Thông tư 30 về đánh giá HS tiểu học: lãng phí, đối phó và hình thức
PN – Thế là học kỳ I đã kết thúc, thông tư 30 đã được áp dụng trên toàn quốc, học sinh có phần nào giảm áp lực về điểm số hàng tháng nhưng hiệu quả về mặt giáo dục nhân cách, về tính khuyến khích… không đạt bao nhiêu vì thông tư này còn nhiều bất hợp lý khi đi vào thực tế.
Ảnh: Nhân Tiến
Thứ nhất, tại sao đã phê hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng vào bài làm cho học sinh, lại còn kiểm tra đánh giá bằng điểm số cuối kỳ? Đúng ra, cuối kỳ cho các em làm bài xong, cũng phải đánh giá bằng nhận xét luôn thì mới đồng bộ chứ? Điều này chứng tỏ lập luận Bộ đưa ra là “giảm áp lực cho học sinh tiểu học” chỉ là khẩu hiệu.
Thứ hai, trên lý thuyết, hàng ngày học sinh không bị áp lực điểm số nhưng phần lớn tại các trung tâm thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội…vẫn đến nhà cô học thêm và cô giáo vẫn cho điểm các cháu khi đi học thêm. Thật tội cho đứa bé, sáng trên lớp cô phê vào vở: “Con rất ngoan, nhưng cần làm cẩn thận nhé”, tối đi học thêm thì cô cho 5 điểm.
Rõ ràng, học thêm ở tiểu học không thể cấm được, không thể dứt được sau khi thông tư 30 ra đời, chứng tỏ về mặt loại bỏ học thêm từ thông tư 30 là không hiệu quả. Dù Bộ ra lệnh cấm, Sở ra lệnh cấm giáo viên tiểu học dạy thêm nhưng lệnh cấm này không triệt để, có chỗ thì canh bắt giáo viên dạy thêm như tội phạm, có nơi vẫn thả lỏng. Vậy rõ ràng, một lần nữa, thông tư 30 cũng không giải quyết được tình trạng học thêm ở tiểu học.
Có giáo viên còn nói vui, “nhờ có thông tư 30, tôi còn dạy thêm được nhiều hơn vì phụ huynh không biết con họ học thế nào, thi cuối kỳ lại cho điểm, nên học sinh học thêm tăng vùn vụt”.
Thứ ba, giáo viên mất quá nhiều thời gian, công sức, bút bi để hoàn thành sổ liên lạc, sổ chủ nhiệm, sổ điểm và học bạ. Lúc trước, chỉ cần hai buổi làm việc khoảng 8 tiếng đồng hồ là xong hồ sơ sổ sách, nay mỗi giáo viên phải làm bình quân từ hơn nửa tháng với điều kiện phải viết để phê liên tục đến 2 – 3 giờ sáng mới kịp tiến độ. Và phần lớn lời phê dành cho học sinh đều được tải trên mạng xuống, do một ai đó thương nỗi khổ giáo viên tiểu học soạn sẵn.
Phê theo kiểu soạn sẵn đó thì chỉ hoàn toàn đối phó chứ không mang tính động viên, khuyến khích gì. Mà giáo viên cũng không có tài nào nghĩ ra gần 400 câu để phê cho cả lớp (tính bình quân mỗi lớp 40 học sinh, một học sinh cần phê một câu cho một môn)….
Khi phát sổ liên lạc cho học sinh, phần lớn giáo viên cũng nhấn mạnh vào điểm thi, phụ huynh cũng nhìn vào điểm số vì ai cũng biết những dòng phê kia chỉ để người lớn làm vui lòng nhau.Vậy thử hỏi phê để làm chi?
Chưa kể, một số trường tiểu học còn bắt giáo viên nhập tất cả lời phê vào trang smas.edu.vn, khiến họ nhập ngày nhập đêm để hoàn thành hồ sơ sổ sách nhằm không bị trừ điểm thi đua.
Ảnh: Nhân Tiến
Nếu thật sự nghiên cứu kỹ, có cái nhìn rộng và nghĩ đến sự vất vả cực nhọc của giáo viên tiểu học thì tôi nghĩ Bộ chỉ cần yêu cầu giáo viên làm một việc duy nhất, nhập lời phê, nhập điểm trên smas.edu.vn rồi in ra, dán vào sổ điểm, sổ liên lạc, sổ chủ nhiệm….Thậm chí không cần lỉnh kỉnh sổ sách như hiện nay để quản lý khi công nghệ thông tin đã bước qua thời kỳ “công nghệ đám mây” có thể lưu trữ gần như vô tận.
