Thu 30 triệu đồng/sào dễ dàng nhờ trồng rau an toàn
Phát triển nghề trồng rau truyền thống và đáp ứng các tiêu chí sản xuất rau an toàn, được cấp chứng nhận, nông dân HTX Nông nghiệp Văn Phú, huyện Thường Tín (Hà Nội) đã có của ăn của để với thu nhập trung bình 30 triệu đồng/sào/năm.
Không cho đất nghỉ
Văn Phú là xã thuần nông của huyện Thường Tín, diện tích đất tự nhiên 308,9ha, trong đó 69,5% là đất nông nghiệp, người dân chủ yếu trồng lúa và hoa màu các loại. Hiện toàn xã có trên 2.011 hộ dân, trong đó có khoảng 700 hộ trồng rau chuyên nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Bim thu hoạch mướp của gia đình. Ảnh:Hồng Vũ
Thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Văn Phú đã phát triển nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa các loại cây trồng rau, củ, quả an toàn trên diện tích đã quy hoạch để tăng thu nhập cho người dân. Ước tính, tổng thu nhập của các loại rau, củ, quả trên vùng trồng rau an toàn đạt từ 20 – 25 triệu đồng/sào/năm, trong đó riêng cây mướp hương chiếm hơn 50% tổng giá trị thu nhập.
Ông Nguyễn Bích Lưu – Chủ tịch Hội Nông dân xã Văn Phú cho biết, để góp phần tăng thu nhập cho nông dân, xã Văn Phú đã phát triển nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa các loại cây trồng rau, củ, quả an toàn trên diện tích đã quy hoạch.
Video đang HOT
Từ khi được cấp chứng chỉ vùng rau an toàn (năm 2011) đến nay, HTX đã đưa về một số cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, tập trung theo mùa vụ, như su hào, bắp cải, súp lơ vụ đông; cây bầu vụ xuân; cây mướp hương vụ hè thu. Ước tính, tổng thu nhập của các loại rau, củ, quả trên vùng trồng rau an toàn đạt từ 25 – 30 triệu đồng/sào/năm.
Gia đình ông Đinh Văn Vịnh (thôn Yên Phú) trước đây chủ yếu cấy lúa nhưng hiệu quả không cao, năng suất rất bấp bênh. Sau khi chuyển đổi 3 sào ruộng từ cấy lúa sang trồng rau an toàn, gia đình ông đã có thu nhập cao hơn gấp hàng chục lần.
Ông Vịnh chia sẻ: “Trồng lúa 1 năm chỉ được 2 vụ, chi phí nhiều, giá bán thấp nên chúng tôi gần như không có lãi. Sau đó, gia đình tôi quyết định chỉ cấy 1 vụ để lấy gạo ăn, còn lại trồng 3 vụ rau xoay vòng, không cho đất nghỉ, hết mùa su hào, bắp cải thì trồng mướp, bầu bí. Đặc biệt mướp đầu mùa rất được giá (25.000 đồng/kg), lúc rẻ nhất cũng đạt 8.000-10.000 đồng/kg. Mỗi vụ, trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi khoảng 15 triệu đồng/sào”.
Chị Nguyễn Thị Bim ở thôn Yên Phú đang thu hoạch mướp trên cánh đồng, hồ hởi cho hay: “Nhà tôi có hơn 2 sào trồng rau an toàn. Rau màu trồng được quanh năm, mùa nào thức ấy nên chúng tôi luôn tay luôn chân ngoài rộng và hầu như ngày nào cũng có thu hoạch. Vụ này tôi trồng bầu, mướp, trung bình cứ 2-4 ngày thu hoạch 1 lần. Có hôm phải thuê thêm người cắt mới kịp đủ hàng cho thương lái. Thời vụ rau ngắn, trung bình 45-60 ngày/vụ nên lúc nào cũng có tiền tiêu, đời sống của gia đình cũng được nâng lên”.
Tuân thủ quy trình sản xuất an toàn
Nông dân xã Văn Phú có sáng kiến treo túi đất dưới đuôi quả để mướp và bầu luôn thẳng. Ảnh: H.V
Trên 70ha trồng rau an toàn, các hộ sản xuất của HTX Nông nghiệp Văn Phú luôn nhận được sự quan tâm từ UBND huyện, Trạm Bảo vệ thực vật huyện từ chuyên môn đến cơ sở vật chất đảm bảo quy trình sản xuất an toàn. Bà con thường xuyên được tham gia các lớp bồi dưỡng, tham quan các mô hình rau an toàn tại các huyện, tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, HTX cũng liên tục nhắc nhở bà con phun thuốc trừ sâu đúng quy cách, đúng liều lượng, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch để đảm bảo sản phẩm rau không tồn dư chất độc hại.
Thời gian gần đây, HTX Văn Phú đã đưa về thử nghiệm sử dụng thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học và thảo mộc để phòng, trừ sâu bệnh cho rau. Nhận thấy thuốc trừ sâu sinh học vừa hiệu quả, vừa an toàn cho người sản xuất nên hầu hết các hộ đều đăng ký mua qua HTX.
