy, hướng ra đề vẫn hay, sát với chương trình".
Vũ Đình Long (giữa) cùng người thân ở sân bay Nội Bài (Hà Nội) khi lên đường tham dự Olympic Toán học quốc tế năm 2010.
Toán học là môn học ưu tiên nhưng không vì thế mà Long cho phép mình bỏ bê các môn học khác.
Long cho biết: "Tớ ưu tiên nhưng không dành quá nhiều thời gian cho môn Toán. Thời gian còn lại tớ dành cho việc giải trí và đọc sách. Ngoài Toán, tớ còn thích học Lý nữa. Bởi tớ thấy môn Lý có nhiều điểm tương đồng với môn Toán. Học Lý rất thú vị".
Yêu thích Toán học nên thời gian rảnh Long cũng dành cho môn Toán. Những lúc rảnh rỗi, Long thường lên mạng đọc tin tức và tham gia vào một số diễn đàn Toán học như www.mathscope.org và www.mathlinks.ro.
Học Tự nhiên nhưng cậu bạn này có tâm hồn khá lãng mạn. Long thích âm nhạc, hội họa, đọc sách. Cậu bạn "khoe" là mình có khiếu về môn Vẽ và vẽ khá đẹp.
Giành huy chương bạc Olympic quốc tế khi là học sinh lớp 11 lại vừa giành được giải nhất học sinh giỏi quốc gia, trước mắt cậu bạn xứ Nghệ vẫn còn kỳ thi chọn đội tuyển thi Olympic quốc tế. Hiện Long đang miệt mài để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi này.
Chúc Long đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới!
Theo Dân Trí
Xem ông 'Cầu' đọ sừng nảy lửa ở sới Hải Lựu Trong hai ngày 18 và 19/2, hàng vạn du khách đã về sới chọi xã Hải Lựu, Sông Lô, Vĩnh Phúc để chứng kiến màn đọ sức nảy lửa giữa các ông trâu tại lễ hội chọi trâu 2011. Sới chọi ở lễ hội chọi trâu Hải Lựu đã có từ lâu và được khôi phục vào năm 2001. Từ đó đến nay,...