Phải chăng, Bộ đưa ra nhiều sổ sách như thế nhằm tăng nguồn thu cho một nhóm lợi ích như nhà thiết kế, nhà in, nhà xuất bản, bộ phận biên soạn…?
Nếu cứ tính bình quân một học sinh tiểu học, một giáo viên tốn 40.000 đồng để trang bị sổ liên lạc, học bạ thì cả nước đã đi toi hàng ngàn tỉ đồng cho những lời nhận xét vô hồn, vô bổ, chỉ mang tính đối phó.
Điều cơ bản là tăng lương, trang bị cho giáo viên tiểu học những kỹ năng mà họ còn thiếu, tập những thói quen tốt cho học sinh tiểu học như xếp hàng, biết cảm ơn, biết tự phục vụ, biết yêu lao động, biết trải nghiệm thực tế, biết tôn trọng những người lao động chân chính… thì Bộ làm qua loa, hoặc không bao giờ làm.
Còn áp dụng theo nước ngoài thì Bộ có bao giờ tự hỏi nó có phù hợp với tình hình, có cần cải cách gì không? Hay khi có một quyết định nào mới thì cứ đổ bừa là “học tập nền giáo dục tiên tiến nước bạn” cho xong chuyện?
Theo Phunuonline
Video đang HOT
Trò lười, cô quá tải, gia đình khó kiểm soát sau một kỳ áp Thông tư 30
Việc thay đổi hoàn toàn cách đánh giá đã khiến cho học sinh có giảm áp lực về việc học nhưng lại mất dần động cơ phấn đấu, đua tranh với nhau.
Thông tư 30: Thầy cô mướt mải chạy theo học tròBăn khoăn sau một học kỳ không chấm điểm tiểu họcLạ lẫm Giấy khen "Học sinh giỏi về kiến thức - năng lực"Bỏ chấm điểm tiểu học ở vùng cao, làm sao để trẻ biết mình đã học được gì?
" Nhìn lại Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sau học kỳ I năm học 2014 - 2015" là bài viết của TS Ngô Gia Võ - Trưởng khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư pham, Đại học Thái Nguyên gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Là người trực tiếp tham gia công tác tập huấn ngay từ buổi đầu khi Thông tư được triển khai; trực tiếp giảng dạy và tiếp xúc với các giáo viên tiêu học, TS Ngô Gia Võ đã có những đánh giá, nhận xét về việc triển khai và thực hiện Thông tư này sau một học kỳ. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu được thực hiện từ ngày 15/10/2014, tính đến nay đã hơn 3 tháng. Học kỳ I năm học 2014 - 2015 đã khép lại. Những quy định, hướng dẫn của Thông tư cơ bản đã được các trường tiểu học cả nước nghiêm túc thực hiện. Qua khảo sát, tìm hiểu việc thực hiện Thông tư này ở nhiều địa phương, chúng tôi có một số nhận xét đánh giá sau:
1. Giáo viên quá tải
Đối với giáo viên chủ nhiệm lớp, việc nhận xét bằng lời với học sinh theo từng ngày, từng tuần, từng tháng và cả học kỳ mặc dù có vất vả hơn cách đánh giá cũ nhưng vẫn thực hiện được vì số lượng học sinh trong 1 lớp không nhiều.
Tuy nhiên, đối với giáo viên bộ môn, đặc biệt những bộ môn đặc thù như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục... thì quả là một gánh nặng khủng khiếp. Nhiều giáo viên không thể đảm đương nổi. Nhiều trường tiểu học chỉ có 1 giáo viên dạy môn này. Việc ghi hàng nghìn lời nhận xét vào hai cuốn sổ đúng là một cực hình. Giáo viên phải làm ngày làm đêm, thậm chí sáng hôm sau đến lớp vẫn phải tiếp tục nhận xét cho kịp.
Điều đó dẫn đến tình trạng đến lớp, nhiều giáo viên cho học sinh tự quản, còn mình thì ngồi lì một chỗ, cắm đầu... ghi chú.