Ngoài ra, bà con còn sử dụng các biện pháp cổ truyền khác như treo túi đất dưới đuôi quả để mướp và bầu luôn thẳng. Khi hoa cái bắt đầu nở, vào mỗi sáng sớm bà con lấy hoa đực thụ phấn cho hoa cái để tăng tỷ lệ đậu quả, hoặc dùng tay, dùng đèn lồng để bắt sâu, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, mỗi hộ còn được trang bị thùng đựng bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định.
Ông Nguyễn Văn Tú – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Văn Phú cho hay: “Để đảm bảo sản xuất rau an toàn thì các yếu tố nguồn nước, đất cũng phải sạch, không chứa kim loại nặng, chất thải công nghiệp. Các chất hóa học nằm trong danh mục thuốc cấm đều không được phép bày bán trong các cửa hàng ở xã Văn Phú, quyết không để chất cấm ra đồng”.
Ông Nguyễn Bích Lưu cũng cho biết thêm: “Cây bầu và mướp hương rất phù hợp với chất đất của địa phương nên chất lượng sản phẩm thơm ngon, bán được giá cao và đang là những loại cây trồng đem lại thu nhập chính cho người dân địa phương. Mong muốn lớn nhất lãnh đạo xã cũng như Hội Nông dân là chính quyền địa phương sớm có chính sách hỗ trợ bà con xã viên xây dựng thương hiệu cho 2 sản phẩm này, đảm bảo giá cả ổn định để bà con yên tâm sản xuất”.
Theo Danviet
73% người bán rau "mù mờ" về sản phẩm
Năm 2008, Sóc Sơn là huyện đầu tiên của Hà Nội thí điểm chương trình trồng rau sạch và rau hữu cơ do Hội Nông dân Việt Nam và Tổ chức ADDA Đan Mạch hỗ trợ.
Theo ông Nguyễn Duy Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, hiện sản xuất rau an toàn (RAT) trên địa bàn Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn ở đầu ra do người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng RAT, rau hữu cơ. Mặc dù RAT Hà Nội đã hình thành một số chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, có tem, dán nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc, được tiêu thụ qua 18 doanh nghiệp, 17 HTX nhưng sản lượng tiêu thụ dạng này còn ít, chỉ đạt 20.000 tấn/năm, chiếm 5% tổng sản lượng RAT, 3% sản lượng rau, 2% nhu cầu tiêu dùng.
Thực tế, người tiêu dùng đang có xu hướng sử dụng ngày một nhiều hơn các loại RAT, nhưng do thiếu thông tin hoặc thông tin không minh bạch nên người tiêu dùng còn e dè. Theo số liệu khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (năm 2014) có tới 73% người bán rau tại Hà Nội không thể phân biệt được rau bẩn và RAT, tỷ lệ này ở người mua lên tới 95%.
Người dân Hà Nội mua rau sạch tại Trung tâm Triển lãm nông nghiệp (Hà Nội). Ảnh: Trần Quang
Năm 2008, Sóc Sơn là huyện đầu tiên của Hà Nội thí điểm chương trình trồng rau sạch và rau hữu cơ do Hội Nông dân Việt Nam và Tổ chức ADDA Đan Mạch hỗ trợ. Hiện toàn huyện Sóc Sơn có 13 nhóm, 2 liên nhóm và 2 HTX sản xuất rau hữu cơ với diện tích hơn 20ha. Các nhóm sản xuất ký kết hợp đồng cung ứng rau hàng ngày cho các công ty và nhóm khách hàng tiêu thụ tại Hà Nội mỗi tháng từ 75-80 tấn.
Dù giá bán rau hữu cơ luôn cao hơn RAT khoảng 10 - 20% nhưng sản phẩm rau hữu cơ Sóc Sơn luôn hết hàng; sản lượng rau mới chỉ đủ để cung cấp cho một số khách sạn, nhà hàng cao cấp, cơ quan đóng trên địa bàn Hà Nội và tại một số điểm chuyên bán rau hữu cơ chứ chưa đủ để bán rộng rãi. Ông Nguyễn Duy Hồng cho rằng phải xây dựng được hệ thống khép kín về RAT thì sản phẩm mới được tiêu thụ ổn định. Doanh nghiệp phải cùng nông dân chia sẻ những khó khăn, bảo đảm các bên cùng có lợi.
Hiện nay, Hà Nội đã phê duyệt 30 dự án về làm hạ tầng cơ sở trong đề án sản xuất RAT nhưng mới chỉ có 10 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong khi đó, việc đầu tư hạ tầng cơ sở hoàn chỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ chế, đóng gói, bao tiêu sản phẩm ra thị trường.
Theo Danviet
Sẽ có 900.000ha trồng rau an toàn "Cục Trồng trọt đang xây dựng chương trình sản xuất rau an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho 900.000ha để phục vụ cho hơn 90 triệu người dân thụ hưởng" - ông Nguyễn Như Cường - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) nói với phóng viên NTNN/Dân Việt. Hiện nay xu hướng sản xuất nông sản sạch,...