Mặt khác, tạo ra sự qua quýt, đối phó, cố làm cho xong thủ tục, dẫn tới thói quen làm việc tùy tiện, giả dối ở người giáo viên. Lâu dần sẽ thành căn bệnh trầm kha, khó có phương thuốc nào chữa trị được. Chúng tôi đã gặp gỡ, trao đổi với hàng trăm giáo viên và cán bộ quản lý trường tiểu học, họ đều cho rằng: Chưa bao giờ họ vất vả, căng thẳng và bức xúc như hiện nay.
2. Học sinh lười học
Hầu hết giáo viên và phụ huynh học sinh cho biết từ ngày áp dụng Thông tư 30, con em họ lười học hẳn đi. Đặc biệt, đối với học sinh lớp 2, 3, 4, 5. Việc thay đổi hoàn toàn cách đánh giá đã khiến cho học sinh có giảm áp lực về việc học nhưng lại mất dần động cơ phấn đấu, đua tranh với nhau.
Các lớp này đã quen với kiểu đánh giá cho điểm, tạo ra động lực thôi thúc theo từng ngày, từng bài, từng tuần; nay giáo viên chỉ ghi nhận xét, cho nên học sinh rất khó đánh giá cụ thể và chính xác mức độ và trình độ của chính mình.
Việc thay đổi hoàn toàn cách đánh giá đã khiến cho học sinh có giảm áp lực về việc học nhưng lại mất dần động cơ phấn đấu, đua tranh với nhau. Ảnh minh hoạ (Nguồn: internet)
Đối với những học sinh yếu kém thì việc giúp các em cố gắng vươn lên là một vấn đề nan giải. Việc phân loai học sinh rất khó khi hết học kỳ I vì chỉ có hai mức xếp loại: Đạt và Không đạt.
Quan điểm cào bằng và bình quân trong đánh giá cũng làm mất dần hứng thú học tập ở các em. Trong điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa như ở nước ta hiện nay, cách đánh giá học sinh chia làm nhiều loại: Xuất sắc - Giỏi - Khá - Trung bình - Yếu - Kém như cũ vẫn tỏ ra phù hợp và thiết thực hơn nhiều.
Đặc biệt vô lý là bài kiểm tra định kỳ, giáo viên không được cho điểm 0 (không). Vậy những trường hợp học sinh bỏ giấy trắng hoặc viết lung tung vào bài kiểm tra thì giải quyết như thế nào?
Chả lẽ giáo viên cũng phải nhắm mắt cho 1 hoặc 2 điểm hay sao? Trong khi ở các cấp học trên vẫn chấm điểm, vẫn có điểm 0 (không), việc bỏ điểm 0 (không) ở tiểu học chẳng có một căn cứ nào cả.
3. Gia đình khó kiểm soát
Nếu giáo viên ghi nhận xét cụ thể, chi tiết thì gia đình có thể kiểm soát được tình trạng học tập của con em mình và có cách phối hợp giáo dục hiệu quả với nhà trường. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không có thì giờ và điều kiện để quan tâm thường xuyên, hàng ngày tới con cái.
Do đó, việc nắm bắt chính xác thực trạng học tập của con em mình qua nhận xét là điều rất khó. Ấy là còn chưa kể đến những vùng nông thôn nghèo, vùng núi xa xôi, vùng kinh tế khó khăn, mặt bằng dân trí thấp, thì gần như việc nhận xét bằng lời của giáo viên chẳng có tác dụng gì.
Đặc biệt, đã xảy ra những trường hợp gia đình thắc mắc, khiếu nại vì con em họ được giấy khen nhưng kết thúc học kỳ vẫn thuộc loại học sinh không đạt.
Bởi vì đánh giá theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh cho phép người giáo viên có thể khen từng môn, từng năng khiếu của các em như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Toán, Tiếng Việt...
Không ít trường hợp học sinh chỉ giỏi một môn, còn các môn kia lại yếu. Nhiều cha mẹ học sinh là người dân tộc thiểu số đến nhà trường thắc mắc: "Con tôi được giấy khen sao nó vẫn không đạt?".
Giải thích cho đối tượng này không dễ và cũng mất khá nhiều thì giờ.
4. Cách kiểm tra đánh giá ở các vùng, các địa phương, các trường rất khác nhau.
Chúng tôi nhận thấy đây là điều bất cập nhất trong việc thực hiện Thông tư 30. Những hướng dẫn, giải trình trong Thông tư chưa đủ cụ thể, chính xác để tạo ra mặt bằng thực hiện ở mọi trường tiểu học.
Nhiều đoạn, nhiều ý vẫn còn mang tính mở, có thể hiểu và vận dụng khác nhau. Vì vậy, dẫn tới tình trạng nơi làm thế này, nơi làm thế kia là đương nhiên.
Tất nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử chuyên gia đi tập huấn ở nhiều nơi để khắc phục tình trạng đó và để Thông tư 30 đi vào đời sống một cách hiệu quả. Tuy nhiên, việc tập huấn cũng có nhiều điểm phải bàn bạc và xem xét.
Tôi đã có dịp tham gia một buổi tập huấn 4 giờ liền do một chuyên gia giỏi của Bộ, đồng thời cũng là một trong những người chắp bút Thông tư 30 trình bày. Tuy nhiên, bản thân tôi nhận thấy hiệu quả Tập huấn chưa cao, thời gian không đủ; ấy là còn chưa kể đến trình độ giáo viên giữa các vùng miền, các cơ sở đào tạo rất khác nhau.
Việc tiếp thu và lĩnh hội nội dung, kiến thức tập huấn ở mỗi cấp từ Bộ xuống Sở Giáo dục, xuống Phòng Giáo dục , xuống Trường tiểu học đã rơi rụng dần, tạo ra mặt bằng nhận thức về Thông tư 30 không đồng đều.
Ví dụ, giáo viên ở các thành phố lớn có điều kiện kinh tế văn hóa cao tất nhiên giỏi hơn giáo viên ở các tỉnh lẻ, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Do vậy, việc thực hiện thông tư này rơi vào thực trạng: Mặt bằng đánh giá không đều, kết quả đánh giá lởm khởm như một lần chúng tôi đã đề cập đến.
5. Nguồn gốc của vấn đề
Nguyên nhân sâu xa là cách triển khai Thông tư 30 của Bộ chưa đủ độ chín và thiếu cơ sở khoa học.
Chúng ta đều biết, việc thay đổi, xây dựng và phát triển một chương trình đào tạo hoặc giáo dục là một khoa học, có tầm quan trọng đặc biệt tạo ra chất lượng và kết quả giáo dục.
Tất cả các khâu trong quá trình này gắn bó vô cùng mật thiết, không thể tách rời hoặc đứng độc lập: Từ việc xác định mục tiêu giáo dục, chuẩn đầu ra của các cấp học, chuẩn nghề nghiệp của giáo viên, nội dung chương trình sách giáo khoa, phương pháp và cách thức giáo dục, phương pháp kiểm tra đánh giá... tất cả nằm trong một hệ thống chặt chẽ, hết sức khoa học.
Việc đột nhiên thay đổi cách kiểm tra đánh giá học sinh tiểu học trong khi vẫn dùng sách giáo khoa cũ là điều hết sức vô lý, phản khoa học.
Hàng mấy chục vạn giáo viên tiểu học đang lên lớp ở đất nước này vốn được đào tạo theo định hướng giáo dục cũ, trang bị kiến thức cho học sinh là chính.
Sách giáo khoa theo định hướng trang bị kiến thức thì cách đánh giá cho điểm là hợp lý. Giáo viên đã quá quen với cách đánh giá cũ thì làm sao chuyển đổi kịp với Thông tư.
Họ cần phải có thời gian để học lại, đào tạo lại. Và đặc biệt, cần phải có một bộ sách giáo khoa hoàn toàn mới theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất ở người học thì cách đánh giá này mới phù hợp.
Việc tách rời khâu kiểm tra đánh giá ra khỏi khoa học phát triển chương trình giáo dục là một việc làm vội vã, cẩu thả, duy ý chí, đã tạo ra rất nhiều hệ lụy như hiện nay.
Lẽ ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên làm từ từ, từng bước một hoặc thí điểm ở một số nơi trước rồi tổ chức tổng kết, trao đổi, rút kinh nghiệm, sau đó mới tiến hành đồng bộ trên phạm vi cả nước.
Hoặc chí ít chỉ nên áp dụng ở lớp 1 trong năm học 2014 - 2015, năm học sau sẽ đến lớp 2; cứ thế, sau 5 năm ta sẽ có một phương pháp kiểm tra đánh giá hoàn toàn mới và khoa học; đáp ứng được mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đất nước như Nghị quyết của Đảng.
Lớp 2, 3, 4, 5 do đã quá quen với việc đánh giá theo điểm thì ta cứ giữ nguyên. Như thế, sẽ tránh được sự lởm khởm, linh tinh, kém hiệu quả ở các vùng miền.
Việc đổi mới cách kiểm tra đánh giá theo Thông tư 30 sẽ nâng cao ý thức nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm cho người giáo viên.
Nhưng cũng yêu cầu giáo viên lao động vất vả hơn, nhiều thời gian và tâm huyết hơn, dẫn đến tình trạng quá tải. Điều đó còn phải tính đến thu nhập và mức sống của đội ngũ thầy cô giáo nữa.
Với đồng lương hiện nay, hai vợ chồng nhà giáo nuôi hai con ăn học luôn rơi vào tình trạng túng thiếu, kham khổ. Nhiều nhà giáo phải dạy thêm, dạy kèm, phải chăn nuôi, tăng gia hoặc làm thêm các công việc khác để kiếm sống.
Tình trạng lương thấp, bắt làm nhiều thì làm sao có thể làm việc nghiêm túc, cẩn thận được. Đó là thực tế nhức nhói mà rất nhiều thầy cô giáo ngại nói đến vì danh dự và trách nhiệm nghề nghiệp.
Thực tế cho thấy, hầu hết giáo viên và cả đội ngũ quản lý của các trường tiểu học đều rất bức xúc sau khi thực hiện Thông tư 30 của Bộ qua một học kỳ.
Tất nhiên, cũng có một số trường, một số giáo viên do mắc bệnh thành tích vẫn cứ phát biểu theo kiểu tán thành chung chung như: Cũng được, cũng hay, tương đối tốt. Xuất hiện tình trạng trước mặt lãnh đạo thì không dám nói thật, về nhà về trường thì bàn tán, chê bai, cáu kỉnh, tức giận...
Chúng tôi nghĩ rằng các chuyên gia ở Vụ Tiểu học của Bộ đã học tập cách đánh giá này ở những nước tiên tiến, áp dụng vào nước ta một cách quá vội vàng.
Ở những nước ấy, mọi thứ đều hơn hẳn xứ mình, giáo viên có mức thu nhập cao, có vị thế xã hội khác với ta, họ mới làm được như thế.
Vội vàng thay đổi là cách làm tùy tiện, thiếu cân nhắc, đem hàng mấy chục vạn giáo viên và hàng triệu học sinh ra làm vật thí nghiệm sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường.
Vắc xin phòng dịch bệnh, người ta còn phải thử nghiệm trên chuột trước, rồi mới đến một số người dũng cảm tự nguyện, cuối cùng mới sử dụng đại trà.
Chúng tôi đề nghị Báo Giáo dục Việt Nam mở một cuộc điều tra sâu rộng đối với toàn bộ giáo viên tiểu học cả nước; hình thức điều tra có thể phát phiếu thăm dò, cũng có thể công khai trên mạng Internet, giáo viên không cần thiết phải ghi tên, ghi trường của mình để cho thật khách quan.
Có thể đưa ra các mục như: Đồng ý - Không đồng ý, Phù hợp - Không phù hợp, Tốt - Không tốt, để giáo viên dễ tích vào đó ý kiến của mình về Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT. Cũng có thể tham khảo thêm ý kiến của cha mẹ học sinh. Chúng tôi tin rằng kết quả điều tra sẽ là một lời cảnh tỉnh có giá trị.
Theo giaoduc.net
Đánh giá học sinh tiểu học: đóng dấu thay lời phê Sau một tuần triển khai đổi mới đánh giá học sinh tiểu học, nhiều giáo viên đã có những sáng kiến khác nhau để vượt qua khó khăn về khối lượng công việc đội lên. Một phụ huynh có con học trường tiểu học Kim Liên (Hà Nội) cho biết: "Thay vào việc cho điểm, giờ đây trong vở của con tôi chỉ...